28/11/2024

8.3, người phụ nữ ‘có tầm ảnh hưởng’: ‘Tam tòng tứ đức’ hoài cũng không được!

‘Tôi nghĩ với tất cả phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị khuyết tật, quan trọng là mình nhìn ra khả năng và giá trị của mình’, bà Võ Thị Hoàng Yến nhắn gửi những phụ nữ khuyết tật nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8.3.

 

8.3, người phụ nữ ‘có tầm ảnh hưởng’: ‘Tam tòng tứ đức’ hoài cũng không được!

‘Tôi nghĩ với tất cả phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị khuyết tật, quan trọng là mình nhìn ra khả năng và giá trị của mình’, bà Võ Thị Hoàng Yến nhắn gửi những phụ nữ khuyết tật nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8.3.
 
 
 
 

Bà Võ Thị Hoàng Yến nằm trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 /// Phạm Hữu

Bà Võ Thị Hoàng Yến nằm trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019  PHẠM HỮU

 
Bà Võ Thị Hoàng Yến (53 tuổi, ngụ TP.HCM), người sáng lập và là Giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển Việt Nam (DRD). Bà được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất ở Việt Nam năm 2019.
 
Phóng viên báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi ngắn với bà xoay quanh câu chuyện vinh danh và về phụ nữ bị khuyết tật nhân ngày 8.3.

Bước ngoặt từ sau khi bị từ chối việc làm

*Cảm xúc của bà như thế nào khi được vinh danh một trong 50 người phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019?
– Chắc chắn là tôi bất ngờ rồi. Trong đầu tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được đề cử trong danh sách này. Cũng cảm thấy thú vị như là các hoạt động cộng đồng của mình đã được công nhận.
* Theo bà, tạp chí Forbes vinh danh bà vì điều gì?
– Tôi nghĩ những hoạt động của tôi ở DRD chắc được người ta công nhận. Thành quả của tôi cũng là thành quả của DRD mà thành quả của DRD cũng là của tôi.
 

Tôi nghĩ hoạt động của DRD hoạt động rất đa dạng. DRD luôn nhắm đến chuyện làm sao thay đổi cuộc sống của người khuyết tật. Mà thử hình dung thay đổi cuộc sống của người khuyết tật đâu chỉ một cái mà hầu như nhiều cái khác nhau. Đồng thời xem xét về các chính sách về người khuyết tật để đề bạc lên chính phủ, vận động nguồn lực xã hội.

 
*Bà có cảm thấy áp lực không?
– Tôi nghĩ bất cứ ai cũng sẽ bị áp lực với chuyện này. Tại vì được công nhận là một chuyện và chuyện làm sao để duy trì được điều mà mình đang làm không để thụt lùi, nếu thành công hơn nữa thì càng tốt. Đồng thời sự công nhận luôn luôn đi chung với điều người ta đánh giá tốt điều mình làm và dĩ nhiên người ta cũng mong đợi mình tiếp tục duy trì và phát triển điều đó.
 
*Nói về cá nhân, bà có thể cho biết những bước ngoặc trong cuộc đời mình không?
– Tôi cũng giống như mọi người, sinh ra và lớn lên đi học, đi làm. Riêng tôi cũng như những nhóm người bị thiệt thòi đã vượt qua để làm điều gì đó thay đổi cuộc đời thì chắc chắn đó là một bước ngoặc. Tôi quyết định sẽ phải xây dựng được trung tâm DRD nhằm thay đổi sự phân biệt đối xử.
 
Ngày xưa tôi học ra trường rồi đi xin việc người ta không chấp nhận không phải vì tôi thiếu khả năng mà vì tôi là người khuyết tật. Người ta phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Từ đó trở thành cú sốc với tôi.
 

Có thể hình dung ở Việt Nam trong 1.000 người khuyết tật chưa có tới 1 người học cao đẳng và đại học. Tôi là một số hiếm trong 1/1000 người đó. Tôi học đại học ra, qua được vòng phỏng vấn có nghĩa là tôi có khả năng làm công việc đó nhưng lại bị phân biệt đối xử như vậy. Những người khuyết tật không được đi học như tôi họ còn bị phân biệt đối xử nhiều hơn nữa. Đó là cái mà làm cho tôi quyết định làm cái gì đó tạo dựng sự thay đổi cho cộng đồng người khuyết tật.

 
Đồng thời tôi nhận được một học bỗng du học ở Mỹ. Chính học bỗng này giúp tôi tăng cơ hội có thêm kiến thức. Cơ hội này mang lại cho tôi phương cách, tạo thêm mạng lưới với những người chuyên môn hơn. Chính vì vậy giúp tôi xây dựng trung tâm DRD như giấc mơ của mình.
 
8.3, người phụ nữ 'có tầm ảnh hưởng': 'Tam tòng tứ đức' hoài cũng không được! - ảnh 3

Bà Võ Thị Hoàng Yến trong lễ tốt nghiệp tiến sĩ tại Úc, 2018   NVCC

*Một phụ nữ khuyết tật có lẽ nhận nhiều thiệt thòi nhất…
– Sinh ra là người khuyết tật đã bị thiệt thòi. Người khuyết tật sống ở nước nghèo bị thiệt thòi gấp đôi. Người khuyết tật ở nước nghèo là phụ nữ sẽ bị thiệt thòi gấp ba.
Theo tôi nhận thấy thường trong một gia đình nghèo có con bị khuyết tật sẽ ưu tiên cho đứa con không bị khuyết tật đi học. Nếu người khuyết tật lại là nữ thì cơ hội đi học còn hiếm hơn nữa. Còn nếu người khuyết tật nữ ở các vùng sâu, vùng xa thì phần thiệt thòi sẽ nhân lên gấp bốn.

Cần công bằng cơ hội cho cả nam và nữ

*Theo cách nhìn nhận riêng của chị, phụ nữ Việt Nam nói chung cần có những yếu tố gì để thành công?
 

– Tôi nghĩ cái quan trọng nhất là công bằng cơ hội. Có nghĩa là cơ hội đó dành cho đàn ông chẳng hạn thì cơ hội đó cũng phải dành cho phụ nữ. Trong gia đình cũng vậy cha mẹ phải nhìn thấy chuyện đó để khi phân công không phải con gái ngồi trong bếp, con trai ngồi coi ti vi, đi chơi. Con trai được quyền đi chơi và con gái cũng phải ngược lại. Như vậy để con gái phát triển được kỹ năng xã hội bên ngoài. Khi phân công con trai cũng phải làm việc nhà. Để mọi người đều phải có trách nhiệm với gia đình của mình.

 
Ở ngoài xã hội cũng vậy, cần thay đổi cách nhìn về người phụ nữ, cứ bảo “tam tòng tứ đức” hoài cũng không được. Vô tình gắn người phụ nữ vào trong một khuôn làm cho họ khó thoát ra được. Có người nước ngoài đến Việt Nam nói với tôi tổ chức nào có người phụ nữ làm lãnh đạo thì nơi đó tròn trịa hơn, tốt hơn người nam một chút.
 
* Quan điểm “tam tòng tứ đức” mà bà nói có ảnh hưởng đến người phụ nữ không may bị khiếm khuyết không?
– Người khuyết tật nữ còn bị nhiều hơn nữa. Trong cái nhìn của người bình thường người khuyết tật nữ không thể sinh con được, không thể lập gia đình được, sinh con ra có thể bị khuyết tật nữa. Hoặc là nữ khuyết tật thì sao có thể “tam tòng tứ đức” kia được, họ sao có thể chăm sóc gia đình nuôi dưỡng con cái. Nhưng người đời không nghĩ người nam có thể phụ vợ mình được.
 
Nếu người nam lấy một người nữ khuyết tật vẫn có thể chia sẻ công việc và đỡ đần cho vợ mình, chuyện này đâu phải đòi hỏi quá lớn cho người nữ khuyết tật.
 
Nhìn vào tỉ lệ hiện nay, người nam bị khuyết tật dễ lập gia đình hơn người nữ bị khuyết tật bởi vì cái nhìn kia. Khi tôi ra nước ngoài, tôi thấy chuyện người nam cưới người nữ bị khuyết tật là chuyện bình thường. Tôi đi dự hội thảo thấy người chồng đi theo hỗ trợ vợ bị khuyết tật là chuyện bình thường. Bởi họ không có sự phân biệt kia.
 
8.3, người phụ nữ 'có tầm ảnh hưởng': 'Tam tòng tứ đức' hoài cũng không được! - ảnh 5

Bà Võ Thị Hoàng Yến trong các hoạt động với người khuyết tật  NVCC

*Bà có nghĩ mẫu số chung của phụ nữ Việt hiện nay để chọn lựa giữa cơ hội thành công trong sự nghiệp thì phải đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình không?
 

– Tôi nghĩ nếu dùng từ đánh đổi thì phải nhìn vào người phối ngẫu với mình là ai. Nếu người phối ngẫu phóng khoáng cởi mở luôn tạo điều kiện cho vợ mình phát triển thì không phải là sự đánh đổi. Còn nếu chồng là người gia trưởng, về nhà cơm phải để sẵn, áo phải tươm tất thì vợ đi làm bên ngoài phải đảm đương nhiều việc, lâu dần tạo thành một áp lực trở thành đánh đổi.

 
*Nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ vẫn bị tư duy “tam tòng tứ đức” đè nặng….
– Bởi vậy để có bình đẳng giới thật không chỉ thay đổi từ người đàn ông mà phải thay đổi chính từ người phụ nữ. Họ đã tự bỏ họ vào cái lồng đó luôn. Trong đầu luôn nghĩ tôi phải là vợ hiền, dâu thảo. Tóm lại bản thân tất cả mọi người phải thay đổi luôn.
 
Khi tôi học ở Mỹ, thầy tôi là một giáo sư cũng bị khuyết tật ngồi xe lăn và là giám đốc một trung tâm nghiên cứu ở trường nhưng nấu ăn rất ngon vì thầy rất thích việc nấu ăn. Có những ngày thầy mời tôi về nhà chơi vì hôm đó là ngày thầy nấu ăn. Tôi đến chơi thì thầy ở bếp nấu ăn, còn vợ và con ngồi ở phòng khách xem ti vi. Tôi xuống bếp để phụ thầy nhưng người vợ bảo lên xem ti vi cùng vì ngày hôm đó là ngày thầy nấu ăn cho cả gia đình. Qua đó chuyện phân công lao động ở nước ngoài là điều bình thường.
8.3, người phụ nữ 'có tầm ảnh hưởng': 'Tam tòng tứ đức' hoài cũng không được! - ảnh 7

Bà Võ Thị Hoàng Yến (53 tuổi, ngụ TP.HCM), người sáng lập và là Giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển Việt Nam (DRD)  NVCC

Hạnh phúc không có nghĩa là phải có gia đình

*Về cá nhân bà, sau những thành công trong ước vọng tạo bước ngoặt cho người khuyết tật, có bao giờ bà mong muốn về một gia đình nhỏ bé?
 

– Tôi không nghĩ điều đó là quan trọng. Vì tôi thấy có rất nhiều người thân của mình có gia đình chưa chắc đã hạnh phúc. Cái quan trọng là mình nghĩ hạnh phúc là gì thôi. Có những người có gia đình gặp tôi nói biết vậy sống một mình cho khoẻ. Họ thấy tôi sống một mình và rất… ghen tị với tôi.

 
Tôi đang làm được những điều tôi muốn làm cho nên hạnh phúc đối với tôi không có nghĩa là phải có gia đình.
 
*Bà có muốn nhắn gửi đến những người phụ nữ khuyết tật điều gì vào ngày 8.3 không?
 
– Tôi nghĩ nói chung với tất cả phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị khuyết tật quan trọng là mình nhìn ra khả năng và giá trị của mình. Đừng chấp nhận cái cách nhìn của người khác đối với mình.
 
Nhiều người nghĩ người khuyết tật không đẹp, vô giá trị, vô dụng… Khi xã hội áp đặt những điều đó lên mình nếu mình chấp nhận nó thì tự mình làm giảm giá trị của bản thân và mình tự bỏ qua những cơ hội phát triển. Cho nên quan trọng là phải biết mình có khả năng gì, có những giá trị gì. Dĩ nhiên biết là một chuyện nhưng xã hội cần phải tạo cơ hội cho những người phụ nữ bị khuyết tật hơn nữa mới tốt.
 
 
PHẠM HỮU