27/12/2024

Côn trùng đang tuyệt chủng, kết cục ‘tận thế’ cho hệ sinh thái

Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Biological Conservation, côn trùng đang tuyệt chủng với tốc độ chóng mặt và điều này sẽ gây ra thảm hoạ tồn vong cho cả hệ sinh thái và con người.

 

Côn trùng đang tuyệt chủng, kết cục ‘tận thế’ cho hệ sinh thái

Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Biological Conservation, côn trùng đang tuyệt chủng với tốc độ chóng mặt và điều này sẽ gây ra thảm hoạ tồn vong cho cả hệ sinh thái và con người.


 

Côn trùng đang tuyệt chủng, kết cục tận thế cho hệ sinh thái - Ảnh 1.

Côn trùng đang tuyệt chủng với tốc độ nhanh gấp tám lần động vật có vú, chim và bò sát. -Ảnh: theguardian.

Đã có rất nhiều nghiên cứu và lời cảnh báo về sự suy giảm số lượng côn trùng trên toàn thế giới nhưng những lời cảnh báo cho đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng.

Mới đây, tạp chí khoa học Biological Conservation đã công bố nghiên cứu về tình hình nguy cấp của việc suy giảm số lượng côn trùng và ảnh hưởng của việc này lên hệ sinh thái. Nghiên cứu được tổng hợp từ 73 báo cáo về côn trùng trên toàn thế giới.

Theo đó, 40% loài côn trùng đang dần biến mất và 1/3 số loài đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.

Tổng số lượng côn trùng đang giảm đi 2,5% mỗi năm. Nếu tốc độ suy giảm vẫn giữ ở mức này, toàn bộ côn trùng sẽ biến mất khỏi trái đất chỉ trong vòng một thế kỷ.

“Tốc độ suy giảm như vậy là quá nhanh. Trong vòng 10 năm sẽ giảm 1/4, trong vòng 50 năm côn trùng sẽ chỉ còn một nửa, và sau một thế kỷ trái đất sẽ không còn bóng dáng côn trùng”, Francisco Sánchez-Bayo – đồng tác giả nghiên cứu, nhà sinh học môi trường tại đại học Sydney, Úc nói với báo Guardian.

“Nếu tình trạng này không bị ngăn chặn, sẽ là thảm họa cho cả hệ sinh thái và con người”, Sánchez-Bayo nhấn mạnh.

Trước đây, các nhà khoa học đã cảnh báo trái đất đang bước vào kỳ tuyệt chủng lần thứ 6. Các loài động vật có xương sống, cả trên cạn lẫn dưới biển đều bị đe dọa bởi các hoạt động của con người.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới thì tỉ lệ suy giảm của côn trùng cao gấp hai lần các loài có xương sống. Tốc độ biến mất của chúng nhanh hơn gấp tám lần động vật có vú, lớp chim và bò sát.

Điều gì xảy ra khi côn trùng biến mất?

Côn trùng biến mất có thể là tin vui cho một số người ghét chúng nhưng lại là tin buồn cho cả hệ sinh thái, nơi mà chúng có vai trò tối quan trọng trong mắc xích tự nhiên.

Chúng là nguồn thức ăn ổn định cho rất nhiều loài động vật, là loài thụ phấn cho thực vật và tái chế dinh dưỡng cho đất.

Vào tháng 11, tờ New York Times đăng tải câu hỏi của các nhà khoa học: “Hãy thử tưởng tượng một thế giới không có côn trùng”.

Họ đã đi tìm câu trả lời, và tất cả những gì họ tìm ra đều dẫn đến một kết cục “hỗn loạn, sụp đổ và tận thế” cho hệ sinh thái. 

“Đó sẽ là một thế giới nơi thực vật không có hoa, những cánh rừng thì im lìm chết chóc, một thế giới của phân, lá già và xác chết mục nát tích tụ trong các thành phố và lề đường. Nói cách khác, đó là một thế giới sụp đổ và suy tàn”, tờ New York Times viết.

Việc mất môi trường sống vì nông nghiệp thâm canh là nguyên nhân hàng đầu của sự suy giảm số lượng côn trùng. Tình trạng sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, biến đổi khí hậu và các loài xâm lấn cũng được xác định là nguyên nhân quan trọng.

“Trừ khi chúng ta thay đổi cách sản xuất thức ăn, không thì toàn bộ côn trùng sẽ đi vào con đường tuyệt chủng trong một vài thập kỷ. Và khi đó thảm hoạ cũng sẽ đến với môi trường sống của chúng ta”, các tác giả nghiên cứu cho biết.

 

MINH KHÔI