28/11/2024

Thời tiết TP.HCM ‘lạ’ vì sương mù, ô nhiễm

Nhiều người dân TP.HCM đã phải thốt lên ‘sương mù sao nhiều thế, giống đang sống ở Đà Lạt quá!’ rồi ‘Sài Gòn giáp tết mà sao giống đang mùa mưa vậy!’…

 

Thời tiết TP.HCM ‘lạ’ vì sương mù, ô nhiễm

Nhiều người dân TP.HCM đã phải thốt lên ‘sương mù sao nhiều thế, giống đang sống ở Đà Lạt quá!’ rồi ‘Sài Gòn giáp tết mà sao giống đang mùa mưa vậy!’…


 
Người dân Sài Gòn có thể nhìn thấy mức độ ô nhiễm không khí qua biểu hiện sương mù dày đặc  /// Ảnh: Ngọc Dương

Người dân Sài Gòn có thể nhìn thấy mức độ ô nhiễm không khí qua biểu hiện sương mù dày đặc ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Các chuyên gia khí tượng cũng thừa nhận “công tác dự báo năm nay căng vì trời lạ quá”.
Mưa, sương mù kéo dài đến sau tết.
 

Trong tháng đầu tiên của năm 2018, mưa trái mùa xảy ra trên diện rộng ở khắp Nam bộ. Do là mưa trái mùa nên lượng và diện không đủ lớn để làm sạch không khí như trong mùa mưa. Những cơn mưa này chỉ góp phần làm tăng độ ẩm trong không khí. Độ ẩm cao, nền nhiệt thấp do không khí lạnh từ phía bắc liên tục tăng cường và ô nhiễm khói bụi tạo ra hiện tượng sương mù hỗn hợp kéo dài nhiều ngày qua ở TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác ở khu vực Nam bộ.

 
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, trong tháng 2.2018, tiếp tục xảy ra các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh và có thể gây ra các đợt rét đậm, rét hại tập trung trong nửa đầu tháng. Cùng với đó, rãnh áp thấp xích đạo vẫn còn có xu hướng duy trì hoạt động mạnh và ảnh hưởng đến thời tiết các khu vực nam Biển Đông và tác động đến khu vực Nam bộ gây ra các đợt mưa trái mùa trên khu vực. Tổng lượng mưa tháng tại khu vực Nam bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, với tổng lượng mưa tháng phổ biến 15 – 40 mm. Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là do hiện tượng ENSO đã chuyển sang pha lạnh (La Nina) yếu. Biểu hiện của nó là rãnh thấp xích đạo vẫn duy trì hoạt động ở khu vực nam Biển Đông.
 
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan dự báo: Trong những ngày cuối tuần, mưa trái mùa vẫn xuất hiện phổ biến, sau đó giảm dần; về diện chủ yếu xảy ra ở vùng ven biển và gần biên giới Campuchia. Tuy nhiên, các dự báo của Mỹ cho rằng vào dịp Tết Nguyên đán, vào ngày mùng một tết một nhiễu động trên Biển Đông có thể phát triển thành một vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới quanh khu vực Trường Sa hướng về vùng biển Nam bộ. Chính vì vậy, nó sẽ gây ra một đợt mưa trái mùa với diện và lượng tương đối lớn ở khu vực Nam bộ; nhiều nơi có thể xảy ra mưa vừa, mưa to. Khoảng mùng 3 – 4 tết, một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh (tương đương) đợt hiện nay sẽ tăng cường xuống nước ta. Sau khoảng thời gian này, hiện tượng ENSO chuyển về trạng thái trung tính, tần suất mưa trái mùa giảm và Nam bộ trở lại mùa khô đúng nghĩa. “Có thể từ tháng 3, Nam bộ sẽ đối mặt với tình trạng nắng nóng và khô. Ít có khả năng xảy ra hiện tượng nhiệt độ tăng quá cao, tuy nhiên nền nhiệt trung bình sẽ cao và số ngày nắng nóng có nhiệt độ cao trên 35oC sẽ nhiều”, bà Lan dự báo.
 
Vấn đề chính là ô nhiễm không khí
Theo bà Lan, thời tiết ngày càng bất thường và mùa khô này là biểu hiện cụ thể. Có thể thêm vào sự bất thường của thời tiết hiện nay qua đợt triều cường rằm tháng chạp này. Các cơ quan dự báo đỉnh triều cường tại trạm Phú An và Nhà Bè trên sông Sài Gòn thấp hơn hoặc xấp xỉ mức báo động 3. Kết quả là đỉnh triều cao hơn báo động 3 từ 0,1 – 0,15 m.
 

Nguyên nhân là do tác động của gió chướng thổi mạnh làm sóng cao, đẩy mực đỉnh triều tăng cao hơn so với dự báo. Thời tiết bất thường gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống và cả hoạt động sản xuất đặc biệt là nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn mà chúng ta đang đối mặt và có thể nhìn thấy là một màu đục đục trong không khí. Nó cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay rất đáng lo ngại và cần có giải pháp để bảo vệ sức khoẻ người dân.

 
Các chuyên gia về môi trường, y khoa đều có chung nhận định mức độ ô nhiễm không khí ở VN đặc biệt hai thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) ngày càng tăng. Hậu quả của việc chất lượng không khí ô nhiễm là gánh nặng bệnh tật ngày càng gia tăng.
 
Theo TS Đoàn Ngọc Hải, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường – NIOEH (Bộ Y tế), tỷ lệ bệnh hô hấp chiếm tới 3 – 4% dân số, trong đó tỷ lệ này ngày càng cao hơn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
 
Không chỉ chất lượng không khí ngoài trời thường xuyên vượt chuẩn nhiều lần mà ngay cả chất lượng không khí xung quanh nhà, trong nhà ở, trường học và văn phòng làm việc cũng vượt chuẩn.
 
Băng giá lại xuất hiện tại Mù Cang Chải
 
Trao đổi với Thanh Niên chiều 2.2, ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Yên Bái, xác nhận trong ngày, băng giá đã xuất hiện ở khu vực đỉnh núi Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn, huyện vùng cao Mù Cang Chải. Đây là lần thứ 2 trong mùa đông 2017 – 2018, băng giá xuất hiện tại khu vực này.
 
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết trong ngày 2.2, không khí lạnh cường độ mạnh đã tăng cường khiến các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ tiếp tục rét đậm, rét hại và mưa nhỏ.
 
Đợt rét này được dự báo sẽ kéo dài đến hết ngày 7.2. Trong đó, vùng núi nhiệt độ thấp nhất từ 5 – 8 độ C, vùng núi cao rét dưới 3 độ C và có thể xuất hiện băng giá, mưa tuyết; vùng đồng bằng nhiệt độ phổ biến từ 8 – 11 độ C. Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cũng cho biết đợt không khí lạnh tăng cường gây thời tiết xấu trên nhiều vùng biển vịnh Bắc bộ; vùng biển ngoài khơi Trung bộ, Nam bộ và khu vực giữa Biển Đông gió đông bắc mạnh cấp 6 – cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao 2 – 3 m, biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông, bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa sẽ có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 10 với sóng biển cao 2 – 4 m, biển động mạnh.
 
P.Hậu