Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt với mùa lũ thấp
Nguyên nhân của tình trạng này là lưu vực ít mưa, việc vận hành các hồ thuỷ điện và nhu cầu sử dụng nước tăng lên.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt với mùa lũ thấp
Nguyên nhân của tình trạng này là lưu vực ít mưa, việc vận hành các hồ thuỷ điện và nhu cầu sử dụng nước tăng lên.
Mực nước và dòng chảy sông Mê Kông sụt giảm mạnh từ giữa tháng 6 vừa qua Ảnh: Hoàng Thiện
Văn phòng thường trực Uỷ ban Sông Mê Kông VN vừa có cảnh báo về tình trạng sông Mê Kông đang diễn biến xấu, khi mực nước giảm mạnh; đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đối mặt với mùa lũ thấp, thậm chí không có lũ; một mùa khô khắc nghiệt, xâm nhập mặn tăng.
Cơ quan này dẫn thông tin từ mạng lưới quan trắc thủy văn từ Lào và Thái Lan cho thấy, mực nước ở tất cả các trạm quan trắc trên dòng chính sông Mê Kông đều giảm mạnh, nhất là từ tháng 6 vừa qua. Cụ thể, trong tháng 7, tại Chiềng Sẻn (Thái Lan), mực nước và dòng chảy trung bình của sông Mê Kông giảm 2,89 m và 70% so với dòng chảy trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Tại Vientiane (Lào), mực nước và dòng chảy trung bình sụt giảm so với TBNN cùng thời kỳ là 4,47 m và 75%.
Ở VN, tại các trạm Tân Châu và Châu Đốc, mực nước bắt đầu xuống thấp hơn mực nước TBNN từ ngày 18.6. Trong tháng 7, mực nước ở 2 trạm này thường xuyên thấp hơn mực nước TBNN từ 0,8 – 2,3 m. Tương tự, dòng chảy ở Tân Châu và Châu Đốc cũng thấp hơn dòng chảy TBNN tới 14.000 m3/giây, giảm tới 75% dòng chảy TBNN cùng thời kỳ trong tháng 7 tại 2 trạm này.
Nguyên nhân của tình trạng này là lưu vực ít mưa, việc vận hành các hồ thủy điện và nhu cầu sử dụng nước tăng lên. Cụ thể, lượng mưa ở Vân Nam (Trung Quốc) đầu mùa lũ 2019 giảm bất thường, khu vực giữa Lào và Thái Lan cũng có lượng mưa thấp, chỉ đạt 30 – 50% lượng mưa TBNN. Việc vận hành các đập thuỷ điện trên sông Mê Kông như Cảnh Hồng (Trung Quốc), Xayaburi (Lào) cũng là nguyên nhân khiến sông này cạn nước.
LÊ QUÂN