09/01/2025

ĐTC cổ vũ nền luân lý thương xót và có tinh thần truyền giáo

Trong buổi tiếp kiến sáng 9-2-2019, dành cho 400 giáo sư và sinh viên Học viện Thánh Anphongso chuyên về thần học luân lý, ĐTC cổ vũ một nền thần học luân lý mang chiều kích truyền giáo và thấm đượm lòng thương xót.

 ĐTC cổ vũ nền luân lý thương xót và có tinh thần truyền giáo

 

 

 

Trong buổi tiếp kiến sáng 9-2-2019, dành cho 400 giáo sư và sinh viên Học viện Thánh Anphongso chuyên về thần học luân lý, ĐTC cổ vũ một nền thần học luân lý mang chiều kích truyền giáo và thấm đượm lòng thương xót.

Học viện Thánh Anphongso được Dòng Chúa Cứu Thế thành lập cách đây đúng 70 năm gần Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma.

Ngỏ lời với các giáo sư và sinh viên, ĐTC nói:

“Lòng trung thành với các căn cội Anphongso của Học viện này đòi anh chị em phải dấn thân với niềm xác tín và quảng đại hơn nữa cho một nền thần học luân lý được linh hoạt nhờ một chiều kích truyền giáo của Giáo Hội “đi ra ngoài”. Như Thánh Anphongso, chúng ta phải luôn luôn tránh đừng để cho mình bị cầm tù trong những lập trường ở trường học hoặc những phán đoán được hình thành “xa cách tình trạng cụ thể về những khả thể thực sự” của các cá nhân và các gia đình. Cũng vậy, cần tránh “lý tưởng hóa thái quá” đời sống Kitô không có khả năng thức tỉnh “lòng tín thác nơi ơn thánh.” (Amoris laetitia 36).

Quan tâm đến những hoàn cảnh đau khổ của dân

ĐTC cũng nhấn mạnh: “Thực tại mà chúng ta cần lắng nghe trước tiên chính là những đau khổ và hy vọng của những người mà hàng ngàn hình thức quyền lực của tội lỗi tiếp tục khiến họ sống trong bất an, nghèo đói và bị gạt ra ngoài lề. Thánh Anphongsô đã hiểu rõ điều đó rất sớm và ý thức rằng vấn đề ở đây không phải là một thế giới mà chúng ta phải tự vệ chống lại, và càng không phải là một thế giới phải lên án, nhưng là chữa lành và giải thoát, theo đường lối hành động của Chúa Kitô: nhập thể và chia sẻ những nhu cầu, khơi dậy những mong đợi sâu xa nhất của tâm hồn và làm cho mỗi người, dù yếu đuối và tội lỗi thế nào đi nữa, vẫn cảm thấy họ ở trong con tim của Chúa Cha trên trời và được Chúa Kitô yêu thương đến độ chịu chết trên thập giá. Ai được tình yêu ấy đánh động thì cảm thấy cần phải đáp lại bằng tình yêu.” (Rei 9-2-2019)
 
 
 

G. Trần Đức Anh OP