23/12/2024

Học với người thầy tuyệt vời

Mỗi người chúng ta thường dành 10 hay 20 đầu tiên trong cuộc đời để học hành. Chúng ta tốn rất nhiều công sức, thời giờ, tiền của cho hoạt động giáo dục này, nhưng rất ít người tự hỏi: Học để làm gì? Học thế nào cho hiệu quả nhất? Học với ai cho xứng đáng nhất?

Học với người thầy tuyệt vời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Mỗi người chúng ta thường dành 10 hay 20 đầu tiên trong cuộc đời để học hành. Chúng ta tốn rất nhiều công sức, thời giờ, tiền của cho hoạt động giáo dục này, nhưng rất ít người tự hỏi: Học để làm gì? Học thế nào cho hiệu quả nhất? Học với ai cho xứng đáng nhất?

1. Học để làm gì?

Trong hơn 10 thế kỷ bị người Trung Quốc đô hộ (111 TCN – 938) và 10 thế kỷ độc lập (939-1945), người Việt học để làm quan, vì đó là cách tiến thân và khẳng định chính mình nhanh nhất trong một xã hội phong kiến với nền quân chủ chuyên chế. Nội dung học là bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh của Trung Quốc, và một số kỹ năng thơ phú vì nền giáo dục nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của văn hoá Trung Quốc. Phương pháp học tập, cách thi cử cũng vì nội dung này mà bị hạn hẹp vào những cách ứng xử trong mối tương quan xã hội như: vua-tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè theo tam cương, ngũ luân hoặc theo những tiêu chuẩn: nhân, nghĩa, lễ, tín, trí hay công, dung, ngôn, hạnh.

Bước vào thời kỳ dân chủ cộng hoà cho cả hai miền Nam Bắc (1945-nay), dù nội dung học là những kiến thức thiết thực hơn, nhưng phương pháp học, cách thi cử không khác xưa bao nhiêu. Gần đây người ta mới nhận ra những hạn chế của nền giáo dục này và đang quyết liệt đòi phải “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế”[1].

Lý do là vì nền giáo dục hiện nay quá chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức, mang nặng tính cách nhồi nhét, trong khi lại coi thường việc vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề mà công việc và cuộc sống đặt ra. Thật ra, khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, kho tàng kiến thức mỗi ngày một lớn, nên một số tri thức cũng nhanh chóng trở thành lạc hậu và bị đào thải. Tin học và truyền thông thế giới lại đòi hỏi con người phải hoà nhập vào cộng đồng quốc tế, nếu không sẽ tụt hậu và bị bỏ rơi.

Vì thế, tham vọng muốn trang bị cho người học đầy đủ kiến thức cơ bản của nhân loại trong chương trình giáo dục là không thể, không cần thiết và không hiệu quả. Người học có thể tự đào tạo các kỹ năng và phẩm chất nhờ các phương tiện truyền thông và có thể tự học suốt đời.

Cũng vì tham vọng này nên nội dung giáo dục hiện nay mang nặng tính lý thuyết, không phù hợp với tâm sinh lý và khả năng tiếp thu của người học, nhất là học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Chương trình quá rộng, chế độ điểm số và thi cử nặng nề, bệnh thành tích và gian lận trong việc cho điểm thi cử, không có thời giờ để suy tư, tìm hiểu nên chỉ còn một cách duy nhất là học thuộc lòng để đi thi, cách quản lý “cầm tay chỉ việc”, chế độ dành một số chỉ tiêu đào tạo tại các trường đại học khiến cho quan chức đưa con em mình vào học… đã làm mất đi ý nghĩa cao quý, vô tư, công bằng của nền giáo dục chân chính.

Kết quả là học sinh miệt mài học tập, mất đi tuổi thơ, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm sinh lý khiến cho năng suất làm việc của người Việt Nam gần như thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Lớp sinh viên vừa học vừa tìm cách đối phó cho đạt điểm số, hơn là thu nhận kiến thức đầy đủ. Do đó, thay vì đào tạo được những con người năng động, sáng tạo, biết phát hiện các vấn đề nảy sinh và giải quyết được chúng, thì nền giáo dục lại tạo ra những con người ham học vị, nhạy cảm với lợi ích của bản thân và tập thể nhỏ hơn là quan tâm đến lợi ích lâu dài của dân tộc và nhân loại[2].

Nếu có dịp hỏi các học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh học để làm gì, thì nhiều người sẽ trả lời rằng không biết học để làm gì, vì chỉ làm theo mọi người; hay học để có công ăn việc làm, để kiếm tiền, để sau này giúp đỡ gia đình. Chỉ có vài người trả lời học để mở mang kiến thức hay để hoàn thiện chính mình.

Năm 1997, Hội đồng Giáo dục của Unesco đã công bố một thông điệp mang tên: “Học tập – một kho báu tiềm ẩn” để xây dựng bốn trụ cột cho việc học và định hướng cho việc giáo dục thế kỷ XXI: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” (Learning to know, to do, to live together and to be).

+ Học để biết là nắm được những kiến thức chuyên môn cần thiết.

+ Học để làm là có khả năng tác động vào môi trường sống của mình.

+ Học để sống chung là tham gia và hợp tác với người khác trong mọi hoạt động.

+ Học để tự khẳng định mình là phát triển được hết năng lực, phẩm chất của mỗi cá nhân, giúp làm chủ được cuộc đời, tìm được ý nghĩa cho đời sống, trở thành một con người cao quý, độc đáo trong cộng đồng nhân loại.

Bốn trụ cột này tạo nên một thể thống nhất vì chúng liên đới và tác động lên nhau để xây dựng thành “một con người có giáo dục”. Thiếu một trụ cột nào hay yếu kém một trụ cột nào thì nền giáo dục không toàn vẹn và hoàn hảo.

Công đồng Vaticanô II (1962-1965) đã ra tuyên ngôn “Gravissimum Educationis” ngày 28/10/1965 và nhắc nhở chúng ta về “vai trò vô cùng quan trọng của việc giáo dục trong đời sống con người và tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của ngành giáo dục đối với sự phát triển của xã hội hiện nay”. Học không phải chỉ để biết, để làm, để sống, để khẳng định mình như một con người mà còn như một người con của Thiên Chúa, hiểu biết vô cùng, hành động phi thường, tồn tại mãi mãi và hạnh phúc vô biên. Bạn có muốn học để được như thế không?

2. Học thế nào cho hiệu quả nhất?

Tuỳ theo mục đích học tập, người ta giới thiệu nhiều phương pháp học để đạt hiệu quả cao.

Nếu học để thu nhận được nhiều kiến thức, kỹ năng, người ta khuyên nên chọn thời điểm và không gian yên tĩnh, nên học vào buổi sáng, nên ngủ trưa và ngủ đêm đủ để hồi phục trí não, tập trung cao độ trong khoảng 1 giờ rồi nghỉ giải lao cho đầu óc thư giãn, tập ghi nhớ bằng các dàn bài tóm tắt, hạn chế nghe nhạc trong khi học, không học khi vừa ăn xong, tận dụng hai bán cầu não: não trái chủ yếu cho tư duy logic, não phải cho tưởng tượng hình ảnh[3].

Nếu học để hành động, người ta khuyên học sinh tập trung nghe giảng để tăng hiệu suất tiếp thu, ghi chép hiệu quả, tích cực thực hành và làm bài tập, học từ cơ bản đến nâng cao, tạo lập thói quen tự học, học với thái độ tích cực[4].

Nếu học để sống tốt đẹp với người khác, người ta khuyên người học cần hiểu biết tâm lý con người, các môn khoa học xã hội nhân văn, quản lý nhân sự… Muốn thành công, người đó cần có nhận thức đầy đủ về con người, về cộng đồng nhân loại mình đang sống và luyện tập các đức tính xã hội.

Nếu học để tự khẳng định mình thật sự là ai khi phát triển được hết những năng lực và phẩm chất của con người như mục đích cao cả nhất của hoạt động giáo dục (học để làm người, để thành nhân), thì khẳng định mình để làm gì nếu không có người nào hay Đấng nào tồn tại mãi mãi để công nhận sự khẳng định đó? Trong khi con người tận thâm tâm luôn muốn tự khẳng định mình, luôn muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi. Vậy ta đi tìm phương pháp học nào để đạt được điều đó?

Tuy nhiên, trước khi đi tìm phương pháp để thu nhận những hiểu biết, kỹ năng làm, nghệ thuật sống, rèn luyện ý chí, đón nhận tình yêu và hạnh phúc, ta cần phải hiểu rõ chúng là gì trong con người mình.

Các nhà khoa học cho đến hôm nay, vẫn chưa tìm ra được chỗ chúng ẩn náu trong con người vật chất của ta. Người ta nói đến trái tim chứa đựng tình yêu, nhưng mổ nó ra, không thấy tình yêu trong mô tim, cơ tim nào cả. Người ta nói đến bộ não với hàng trăm tỷ tế bào thần kinh, nhưng lục tìm trong đó chỉ thấy những đơn chất C H O N, những sắt đồng chì kẽm. Khi con người suy nghĩ hay có cảm xúc yêu thương, người ta chỉ thấy các dòng xung động điện chạy trong sợi trục của tế bào thần kinh, rồi đến cuối sợi trục, ở khe khớp thần kinh (synap) chúng phóng ra các chất dẫn truyền thần kinh là các túi hoá chất[5].

Kiến thức, cảm xúc, tình yêu chỉ là những phản ứng như thế. Khoa học cũng chưa thể nào đo được kiến thức thế nào là cao, cảm xúc thế nào là mạnh, tình yêu thế nào là đẹp! Chúng phải bắt nguồn từ đâu đó để chuyển đến ta và ta phải biết cách để đón nhận, lưu giữ và phát huy chúng, cho cuộc đời của mình phong phú, tươi đẹp, hạnh phúc.

Như thế, phương pháp học bằng tinh thần (chứ không chỉ bằng bộ não) lại tóm gọn vào vài điểm cơ bản sau đây:

– Trí vô tư

Giữ sao cho tâm trí ta được hồn nhiên, trong sáng để dễ dàng tiếp nhận những kiến thức hữu ích, những kỹ năng hữu dụng và nhất là những sự thật về mọi người, mọi vật quanh ta.

Trong thời đại thông tin kỹ thuật số này, nhiều người đã làm thương tổn, thậm chí huỷ hoại tâm trí của mình. Ký ức hay bộ nhớ của họ chứa đầy những hình ảnh đồi truỵ, bạo lực, ma quái hay những trò chơi vô nghĩa. Ta cứ tính thử xem: 1 giây có 24 hình ảnh động đi qua con mắt rồi lọt vào bộ nhớ, trong đó chứa các dữ liệu về màu sắc, tiếng nói, âm thanh, ngữ nghĩa, cử động, cảm xúc của từng ảnh. 1 giờ xem phim hay chơi game online là bộ nhớ phải chứa hàng tỉ tỉ dữ liệu. Còn đâu bộ nhớ thừa ra cho việc học!

Ta cần phải xoá những dữ liệu vô ích để cho tâm trí vô tư. Nếu giữ tâm trí vô tư, bạn sẽ học rất nhanh, thu nhận được nhiều nội dung lạ lùng vì Đấng là nguồn của khôn ngoan và tư tưởng sẽ chia sẻ cho bạn kho tàng của Ngài.

– Thở nhiều khí trời và khí thiêng

Khi học, bộ não cần rất nhiều khí trời để chuyển hoá các chất nuôi dưỡng từ máu và dịch não tuỷ cũng như khí oxy vào các tế bào thần kinh. Do đó, khi học nên ngồi thẳng, thỉnh thoảng hít thật dài hơi và xoa các vùng vỏ não như thị giác, thính giác, cảm xúc, vận động, vùng ngôn ngữ Broca, Wernicke, Geschwind, vùng điều hành trung tâm… cho máu lưu thông để kích thích hoạt động thần kinh[6].

Nếu bạn đã tin rằng tư tưởng, tình cảm, kiến thức của bạn bắt nguồn từ một tinh thần tuyệt đối, thì bạn cần phải tiếp cận được với nguồn đó bằng các hình thức được các tôn giáo đề nghị như cầu nguyện, suy niệm, tâm niệm, chiêm niệm, thiền định… Như thế, phương pháp học theo khoa học và học theo tôn giáo không có đối lập và mâu thuẫn với nhau như một vài nhà khoa học vô thần diễn tả[7]. Ngược lại, cả hai khoa học và tôn giáo bổ túc cho nhau để giúp cho tâm trí con người mở ra với Đấng Siêu Việt và hướng tới vô biên[8].

Tinh thần cũng có một bộ não chứa đựng tất cả những gì thuộc về lĩnh vực thiêng liêng, nên ta cũng cần thở khí thiêng để chuyển hoá được các ân huệ mà tinh thần tuyệt đối chia sẻ cho ta. Kitô giáo gọi thần khí ấy là Chúa Thánh Thần, được Đức Giêsu Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ của Người khi thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).

Chúa Thánh Thần ban cho những ai tin vào Ngài và thở thần khí của Ngài 7 hồng ân là khôn ngoan, thông minh, lo liệu, can đảm, hiểu biết, đạo đức, kính sợ Thiên Chúa[9]. Ngài cũng ban những ơn lạ lùng khác như đặc sủng, đoàn sủng, hiện sủng để giúp con người thể hiện bản chất là con cái Thiên Chúa của mình (GLHTCG, số 1799, 2003) như ơn làm phép lạ, ơn chữa lành (số 1508), ơn thông thạo các ngôn ngữ, ơn tiên tri, ơn khiết tịnh (số 2345), tình yêu (số 733, 735, 2712)… Vì thế, người tín hữu Kitô không phải chỉ học bằng sức lực của con người mà còn bằng các ơn lành của Chúa Thánh Thần. Lịch sử khoa học nhân loại đã chứng minh điểu đó với những nhà bác học như Ampère, Volt, Newton, Marie Curie…

3. Học với ai cho xứng đáng nhất?

Trong đời sống con người, chúng ta đã được học với nhiều người thầy và cảm nghiệm rằng thầy nào càng yêu mến ta, càng dạy ta những điều tốt đẹp, ta càng quý trọng, biết ơn. Vị thầy nào càng dạy được nhiều người, ảnh hưởng và thay đổi lớn lao cuộc đời con người, thì càng được tôn vinh. Tuy nhiên, ta nên hiểu rằng mọi tư tưởng tốt đẹp, sự khôn ngoan, tình yêu, ân huệ và những gì thuộc về tinh thần đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng tạo thành con người giống hình ảnh Ngài và ban cho con người có tinh thần vượt ra khỏi những giới hạn của vật chất, không gian và thời gian. Ngài đã sai Con Một của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, trở thành Đức Giêsu Nazareth, để cứu độ con người và toàn thể vũ trụ và chỉ cho muôn loài con đường tìm về sự thật toàn diện và sự sống vĩnh hằng. Ngài còn ban Chúa Thánh Thần cho con người để soi sáng tâm trí và giúp con người nhận ra con đường dẫn tới Thiên Chúa.

Khi nhận ra Thiên Chúa là vị thầy tối cao (x. Mt 23,8-9), nguồn của mọi tri thức, con người mới sẵn lòng chia sẻ cách quảng đại và vô vị lợi những gì mình khám phá được cho mọi người thay vì giấu nghề, giữ bí mật, đòi tác quyền quá đáng như hiện nay.

Khi nhận ra Đức Giêsu là vị Thiên Chúa cụ thể, là Người Thầy tuyệt vời, con người mới cảm thấy tự hào được làm môn đệ của Người Thầy và cũng là vị Chúa của mình (x. Ga 13,13,14). Người không chỉ dạy ta những mảnh sự thật nhưng là một sự thật toàn diện, hoàn hảo: về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật, về chính mình. Sự thật là chính Đức Giêsu sẽ giải thoát ta khỏi mọi u mê lầm lạc (x. Ga 8,32), đem lại cho ta sự tự do của con cái Thiên Chúa và chia sẻ cho ta sự sống vĩnh hằng. Đức Giêsu đã xác định điều đó khi Người nói: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Vì thế, Đức Giêsu mời gọi ta: “Anh em hãy học với tôi” (Mt 11,29). Học với Đức Giêsu để biết, không phải chỉ một số kiến thức, nhưng đạt tới nguồn sự khôn ngoan. Lúc đó ta có khả năng vô tận để khám phá ra vạn vật vì tất cả thụ tạo được dựng nên nhờ Người và cho Người.

Học với Đức Giêsu để hành động như Người đã làm khi yêu thương đến nỗi chết cho tất cả và sống lại vì tất cả. Lúc đó ta có khả năng để nói cho gió im, biển lặng, bánh cá hoá nhiều, chữa lành bệnh tật và cho cả kẻ chết được sống lại.

Học với Đức Giêsu bài học sống với tha nhân cách quảng đại và cao thượng như Người yêu cầu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Lúc đó ta sẽ làm cho cộng đồng nhân loại bình an, hạnh phúc, phát triển vững bền.

Học với Đức Giêsu để tự khẳng định mình, không phải chỉ làm chủ được mình và tìm ra ý nghĩa của đời mình, như một con người sống tạm bợ ở trần thế, nhưng ta còn khẳng định mình là con cái vĩnh hằng của Thiên Chúa trong Nước Trời mà chúng ta cùng xây dựng với Người (x. Lc 11,20; 17,20-21).

Lời kết

Vì thế, chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào Thầy Giêsu để chăm chú học hành và thực hiện lời dạy của Người trong mọi hoàn cảnh của đời sống: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Chỉ Thầy mới có những lời ban sự sống” (Ga 6,68).

 

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn có nhận định gì về nền giáo dục của nước ta hiện nay?

2. Bạn có kinh nghiệm nào khi học với Thầy Giêsu?

3. Bạn có kinh nghiệm nào về sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và ân huệ của Ngài?

         

 


[1]x. Hội nghị Trung ương 8, Đảng Cộng sản Việt Nam, khoá XI, ngày 4/11/2013.

[2] x. Ts Giáp Văn Dương, Học để làm gì? Tuổi Trẻ online, 12/11/2013.

[3] x. 10 bí quyết học tập hiệu quả, Dân Trí online, bài đăng ngày 24/4/2013 của Hoa Học Trò.

[4] x. Internet, ngày 19/8/2017, bài Chăm thôi chưa đủ, muốn học tốt phải tìm phương pháp học đúng, Kênh 14.vn, mục Học đường.

[5] x. Bs. Alice Robert, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2015, tr.300-307.

[6] x. Bs. Alice Robert, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2015, tr.304-306.

[7] x. Ngô Bảo Châu, bài Học như thế nào, Internet, ngày 8/4/2013.

[8] x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 130, NXB Tôn Giáo, 2007, tr. 112.

[9] x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1831, 1845.