4 nước sở hữu ‘lá phổi xanh’ của Trái đất đánh mất rừng nhiều nhất thế giới
Trong số quốc gia bị mất rừng nhiều nhất thế giới năm 2018, Brazil xếp thứ 1, Colombia xếp thứ 3, Peru xếp thứ 4, Bolivia thứ 5 – tất cả đều đồng sở hữu lá phổi xanh của Trái đất: rừng Amazon.
4 nước sở hữu ‘lá phổi xanh’ của Trái đất đánh mất rừng nhiều nhất thế giới
Trong số quốc gia bị mất rừng nhiều nhất thế giới năm 2018, Brazil xếp thứ 1, Colombia xếp thứ 3, Peru xếp thứ 4, Bolivia thứ 5 – tất cả đều đồng sở hữu lá phổi xanh của Trái đất: rừng Amazon.
Theo phân tích thường niên Global Forest Watch, năm 2018, thế giới đã mất đi 121.405 km2 rừng, tức hơn 1/3 diện tích Việt Nam.
Trong số 121.405 km2 rừng thiệt hại, 3.561 km2 là rừng nguyên sinh, vốn là những khu vực sống của nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có cả những loài chưa từng được biết đến.
Brazil là quốc gia mất nhiều rừng nhất năm 2018 với gần 16.187 km2, xấp xỉ diện tích tỉnh Nghệ An (16.494 km2). Nguyên nhân chủ yếu do phá rừng phục vụ cho hoạt động chăn nuôi gia súc, trồng đậu nành hay khai thác mỏ.
Rừng Amazon ở Brazil đã bị ảnh hưởng nhiều năm qua, nhưng các nhà hoạt động môi trường nước này đã lên tiếng quan ngại về những chính sách của vị tân tổng thống Jair Bolsonaro đã tác động đến môi trường khu vực Amazon trầm trọng hơn.
Cụ thể, ông Bolsonaro từng phát biểu trong những ngày đầu nhậm chức là sẽ mở cửa rừng Amazon để phục vụ phát triển công nghiệp.
Nam Mỹ cũng là khu vực mất nhiều rừng nhất trong năm qua khi trong tốp 5 quốc gia mất nhiều rừng nhất trên thế giới thì có đến 4 nước thuộc châu lục này. Ngoài Brazil đứng nhất thì còn Colombia xếp thứ 3, Peru xếp thứ 4, Bolivia thứ 5.
Đáng chú ý, đây đều là quốc gia đồng sở hữu lá phổi xanh của Trái đất: rừng Amazon.
Nước giữ vị trí thứ 2 danh sách mất rừng năm 2018 là Indonesia, với khoảng 1.821 km2. Ngoài lý do nhường đất cho phát triển kinh tế, rừng ở quốc gia Đông Nam Á này còn bị thiệt hại nghiêm trọng vì những thiên tai như cháy hay bão lụt…
Số liệu hằng năm là lời cảnh báo cho các chính phủ về sự cân bằng giữa bảo vệ rừng và phát triển kinh tế – Ảnh: NATURE
Điểm tích cực trong năm vừa qua là tỉ lệ rừng mất đi so với năm 2017 đã giảm đến 50%. Tuy nhiên, nếu không tính những thiệt hại do cháy rừng, diện tích rừng thiệt hại – chủ yếu do hoạt động sản xuất của con người – tăng 13% trong năm qua.
Hằng năm, Viện Tài nguyên thế giới đều phân tích và lập các bản đồ mô tả tình trạng rừng trên thế giới (Global Forest Watch) nhờ các dữ liệu từ Google Maps và Google Earth và cả NASA.
Đây là cơ sở cho các chính phủ, các nhà hoạt động vì môi trường có thể dùng làm bằng chứng cho sự suy giảm đều đặn diện tích rừng trên thế giới, từ đó có thể đề xuất những biện pháp ngăn chặn kịp thời.