26/11/2024

‘Cuộc cách mạng’ thịt làm từ rau

Chịu ảnh hưởng từ nhiều phong trào như ‘ăn xanh’ vì sức khoẻ, bảo vệ môi trường và động vật, tại nhiều nước phát triển, nhất là Mỹ, các loại thịt có nguồn gốc thực vật (rau) đang thực sự bùng nổ.

 

‘Cuộc cách mạng’ thịt làm từ rau

Chịu ảnh hưởng từ nhiều phong trào như ‘ăn xanh’ vì sức khoẻ, bảo vệ môi trường và động vật, tại nhiều nước phát triển, nhất là Mỹ, các loại thịt có nguồn gốc thực vật (rau) đang thực sự bùng nổ.


 

Cuộc cách mạng thịt làm từ rau - Ảnh 1.

Một sản phẩm thịt làm từ rau của Công ty Beyond Meat tại cửa hàng ở Port Washington, New York, Mỹ – Ảnh: Reuters

 

Từ nay tới cuối năm, theo Hãng tin Reuters, các cửa hàng bán lẻ sẽ có thêm một loạt đồ ăn làm từ thịt có gốc thực vật, tạm gọi là “thịt chay“.

Hãng Impossible Burger hiện cung cấp đồ ăn thịt chay ở hơn 5.000 nhà hàng tại Mỹ, Hong Kong, Macau và Singapore. Hãng Beyong Burger bán thực phẩm này tại hơn 35.000 điểm, trong đó có nhiều khu ăn uống tại các siêu thị.

Hấp dẫn các ông lớn

Tờ USA Today dùng cụm từ “cuộc cách mạng không thịt” để mô tả xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt từ đầu năm 2019 đến nay.

Đầu tháng này, Hãng Subway công bố kế hoạch thử nghiệm loại protein gốc thực vật tại gần 700 nhà hàng. Đây là dự án hợp tác kinh doanh của họ với nhà sản xuất đồ ăn từ thực vật Beyond Meat.

Chi nhánh Beyond Meat Marinara của Beyond Meat sẽ thử nghiệm các sản phẩm “thịt chay” này tại các nhà hàng ở Jackson (Mississippi), South Bend (Indiana), Fresno (California), Louisville (Kentucky) và Harrisburg (Pennsylvania).

Trong tháng 7, Hãng Dunkin’ cũng có kế hoạch hợp tác với Beyond Meat để tung sản phẩm sandwich sáng với “thịt chay”. Một loạt nhà hàng bán đồ ăn nhanh (fast-food) và các nhà hàng bình dân (fast-casual) như Burger King, Del Taco, Red Robin, Blaze Pizza và Qdoba Mexican Eats cũng đã nhập cuộc.

Các nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất của Mỹ như Aramark (mỗi năm phục vụ 2 tỉ bữa ăn) và Sodexo với 420.000 nhân viên và 34.000 địa điểm, phục vụ hàng triệu bữa ăn mỗi ngày, đều đã ký thỏa thuận hợp tác với các nhà sản xuất “thịt chay”. Không lâu nữa, đồ ăn “thịt chay” sẽ tràn ngập các quán ăn công sở, bệnh viện, tiệm ăn nhanh…

Từ thực tế này, Phố Wall thời gian qua cũng ghi nhận xu thế đầu tư mạnh vào nhóm cổ phiếu của các công ty chuyên sản xuất đồ ăn gốc thực vật.

Trong tháng 5, Hãng Impossible Foods công bố kêu gọi được 300 triệu USD để phát triển đồ ăn “thịt chay”. Cũng như thế, gần đây nhất, hai công ty Tim Hortons và Subway kêu gọi được 240 triệu USD trong phiên phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của họ hồi tháng 5.

 

Từ thành công vang dội của Công ty Beyond Meat có trụ sở tại California, nhiều hãng chuyên sản xuất thịt thông thường như Nestle SA, Tyson Foods cũng gia nhập thị trường “thịt chay”. Dĩ nhiên còn phải kể tới các “ông lớn” khác như Maple Leaf Foods (Canada), Perdue Foods (Mỹ), Smithfield Foods (Trung Quốc) và Meatless Farm (Anh).

Lo ngại về dinh dưỡng

Ở góc độ sức khỏe, Đài CNN ngày 14-8 dẫn các phân tích của chuyên gia dinh dưỡng Lisa Drayer về “thịt chay”. Theo đó, bà Lisa Drayer cho rằng nếu ai đó chọn ăn “thịt chay” chỉ vì thích vị ngon của nó, hoặc vì lý do tôn giáo, bảo vệ môi trường, động vật thì không vấn đề gì. Song nếu chọn ăn “thịt chay” chỉ vì lý do sức khỏe thì “nên cân nhắc lại”.

Bà lấy ví dụ so sánh, một chiếc burger của Impossible Burger chứa 240 calo, 8 gram mỡ bão hòa (do dùng dầu dừa). Trong khi đó, 80% loại burger bò nạc cũng chứa 280 calo và 9 gram mỡ bão hòa. Rõ ràng không có sự khác biệt lớn, nhưng burger thịt chay không có cholesterol.

Về lượng protein của các bánh burger (cả thịt thật và thịt chay) là như nhau. Cụ thể, bánh của Impossible Burger có 19 gram, của Beyond Burger có 20 gram, các loại burger bò và gà tây thông thường mỗi loại có 19-20 gram, tùy thương hiệu. Ngoài ra, các loại burger thịt chay còn có lượng natri cao hơn burger thịt thật.

Ngoài góc độ khoa học dinh dưỡng, ở Mỹ hiện cũng có một số hãng thực phẩm tuyên bố không bao giờ bán thịt chay. Trang Foxbusiness dẫn quan điểm của ông Kim Lopdrup, CEO Công ty Red Lobster, một người tẩy chay gay gắt hải sản gốc thực vật. Ông gọi nó là thứ “kinh khủng”.

“Mặc dù các loại thực phẩm gốc thực vật tốt cho sức khỏe hơn nhiều thịt đỏ, song dù vậy hải sản vẫn là lựa chọn lành mạnh hơn nhiều” – ông Lopdrup nói.

6,4 tỉ USD

Trang Foxbusiness dẫn nghiên cứu của Hãng MarketsandMarkets cho biết thị trường toàn cầu với những sản phẩm thay thế thịt động vật dự kiến tăng ổn định, từ 4,6 tỉ USD năm 2018 lên 6,4 tỉ USD năm 2023.

Ngoài “thịt chay”, trong tháng 8 này, “JUST Egg” – tên một thực phẩm dùng thay cho trứng làm từ đậu xanh – sẽ được phân phối trên toàn bộ hệ thống 2.100 cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ Kroger ở khắp nước Mỹ.

“Chọc quê” thịt chay bằng… rau làm từ thịt

Một công ty tên Arby’s có từ năm 1964 gần đây có ý tưởng “chọc quê” xu hướng “đu trend” thịt chay của các công ty. Họ tung ra “những loại rau làm từ thịt”. Tháng 7 năm nay, Arby’s công bố đoạn video quảng cáo sản phẩm mới là những củ cà rốt làm từ ức gà tây. Bất kể sự bùng nổ của thị trường thịt chay, chủ trương của Arby’s vẫn là “làm ra những chiếc sandwich to, chất lượng cao, thật nhiều thịt”.

 

D.KIM THOA