Khi giới trí thức trói mình trong cơn lốc ‘đập đá’
Vòng xoáy ma tuý tổng hợp đã cuốn phăng nhiều cuộc đời. Không chỉ thanh niên ‘choai’ mà cả giới trí thức, nhân viên văn phòng cũng trói mình vào cơn lốc ‘đập đá’.
Khi giới trí thức trói mình trong cơn lốc ‘đập đá’
Vòng xoáy ma tuý tổng hợp đã cuốn phăng nhiều cuộc đời. Không chỉ thanh niên ‘choai’ mà cả giới trí thức, nhân viên văn phòng cũng trói mình vào cơn lốc ‘đập đá’.
Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) kiểm tra, phát hiện gần 200 thanh niên dương tính với chất ma tuý trong một quán bar trên địa bàn vào ngày 23-6 – Ảnh: A LỘC
Và khi đã “bập” vào thì khó lòng thoát ra. Hậu quả của nó để lại cho gia đình và xã hội là khôn lường!
Phó giám đốc kể chuyện “đập đá”
Nghĩ rằng ma tuý tổng hợp không gây nghiện và tự cho mình là người bản lĩnh, nhiều trí thức trẻ đã chơi ma tuý. Chúng tôi gặp anh T.T.P. (29 tuổi) ở Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma tuý Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khi anh đã trải qua 15 ngày điều trị nghiện ma tuý tổng hợp ở đây. Tâm trạng có vẻ thoải mái và sức khoẻ tốt nhưng anh vẫn còn khá gầy, nhợt nhạt.
P. là phó giám đốc một công ty kinh doanh khí hoá lỏng ở Nha Trang (Khánh Hòa) và đã có thời gian sử dụng ma tuý đá hơn một năm trước khi vào đây.
“Cũng không bao giờ nghĩ rằng có ngày mình lại là một kẻ nghiện ma tuý. Lúc đó cũng đang buồn, giận gia đình nên bạn bè rủ chơi tôi cũng chơi. Họ bảo là không nghiện đâu, chơi đi, ai cũng chơi hết mà có sao đâu. Và nghĩ mình bản lĩnh có thể dứt ra được nhưng không ngờ một thời gian sau thì nghiện” – P. kể lại lần đầu biết đến ma tuý.
Cảm giác của lần chơi ma tuý đầu tiên với anh là “tự nhiên cảm thấy rất vui và thoải mái”. Những lần sau đó thích anh lại chơi, có công việc thì lại bỏ cả tuần không chơi cũng không thấy cơ thể có vấn đề gì. Điều đó khiến P. tin tưởng rằng “có lẽ chơi cái này không nghiện thật”.
Thế nhưng việc sử dụng ma tuý tổng hợp ngày càng tăng lên, có tuần cách ngày “đập” một lần và rồi có tháng anh sử dụng liên tục vì thèm cảm giác phê. Lúc đầu anh còn đi với bạn bè, sau đó quen mối bán thì tự mua ma tuý về nhà, dùng trong nhà vệ sinh, phòng khách. Và suốt nhiều tháng liền vợ anh cũng không hề hay biết.
Phó giám đốc T.T.P. trò chuyện cùng phóng viên về thời gian anh nghiện ma tuý – Ảnh: NGỌC KHẢI
“Tôi cũng nhận ra là nó không bình thường. Ví dụ như có những lúc mình cảm sốt, không uống thuốc mà chơi ma tuý thì đột nhiên cảm thấy khoẻ khoắn, hứng khởi, người hết nóng sốt. Lúc dùng thì thấy rất vui nhưng sau đó thì tôi lại rất dễ bị trầm cảm và cơ thể rất yếu” – P. chia sẻ.
Không bao lâu sau thì P. bắt đầu thấm đòn từ ma tuý. Anh liên tục mất ngủ sau khi chơi ma tuý, có những đợt liên tiếp ba ngày không ngủ, không ăn uống được cho đến khi kiệt sức mới li bì chìm trong cơn mơ. Khi tỉnh dậy, anh lại tiếp tục sử dụng ma tuý tổng hợp để cơ thể hứng khởi làm việc.
“Tôi bắt đầu lo lắng và cố gắng cai trong vòng một tháng. Nhưng lại cảm thấy vô cùng nhớ cảm giác đó và đột nhiên tôi sốt siêu vi trong vòng một tuần, uống thuốc thế nào cũng không đỡ. Tôi nhận ra rằng cơ thể đã làm áp lực để buộc tôi phải quất ma tuý vô mới khoẻ” – P. kể.
Trong một tuần bị cảm cúm, P. bị sụt cân từ 67kg xuống còn 59kg, cơ thể suy kiệt.
Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất. Mỗi lần chơi ma tuý P. đều cảm thấy hưng phấn, nhiệt huyết với công việc đến mức “quá khích”. “Bất cứ việc gì của mọi người tôi đều xen vào, làm cho rối tung lên. Mọi người sợ tôi. Tôi cảm thấy mình hăng hái quá, nhưng thật sự tôi đã trở nên như một thằng điên. Tôi ảo tưởng là mình giỏi nhưng thực ra có nhiều thứ tôi chỉ biết chút chút. Ma tuý mà” – P. cười, nhớ lại.
Rồi P. cũng bắt đầu hay cáu giận và luôn có cảm giác vợ ghét mình, vợ phản bội mình nên nổi cơn ghen và đập phá đồ đạc. Kết cục người vợ phải dắt con về nhà mẹ đẻ lánh nạn. P. kể nhiều khi nghe tiếng nói trong đầu, hoang tưởng rằng vợ đang chửi mình trong khi vợ chỉ ngồi im, khóc.
“Vợ tôi chưa biết tôi nghiện ma tuý. Một tháng trước khi tôi được người dì đưa vào đây. Khi đó vợ thấy tôi mất ngủ trầm trọng nhưng cũng chỉ nghĩ chắc chồng bị bệnh liên quan đến thần kinh” – P. nói và trải lòng tiếp: “Vợ tôi đang mang bầu đứa con thứ hai, đứa con đầu cũng mới chưa đầy 1 tuổi. Nghĩ đến vợ và con, tôi cảm thấy vô cùng có lỗi. Sau cùng tôi đã thú nhận với mọi người là mình nghiện ma tuý và nhờ người nhà hỗ trợ để cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời…”.
Năm 2018, các lực lượng chức năng toàn quốc bắt giữ 24.698 vụ với 38.146 đối tượng phạm tội về ma tuý; tang vật thu giữ hơn 1,8 tấn heroin, 216kg thuốc phiện, 141kg cocain, hơn 1,3 triệu viên và hơn 2 tấn ma tuý tổng hợp…
So với các năm từ 2015 đến nay, bình quân mỗi năm tăng từ 10-13% số vụ, từ 10-12% về số đối tượng, đặc biệt số lượng ma tuý tổng hợp các loại tăng đột biến. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2018, số ma tuý các loại thu được đã nhiều hơn cả năm 2017.
Dùng ma tuý để… lấy bằng tiến sĩ
Tại Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma tuý Thanh Đa có không ít người trí thức nghiện ma tuý tổng hợp như P. đến cai nghiện. L.Q.K. (sinh năm 1993) đang học lấy bằng tiến sĩ. Ngoài ra K. cũng đang cùng gia đình làm kinh doanh bất động sản. Thế nhưng mọi việc đã là quá khứ khi K. phải vào trung tâm cai nghiện hơn một tháng nay.
K. là một chàng trai trắng trẻo, cao to và rất trí thức với cặp kính dày. Ngồi trước mặt, chúng tôi không nghĩ K. là người nghiện ma tuý từ lâu. K. kể sau một thời gian vào trung tâm, sức khoẻ và tinh thần của anh hầu như đã phục hồi, khác hẳn với thời gian còn đang nghiện ma tuý.
“Tôi học nhiều lắm nên dùng ma tuý để học bài trong suốt 5 năm qua. Tôi luôn tự tạo áp lực cho mình trong việc học hành. Đặc biệt là vào các kỳ thi. Lúc dùng ma tuý xong thì học bài rất nhanh hiểu, nhớ bài nên thi điểm cũng cao. Tôi đã lạm dụng ma tuý trong sự học của mình, để mong đạt được cái bằng tiến sĩ, nhưng…” – K. trải lòng.
K. biết đến ma tuý từ rỉ tai của bạn bè rằng nó giúp đầu óc sáng suốt, học tập rất nhanh. “Tôi biết nhiều trí thức cũng dùng ma tuý. Họ làm đủ mọi ngành nghề. Bản thân tôi cũng dùng rất nhiều loại ma tuý tổng hợp trong những năm qua” – K. chia sẻ và anh đã nhận ra ma tuý không phải thần dược anh bắt đầu phải đánh đổi.
Anh kể: “Tôi hay mất ngủ triền miên, không ăn uống được, ráng đi tập gym để níu lại nhưng rồi cũng dần suy kiệt. Lúc dùng vào thì học tốt nhưng sau đó thì hoàn toàn không có sức lực để làm gì. Để học được tôi lại tiếp tục chơi và dần trở nên lệ thuộc vào nó. Có thời gian ngày nào tôi cũng mua về dùng tại nhà. Lúc đầu tôi nghĩ mình không thể nghiện nhưng thực ra ma tuý trở thành “ông chủ” điều khiển mình lúc nào không hay”.
Ma tuý cũng làm tính tình K. ngày càng cộc cằn, nóng nảy và rất dễ mất bình tĩnh. Anh hay nạt nộ cha mẹ, tự cô lập mình, ít giao tiếp xã hội. “Tốt nhất là đừng có dựa vào ma tuý để cố thúc bản thân đạt được thành công nào đó mà hãy tự làm bằng chính khả năng của mình. Vì cái giá phải trả là rất lớn” – K. chia sẻ và cho biết người yêu tới thăm đang chờ ở ngoài.
“Tôi đã giấu gia đình và bạn gái việc dùng ma tuý suốt một thời gian dài. Sau khi trở về tôi dự định sẽ lập gia đình để có thêm động lực tránh xa ma tuý. Giờ tôi chỉ muốn sức khoẻ khôi phục hoàn toàn và được quay lại với đúng năng lực bản thân tự có”, K. nói.
* Ông Nguyễn Tuấn Anh (phó chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM):
79% người nghiện là “đập đá”
Thống kê hằng năm tại 13 cơ sở điều trị nghiện do TP quản lý cho thấy số người nghiện sử dụng ma tuý tổng hợp ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng 5-2018, người nghiện ma tuý tổng hợp (“đập đá”) chiếm đến gần 79% trong tổng số 12.300 người cai nghiện tại các cơ sở này.
Hiện nay TP.HCM cũng đang thực hiện các chương trình can thiệp, hỗ trợ cho người nghiện ma tuý với 16 cơ sở điều trị nghiện, trong đó có 13 cơ sở công lập và 3 cơ sở tư nhân. Đây là các cơ sở được TP hỗ trợ kinh phí để giúp người nghiện cắt cơn miễn phí.
Khi đã cắt cơn nghiện, kiểm soát việc sử dụng chất gây nghiện thì sẽ giảm thiểu nguy cơ người nghiện ma tuý tổng hợp gây hại cho bản thân, gia đình và xã hội, đặc biệt là gây ra những vụ án nghiêm trọng như thời gian qua.
Ngược lại, nếu không can thiệp kịp thời lúc họ thiếu thuốc, rối loạn tâm thần thì họ sẽ là mối nguy cho bản thân, người thân và cộng đồng dân cư.
Hiện nay, quan điểm của Chính phủ coi nghiện ma tuý là bệnh mãn tính, nghĩa là khả năng chữa khỏi rất khó. Do đó điều cần thiết là làm sao để người nghiện kiểm soát, không để lạm dụng gây ra hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội.
* Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cần cai nghiện bắt buộc với người dưới 18 tuổi
Hiện người nghiện, sử dụng ma tuý đá ngày càng trẻ, dưới 18 tuổi khá nhiều. Lứa tuổi này đa phần thuộc sự quản lý của gia đình nên khó để cơ quan công an, chính quyền địa phương quản lý.
Theo quy định hiện hành, điều kiện tiên quyết để áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc về độ tuổi của người nghiện ma tuý phải từ đủ 18 tuổi. Còn người nghiện ma tuý chưa đủ 18 tuổi thì chưa có quy định xử lý. Tôi nghĩ cần giải pháp quản lý, cai nghiện bắt buộc với người dưới 18 tuổi.
* Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy (giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma tuý Thanh Đa, TP.HCM):
Phải bổ sung luật!
Những năm trước hơn 90% người nghiện đến trung tâm cai nghiện là người sử dụng heroin. Năm 2004 chúng tôi bắt đầu điều trị ca nghiện ma tuý tổng hợp đầu tiên. Những năm tiếp theo tỉ lệ người nghiện ma tuý tổng hợp cũng chỉ 0,5% đến 2-3%. Nhưng đến nay tỉ lệ này chiếm hơn 60% trong tổng số người cai nghiện tại trung tâm.
Điều đáng lo là 25% người nghiện ma tuý tổng hợp phải đưa đi bệnh viện tâm thần khám và điều trị bằng hoá dược trước khi đưa về trung tâm tiếp tục điều trị, cắt cơn. Số còn lại cũng có vấn đề tâm thần nhưng dạng nhẹ.
Ma tuý tổng hợp tàn phá hệ thống não bộ gấp nhiều lần heroin. Nhiều người nghiện ma tuý tổng hợp đã điều trị 6-7 tháng phục hồi tương đối tốt, về nhà chỉ sử dụng lại một lần đã bị ảo giác, ảo thanh, ảo thị.
Đặc biệt nhiều người nghiện ma tuý tổng hợp có tư tưởng bị ám hại, bị ảo thanh cộng với lú lẫn tâm trí không còn khả năng nhận biết nên tìm cách giết người trước mắt mình… Theo tôi, trong luật về phòng chống ma tuý cần có chương riêng đối với ma tuý tổng hợp và đưa ra những tình huống đặc biệt phải xử lý, giải quyết.
VŨ THUỶ – THÁI AN ghi