08/01/2025

ĐTC cổ vũ Chính Thống Bulgari cởi mở và đề cao đại kết bằng máu

Trong cuộc viếng thăm Đức Thượng phụ và Thánh Hội đồng của Chính thống Bulgari, ĐTC kín đáo bày tỏ mong ước Giáo Hội này cởi mở và ngài đề cao phong trào đại kết bằng máu các vị tử đạo. Cuộc gặp gỡ diễn ra trưa ngày 5-5-2019 và là hoạt động thứ hai của ĐTC Phanxicô trong cuộc viếng thăm hai ngài tại Bulgari.

 ĐTC cổ vũ Chính Thống Bulgari cởi mở và đề cao đại kết bằng máu

 

 

 

Trong cuộc viếng thăm Đức Thượng phụ và Thánh Hội đồng của Chính thống Bulgari, ĐTC kín đáo bày tỏ mong ước Giáo Hội này cởi mở và ngài đề cao phong trào đại kết bằng máu các vị tử đạo.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trưa ngày 5-5-2019 và là hoạt động thứ hai của ĐTC Phanxicô trong cuộc viếng thăm hai ngài tại Bulgari.

Gặp Đức Thượng phụ và Thánh Hội đồng

Giã từ các quan chức chính quyền, ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội Bulgari, ĐTC đã đến thăm Đức Thượng phụ Neofito và Thánh Hội đồng Chính thống Bulgari lúc 12 giờ trưa tại trụ sở chỉ cách đó 1 cây số, quen gọi là Toà “Thánh Hội đồng”.

Tình hình Chính thống Bulgari


Hiện nay Giáo Hội này có 6.5 triệu tín hữu ở quốc nội và hơn 1.5 triệu ở các nước Âu châu, Mỹ châu và Australia. Giáo hội Chính thống Bulgari đứng hàng thứ 8 trong số các Giáo hội Chính thống tự quản độc lập và vị đứng đầu hiện thời là Đức Thượng phụ Neofito năm nay 74 tuổi (1945) và từ 6 năm nay (2013) là thủ lãnh của Giáo hội Chính thống tại nước này, đồng thời là TGM giáo phận thủ đô Sofia. Ngài nguyên là một chuyên gia phụng vụ và là giáo sư thánh nhạc, rồi làm viện trưởng thần học viện Sofia.

Tại cổng chính của toà nhà Thánh Hội đồng, ĐTC được Đức TGM Antonio, đặc trách Chính thống Bulgari tại Tây và Trung Âu chào đón và hướng dẫn lên lầu 1 để gặp Đức Thượng phụ và các thành viên của Thánh Hội đồng.

Khác với Công giáo do 1 mình ĐGH đứng đầu và có quyền quyết định, mỗi Giáo hội Chính thống do một thánh Hội đồng cai quản và quyết định về những vấn đề quan trọng, nhưng trong đó Đức Thượng phụ cũng chỉ có 1 phiếu như các thành viên khác trong Hội đồng.


Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Thượng phụ Neofito, ĐTC nhắc đến “những vết thương bị mở ra qua dòng lịch sử giữa các tín hữu Kitô vẫn còn là những vết bầm đau đớn trên Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội”. Ngài nhận xét: “Cả ngày nay, hậu quả của các vết thương ấy vẫn còn hiển hiện tỏ tường và chúng ta có thể động chạm đến bằng tay… Có lẽ cùng nhau chúng ta có thể nhìn nhận những sai lỗi của mình và dìm mình vào trong những vết thương tình yêu của Chúa. Qua đó, chúng ta có thể khám phá niềm vui nhờ sự tha thứ và nếm hưởng trước hương vị của ngày mà, nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể cùng nhau cử hành Mầu nhiệm Vượt qua trên cùng một bàn thờ.”

Hành trình đại kết được nâng đỡ bằng máu các chứng nhân

“Trong hành trình này, chúng ta được rất nhiều anh chị em nâng đỡ: Bao nhiêu anh chị em tại đất nước này đã chịu đau khổ vì danh Chúa Giêsu trong cuộc bách hại hồi thế kỷ vừa qua! Đó là phong trào đại kết bằng máu. Họ đã làm lan tỏa hương thơm dịu dàng trên “Phần đất của các Hoa Hồng” này… Họ đã triển nở tại một phần đất màu mỡ và được chuẩn bị kỹ lưỡng, như thành phần của một dân tộc phong phú về đức tin và tình người chân thực, mang lại cho họ những cội rễ vững chắc.”

Đừng khép kín, nhưng hãy cởi mở

ĐTC bày tỏ xác tín: “Trong khi rất nhiều anh chị em chúng ta ở các nơi trên thế giới tiếp tục chịu đau khổ vì đức tin, họ yêu cầu chúng ta đừng khép kín, nhưng hãy cởi mở, vì chỉ có cách thế đó, những hạt giống chứng tá đức tin mới có thể mang lại hoa trái… Chúng ta được kêu gọi đồng hành và làm việc chung với nhau đề làm chứng cho Chúa, đặc biệt qua việc phục vụ những anh chị em nghèo khổ và bị bỏ rơi của chúng ta.. Đó là Phong trào đại kết người nghèo.”

Sự nghiệp của hai Thánh Cirillo và Metodio

Tiếp tục diễn văn tại Thánh Hội đồng Chính thống Bulgari, ĐTC cũng nhận xét:

Hai Thánh Cirillo và Metodio vẫn còn nhiều điều để nói với chúng ta về tương lai của xã hội Âu châu. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói “hai thánh cũng là những người cổ vũ một Âu châu hiệp nhất, và một nền hoà bình sâu đậm giữa tất cả những người dân thuộc đại lục này, khi hai thánh tỏ cho thấy căn bản của một nghệ thuật mới, sống chung với nhau, trong niềm tôn trọng những dị biệt, những điều này không hề là một chướng ngại cản trở hiệp nhất”.

ĐTC cũng không quên nhắc đến nhiều hệ phái Kitô khác ở Bulgari, từ các tín hữu Armeni tới những người Tin Lành, và các truyền thống tôn giáo khác, từ Do Thái đến Hồi giáo, họ được chào đón ở Bulgari này.

ĐTC cám ơn Đức Thượng phụ và Thánh Hội đồng đã đón tiếp ngài và nói thêm: “Trong các quan hệ giữa chúng ta, Thánh Cirillo và Metodio nhắc nhở chúng ta rằng sự khác biệt phong tục và lối sống không phải là chướng ngại cản trở sự hiệp nhất của Giáo Hội, nhưng còn gia tăng vẻ đẹp của Giáo Hội, các lối diễn tả khác nhau về thần học giữa Đông và Tây thường được coi bổ túc cho nhau, hơn là gây xung đột.” (UR 16-17).

Cuộc gặp gỡ được tiếp nối với phần trao đổi quà tặng và giới thiệu thành phần của hai phái đoàn, cũng như chụp hình lưu niệm.

Viếng Nhà thờ Chính toà Chính thống Bulgari

Tiếp đến, ĐTC được Đức TGM Antonio hướng dẫn đến viếng Nhà thờ Chính toà chỉ cách đó 100 mét, dâng kính Thánh Alexander Nevsky của Toà Thượng phụ Chính thống. Nhà thờ được kiến thiết trong 8 năm, từ 1904 đến 1912, để tưởng niệm 200.000 binh sĩ Nga tử trận trong thời kỳ chiến tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ 1877-78. Sau cuộc chiến đó, Bulgari đã được độc lập.

Đây là Thánh Đường lớn nhất tại Bulgari và đứng thứ hai trên toàn bán đảo Balcan, chỉ sau Đền thờ Thánh Sava của Chính thống Serbi ở thủ đô Belgrade. Thánh đường hùng vĩ này cao 45 mét và nếu kể cả tháp chuông thì lên tới 50 mét rưỡi. Nhà thờ có thể chứa được 5.000 người.

Vào bên trong thánh đường hùng vĩ này, ĐTC đã dừng lại cầu nguyện trong thinh lặng trước ngai của Thánh Cirillo (827) và anh là Metodio (815) là bổn mạng của các dân tộc Slave, vì đã mang Tin Mừng đến cho các dân tộc này hồi thế kỷ thứ 9 và đã sáng tác mẫu tự Cirillico để dịch Kinh Thánh và dùng trong phụng vụ.

ĐTC đã cầu nguyện một mình trong thinh lặng, vì Chính thống Bulgari, giống như Chính thống Georgia, thuộc khuynh hướng bảo thủ và không cầu nguyện chung với Công giáo hoặc các tín hữu Kitô khác, dù là đọc chung một Kinh Lạy Cha.

 
 

G. Trần Đức Anh OP