Phát hiện loài bọ xít mù mới tại Việt Nam
Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Trường đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) vừa công bố 1 loài bọ xít mù mới cho khoa học thuộc giống Mecistoscelis Reuter. Đây là lần đầu giống này được ghi nhận tại Việt Nam.
Phát hiện loài bọ xít mù mới tại Việt Nam
Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Trường đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) vừa công bố 1 loài bọ xít mù mới cho khoa học thuộc giống Mecistoscelis Reuter. Đây là lần đầu giống này được ghi nhận tại Việt Nam.
Cơ thể con đực và con cái loài Mecistoscelis lansburyi Ảnh VNMN
Loài mới được đặt tên khoa học là Mecistoscelis lansburyi – theo tên của nhà khoa học I. Lansbury, người có nhiều công bố liên quan đến họ Miridae.
Trên thế giới mới chỉ có 3 loài thuộc giống Mecistoscelis Reuter được công bố gồm: M. scirtetoides Reuter, 1891; M. nigrosignatusPoppius, 1911; và M. phillipinensis Lansbury, 1963.
Loài M. scirtetoides phân bố rộng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và đảo Java (Indonesia), trong khi các loài còn lại phân bố hẹp ở Philippines và Papua New Guinea. Đây cũng là lần đầu tiên, giống này được ghi nhận có mặt tại Việt Nam.
Việc công bố loài mới thuộc giống này ở Việt Nam đã mở rộng sự phân bố của giống.
Hiện những mẫu vật nghiên cứu này đang được lưu giữ tại Trường đại học Quốc gia Chungnam và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam).
Trước đó, trong tháng 6, các nhà côn trùng học của Mỹ và Việt Nam (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đã công bố 2 loài mới cho khoa học thuộc bộ cánh dài – Mecoptera (là một bộ côn trùng với khoảng 550 loài thuộc 9 họ trên toàn thế giới).
Loài mới được đặt tên là Neopanorpa cucullata và Neopanorpa ellengreeni, tên tiếng Việt chung của 2 loài trên là ruồi bọ cạp.
Cho đến nay, đã có 16 loài ruồi bọ cạp được ghi nhận ở Việt Nam, gồm 13 loài thuộc giống Neopanorpa và 3 loài thuộc giống Bittacus. Trong đó, có loài mới Neopanorpa cucullata, mẫu vật được thu từ khu vực miền Trung, Tây nguyên (Khánh Hòa và Lâm Đồng). Mẫu chuẩn và phụ chuẩn của loài của loài này được lưu giữ tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Loài mới thứ 2, Neopanorpa ellengreeni, mẫu vật được thu tại miền Bắc (Cao Bằng và Ninh Bình).
Mẫu vật nghiên cứu của loài Mecistoscelis lansburyi được các nhà khoa học thu tại Ninh Bình có kích thước chiều dài cơ thể con đực (n = 2): 6,51 – 6,60/8,01 – 8,12 mm; chiều dài đầu: 0,56 – 0,58/0,59 – 0,61 mm; chiều rộng đầu (gồm cả mắt kép): 0,95 – 0,97/1,02 – 1,05 mm; chiều dài râu đầu: 15,60 – 15,79/14,83 – 15,15 mm. Mô tả chi tiết của loài được đăng tải trên Tạp chí Zootaxa 4434 (2): 396 – 400.
THU HẰNG