12/01/2025

ĐTC tiếp kiến Hiệp Hội các nhân viên y tế Công giáo Italia

ĐTC mời gọi các nhân viên y tế Công giáo thực thi sự phản kháng lương tâm trong tinh thần khiêm tốn, đối thoại, và gia tăng làm chứng tá cho Tin Mừng của Chúa Kitô trong môi trường y tế.

 ĐTC tiếp kiến Hiệp Hội các nhân viên y tế Công giáo Italia

 

 

 

ĐTC mời gọi các nhân viên y tế Công giáo thực thi sự phản kháng lương tâm trong tinh thần khiêm tốn, đối thoại, và gia tăng làm chứng tá cho Tin Mừng của Chúa Kitô trong môi trường y tế.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17-5-2019, dành cho phái đoàn 300 người thuộc Hiệp hội Nhân viên Y tế Công giáo Italia, gọi tắt là Acos, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập tổ chức này.

Phản kháng lương tâm trong tôn trọng và khiêm tốn

ĐTC nhắc đến sự kiện theo luật pháp ở Italia, có nhiều nhân viên y tế Công giáo dựa vào quyền phản kháng lương tâm để không tham gia vào những hoạt động trái với luân lý Công giáo, như những vụ phá thai… Ngài nói: “Việc chọn lựa phản kháng lương tâm khi cần thiết, cần phải được thực hiện trong tinh thần tôn trọng, và không trở thành lý do để coi rẻ hoặc kiêu ngạo điều vốn phải được thực thi trong tinh thần khiêm tốn, để khỏi tạo nên nơi những người quan sát anh chị em một sự coi rẻ tương tự, làm cho họ không hiểu những động lực đích thực thúc đẩy anh chị em phản kháng lương tâm. Trái lại, cần luôn luôn tìm kiếm sự đối thoại, nhất là với những người có những lập trường khác, đặt mình lắng nghe quan điểm của họ và tìm cách thông truyền quan điểm của anh chị em, không phải như người lên toà để giảng, nhưng như người tìm kiếm thiện ích đích thực của con người.”

Đồng hành với những người rốt cùng

ĐTC cũng nhắn nhủ: “Anh chị em hãy trở nên đồng hành với những người ở gần, đặc biệt là những người rốt cùng, những ngừơi bị quên lãng, bị loại trừ. Đó là cách thức tốt nhất để hiểu tường tận trong sự thật về những hoàn cảnh khác nhau và thiện ích luân lý hàm chứa trong đó.”

Chống coi bệnh nhân như những con số

ĐTC cảnh giác trước hiện tượng trong môi trường y tế ngày nay, nhiều khi các bệnh nhân bị coi như những con số, chứ không như những nhân vị. ĐTC nói:

“Sự xí nghiệp hóa ngành y tế cũng đưa lên hàng đầu nhu cầu giảm bớt chi phí và hợp lý hoá các dịch vụ, từ đó đã có sự thay đổi sâu rộng lối tiếp cận đối với bệnh tật và chính các bệnh nhân: sự quan tâm ưu tiên tới hiệu năng nhiều khi đặt xuống hàng nhì sự chú ý tới con người, trong đó có nhu cầu của bệnh nhân cần được cảm thông, lắng nghe và đồng hành, cũng như cần một sự chẩn bệnh chính xác và chữa trị hữu hiệu.”

Quân tâm đến bệnh nhân cả về tinh thần

ĐTC khẳng định: “Việc chữa trị không phải chỉ diễn ra qua thân xác, nhưng cả tinh thần nữa, qua khả năng tìm lại được sự tín thác và phản ứng. Vì thế các bệnh nhân không thể bị đối xử như cái máy, và hệ thống y tế, công lập cũng như tư nhân, không bị quan niệm như một dây chuyền lắp ráp. Con người không bao giờ hoàn toàn giống nhau, vì thế cần phải hiểu họ và chăm sóc từng người một. Điều này dĩ nhiên đòi các nhân viên y tế phải dấn thân nhiều và nhiều khi không được cảm thông, đánh giá đầy đủ.”

Huấn luyện cho các hội viên

Sau cùng, ĐTC khuyến khích Hiệp hội Nhân viên Y tế Công giáo Italia đẩy mạnh việc huấn luyện cho các hội viên, cập nhật nghề nghiệp và tăng cường cả về mặt linh đạo. (Rei 17-5-2019)
 
 
 

G. Trần Đức Anh OP