18/11/2024

Chúa Nhật III Mùa Chay C 2019: Sức mạnh huỷ diệt của tội lỗi

Trong phần thứ hai của sứ điệp mùa chay 2019, ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta suy niệm về “sức mạnh huỷ hoại của tội lỗi”. Chúng ta tìm hiểu về sức mạnh đó ẩn sâu trong con người cũng như đang diễn tả trong đời sống chúng ta như thế nào.

 

Chúa Nhật III Mùa Chay C 2019

Sức mạnh huỷ diệt của tội lỗi

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong phần thứ hai của sứ điệp mùa chay 2019, ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta suy niệm về “sức mạnh huỷ hoại của tội lỗi”. Các bài Kinh Thánh hôm nay như mời gọi chúng ta tìm hiểu về sức mạnh đó ẩn sâu trong con người cũng như đang diễn tả trong đời sống chúng ta như thế nào.

1. Nguồn gốc tội lỗi là con người cắt đứt với nguồn hiện hữu

Trước hết, tội lỗi bắt nguồn từ việc con người chối bỏ và cắt đứt với Thiên Chúa là nguồn hiện hữu.

Trong Bài đọc I (x. Xh 3,1-8. 13-15), sách Sáng Thế đã giới thiệu cho chúng ta Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu, khi Ngài hiện ra với ông Môsê trên núi Khoreb, để nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những gì “đang có” đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính Ngài là nguồn của sự sống, hạnh phúc, tình yêu, quyền năng, nguồn của chân thiện mỹ, muôn vàn ân huệ và ơn cứu độ. Ngài đã chia sẻ những gì mình có cho mọi loài như chúng ta đã suy niệm trong tuần trước.

Nhưng trong thời đại gần đây, người ta muốn chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một trong những giả thuyết gây nên sự chối bỏ ấy, đó là Thuyết Tiến hoá của Darwin (1809-1882). Rất nhiều ý thức hệ và chủ nghĩa đã dựa vào giả thuyết này như một tiền đề để xác định rằng: vạn vật, và ngay cả những gì thuộc về tinh thần, đều bắt nguồn từ sự tiến hoá ngẫu nhiên của vật chất chứ không phải do tác động của một ai khác sáng tạo nên.

Chúng ta ôn lại một chút khoa học: cách đây hơn 14 tỉ năm, vụ nổ Big Bang đã hình thành nên hàng trăn ngàn thiên hà, một trong số đó có thiên hà của chúng ta với khoảng 400 triệu ngôi sao. Một trong các sao đó là mặt trời xuất hiện cách đây khoảng 12 tỉ năm. Mặt trời nổ ra, tạo nên những hành tinh xoay quanh nó, trong đó có trái đất của chúng ta xuất hiện trước đây khoảng 8 tỉ năm. Khối vật chất nóng rực của mặt trời có những chất khí Oxy, Hydro, Nitơ và các chất khác. Hydro kết hợp với Oxy tạo thành nước bao quanh trái đất làm cho nó nguội dần. Những chất khác phối hợp với nhau ngày càng phức tạp thành các chất vô cơ, rồi đến các chất hữu cơ.

Cách đây đúng 1 tỉ năm, tế bào đầu tiên có sự sống xuất hiện, tự sinh sản rồi phối hợp với nhau tạo nên những đa bào như tảo, rong biển, rồi tiến hoá thành những con cá ở dưới nước. Một số con cá tiến hoá như các con nòng nọc lên sống trên cạn tạo nên những sinh vật hạ đẳng, rồi tiến hoá thành những con vật lớn hơn, phức tạp hơn, nhất là loài linh trưởng cách đây khoảng 85 triệu năm, các loài khỉ dạng người cách đây 20 triệu năm, và loài tinh tinh gần với con người nhất cách đây khoảng 5-8 triệu năm. Tổ tiên loài người là những sinh vật có não bộ lớn so với khỉ, biết sử dụng công cụ xuất hiện ở Đông Phi trong khoảng vài triệu năm trước đây. Cuối cùng cách đây 40 ngàn năm xuất hiện con người biết suy tư (homo sapiens) là chúng ta (x. Bs A. Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2015, tr.12-15).

Giả thuyết này cho rằng tất cả vạn vật tiến hoá hoàn toàn do ngẫu nhiên. Ý thức hệ Hiện sinh và Cộng sản đã dùng ngay giả thuyết khoa học đó để chối bỏ nguồn của hiện hữu là Thiên Chúa. Nhiều người hiện nay, nhất là các em học sinh, sinh viên trong đất nước chúng ta, tin thuyết tiến hoá như là một chủ thuyết của khoa học, một sự thật trong đời sống mà không ngờ đó chỉ là một giả thuyết và giả thuyết này đang bị các nhà khoa học chống đối kịch liệt vì nó phản khoa học, tự mâu thuẫn và gây tác hại nặng nề trong đời sống con người (x. Thuyết tiến hoá của Darwin: đã đến lúc phải chấm dứt sự lừa dối vĩ đại, bài trên You Tube, ngày 1/1/2018; bài 9 lý do chứng minh thuyết tiến hoá của Darwin sai, You Tube, ngày 14/10/2018…).  

Chính Darwin, trong chương 9 cuốn sách nổi tiếng của ông “Về nguồn gốc của các loài” viết năm 1859 đã viết rằng: cái khó khăn nhất là không tìm ra bằng chứng nào cho thấy sự chuyển tiếp giữa loài này với loài khác. Người ta đã đào bới khắp các nơi để tìm hoá thạch trong các tầng địa chất để xem có loài nào chuyển tiếp giữa các loài hay giữa con khỉ với con người mà không tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.

Ảnh hưởng của giả thuyết này đã gây ra những hậu quả nặng nề trong thái độ và hành vi của con người đối xử với nhau cũng như đối với vạn vật vì một khi không nhìn nhận Thiên Chúa như nguồn của mọi hiện hữu, con người sẽ tự cho mình là tiêu chuẩn cuối cùng và không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ đạo đức hay luân lý nào. Đức Thánh Cha Phanxicô  nói rõ điều đó trong sứ điệp Mùa Chay 2019: “Tội lỗi phá huỷ sự hiệp thông với Thiên Chúa, với những người khác và với thế giới thụ tạo.…Tội lỗi dẫn con người tới chỗ coi mình như chúa tể của thế giới thụ tạo, cảm thấy mình như là chủ nhân ông tuyệt đối của nó”. Như thế, nguồn gốc tội lỗi bắt nguồn từ việc chối bỏ Thiên Chúa trong đời sống con người.

2. Con người chạy theo những sở hữu để thoả mãn tham vọng và dục vọng

Qua Bài đọc II (x. 1Cr 10,1-6.10-12), thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta rằng: chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương, giống như cha ông người Do Thái,  đã ở dưới đám mây, cùng uống nước thần thiêng chảy ra từ tảng đá, ăn bánh linh thiêng từ trời rơi xuống. Nhưng hầu hết họ đã chết trong sa mạc. “Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta”. Quả thật, khi chối bỏ Thiên Chúa là nguồn của hiện hữu, con người đi tìm những sở hữu. Rồi khi nghĩ rằng mình có nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, có tài năng, thậm chí có đức hạnh, thì mình không cần ai cả, vì “có tiền mua tiên cũng được”. Đức Thánh cha Phanxicô cảnh báo: “Não trạng muốn có được tất cả và ngay tức khắc, cũng như càng ngày càng phải nhiều hơn, sẽ giành thế thượng phong”.

Người ta không hiểu rằng tất cả những sở hữu theo tham vọng và dục vọng ấy, khi chúng gắn với con người thì sẽ tàn tạ, hư hại theo con người vì chúng không thể tồn tại nếu tách ra khỏi nguồn hiện hữu là Thiên Chúa. Công Đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta rằng: “Giá trị con người hệ tại ở “cái mình là” hơn ở “cái mình có”, ở mặt hiện hữu hơn ở mặt sở hữu (x. Hiến chế Gaudium et Spes, số 35). Mỗi người chúng ta quên đi đời sống tinh thần của mình: chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nên có thể sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi vì tình yêu, sự sống, chân thiên mỹ đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Nếu ta cứ đi tìm sở hữu, ta sẽ chết theo những tham vọng và dục vọng của mình. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã”.

Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm (x. Lc 13,1-9) hôm nay mời gọi ta suy nghĩ về việc những người Galilê bị Philatô giết khi họ đang dâng lễ trong đền thờ, hay 18 người ở Giêrusalem bị tháp Siloac đổ xuống đè chết. Ngài nói rằng: “Các ông tưởng những con người bị chết như vậy tội lỗi hơn tất cả những người ở Galilê hay ở Giêrusalem sao. Tôi nói rằng, không phải thế. Nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Chúa Giêsu cảnh báo để chúng ta tìm về được nguồn hiện hữu của mình là Thiên Chúa, để tất cả những gì chúng ta đang nhận được từ Ngài sẽ tồn tại mãi mãi.

Lời kết

Nối lại được sự hiệp thông với Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ nối lại sự hiệp thông với con người và vạn vật. Nối lại sự hiệp thông với Chúa là chúng ta làm cho sức mạnh huỷ diệt của tội lỗi do ma quỷ gây nên bị suy yếu và tàn tạ. Dù chúng ta có thể chỉ là những con người yếu đuối, giống như cây vả chưa có trái, nhưng với lòng sám hối và sự trợ giúp của Thánh Thần, chắc chắn chúng ta sẽ sinh ra những trái ngọt. Nhất là khi chúng ta biến những gì mình sở hữu, vật chất cũng như tài năng tinh thần, thành những dụng cụ của lòng thương xót khi chia sẻ cho những anh chị em yếu kém, nghèo khổ, tật bệnh quanh ta.