25/12/2024

Những hàng quán chuyển sang dùng chai thủy tinh ‘trách nhiệm’

Một số hàng ăn đã chuyển dần sang sử dụng vật liệu thân thiện như chai thuỷ tinh, cốc giấy, ống hút bột… Một xu hướng của trách nhiệm.

 

Những hàng quán chuyển sang dùng chai thuỷ tinh ‘trách nhiệm’

Một số hàng ăn đã chuyển dần sang sử dụng vật liệu thân thiện như chai thuỷ tinh, cốc giấy, ống hút bột… Một xu hướng của trách nhiệm.

 
 
 

Ảnh minh họa /// Ảnh: TT

Ảnh minh hoạ   Ảnh: TT

 

 
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt đã đổi vỏ cho những món đồ ăn mình bán ra từ lâu. Với sữa chua phô mai, đồ uống, ông sử dụng cốc giấy từ bã mía ép, ống hút bột gạo. Loại cốc này tuy còn có nắp nhựa nhưng so với loại 100% nhựa như trước thì đã rất tích cực với môi trường. Một số món khác như pate, kho quẹt, ông chuyển sang đóng vào lọ thuỷ tinh.


“Thực ra nói là nhựa không tốt thì không đúng, vì vẫn có những loại nhựa tốt. Nhưng doanh nghiệp ẩm thực phần lớn dùng loại chất lượng xoàng, giá rẻ. Vì thế, khi đổi sang cốc giấy giá mỗi cốc đắt gấp đôi. Tôi lựa chọn thủy tinh và giấy vì tôi thấy nên thế, chứ cũng không có ai bắt. Tuy nhiên, khách hàng của tôi phần nhiều là khách nước ngoài và họ hài lòng”, ông Việt chia sẻ.

 
Ông Silparat Watthanakasetr, Giám đốc Công ty BG Container Glass (BGC), cho biết rất có cảm tình với việc tái sử dụng chai kiểu đặt tiền mua chai, thu mua chai thuỷ tinh mà các nhà bán lẻ bia, nước giải khát áp dụng. Doanh nghiệp thủy tinh lớn nhất Thái Lan này thường xuyên có mặt tại các triển lãm quốc tế đóng gói bao bì thực phẩm tại VN, và cũng đang sản xuất cho thị trường VN. Ông cũng rất có thiện cảm và sẵn sàng tham gia tổ chức các workshop dạy trẻ em tái sử dụng chai thủy tinh để trồng cây, trang trí.
 
Những hàng quán chuyển sang dùng chai thủy tinh 'trách nhiệm' - ảnh 2

Thuỷ tinh là vật liệu thân thiện với môi trường   Ảnh: BGC

 
Không chỉ ông Silparat, nhiều người cũng muốn đẩy mạnh việc sử dụng chai thủy tinh đựng thực phẩm. Ông Nguyễn Quang Việt vẫn nhớ thời kỳ cả Hà Nội uống sữa đậu nành trong chai thủy tinh 65 (chai có dung tích 650 ml). Khi đó, mỗi sáng người bán sữa đậu nành mang chai sữa đến các nhà đặt mua. Chai có nút bấc. Cuối ngày, họ lại đến thu chai về cọ rửa để đóng sữa cho ngày hôm sau. Việc đặt mua sữa như vậy từng kéo dài rất nhiều năm. Tuy nhiên, khi chai nhựa và đặc biệt là túi ni lông nhiều hơn, cả người bán và mua đã chuyển sang đi chợ tay không, đưa hàng bằng túi cho tiện và nhẹ.
 
“Tôi nghĩ vẫn bắt gặp được kiểu bán sữa đó với nhiều hàng bán sữa hạt bây giờ. Họ cũng bán sữa hằng ngày, đưa chai và thu chai. Về cơ bản, đó đều là những người có ý thức về thực phẩm sạch, môi trường sạch”, ông Việt nói.
 
Cũng theo ông Việt, việc trở về lại với thói quen mua rồi đổi chai thủy tinh sẽ trở lại từ chính ý thức doanh nghiệp và người dân chứ không cần chờ quy định. “Nó cũng phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, dù có thể cũng được tính một phần vào giá thành. Vì thế, quan trọng là điều người bán và người mua cùng muốn. Họ sẽ hy sinh một chút lợi ích của mình. Tuy nhiên, nếu có nhiều người làm thì rồi sẽ có thêm nhiều người khác làm theo”, ông Việt nói.
 
Thậm chí theo bà Giang Lương Hà (Hà Nội), chủ dịch vụ Ketox thanh lọc giảm cân, các doanh nghiệp đủ lớn còn có thể đặt thiết kế những chai thủy tinh riêng chứ không chỉ nhận diện bằng tem mác nữa. Đấy cũng là mong ước của bà sau một thời gian quyết tâm chỉ dùng chai thủy tinh cho sản phẩm của mình.
 
 
NGỮ YÊN