26/11/2024

Đi nhiều để giúp bệnh nhân ung thư

Ở tuổi 75, vị giáo sư vẫn miệt mài với những chuyến đi để phổ biến kiến thức cho người dân biết phòng tránh căn bệnh ung thư.

 

Đi nhiều để giúp bệnh nhân ung thư

Ở tuổi 75, vị giáo sư vẫn miệt mài với những chuyến đi để phổ biến kiến thức cho người dân biết phòng tránh căn bệnh ung thư.


 

Đi nhiều để giúp bệnh nhân ung thư - Ảnh 1.

GS Nguyễn Chấn Hùng – Ảnh: My Lăng

Trong lĩnh vực ung thư, GS Nguyễn Chấn Hùng là tên tuổi thân quen. 37 năm làm chuyên môn, cho đến khi nghỉ hưu (năm 2007), vị giáo sư vẫn chưa muốn nghỉ ngơi.

Như những cánh tay nối dài

GS Nguyễn Chấn Hùng hiện là cố vấn cấp cao của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – nơi ông làm giám đốc từ năm 1990 đến năm 2007. Với vai trò là chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, ông cùng hội tổ chức nhiều hội thảo lớn toàn quốc, quy tụ nhiều bác sĩ chuyên khoa khắp nước để trao đổi sâu hơn về lĩnh vực ung thư.

Mấy năm nay, ông vẫn không ngại, không từ chối lời mời về các tỉnh thành, kể cả những xã, huyện… để tập huấn kiến thức về ung thư cho các bác sĩ. Ông còn sẵn sàng đi đến nhiều tỉnh thành, nói chuyện cho người dân nghe để biết và phòng tránh căn bệnh “khó”, để ung thư không còn là nỗi ám ảnh, đáng sợ. Ông đi nhiều nơi trong nước, đặc biệt các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào cho đến Cà Mau.

Ở tuổi 75, lịch làm việc của ông vẫn ưu tiên cho những chuyến đi. Mới tuần trước, ông vừa ra Đà Nẵng làm việc với Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và Hội Ung thư Đà Nẵng, tổ chức hội thảo về ung thư. Tháng trước, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp và Bệnh viện tỉnh Đồng Tháp mời ông xuống tập huấn kiến thức mới về ung thư. Trong tháng 4-2019, ông đi Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương nói chuyện với bà con về ung thư.

“Tôi vui vì được đi nhiều nơi, đến với bà con phổ biến sự hiểu biết, kiến thức để nhiều người biết và phòng tránh bệnh ung thư, mang lại lợi ích cho nhiều người. Khi không hiểu biết, người ta sẽ rất sợ ung thư. Sợ đến ám ảnh. Bây giờ ung thư quá nhiều, phải có nhiều người đi tuyên truyền về phòng ung thư, để nhiều người hiểu biết, có thêm những niềm hi vọng mới cho nhiều người. Bà con nắm rồi phổ biến lại cho nhiều người nữa, giống như những cánh tay nối dài cho mình. Tôi mong muốn làm sao để ung thư không còn là sự ám ảnh với người dân nữa” – ông Hùng nói.

Không chỉ nói chuyện ở những trung tâm thành phố, vị giáo sư còn sẵn sàng đến những vùng khó khăn, xa xôi nói chuyện với bà con nông dân. “Có lần tôi đến Bến Tre, lúc nói chuyện ở trung tâm thành phố xong, ban tổ chức hỏi thầy ơi thầy chịu đi huyện không? Tôi nói: Đi luôn! Ở xã, ở huyện chắc chắn không tiện nghi như thành phố, sẽ vất vả hơn. Nhưng tôi không nghĩ là cực khổ mà là trải nghiệm” – ông Hùng mỉm cười nói.

Tóc đã bạc phơ, vị giáo sư đầu ngành về lĩnh vực ung thư vẫn nghĩ: “Đi để tích lũy thêm kiến thức, để không bị lỗi thời. Tôi vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc. Nghỉ hưu có nghĩa là thôi làm quản lý nhưng vẫn còn ống nghe và cục phấn”.

Ông nói kiến thức tích lũy gần 50 năm giờ đầy tràn, ngồn ngộn. “Không chia sẻ cho lớp trẻ, không chia sẻ cho nhiều người biết thì uổng lắm, buồn lắm. Tôi phải nói cho nhiều người nghe, nhiều người biết thì mới… đã. Như vậy thì phải đi khắp nơi” – ông nói.

Đi nhiều để giúp bệnh nhân ung thư - Ảnh 2.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng (thứ 2 từ phải sang) khám cho một bệnh nhân – Ảnh: NVCC

Tinh thần cái giếng trong và người gieo hạt

GS Nguyễn Chấn Hùng còn viết sách để chuyển tải sâu hơn và giúp bà con giữ được kiến thức về ung thư. Ông viết rất nhiều sách về sức khỏe nói chung và ung thư nói riêng, có nhiều sách được tái bản nhiều lần. Ông là người đầu tiên viết sách tiếng Việt phổ cập về ung thư cho người dân.

“Càng nhiều sách đến được với người dân thì càng giúp được nhiều người”, ông Hùng nói. 

Mấy chục năm trước, ông là người đầu tiên dịch và viết sách về ung thư làm giáo trình giảng dạy cho sinh viên ĐH Y dược TP.HCM. Ung thư học lâm sàng (xuất bản năm 1984) là giáo trình của bộ môn ung thư. Bây giờ, ông Hùng vẫn tiếp tục giảng dạy tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Y dược TP.HCM. Ông còn phụ trách giảng dạy các bác sĩ chuyên khoa sau đại học, kể cả nghiên cứu sinh về ung bướu.

Ông Hùng cho biết ngày trước, vì thích phong cách của giáo sư Đào Đức Hoành (giảng viên khoa ung bướu ĐH Y khoa Sài Gòn) mà ông chọn đi theo ngành ung bướu. Càng học càng thấy thú vị.

Trong mấy chục năm làm thầy thuốc, ông Hùng luôn nhớ và làm theo tinh thần cái giếng nước mà GS Đào Đức Hoành đã dạy mình. 

“Thầy tôi nói: Coi cái gương của cái giếng mà làm thầy thuốc. Giếng nước trong ai muốn múc, giếng cứ để cho múc. Giếng trong thì không sợ cạn, cứ giúp đời vô tư. Giếng đầy lên lại và càng trong hơn. Người bệnh cần mình thì trị, không câu nệ vì càng trị thì mình càng có kinh nghiệm. Mình là bác sĩ nhưng lại là thầy giáo. Khi truyền nghề cũng truyền hết những gì tích lũy được cả đời mình, không giấu nghề. Mình càng giỏi nghề thì mới có nhiều điều hay để giảng dạy. Lời thầy dạy giản dị vô cùng, mà thấm đến giờ” – ông Hùng chia sẻ.

Ông cũng nhớ lời dạy của GS Phạm Biểu Tâm với hình ảnh bìa cuốn từ điển Petit Larousse của Pháp có logo cô đầm nhỏ đang gieo hạt. 

“Thầy tôi nói: Mình là thầy thuốc, mình là thầy giáo, cứ gieo hạt đi, cho mầm xanh đâm chồi nảy lộc. Cứ gieo hoài. Cho cây xanh mọc hoài, mọc hoài. Cách thầy dạy học trò bình dị. Giờ đối với đồng nghiệp,với học trò, tôi luôn hành xử theo tinh thần cái giếng và người gieo hạt. Nghĩ tới tinh thần đó là thấy thảnh thơi… Nghỉ hưu rồi, nhìn lại tôi vui với những điều đã làm. Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm thêm những điều mình đã làm dù tuổi đã lớn. Ở góc độ nào đó, tôi vui vì mình có một chút đóng góp cho cộng đồng, cho bà con” – ông Hùng chia sẻ.

Làm thơ để “nói” cho bà con dễ nghe, dễ hiểu

GS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ: “Tôi võ vẽ làm thơ để nói cho bà con dễ nghe, dễ hiểu. Tôi không làm được một bài thơ, chỉ mỗi thứ 1-2 câu. Nhiều người mới nghe nói bị ung thư là hoang mang mà không biết ung thư ở giai đoạn nào mới là không thể chữa được”. Vị bác sĩ khẳng định với bà con là: “Ung thư biết sớm trị lành. Nếu mà để trễ dễ thành nan y”.

“Ung thư biết sớm thì khả năng điều trị tốt. Tôi luôn nhắc bà con biết để đừng thờ ơ với sức khỏe của mình. Rồi suy nghĩ, thói quen về ăn uống cũng phải thay đổi: Ung thư ngừa được bạn ơi. Ơ hờ bệnh nhập đổ là trời kêu!” – ông Hùng nói.

Ông lấy ví dụ hút thuốc lá gây ung thư phổi và nhiều loại ung thư khác nhưng cứ hút hoài, đến khi bị ung thư thì lại đổ “trời kêu ai nấy dạ”. “Không phải là trời kêu đâu. Mà là: Bụng làm dạ chịu, chớ có than van” – ông nhắn nhủ.

 

MY LĂNG