19/11/2024

Mặt trăng nhỏ nhất của Hải Vương tinh

Với sự hỗ trợ của kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà thiên văn học do chuyên gia Mark Showalter của Viện SETI ở California (Mỹ) dẫn đầu, đã có thể xác nhận sự tồn tại của một mặt trăng mới thuộc về sao Hải Vương.

 

Mặt trăng nhỏ nhất của Hải Vương tinh

Với sự hỗ trợ của kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà thiên văn học do chuyên gia Mark Showalter của Viện SETI ở California (Mỹ) dẫn đầu, đã có thể xác nhận sự tồn tại của một mặt trăng mới thuộc về sao Hải Vương.
 
 
 

 
 
Được đặt tên là Hippocamp, thành viên mới có đường kính khoảng 32 km, nhỏ nhất trong số 14 mặt trăng của hành tinh ở rìa mặt trời. Nó cũng là một trong những vệ tinh tự nhiên nhỏ nhất trong toàn bộ thái dương hệ.
 
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay mặt trăng của Hải Vương tinh phản ra ánh sáng yếu gấp 100 triệu lần so với ngôi sao mờ nhất có thể thấy được bằng mắt người.
 
Hippocamp lần đầu tiên được tìm thấy trong những bức ảnh do Hubble chụp được vào năm 2013. Tuy nhiên, sự hiện diện của nó, ở vị trí sát với mặt trăng Proteus lớn hơn gấp nhiều lần, đã khơi gợi sự thắc mắc của giới chuyên gia. Tại sao Hippocamp không bị Proteus, có bề ngang hơn 420 km, cưỡng chế kết hợp hoặc đẩy ra phía xa? Một số người cho rằng Hippocamp lẽ ra không thể xuất hiện ở vị trí đó.
 
Sau vài năm quan sát, bao gồm những hình ảnh mới do Hubble và tàu du hành Voyager 2 của NASA truyền về, nhóm nhà thiên văn học đưa ra một giả thuyết: Hippocamp là một mẩu bị tách rời khỏi Proteus sau vụ đụng độ giữa mặt trăng lớn hơn và một sao chổi bí ẩn cách đây vài tỉ năm. Theo báo cáo trên chuyên san Nature, tàu Voyager 2 chụp được hình ảnh cho thấy một hố va chạm lớn trên bề mặt Proteus, phù hợp với giả thuyết bị sao chổi đâm trúng. Sara Seager, nhà hành tinh học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cũng đồng ý với nhận định trên.
 
 
HẠO NHIÊN