23/12/2024

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha 03/02/2019

Vào 12 giờ trưa 3/2, Chủ Nhật IV Thường Niên, tại cửa sổ Điện Tông Toà, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Giữa đoàn người hiện diện, có các bạn trẻ của Công giáo Tiến hành của Giáo phận Roma.

 Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha 03/02/2019

 

 

 

Vào 12 giờ trưa 3/2, Chủ Nhật IV Thường Niên, tại cửa sổ Điện Tông Toà, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Giữa đoàn người hiện diện, có các bạn trẻ của Công giáo Tiến hành của Giáo phận Roma.

Anh chị em thân mến!

Chủ Nhật tuần trước, phụng vụ cho chúng ta đọc trình thuật về Hội đường Nazareth, nơi Chúa Giêsu đã đọc đoạn Sách Thánh từ sách Tiên tri Isaia và cuối cùng mạc khải rằng những lời đó “hôm nay” được ứng nghiệm nơi Ngài. Chúa Giêsu tự ám chỉ mình là như người được Thánh Thần đã ngự xuống, Thánh Thần thánh hiến và sai đi hoàn tất sứ mạng cứu độ nhân loại. Tin Mừng hôm nay (x. Lc 4,21-30) tiếp nối câu chuyện đó và cho chúng ta thấy sự kinh ngạc của những người đồng hương của ngài khi thấy rằng một người đồng hương, “con trai ông Giuse” (c.22), là Đấng Kitô, được sai bởi Chúa Cha.

Chúa Giêsu, với khả năng hiểu được tâm trí và trái tim, ngài hiểu ngay những gì đồng hương của mình nghĩ. Họ tin rằng, vì ngài chẳng khác gì họ, nên ngài phải chứng minh “khả năng” kỳ lạ này bằng cách làm phép lạ ở đó, tại Nazareth, như Ngài đã làm ở các vùng lân cận (xc. 23). Nhưng Chúa Giêsu không muốn và không thể chấp nhận suy diễn này, vì nó không tương ứng với kế hoạch của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn đức tin, họ muốn các phép lạ và các dấu chỉ; Chúa muốn cứu tất cả mọi người, còn họ muốn một Đấng Messia vì ích lợi riêng. Để giải thích logic của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã đưa ra ví dụ về hai vị ngôn sứ vĩ đại thời xưa: Elia và Elisa, người được Thiên Chúa sai đến để chữa lành và cứu những người không phải là Do Thái, những dân tộc khác nhưng đã tin vào lời ngôn sứ.

Trước lời mời mở lòng với sự nhưng không và phổ quát của ơn cứu độ, người dân Nazareth nổi loạn, và thậm chí còn có thái độ hung hăng, thô lỗ đến mức “họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành […]. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” (c. 29). Sự ngưỡng mộ của khoảnh khắc ban đầu đã thay đổi thành sự hung hãng, một cuộc nổi loạn chống lại Ngài.

Và Tin Mừng này cho chúng ta thấy rằng sứ vụ công khai của Chúa Giêsu bắt đầu bằng một sự từ chối và với một mối đe dọa về cái chết, mà nghịch lý là từ chính đồng bào của mình. Chúa Giêsu, khi sống sứ mạng được Chúa Cha giao phó, biết rằng mình phải đối mặt với khó khăn, bị từ chối, bách hại và thất bại. Đây là cái giá, mà hôm qua cũng như hôm nay, một ngôn sứ đích thực được kêu gọi phải trả. Tuy nhiên, sự chối từ khắc nghiệt không làm Chúa Giêsu nản lòng, cũng không ngăn cản bước chân và hoa trái từ hành động ngôn sứ của Ngài. Ngài băng qua giữa họ mà đi (c. 30), với sự tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha.

Ngày nay cũng thế, thế giới cần nhìn thấy nơi các môn đệ của Chúa các ngôn sứ, những con người can đảm và kiên trì trong việc đáp lại ơn gọi Kitô hữu. Những người theo “sự thúc đẩy” của Chúa Thánh Thần, Đấng sai họ đi loan báo niềm hy vọng và sự cứu rỗi cho những người nghèo và bị loại trừ; những người theo logic của đức tin chứ không phải của phép lạ; những người hiến mình phục vụ cho tất cả, không đặc quyền cũng chẳng loại trừ. Tóm lại: những người mở ra để mang vào mình ý muốn của Chúa Cha và dấn thân làm chứng một cách trung thành cho người khác.

Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Maria Rất Thánh, xin Mẹ cho chúng ta có thể lớn lên và bước đi trong cùng lòng nhiệt thành tông đồ vì Nước Thiên Chúa như Chúa Giêsu.

Sau đó, ĐTC đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu. Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu.

Anh chị em thân mến,

Tôi rất lo lắng về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen. Người dân đang kiệt sức vì cuộc xung đột kéo dài và nhiều trẻ em chịu cảnh đói, nhưng lại không thể tiếp cận được các cửa hàng thực phẩm. Anh chị em thân mến, tiếng khóc của những đứa trẻ và cha mẹ của chúng kêu lên đến Chúa. Tôi kêu gọi các bên liên quan và cộng đồng quốc tế khẩn trương tuân thủ các thoả thuận đạt được, để đảm bảo phân phối thực phẩm và làm việc vì lợi ích người dân. Tôi mời mọi người cầu nguyện cho anh em chúng ta ở Yemen. “Ave Maria…”. Chúng ta cầu nguyện mạnh mẽ, bởi vì những đứa trẻ đang đói, đang khát, không có thuốc và bị cái chết đe doạ. Chúng ta hãy mang những suy nghĩ này về nhà.

Hôm nay tại Ý mừng Ngày vì Sự sống, với chủ đề là “Đây là cuộc sống, đây là tương lai”. Tôi hiệp thông với thông điệp của các Giám mục và bày tỏ sự khích lệ đối với các cộng đồng Giáo hội mà bằng nhiều cách họ đang cổ võ và hỗ trợ sự sống. Cần nhận thức rằng ngày càng khẩn thiết cần một cam kết cụ thể ủng hộ việc sinh con, với sự dấn thân của nhiều tổ chức văn hóa xã hội khác nhau, nhận biết rằng gia đình là làm nên của xã hội.

Vào ngày 5 tháng 2, tại Viễn Đông và nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu người sẽ Mừng Năm Mới Âm Lịch. Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến tất cả mọi người, cầu chúc cho các gia đình của họ thực hành những nhân đức giúp họ sống bình an với chính mình, hoà thuận với người khác và với tạo vật xung quanh. Xin cầu nguyện vì món quà hoà bình, để cùng đón nhận và xây đắp bằng sự đóng góp của mỗi người.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chào các bạn trẻ thuộc phong trào Công giáo Tiến hành của Giáo phận Roma đã hành hương đến Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập phong trào Công giáo Tiến hành ở Roma. Đức Thánh Cha chúc cho những người trẻ luôn là chứng nhân vui tươi của hoà bình và tình huynh đệ.

Kế đến, một bạn trong hai bạn trẻ đứng cạnh ĐTC đọc một sứ điệp gởi các bạn trẻ. Khi bạn nữ đọc xong sứ điệp, các quả bóng được thả lên bầu trời, biểu tượng cho  lời cầu nguyện cho hoà bình trên thế giới.

Sau buổi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất. Vì thế, ngài xin các tín hữu cùng đồng hành với ngài trong lời cầu nguyện.
 
 
 

Văn Yên, SJ chuyển ngữ