Nơm nớp lo vỡ đập thuỷ điện mùa mưa lũ
Sự cố kẹt van xả đáy đập thuỷ điện Đắk Kar những ngày qua thêm lời cảnh báo về an toàn của hàng loạt công trình thuỷ điện vừa và nhỏ ở miền Trung, Tây nguyên trong mùa mưa lũ.
Nơm nớp lo vỡ đập thuỷ điện mùa mưa lũ
Sự cố kẹt van xả đáy đập thuỷ điện Đắk Kar những ngày qua thêm lời cảnh báo về an toàn của hàng loạt công trình thuỷ điện vừa và nhỏ ở miền Trung, Tây nguyên trong mùa mưa lũ.
Đập Đắk Kar thời điểm nước dâng ở mức nguy hiểm ngày 9.8
Đến chiều qua (10.8), Công ty CP thủy điện Đắk Kar tiếp tục tìm cách kéo các cửa van xả của đập thủy điện Đắk Kar lên thêm. Hiện 2 cửa van xả đã được nâng lên từ 60 – 80 cm. Đơn vị cũng điều tiết xả lũ theo yêu cầu của chính quyền các địa phương phía hạ du để không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Lượng nước trên hồ thủy điện Đắk Kar đang giảm về ngưỡng an toàn, nhưng sự cố kẹt van vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn.
“Chủ đầu tư thủy điện quá chủ quan”
Tiếp xúc với báo chí, ông Chu Văn Quyền, Giám đốc Công ty CP thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông), cho biết sự cố kẹt van cửa xả nước tại đập thủy điện gần được khắc phục. Theo ông Quyền, những ngày trước thời điểm xảy ra sự cố, lượng mưa trên địa bàn bất ngờ tăng mạnh khiến nước hồ tăng lên hơn 12 triệu m3, trong khi dung tích thiết kế chỉ 11,6 triệu m3. “Thủy điện lần đầu tích nước nên khi lũ lớn, gỗ củi trôi về nhiều. Sự cố kẹt van cửa xả do gỗ củi chèn khiến các phay không kéo lên được”, ông Quyền nói.
Ngoài sự cố kẹt van xả, đập thủy điện Đắk Kar còn bị vỡ ống áp lực Ảnh: Nguyên Bình
|
Trong khi đó, ông Lê Viết Thuận, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, cho rằng chủ đầu tư quá chủ quan, không nắm dự báo thời tiết mưa lớn để có phương án đối phó phù hợp. Theo ông Thuận, thông tin nguyên nhân kẹt van cửa xả do gỗ củi trôi về là không thuyết phục.
Khắc phục sự cố kẹt van tại thủy điện Đắk Kar Ảnh: Hoàng Giáp
|
“Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, chuyên môn, thì tôi thấy việc kẹt do gỗ củi khó xảy ra. Cửa van cao 8 m, gỗ củi trôi về thường nổi trên mặt nước chứ không thể chìm xuống dưới để kẹt cửa van. Tôi cho rằng có thể đơn vị thi công chưa làm xong phần dàn nâng cửa van. Những ngày qua, chúng tôi kiểm tra cũng không thấy gỗ kẹt dưới phay tràn được lấy ra. Tuy vậy, tôi không thể đánh giá cụ thể nguyên nhân phần kỹ thuật”, ông Thuận nói.
Hạ du vẫn nơm nớp lo
Liên quan đến việc ứng phó sự cố thủy điện Đắk Kar, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện nay khoảng 300 hộ dân tại khu vực hạ du sông Đồng Nai, thuộc H.Cát Tiên và H.Đạ Tẻh sẵn sàng sơ tán khẩn cấp, nếu xảy ra sự cố.
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND H.Cát Tiên, cho biết Cát Tiên giáp ranh với thủy điện Đắk Kar, khi biết thông tin thủy điện này gặp sự cố có thể vỡ đập sẽ ảnh hưởng đến nhà dân của huyện khiến ông không ngủ được. “Cứ thấy mưa là lo, liên tục liên lạc với giám đốc dự án thủy điện Đắk Kar để nắm tình hình. Đập thủy điện ở phía trên, mình bên dưới không lo sao được! Lãnh đạo địa phương phải trực tiếp đến những địa bàn xung yếu thông tin cho người dân về tình hình thủy điện để họ nắm và sẵn sàng phối hợp ứng phó lỡ sự cố bể đập xảy ra”, ông Hùng nói. Tương tự, ông Lê Mậu Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Đạ Tẻh, chia sẻ: “Nước lũ trên địa bàn huyện đang dâng cao, lại nghe thông tin sự cố đập thủy điện Đắk Kar nên rất lo lắng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Long, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Bù Đăng (Bình Phước), cho biết huyện phải vận động di chuyển người và tài sản của 220 hộ dân đến vùng an toàn, sau khi bất ngờ xảy ra sự cố đập thủy điện Đắk Kar.
Theo ông Lê Viết Thuận, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa gửi thông tin dự báo thời tiết tốt hơn trong 5 ngày tới cho các địa phương liên quan tham khảo; đồng thời thông báo diễn tiến xử lý sự cố của đập Đắk Kar để chủ động tình hình. Tuy nhiên, nếu thời tiết mưa lũ lớn trở lại trong khi chưa xử lý xong sự cố kẹt van xả, thì phải áp dụng phương án tối ưu là khoan nổ mìn tạo rãnh thoát lũ bên trái đập Đắk Kar.
Ngành công thương “bất ngờ”
Để tìm hiểu đánh giá của ngành công thương địa phương trước sự cố đập thủy điện Đắk Kar, PV Thanh Niên đã liên hệ nhiều lần với ông Bùi Huy Thành, Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông, nhưng vị này không bắt máy. Theo ông Võ Công Tuấn, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương Đắk Nông, hiện Sở đang cùng các đơn vị liên quan và chủ đầu tư tiếp tục xử lý sự cố thủy điện Đắk Kar, ngăn không để xảy ra vỡ đập. “Chúng tôi chưa thể trả lời cụ thể về nguyên nhân sự cố, mà đang chờ chủ đầu tư báo cáo rồi mới có đánh giá và thông tin chính thức”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng cho biết vừa rồi Sở cho rà soát, báo cáo với tỉnh về tình hình hoạt động, đầu tư các công trình thuỷ điện trên địa bàn; qua đó cho thấy “các công trình không có vấn đề gì” (?).
“Do mưa lũ, nước về lớn quá nên mới xảy ra các sự cố đột xuất đối với hai công trình thủy điện này (Đắk Kar và Đắk Sin 1), chứ trước đó chưa thể lường trước được”, ông Tuấn nói.
Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục có mưa
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, trong ngày 10.8, các tỉnh Nam bộ và Tây nguyên có mưa vừa, mưa to. Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam nên hôm nay (11.8), các tỉnh ở Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và rải rác có giông, lượng mưa phổ biến 20 – 50 mm/24 giờ, riêng các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai có mưa rất to, lượng mưa 50 – 100 mm/24 giờ. Theo dự báo, trong đêm 11 và ngày 12.8, ở Tây nguyên và Nam bộ có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến 10 – 30 mm/24 giờ; riêng Đắk Nông và Bình Phước có nơi mưa to.
Thông tin từ Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, chiều tối 9.8 mưa giông, kèm theo sét đánh trên địa bàn các huyện Mèo Vạc và Vị Xuyên (Hà Giang) đã làm 3 người chết và 2 người bị thương.
Phan Hậu
Thuỷ điện Đắk Sin 1 vẫn tê liệt
Ngày 10.8, ông Đinh Xuân Nhơn, Giám đốc điều hành Nhà máy thuỷ điện Đắk Sin 1 (H.Đắk R’lấp, Đắk Nông), cho biết nhà máy vẫn tiếp tục dừng phát điện và đang bị cô lập do sạt lở hết sức nghiêm trọng.
Theo ông Nhơn, mưa lớn trong những ngày trước đã làm hàng ngàn khối đất đá đổ xuống chắn ngang đường vào, khiến đơn vị vẫn chưa tiếp cận được khu vực nhà máy. “Sạt lở đất đá đã làm một đoạn đường ống áp lực dẫn nước bị vỡ, nhà máy dừng hoạt động, khẩn trương tìm biện pháp khắc phục sự cố”, ông Nhơn thông tin.
Trước đó, ngày 8.8, do sự cố vỡ ống áp lực, Công ty cổ phần VRG Đắk Nông (chủ Nhà máy thủy điện Đắk Sin 1) đã báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông về việc xả lũ khẩn cấp tại thủy điện này, lưu lượng nước xả mức lớn nhất là 126 m3/giây. Hồ thủy điện Đắk Sin 1 có dung tích 11,8 triệu m3 nước, công suất 28,4 MW, được xây dựng và hoạt động nhiều năm nay.
Trung Chuyên
Yêu cầu làm rõ trách nhiệm
Liên quan đến sự cố kẹt cửa xả có nguy cơ vỡ đập xảy ra tại công trình đang thi công thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông), ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết tính đến ngày 10.8 Ban Chỉ đạo T.Ư đã cử 3 đoàn công tác vào hiện trường để nắm tình hình và đôn đốc địa phương, chủ công trình khắc phục sự cố.
Hiện ban vẫn duy trì một tổ công tác để theo dõi quá trình khắc phục sự cố tại công trình này, yêu cầu cao nhất hiện nay là phải khẩn trương khắc phục, không để tình huống xấu nhất xảy ra đe dọa an toàn người dân vùng hạ du.
Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo T.Ư sẽ yêu cầu chính quyền địa phương, chủ công trình đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố, kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm đơn vị, cá nhân có liên quan.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư, tính đến sáng 10.8 mưa lũ tại các tỉnh Nam bộ và Tây nguyên đã làm 10 người chết, 1 người mất tích và gây thiệt hại trên 992 tỉ đồng.
P.Hậu
THANH NIÊN