Lập lờ đào tạo thạc sĩ
Hiện tại một số đơn vị thực hiện tuyển sinh, giảng dạy chương trình thạc sĩ trong nước và quốc tế với các thông tin thiếu rõ ràng, trái quy định.
Lập lờ đào tạo thạc sĩ
Hiện tại một số đơn vị thực hiện tuyển sinh, giảng dạy chương trình thạc sĩ trong nước và quốc tế với các thông tin thiếu rõ ràng, trái quy định.IBM cho rằng chỉ tổ chức giảng dạy, chứ không đào tạo thạc sĩ theo chương trình của UBIS – Ảnh: M.G.
Vì vậy, người học cần cẩn thận trước khi lựa chọn một địa chỉ để theo học.
Quốc tế kiểu gì?
Trang web ubis-geneva.org thông báo tuyển sinh chương trình thạc sĩ quản trị trực tuyến của ĐH UBIS Thụy Sĩ tại Việt Nam bằng tiếng Việt và cho biết có các điểm đào tạo ở TP.HCM, Cần Thơ, Vũng Tàu và Đà Nẵng.
Chúng tôi đến địa chỉ tại TP.HCM ghi trên trang web này, đó là Viện Quản lý kinh doanh quốc tế (IBM). Khi biết chúng tôi cần tìm hiểu về ngành quản trị kinh doanh, nhân viên tư vấn cho biết đây là chương trình online, làm bài thi trên hệ thống. Tuy đào tạo trực tuyến nhưng trên bằng tốt nghiệp, bảng điểm không thể hiện đó là chương trình online.
Chương trình giới thiệu uy tín và chất lượng hàng đầu nhưng chúng tôi đặt vấn đề có được công nhận tại Việt Nam không, nhân viên tại IBM tư vấn học viên được cấp bằng thạc sĩ chính quy có giá trị quốc tế nhưng hiện tại chưa thông qua Bộ GD-ĐT, chương trình chưa được bộ công nhận.
Cụ thể hơn về chương trình học, nhân viên này cho biết quá trình đào tạo, học viên học trực tuyến kết hợp bồi dưỡng huấn luyện chuyên đề tại IBM. Đa số giảng viên là người Việt nhằm bồi dưỡng kiến thức chuyên đề, giải đáp thắc mắc, định hướng và hướng dẫn học viên làm bài.
Ngoài hệ thống tài liệu của UBIS bằng tiếng Anh còn có hệ thống hỗ trợ của IBM bao gồm tài liệu song ngữ, Việt hóa một phần tài liệu UBIS, tóm tắt nội dung chính của môn học.
“Tổng thời gian học 16-18 tháng, có tất cả 13 môn học và 1 luận văn. Mỗi tháng mở 1 môn, học 2 ngày cuối tuần tại IBM. Đối với phần luận văn, nếu học viên tự tin tiếng Anh có thể bảo vệ trước hội đồng UBIS.
Ngoài ra, học viên cũng có thể chọn bảo vệ trước hội đồng của IBM với giảng viên Việt Nam hoặc chọn phương án thẩm định (tiếng Anh kém) – chấm điểm luận văn, không có điểm cộng bảo vệ nhưng 70 điểm là qua rồi” – nhân viên tư vấn thêm.
“Giảng dạy chứ không đào tạo”!
Trao đổi về pháp lý chương trình, TS Phạm Quang Vinh – viện trưởng IBM – cho biết đây không phải là chương trình liên kết đào tạo. Học viên ký hợp đồng học tập với ĐH UBIS Thụy Sĩ. ”Chúng tôi chỉ tổ chức giảng dạy, hỗ trợ học tập chứ không đào tạo” – ông Vinh nói.
Chúng tôi đặt vấn đề chính nhân viên tư vấn rõ: chương trình gồm 13 môn, học tại IBM, bảo vệ luận án trước hội đồng IBM như thế có phải tổ chức đào tạo?
Ông Vinh cho rằng nhân viên tư vấn nhầm, huấn luyện chuyên đề chứ không phải môn học. IBM là đối tác khoa học của UBIS. IBM chỉ tổ chức dạy các chuyên đề liên quan đến môn học để người học có kiến thức theo học chương trình trực tuyến của UBIS.
“Hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ của IBM là cánh tay nối dài của UBIS để hỗ trợ, chứ không có quyền quyết định. Việc cho điểm, đánh giá luận văn do UBIS quyết định” – ông Vinh nói.
Viện tuyển sinh thạc sĩ còn hơn ĐH
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh (EBM) tại TP.HCM có chức năng nghiên cứu và đào tạo các khóa ngắn hạn nhưng cũng treo bảng thông báo tuyển sinh 5 ngành thạc sĩ khác nhau. Trong đó thông báo tuyển sinh thạc sĩ quản lý công của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội của viện này ghi rõ: tổ chức ôn thi, thi tuyển và học tại EBM.
Chúng tôi liên hệ hỏi chương trình thạc sĩ luật thì được nhân viên ở đây cho biết đó là chương trình của Trường ĐH H. (Hà Nội). “Thi đầu vào phải ra Hà Nội thi, việc học và thi kết thúc môn diễn ra tại EBM” – nhân viên tư vấn nói.
Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Vũ Văn Hóa – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội – cho biết có phối hợp với EBM tuyển sinh thạc sĩ quản lý công nhưng toàn bộ thí sinh phải dự thi, bảo vệ luận văn tại cơ sở chính của trường, không dự thi tại TP.HCM.
“Mặc dù việc tuyển sinh ngoài trường không được bộ cho phép, nhưng cũng đã có trường làm rồi nên chúng tôi mới làm. Quy chế của bộ hơi cứng, không cấm cũng không cho phép. Nên có một văn bản thống nhất, nếu không cho phép thì cấm hẳn. Chúng tôi được phép liên kết với một số đơn vị ở phía Nam đào tạo thạc sĩ cho khu vực “3 Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ – PV)” - ông Hóa nói thêm.
Ông Hóa xác nhận với chúng tôi có phối hợp tuyển sinh, đào tạo nhưng trong giải trình gửi Bộ GD-ĐT, trường này lại khẳng định không hợp tác đào tạo thạc sĩ với EBM. Trường chỉ gửi thông báo tuyển sinh tới một số địa phương, trong đó có EBM, nhằm quảng bá tuyển sinh!
Phải thực hiện đúng quy định pháp luật
Bà Nguyễn Thu Thủy – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ quy định rõ địa điểm đào tạo trình độ thạc sĩ là trụ sở của cơ sở đào tạo. Trường hợp cần thiết, đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức đào tạo một phần chương trình ở ngoài cơ sở đào tạo.
Cũng theo bà Thủy, hiện không có bất cứ chương trình liên kết đào tạo trực tuyến nào của UBIS được cấp phép tại Việt Nam. Cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo hình thức trực tuyến tại Việt Nam cần phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Nghị định 73/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định chỉ cho phép thực hiện theo hình thức đào tạo trực tiếp theo chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên xây dựng; thực hiện toàn bộ chương trình tại Việt Nam hoặc một phần chương trình tại Việt Nam, một phần chương trình tại nước ngoài.
Nghị định số 86/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã bổ sung hình thức được phép liên kết đào tạo với nước ngoài bao gồm: liên kết đào tạo trực tiếp, liên kết đào tạo trực tuyến (online), liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hiện Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện thông tư hướng dẫn, trong đó có quy định cụ thể về liên kết đào tạo với nước ngoài theo hình thức đào tạo trực tuyến.