26/11/2024

HƯỚNG DẪN PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH Tại các Giáo xứ, Hội Dòng

Chúng tôi giới thiệu Bản Hướng dẫn Phụng vụ Tuần Thánh để các bạn sử dụng khi phải tham gia các nghi thức phụng vụ Tuần Thánh. Cầu chúc các bạn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua.


GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

—U–

HƯỚNG DẪN

PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH

Tại các Giáo xứ, Hội Dòng

Từ Chúa Nhật 14/4 – 21/4/2019

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC

 1. Mầu Nhiệm Vượt Qua là trung tâm của cuộc đời Đức Kitô, cũng là đỉnh cao của lịch sử cứu độ. Đó là Mầu Nhiệm mạc khải tột đỉnh tình yêu Thiên Chúa, là nguồn mạch ơn cứu độ và là khuôn mẫu của đời sống Kitô hữu. 

2. Giáo Hội cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua trong mỗi thánh lễ, đặc biệt trong thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần và trọng thể nhất vào Tam Nhật Vượt Qua hằng năm.

3. Mầu Nhiệm Vượt Qua là mầu nhiệm Tình Yêu, Ánh Sáng và Hy Vọng. Dân Kitô giáo đi vào cử hành Tuần Thánh để chiêm ngắm Tình Yêu Thiên Chúa, nhận lấy Ánh Sáng soi dẫn đời sống và đặt hy vọng nơi Đấng Phục Sinh để bước theo Ngài, để đổi mới đời sống theo khuôn mẫu của Mầu Nhiệm Vượt Qua.

4. Mỗi ngày lễ trong Bản Hướng Dẫn Phụng Vụ Tuần Thánh luôn có hai phần: phần trình bày ý nghĩa thần học và phần hướng dẫn lễ nghi, để:

– Các Linh mục có thể dùng các gợi ý trong Bản Văn để giúp dân Chúa tham dự vào Phụng Vụ Tuần Thánh cách ý thức, đạo đức và hữu hiệu.

– Người dẫn lễ, trưởng nghi, nhạc công, ca trưởng… theo Bản Văn Hướng Dẫn để thực hiện phận vụ mình cách thích đáng, giúp cử hành phụng vụ của giáo xứ diễn ra cách sốt sắng, hầu mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho cộng đoàn dân Chúa.

                                                                                                

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC

I. Ý nghĩa Chúa Nhật Lễ Lá

“Tuần Thánh khởi đầu bằng ‘Chúa Nhật Lễ Lá, cũng là Chúa Nhật Thương Khó của Chúa’, kết hợp loan báo Đức Kitô – Vua khải hoàn – và cuộc Khổ Nạn của Ngài.” [1]

Hôm nay, Hội Thánh tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài.

Lời của tiên tri Giacaria: “Hãy bảo thiếu nữ Sion: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa…”[2] đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu là Vua hòa bình, Vua của những người nghèo hèn. Việc trải áo đã có truyền thống trong Israel khi Giêhu lên ngôi[3].

Hành động của Chúa Giêsu vừa biểu trưng Ngài là Vua đích thực thuộc dòng tộc Đavit, vừa là niềm hy vọng về Đấng Messia mà dân chúng mượn Thánh Vịnh 118 để tuyên xưng: “Hosanna! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân Danh Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavit tổ phụ chúng ta. Hosanna trên các tầng trời.”[4]

Hình ảnh Chúa Giêsu đi vào Giêrusalem như việc Ngài đòi lại quyền làm Vua của Ngài trên nhân loại từ tay của thế gian, của sự dữ và thần chết; thiết lập một Vương Quốc mới, Vương Quốc của Thiên Chúa.[5] Vương Quốc được Đức Kitô thiết lập qua Thập Giá mà quyền năng của Ngài được thể hiện bằng tình yêu, sự tha thứ và lòng thương xót. Đức Kitô hoàn toàn tự hiến đến cùng qua Cái Chết, để rồi bằng sự Phục Sinh, Ngài có thể thuộc về tất cả mọi người và hiện diện cho tất cả mọi người, nên vương quyền của Ngài mang tính phổ quát, quyền năng cứu độ của Ngài mang đến an bình, sự sống và vinh quang bất diệt. [6] 

II. Những chuẩn bị cần thiết:

1. Gần Bàn Thờ chính: bình để cắm lá sau khi Kiệu Lá.

2. Tòa giảng: có thêm hai giá sách hai bên nếu có thêm hai Tác viên đọc Bài Thương Khó.

Nơi Làm Phép lá:

                      Bình Nước Thánh.

                      Thánh giá (không phủ khăn) có gắn những cành lá để dẫn đầu đoàn rước.

                      Đèn, hương lửa.


LỜI DẪN

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta bước vào Tuần Thánh. Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay gồm hai phần:

Phần thứ nhất là Nghi thức Làm Phép và Kiệu Lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem, thực hiện mầu nhiệm Vượt Qua, hoàn tất thánh ý Chúa Cha để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Phần thứ hai là Thánh lễ với Bài Thương Khó, gợi lại cái chết đau thương của Chúa Giêsu, là bảo chứng chắc chắn về tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêssiah khiêm nhường và hiền lành, “Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm”[7], để mở ra con đường của Lòng Thương Xót đưa nhân loại về lại với Thiên Chúa Hằng Sống. 

– Nhờ Đức Kitô, chúng ta được đón nhận Tình Yêu cứu độ của Thiên Chúa, Đấng đã yêu ta và tiếp tục yêu ta “đến cùng”, đến khi mọi sự “hoàn tất”[8]. Tình Yêu này có sức giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và mọi dục vọng trần gian. Tình yêu này thanh luyện tâm hồn ta nên tinh sạch, đưa ta vào sự kết hợp với Thiên Chúa, thông dự dồi dào sự sống thần linh của Ngài, để đời ta sinh nhiều hoa trái bác ái và thân xác phải chết được hưởng ơn Phục sinh đời đời.

– Nhờ Đức Kitô, chúng ta được đón nhận niềm Hy Vọng kiên vững của Thiên Chúa. Từ nay, cuộc đời chúng ta “không còn kết thúc ở hư vô”[9], không còn tuyệt vọng với sự chết, nhưng “Thiên Chúa đã ban cho ta ân sủng để xứng đáng hưởng sự sống đời đời”[10]. Chỉ niềm hy vọng này mới có thể làm thỏa nguyện khát vọng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt nơi trái tim mỗi người chúng ta[11]. Không ai có thể ban tặng cho ta tình yêu vĩ đại và niềm hy vọng kiên vững như Chúa, Đấng đã yêu ta và hiến mạng vì ta?[12]

Từ trên Thập giá, Chúa Giêsu khao khát tình yêu của chúng ta[13], Ngài muốn kéo ta ra khỏi những cám dỗ của thế gian chỉ dẫn chúng ta đến hủy diệt và sự chết, để đưa ta vào con đường của Lòng Thương Xót, vào sự kết hợp với Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng ban tặng ta vẻ đẹp thánh thiện và sự sống đời đời.    

Xin Mẹ Maria dẫn chúng ta bước vào Tuần Thánh này, giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu của Chúa Giêsu và đáp lại tiếng rên xiết khôn tả “Tôi khát”[14] đang đốt cháy trái tim Con Mẹ trong tình yêu tột đỉnh trên Thập Giá.

Kính mời cộng đoàn đứng.  

I. NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHÚA VÀO GIÊRUSALEM

·         Các Giáo xứ trong Giáo Phận thường không cử hành Hình thức thứ nhất: Rước Kiệu[15], mà cử hành Hình thức thứ hai: Nghi thức Nhập Lễ trọng thể.

·         Nghi thức Nhập Lễ trọng thể được phép lặp lại trước một hoặc hai thánh lễ khác.

·         Phát lá cho các tín hữu đang hiện diện trước khi cử hành, để họ cầm trong tay. Lá đã làm phép thường được các tín hữu đem về gia đình để nhắc nhở Đức Kitô vinh thắng[16].

·         Khi chủ sự mặc lễ phục hoặc tiến ra vị trí cử hành thì ca đoàn hát Điệp ca: Mt 21,9.

 

 

1. Dấu Thánh Giá

2. Lời chào và mời gọi cộng đoàn

3.  Lời Nguyện Làm Phép Lá

·         Thinh lặng rảy nước thánh trên lá.

4. Tin Mừng: Lc 19,28-40 (Năm C)

·         Sau bài Tin Mừng, linh mục có thể giảng vắn tắt, khích lệ giáo dân nhiệt thành cử hành Tuần Thánh rồi bắt đầu đoàn rước.

5. Thứ Tự Đoàn Rước:

1/ Hương lửa

2/ Thánh giá (có trang trí cành lá), đèn hầu

3/ Linh mục

(Phó tế)

4/ Giúp lễ

5/ Đại diện giáo dân (nên có khá đông tham dự)

·         Trong lúc đoàn rước tiến về cung thánh, thì ca đoàn hát xướng đáp như luật chữ đỏ chỉ.

·         Tiến tới Bàn thờ, linh mục hôn bàn thờ rồi đọc Lời Nguyện Nhập Lễ.

5. Lời Nguyện Nhập Lễ

II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1. Bài đọc I:                                                                      Is 50,4-7

 Lời dẫn: Tiên tri Isaia mô tả người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, tuy bị nhục mạ nhưng vẫn hiên ngang can đảm chấp nhận. Đó là lời tiên báo về Đức Kitô và cuộc Thương Khó của Người.

2. Đáp ca:                                Tv 21,8-9;17-18a.19-20, 23-24

3. Bài đọc II:                                                                  Pl 2,6-11

 Li dẫn: Mầu nhiệm Cứu Độ được thực hiện nơi Đức Kitô, Đấng tự hạ và vâng phục Thiên Chúa cho đến chết trên Thập Giá. Ngài trở nên gương mẫu cho tất cả những ai tin và bước theo Ngài mà đạt tới ơn Cứu Độ đời đời.

4. Câu xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.

5. Tin Mừng: Lc 22,14 – 23,56 (hay Lc 23,1-49) (Năm C)

  • Khi đọc bài Thương Khó, không mang đèn nến, không xông hương, không chào và cũng không ghi dấu Thánh Giá trên sách. Xướng “Đó là lời Chúa” như thường lệ.

6. Giảng vắn tắt

7. Kinh Tin Kính

8.  Lời Nguyện Chung

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem để hoàn thành ý muốn cứu độ của Chúa Cha. Chúng ta hãy bước theo Chúa trên hành trình Vượt Qua để đạt tới niềm vui phục sinh với Người. Đầy lòng tin tưởng và yêu mến, chúng ta sốt sắng nguyện xin:

1.      Chúa Giêsu nói: “Nếu Cha muốn, xin cất chén này xa Con. Nhưng đừng theo ý Con muốn”. Xin cho các mục tử trong Hội Thánh can đảm uống cạn chén đắng của đời hiến dâng và tông đồ, để Chúa được tôn vinh và nhiều người được hưởng ơn cứu độ.

2.      Hôm nay là ngày Quốc tế Giới trẻ. Xin cho các bạn trẻ say sưa chiêm ngắm Đức Kitô tử nạn và phục sinh, để tìm cho đời mình nguồn cảm hứng và ân sủng, mà can đảm bước theo Chúa trên con đường tình yêu tự hiến, hầu thành toàn ơn gọi đời mình. 

3.      “Người hủy bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi”. Xin cho anh chị em hiến thân phục vụ công ích, tìm thấy nơi Chúa Giêsu mẫu gương tự hủy và trao ban, để càng quảng đại dấn thân vì hạnh phúc của tha nhân, họ càng làm phong phú chính mình. 

4.      Người đi lên núi cây Ôliu. Các môn đệ cũng theo Người”. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta tham dự phụng vụ Tuần Thánh với đức tin và tinh thần cầu nguyện, để dám chết đi cho con người cũ mà sống lại với Chúa trong đời sống mới.

Lạy Chúa, nhờ việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Con Chúa trong Tuần Thánh này, Chúa tỏ bày tình yêu đến cùng của Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con biết mở lòng đón nhận tình yêu Chúa mà đổi mới đời sống trong Chúa Thánh Thần. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. 

III. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

IV. NGHI THỨC KẾT LỄ

LM:           Chúa ở cùng anh chị em.

CĐ:            Và ở cùng Cha.

1.    Xin Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, Đấng đã dùng cuộc khổ nạn của Con Một Ngài mà để lại cho anh chị em gương mẫu yêu thương, ban cho anh chị em được lãnh nhận ơn phúc lành khôn tả của Ngài, nhờ việc phục vụ Thiên Chúa và loài người.

CĐ:            Amen.

2.    Xin cho anh chị em được lãnh nhận phúc trường sinh bởi Đấng mà anh chị em tin là nhờ cái chết tạm thời của Người, anh chị em được thoát khỏi cái chết muôn đời.

CĐ:            Amen.

3.    Ước gì khi noi gương khiêm nhường của Đức Kitô, anh chị em được thông phần sự sống lại của Người.

CĐ:            Amen.

Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con X và Thánh Thần, xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.

CĐ:            Amen.

LM:           Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an.

CĐ:            Tạ ơn Chúa.


THỨ NĂM TUẦN THÁNH

THÁNH LỄ TIỆC LY

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC

I. Ý nghĩa Thánh lễ Tiệc Ly

Với Thánh lễ chiều nay (in Cena Domini), Tam Nhật Vượt Qua được bắt đầu, nhằm tưởng niệm cuộc Thương Khó, Sự Chết và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, là tột đỉnh của công trình cứu độ mà Ngài đã thực hiện.

Thánh lễ “tưởng niệm Bữa Tối” của Chúa mang đặc tính lễ mừng, hiệp nhất và cộng đoàn. Đức Kitô cử hành trước trong Nghi Thức Tạ Ơn chính việc hiến dâng của Ngài trong viễn tượng của sự chiến thắng. Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh gồm: Phụng vụ Lời Chúa, Nghi thức Rửa Chân (tùy nghi)[17], Phụng vụ Thánh Thể, Kiệu Mình Thánh Chúa đến nhà tạm và lột khăn bàn thờ (được làm trong thinh lặng).

Mầu nhiệm nền tảng được tưởng nhớ trong Thánh lễ này là việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, thiên chức linh mục và lệnh truyền của Chúa về tình huynh đệ.

Thứ Năm Tuần Thánh hướng chúng ta tới thời điểm trước khi Chúa Giêsu bị nộp cho sự chết. Ngài đã trối lại cho Giáo Hội Hy Lễ mới và vĩnh cửu, Bữa Tiệc Cưới của Tình Yêu Ngài, để Giáo Hội cử hành mãi mãi trong sự tưởng nhớ đến Ngài.[18]

II. Những điều cần chuẩn bị

 1. Bàn thờ chính:

– Bàn Thờ trang trí trọng thể.

Nhà Tạm mở và để trống.

2. Bàn nhỏ cạnh Bàn Thờ chính:

Tất cả những đồ cần dùng trong Thánh lễ, riêng bánh lễ, dự trù số lượng cần thiết cho rước lễ hôm nay và ngày mai.

– Chuông và mõ (mõ được sử dụng sau kinh Vinh Danh).

– Chậu thau, bình nước, khăn lau chuẩn bị cho Nghi thức Rửa chân.

3. Trên cung thánh:

– Ghế cho chủ tế, các linh mục đồng tế và giúp lễ.

4. Trước cung thánh:

– Ghế cho những người được rửa chân.

5. Trong phòng thánh:

– Lễ phục trắng cho chủ tế.

– Hương lửa. – Đèn chầu khi đi kiệu Mình Thánh.

– Khăn choàng khi kiệu Mình Thánh.

6. Bàn thờ phụ:

– Nhà Tạm, khăn thánh

– Trang trí đèn hoa.

7. Sau khi kiệu Mình Thánh sang bàn thờ phụ thì lột khăn Bàn thờ và cất các Thánh Giá. Nếu còn Thánh Giá nào thì phải phủ khăn.

Ai tham dự Cuộc Kiệu Thánh Thể trọng thể tiếp liền sau Thánh lễ Tiệc Ly, hát cách đạo đức Thánh Thi Tantum Ergo, được lãnh nhận một ơn Toàn Xá.[19]

THÁNH LỄ TIỆC LY

·         Hát Kinh Chúa Thánh Thần (quỳ)

·         Tùy nghi đọc các kinh theo thói quen của giáo xứ.

LỜI DẪN

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Thánh lễ Tiệc Ly chiều nay gồm bốn phần: – Phụng vụ Lời Chúa, – Nghi thức Rửa Chân, – Phụng vụ Thánh Thể, – và Kiệu Mình Thánh Chúa đến Nhà Tạm phụ. Phụng vụ diễn tả tình yêu đến cùng của Chúa dành cho các môn đệ và cho chúng ta trong những ngày cuối cùng của “kiếp người” đầy khổ đau thật đáng kinh ngạc, mà không ngòi bút nào trên trần gian có thể diễn tả hết được tình thương ấy[20].

Đức Kitô lập Bí tích Thánh Thể để chính Ngài tiếp tục ở lại với chúng ta như Ngài đã hứa[21]. Giữa thế gian đầy sự dữ, bất ổn và khổ đau, Ngài hiện diện để yêu thương, chăm sóc và dẫn chúng ta về lại Nhà Cha, nơi mà Ngài đã đi trước để chuẩn bị chỗ cho chúng ta.

Đức Kitô lập Bí tích Thánh Thể để lấy chính Thịt Mình làm của ăn nuôi dưỡng chúng ta, để khi đón nhận Thánh Thể với lòng tin, chúng ta được sống nhờ Ngài, sống sự sống đời đời[22] và được biến đổi thành Đấng mà chúng ta rước lấy (Thánh Lêô Cả Giáo Hoàng).

Tấm bánh Thánh Thể trên bàn thờ, rồi trên tay chúng ta không đơn thuần là một Vật Thánh, mà là một Đấng Thánh, là Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng mà trong những ngày này, khi chiêm ngắm tình yêu của Ngài, chúng ta không thể không sửng sốt thưa lên: Chúa yêu con đến thế sao? Chúa yêu con đến chết vì con![23]

Chiều nay, Giáo Hội cử hành Bí tích Thánh Thể để muôn đời tưởng nhớ tới sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu giữa chúng ta[24], đồng thời, cũng tưởng niệm việc Chúa lập chức Linh Mục thừa tác và ban lệnh truyền về tình huynh đệ cho chúng ta[25].

Ước gì phụng vụ chiều nay dìm sâu chúng ta trong tình yêu của Bí tích Cực Thánh, cho trái tim ta chan chứa niềm vui vì cảm nếm mình được Chúa quá đỗi yêu thương; đồng thời lòng bước gần hơn tới sự thật diệu vời của Thánh Thể, để nghe được lời Chúa thầm ngỏ: “Thầy đây!” và lòng nồng nàn thưa lên: “Vâng, Chúa ơi, con đây!” 

Chúng ta chuẩn bị tâm hồn lãnh Ơn Toàn Xá nhờ sốt sắng tham dự cuộc kiệu Thánh Thể cách đạo đức sau Thánh lễ này.

Kính mời cộng đoàn đứng.

 THỨ TỰ ĐOÀN RƯỚC (nhiệm ý)

1. Thánh Giá, đèn hầu

2. Những người được chọn cho Nghi thức Rửa Chân.

3. Những người dâng lễ vật

4. Các thừa tác viên

5. Giúp lễ

6. Các linh mục đồng tế

7. Linh mục chủ tế

I. NGHI THỨC NHẬP LỄ

·         Hát Ca Nhập Lễ: x. Gl 6,14

·         Hành động Sám Hối

·         Kinh Vinh Danh (Rung chuông – Sau đó không rung chuông cho đến Vọng Phục Sinh)

·         Lời Nguyện Nhập Lễ (Sách lễ Rôma tr. 255)

II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1.  Bài đọc I:                                                         Xh 12,1-8.11-14

“Những chỉ thị về bữa tiệc Vượt Qua”

 Lời dẫn: Sách Xuất Hành ghi lại những lệnh truyền về bữa ăn Vượt Qua hằng năm, mà Đức Chúa truyền cho dân Do Thái cử hành, để tưởng niệm biến cố Đức Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đó là hình ảnh cho lễ Vượt Qua của dân mới mà Đức Kitô đã cứu chuộc.

2. Đáp ca:                                   Tv 115, 12-13.15-16bc.17-18.

3. Bài đọc II:                                                              1Cr 11,23-26

“Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”

 Lời dẫn: Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô thuật lại việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, nhằm tiếp tục Hy Tế Thập Giá của Ngài, và trở nên lương thực thần linh nuôi dưỡng dân mới trên hành trình Vượt Qua.

4. Câu xướng trước Tin Mừng: Chúa phán: “Thầy ban cho các con một giới răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).

5.  Tin Mừng:                                                                Ga 13,1-15

6. Giảng

III. NGHI THỨC RỬA CHÂN

Lời dẫn: Giờ đây là Nghi Thức Rửa Chân.

·         Linh mục tiến ra thực hiện Nghi thức Rửa Chân thì đọc tiếp:

Rửa chân là phục vụ người khác. Linh mục chủ tế làm lại việc mà Chúa Giêsu đã làm. Vì thế, khi cử hành nghi thức này, chúng ta nghĩ đến Chúa Giêsu. Đây không là một nghi thức trống rỗng, mà là một cử chỉ để tưởng nhớ những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Người phục vụ chúng ta. Người là đầy tớ của chúng ta, những con người yếu hèn, đáng thương! Còn Người thì cao cả, tốt lành. Người yêu thương chúng ta như chúng ta là, không điều kiện.

“Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”[26]. Đây là cử chỉ khiêm nhường thường chỉ các đầy tớ mới làm. Chúng ta không thể làm khác. Chúng ta không thể yêu thương mà không để cho Chúa yêu chúng ta trước. Chúng ta không thể yêu thương mà không sống kinh nghiệm khiêm nhường, hiền dịu gây kinh ngạc của Ngài. Chúng ta không thể yêu thương mà không chấp nhận rằng: tình yêu thật là ở việc phục vụ cụ thể như chính Ngài[27].

Xin cho bài học tình yêu khiêm nhường phục vụ của Chúa hôm nay thấm nhập vào chúng ta, để nhờ đời sống quên mình phục vụ, mà gia đình chúng ta thêm hạnh phúc, giáo xứ thêm hiệp nhất và nhiều người có thể nhận ra chúng ta là môn đệ của Thầy Giêsu.

·         Hai giúp lễ với chậu và bình nước chờ chủ tế trước bàn thờ.

·         Nếu chủ tế cởi áo, một giúp lễ khác giúp ngài cởi áo, thắt lưng và đặt áo lễ tại ghế chủ sự.

·         Giúp lễ khác hướng dẫn những người được tuyển chọn đến ghế dọn sẵn. Sau đó, chủ tế với các giúp lễ đi đến từng người, đổ nước và rửa chân.

·         Trong lúc rửa chân, ca đoàn hát những bài thích hợp.

·         Chuẩn bị chậu nước, xà phòng, khăn lau tay cho chủ tế trước khi mặc áo.

·         Giúp lễ giúp chủ tế mặc áo.

·         Sau Nghi thức Rửa Chân, đọc Lời Nguyện Chung, không đọc kinh Tin Kính.

7. Lời Nguyện Chung

 Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn đứng dâng Lời Nguyện Chung.

 

LM: Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang được sống những giờ phút tuyệt vời bên Chúa Giêsu khi Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy bài học yêu thương, thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác. Với tâm tình cảm tạ, chúng ta dâng lời cầu xin:

1.      “Ngài yêu thương họ đến cùng”. Xin cho các linh mục, nhờ cử hành thánh lễ cách đạo đức, ngày càng được tình yêu Chúa chạm đến, để cũng hết lòng yêu thương và hiến mình phục vụ dân Chúa trong khiêm hạ và hiền lành.   

2.      “Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi?” Xin cho các Kitô hữu yêu mến thánh lễ, sốt sắng rước lễ và siêng năng chầu Thánh Thể, để cuộc đời họ được biến đổi trở thành hy lễ thánh thiện, mà đáp đền tình Chúa yêu thương.

3.      Chúa dạy: “Các con hãy yêu thương nhau”. Xin cho anh chị em phục vụ bệnh nhân, người già, trẻ khuyết tật nhận ra khuôn mặt Chúa Giêsu nơi họ, để tận tình yêu thương, phục vụ mà xoa dịu vết thương thể xác và hàn gắn nỗi đau tâm hồn. 

4.      Chúa truyền: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Xin cho các gia đình trong giáo xứ chúng ta biết lấy tình yêu Chúa mà cư xử và phục vụ nhau, để gia đình ấm êm hạnh phúc và con cái được lớn lên trong tình Chúa, tình người. 

LM: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng con. Xin cho chúng con biết để tình yêu bao dung, dịu hiền, khiêm hạ, hiến mình phục vụ của Chúa nơi Thánh Thể thấm nhập chúng con, làm cuộc đời chúng con thành dấu chứng tình yêu của Chúa cho mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. 

IV. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

 Lời dẫn: Nghi thức Rửa Chân chúng ta vừa tham dự mang tính tưởng niệm tâm tình và hành động của Chúa xưa tại phòng Tiệc Ly.

Giờ đây, chúng ta không chỉ tưởng niệm, nhưng hiện thực việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể, để tiếp tục Hy Tế Thập Giá cứu độ và hiến trao chính Thân Mình Chúa, làm lương thực thần linh nuôi dưỡng chúng ta/ trên hành trình vượt qua trần thế/ tiến đến vinh quang phục sinh.

·         Trình dâng lễ vật: cùng với bánh rượu, nếu được, thêm vào của lễ là những đóng góp của cả cộng đoàn trong Mùa Chay vừa qua để giúp người nghèo.

·         Trong thánh lễ này, bánh của chủ tế nên lớn hơn, có thể bẻ trao cho nhiều người trong cộng đoàn phụng vụ, hầu ý nghĩa của Thánh Thể được tỏ bày rõ hơn.

·         Khi bẻ bánh, để lại một Bánh Thánh Thể lớn, còn nếu dùng bánh lễ lớn bình thường, thì truyền phép hai bánh lớn, để lại một cho nghi thức: “Đây chiên Thiên Chúa…” vào ngày mai,  thứ Sáu.

·         Trong lúc đó, hát bài thánh ca “Đâu có tình yêu thương” hoặc bài khác thích hợp.

V. KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA SANG BÀN THỜ PHỤ

·         Cho rước lễ xong, linh mục đặt trên bàn thờ bình đựng Mình Thánh Chúa để cho rước lễ ngày hôm sau và kết thúc thánh lễ bằng Lời Nguyện Hiệp Lễ (nên là một bình lớn để kiệu).

·         Đọc xong Lời Nguyện Hiệp Lễ, chủ tế bắt đầu Nghi Thức Kiệu Mình Thánh Chúa.

 Lời dẫn: Giờ đây, linh mục chủ tế kiệu Thánh Thể sang Bàn thờ phụ. Cuộc rước long trọng nhằm tôn vinh mầu nhiệm Thánh Thể trong chính ngày Chúa thiết lập Bí tích Tình Yêu này: “Ôi nhiệm tích vô cùng cao quý, chúng ta hãy khiêm cung thờ lạy”.

·         Khi đọc lời dẫn, người rước kiệu đi vào vị trí chuẩn bị.

·         Còn các tín hữu đi sau Thánh Thể, cũng nên được hướng dẫn trước thánh lễ.

·         Hai người giúp lễ đã chuẩn bị bình hương và tàu hương ra đứng trước Bàn Thờ.

·         Chủ tế đứng trước bàn thờ, bỏ hương, rồi quỳ gối xông hương Thánh Thể trong thinh lặng.

·         Mọi người quỳ gối thinh lặng thờ lạy Thánh Thể trong giây lát.

·         Linh mục chủ sự nhận khăn choàng vai, dùng hai đầu khăn choàng phủ bình đựng Mình Thánh và cầm bình lên.

·         Đoàn rước tiến bước và bắt đầu hát thánh ca “Pange, Lingua” hoặc một bài tương hợp.

THỨ TỰ ĐOÀN KIỆU

1. Thánh Giá, đèn hầu.

2. Đoàn hoa và nến (nếu có)

3. Hai giúp lễ cầm bình hương và tàu hương

  • Nếu có thói quen dừng các chặng để xông hương, tung hoa trên đoạn đường rước.

4. Linh mục cung nghi Thánh Thể.

5. Các linh mục đồng tế

6. Tu sĩ nam nữ

7. Cộng đoàn dân Chúa

Lưu ý: người tham dự đoàn kiệu mang nến cháy sáng phía tay ở ngoài (nếu có nến).

·         Khi đoàn kiệu tới Bàn Thờ phụ, linh mục đặt Mình Thánh Chúa trên Bàn Thờ đã trải khăn thánh, quỳ gối xông hương, chờ giáo dân tề tựu khá đông đủ thì ca đoàn hát Tantum Ergo.

·         Mọi người quỳ gối trừ người cầm Thánh Giá, đèn hầu.

·         Sau bài hát, linh mục hoặc phó tế tiến lên đặt bình Ciborium vào trong Nhà Tạm và khóa cửa.

·         Linh mục chủ sự, các vị đồng tế, các thừa tác viên theo người mang Thánh Giá, đèn hầu trở lại phòng thánh trong thinh lặng.

·         Lột khăn bàn thờ, cất các Thánh Giá khỏi Nhà Thờ, nếu còn Thánh Giá nào thì phải phủ khăn.

·         Tổ chức chầu Mình Thánh Chúa trọng thể, nhưng sau nửa đêm trở đi, thì không tổ chức chầu long trọng.

Lưu ý:

Theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí tích, sẽ không thích hợp để tổ chức cuộc rước Thánh Thể đến Nhà Tạm như một cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từng trạm cách long trọng.

Bởi lẽ: “Việc đặt Mình Thánh Chúa nơi nhà tạm, vốn phải được thực hiện một cách tôn nghiêm trang trọng, nhằm mục đích chủ yếu là để giữ Thánh Thể cho các tín hữu rước lễ trong cử hành Phụng vụ Thứ Sáu Thánh cũng như để cho các bệnh nhận rước lễ như Của Ăn Đàng. Đó cũng là sự mời gọi các tín hữu đến thờ phượng lâu giờ và trong thinh lặng, Bí Tích Khôn Sánh đã được thiết lập ngày này năm xưa.

Như thế, Thánh Thể phải được giữ trong nhà tạm đóng kín, và không bao giờ đặt Thánh Thể trong hào quang vào đêm nay.”[28]


THỨ SÁU TUẦN THÁNH

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC

I. Ý nghĩa Thứ Sáu Tuần Thánh

Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành cái chết vinh quang của Chúa, hành động đầu tiên của Vượt Qua. Tường thuật của Thánh Gioan diễn tả cuộc thương khó của Chúa Giêsu không là một sự thất bại, nhưng là một chiến thắng, là “sự nâng lên” theo nghĩa kép: nâng lên trên Thập Giá và tiến lên vinh quang. Thánh ca Tin Mừng (Pl 2,8-9), được nhìn theo nhãn quan của thánh Gioan khi loan báo việc tôn vinh của Đức Kitô, vì vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết.

Các bản văn và lời nguyện làm nên tính toàn bộ của cử hành hôm nay như tưởng nhớ về Hy lễ Vượt Qua của Đức Kitô. Cuộc thương khó, sự chết của Đức Kitô được cử hành trước nhất trong ý nghĩa cứu độ của nó, được diễn tả rõ nghĩa trong lời mời gọi: “Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 1,16 – Bài đọc II).

Phụng vụ Lời Chúa diễn tả rõ hiệu quả cứu độ từ cái chết vinh quang của Chúa Giêsu, thì Nghi Thức Tôn Thờ Thánh Giá nhắc nhở chúng ta trong Điệp ca khởi đầu rằng: “Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa, chúng con ngợi khen và tôn vinh Chúa đã sống lại vì nhờ cây Thánh Giá, tất cả thế giới đều được vui mừng”. [29]

Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa gồm ba phần:

1.      Phụng vụ Lời Chúa;

2.      Kính thờ Thánh Giá và

3.      Hiệp Lễ.

Cấu trúc hiện tại của cuộc canh tân (từ 1956) là kết quả của một tổng hợp từ những truyền thống khác nhau đưa ra một lược đồ:

– Cuộc khổ nạn được công bố (Phụng vụ Lời Chúa);

– Cuộc khổ nạn được cầu khẩn (các Lời Nguyện Cầu);

– Cuộc khổ nạn được tôn thờ (Tôn thờ Thánh Giá);

– Cuộc khổ nạn được hiệp thông (Hiệp Lễ)[30]

Tóm lại, trong cử hành chiều nay, “Giáo Hội suy ngắm cuộc Thương Khó Chúa, cầu xin ơn cứu độ cho toàn thế giới, suy tôn Thánh Giá và nhắc lại nguồn gốc của chính mình, bằng cách nhớ lại việc Giáo Hội đã được xuất phát từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa (x. Ga 19,34)[31][32].

Ai tham dự Nghi Thức Tôn Thờ Thánh Giá chiều nay cách đạo đức, được lãnh nhận ơn Toàn Xá với những điều kiện thông thường đã được Giáo Hội quy định. [33]

II. Những điều cần chuẩn bị

 1. Bàn thờ chính:

– Không Thánh Giá, không khăn bàn thờ, không đèn nến.

– Sách lễ Rôma, micrô.

– Chân để đặt Thánh Giá sau khi suy tôn và hôn kính.

– Dưới cấp bàn thờ, trải thảm đỏ và đặt gối nếu chủ sự sẽ phủ phục.

2. Bàn nhỏ cạnh Bàn Thờ chính:

– Khăn bàn thờ.

– Giá sách và cuốn Nghi Thức Tuần Thánh.

– Khăn thánh, nước (tráng chén và rửa tay), khăn tuyết.

– Khăn choàng vai cho linh mục hoặc phó tế kiệu Mình Thánh Chúa trong phần rước lễ.

3. Trong phòng thánh:

– Đèn nến dùng khi Suy Tôn Thánh Giá và khi đi kiệu Mình Thánh Chúa.

4. Giữa lòng Nhà Thờ

– Thánh Giá phủ khăn tím hoặc đỏ dùng trong Nghi Thức Suy Tôn được đặt trên một bàn nhỏ.

5. Bàn thờ phụ (đang có Mình Thánh Chúa):

– Khăn thánh.

– Đèn nến.

6. Trong cung thánh:

– Các giá sách với bản “Cuộc Thương Khó”

– Micrô.

 


·         Hát Kinh Chúa Thánh Thần (quỳ)

·         Tùy nghi đọc các kinh theo thói quen của giáo xứ.

STAT CRUX DUM VOLVITUR ORBIS [34]

(Thập Giá đứng vững khi thế giới đổi thay)

LỜI DẪN

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Cái chết chôn vùi con người, thế mà Giáo Hội chiều nay lại tôn vinh cái chết nhục nhằn của Đức Kitô trên Thập giá, bởi vì cái chết của Chúa là cuộc chiến thắng của tình yêu trên sự dữ và hận thù, đem lại cho cái chết một ý nghĩa mới, trả lại cho nhân loại sự sống bất diệt.

Nghi thức chiều nay với ba phần là – Phụng vụ Lời Chúa, – Nghi thức Kính thờ Thánh Giá – và Hiệp Lễ, đưa chúng ta vào trung tâm mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, khi chiêm ngắm Trái Tim Đức Kitô mở ra trên Thập giá, tuôn đổ trên nhân loại dòng máu và nước của Xót Thương, có sức thanh tẩy tội lỗi, chữa lành tâm hồn và đưa con người vào ẩn náu nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vì vậy, hãy để cho Lòng Thương Xót của Chúa chạm đến ta, lôi cuốn trái tim ta và kéo đời ta lên Thập giá với Người:

– Để Chúa kéo lên Thập giá khi chúng ta nhận biết mình là hư vô. Chúng ta đang sống giữa một thế giới khủng hoảng về tình yêu và hụt hẫng về niềm hy vọng. Cuộc đời chúng ta lại có quá nhiều vực sâu tăm tối, khó khăn và tai ương. Chỉ có tình yêu trung tín của Đấng đã “đi vào tội lỗi của ta để tha thứ, đi vào đau khổ của ta để ban sức chịu đựng, đi vào sự chết của ta để chiến thắng và cứu vớt ta”[35] mới có thể giải thoát ta khỏi sự thống trị của tội và nâng cuộc đời ta lên ý nghĩa thần linh. Nhưng thế gian quá hấp dẫn mà đường theo Chúa lại là đường Thập giá gian nan! Chúa yêu đến chết vì ta, nhưng liệu ta có đủ tin vào Chúa mà phó mình cho lòng thương xót của Ngài không?

Để Chúa kéo lên Thập giá khi nhận biết mình là tội nhân. Càng nhận thức mình tội lỗi, túng quẫn, càng cảm thấy hổ thẹn và tủi nhục, chúng ta càng sớm nhận được vòng ôm dịu dàng của Chúa[36]. Chúng ta đứng trước một Thiên Chúa biết hết tội lỗi, bội bạc và khốn cùng của ta. Ngài ở đó chờ đợi ta, sẵn sàng trao ban trọn vẹn chính Ngài cho ta để nâng chúng ta lên… Chỉ những ai từng được chạm đến bởi sự trìu mến của Lòng Thương Xót, mới là người thực sự biết Chúa[37].

Hãy để Chúa kéo chúng ta lên Thập giá với Ngài chiều nay và chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để lãnh nhận Ơn Toàn Xá.

Kính mời cộng đoàn đứng.

I. NGHI THỨC MỞ ĐẦU

·         Linh mục chủ sự mặc lễ phục đỏ như khi cử hành thánh lễ tiến ra trước Bàn Thờ, cúi chào, rồi phủ phục hoặc quỳ gối.

·         Các linh mục khác mặc áo Alba, mang Stola đỏ khi cử hành các phần của Nghi lễ như hát Passio, rước lễ hoặc cho rước lễ.[38]

·         Khi chủ tế phủ phục, cộng đoàn quỳ thinh lặng.

 Lời dẫn: Cộng đoàn chúng ta cùng hợp với linh mục chủ sự hồi tâm và cầu nguyện trong thinh lặng.

– Kính mời cộng đoàn quỳ (khi chủ sự phủ phục hay quỳ).

– Kính mời cộng đoàn đứng (khi chủ sự đứng).

  • Linh mục chủ sự tiến lại ghế của mình, tại đây dang tay đọc lời cầu nguyện.  

II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1.  Bài đọc I:                                                          Is 52,13 – 53,12

“Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta”

 Lời dẫn:  Bài ca đầy cảm xúc của tiên tri Isaia chiều nay diễn tả hình ảnh Người Tôi Tớ phải gánh chịu những đau thương tủi nhục cho nhân loại. Hình ảnh này hướng chúng ta về Đức Kitô, Đấng đã mang lấy những tội lỗi và khổ đau của chúng ta và đưa nó lên Thập giá.

2. Đáp ca:                                      Tv 30, 2.6.12-13.15-16.17.25.

3. Bài đọc II:                                                       Dt 4,14-16; 5,7-9

“Người đã học được thế nào là vâng phục, và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai tùng phục Người”

 Lời dẫn: Thư Do Thái cho thấy: Đức Kitô, Con Thiên Chúa, vị Thượng Tế cao cả đã phải chấp nhận khổ nhục để trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho chúng ta. Vì vậy, Người có thể cảm thông với những đau khổ, yếu hèn của chúng ta.

4. Câu xướng:                                                                     Pl 2,8-9.

5. Tin Mừng:                                                           Ga 18,1-19,42.

“Sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”

6. Giảng vắn tắt

7. Lời Nguyện Chung trọng thể

 Lời dẫn: Mọi công nghiệp và ân phúc cứu độ đều bởi giá máu của Đức Kitô. Vì thế, giờ đây, Hội Thánh nhờ trung gian của Chúa Giêsu và công nghiệp của Ngài, để dâng lời cầu xin cho những nhu cầu của mình và của nhân loại.

Kính mời cộng đoàn đứng.

  • Sau mỗi lời mời gọi, mời cộng đoàn QUỲ cầu nguyện trong giây lát, rồi đứng lên hợp ý với linh mục trong lời nguyện (thinh lặng 5 giây)

 1. Lời dẫn: Cầu cho Hội Thánh.

·         Linh mục (phó tế) đọc lời mời gọi.

·         Kính mời cộng đoàn quỳ – Thinh lặng 5 giây – Kính mời cộng đoàn đứng (Tại mỗi giáo xứ, tùy nghi có thể chỉ đứng giữ thinh lặng giây lát).

·         Linh mục đọc lời cầu nguyện.

 2. Lời dẫn: Cầu cho Đức Thánh Cha

·         Thực hiện như trên cho tất cả các lời cầu nguyện sau.

·         Linh mục có thể bỏ một hoặc hai lời không thích hợp với hoàn cảnh cộng đoàn.

 3. Lời dẫn: Cầu cho hàng Giáo sĩ và Giáo dân

 4. Lời dẫn: Cầu cho dự tòng

 5. Lời dẫn: Cầu cho các Kitô hữu được hợp nhất

 6. Lời dẫn: Cầu cho người Do Thái

 7. Lời dẫn: Cầu cho những người ngoài Kitô giáo

 8. Lời dẫn: Cầu cho những người vô thần

 9. Lời dẫn: Cầu cho những nhà lãnh đạo quốc gia

 10. Lời dẫn: Cầu cho những người đau khổ

III. NGHI THỨC KÍNH THỜ THÁNH GIÁ

 Lời dẫn: Giờ đây là Nghi thức Kính thờ Thánh Giá Chúa Giêsu. Giáo Hội biểu lộ lòng tôn thờ Đức Kitô, Đấng đã dùng cái chết trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại. Với tất cả lòng tin yêu, chúng ta cùng sốt sắng kính thờ Thánh Giá.

·         Phó tế hoặc Thừa Tác Viên xứng hợp kiệu Thánh Giá có phủ khăn tím (hoặc đỏ) cùng với hai giúp lễ với nến cháy sáng từ cuối nhà thờ lên cung thánh.

·         Chủ sự đứng trước Bàn thờ, nhận Thánh Giá, rồi mở phần khăn che phía đầu Thánh Giá, nâng Thánh Giá và hát: “Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”.

·         Mọi người đáp lại: “Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Hát xong, linh mục giơ cao Thánh Giá. Người hướng dẫn mời: “Kính mời cộng đoàn quỳ” – Thinh lặng một lát để tôn thờ – rồi “Kính mời cộng đoàn đứng”.

·         Tiếp đến, linh mục mở khăn cánh phải Thánh Giá, rồi mở toàn bộ khăn che Thánh Giá, mỗi lần nâng cao và mời gọi tôn thờ như trên.

·         Sau đó, linh mục đặt Thánh Giá trên một bàn, hai giúp lễ với nến cháy sáng quỳ hai bên hoặc đặt đèn trên bàn, rồi linh mục chủ sự tiến lên quỳ gối hôn kính Thánh Giá (nên bỏ giày). Lần lượt các giáo sĩ, tu sĩ và các tín hữu tiến lên hôn kính.

·         Trong khi hôn kính, ca đoàn hát những bài kính thờ Thánh Giá.

·         Nếu cộng đoàn đông, một số đại diện lên hôn kính Thánh Giá, và sau Nghi Thức, sẽ đặt Thánh Giá giữa cung thánh để mọi người có thể đến hôn kính.

·         Cũng có thể, sau khi hôn kính, linh mục cung kính cầm Thánh Giá đứng tại vị trí thích hợp để mọi người lên hôn kính.

·         Lưu ý: chỉ dùng một Thánh Giá trong Nghi Thức này[39].

SUY NIỆM KHI HÔN KÍNH THÁNH GIÁ

·         Bản Hướng Dẫn này gồm nhiều bài suy niệm khác nhau để tùy nghi chọn lựa trong lúc hôn kính Thánh Giá cả trong Nghi thức lẫn ngoài Nghi thức (thường lâu giờ).

·         Cũng có thể dùng những bài Suy Niệm này, đọc chen giữa các bài hát, nếu giáo xứ tổ chức việc hôn chân Chúa vào ngày thứ Bảy.

·         Mỗi bài nên chọn hai hoặc ba người thay nhau đọc cách tâm tình để sinh động hơn.

SUY NIỆM I:

THINH LẶNG CHIÊM NGẮM THẬP GIÁ

Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta, trong thinh lặng, chiêm ngắm Thánh Giá nơi treo Đấng Cứu độ trần gian.

Thánh Giá xưa kia lơ lửng giữa trời và đất, trước tiếng reo hò của dân Do Thái, giờ đây, xuất hiện uy nghi trong sự thờ lạy, hôn kính của nhân loại. Thánh Giá là phương tiện Chúa Giêsu đã dùng, để chu toàn sứ mạng Chúa Cha trao phó, biểu tỏ tình yêu đích thực của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Vì yêu, Người đã chấp nhận bị dân tộc loại trừ, chịu người đời khinh khi, nhục mạ, để cho quân lính đánh đòn, bắt vác thập giá nặng lê bước lên đồi Calvê.

Vì yêu, Người đã chịu chết, chết để mở ra một lối đi mới cho nhân loại. Người đã đi, đi từ cõi chết bước vào sự sống, đi từ bóng tối vào nơi đầy ánh sáng…

Như dân Do Thái xưa vượt qua biển đỏ, thoát ách nô lệ Pharaô để sống đời tự do; ngày nay, chúng ta cũng được Chúa Giêsu giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi, nhờ cây thập giá, hầu dẫn đưa chúng ta vào đời sống mới trong tương quan thân hữu Cha-con với Thiên Chúa.

Vì vậy, Thánh Giá – nơi treo Đấng-Cứu-Độ trần gian – là nguồn hy vọng, nguồn ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi.

Xin tạ ơn Người, lạy Chúa Giêsu, vì Chúa đã dùng cái chết đau thương để giao hoà chúng con với Chúa Cha, Chúa đã dùng cái chết nhục nhã, để giải thoát chúng con khỏi án phạt muôn đời.

Xin tạ ơn Người, lạy Chúa Giêsu, vì Chúa đã dùng cây Thập Giá để mang lại ơn cứu độ, mang lại sự sống mới thần linh cho chúng con. Amen.

·         Thinh lặng 10 giây.

·         HÁT: NIỀM VINH DỰ

ĐK: Niềm vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Giêsu Kitô. Chịu đóng đinh vì Người với thế gian và tôi quên mình, mang thương tích vì Chúa Kitô.

1.      Tôi đã hiểu rằng, mang trong mình thân phận Thập Giá và thương tích tình yêu vĩnh viễn. Phần gia nghiệp của tôi là chính Chúa nên tôi luôn say mê Thập Giá Chúa Kitô.

2.      Trong cuộc sống này, tôi biết rằng tôi thuộc về Chúa và nhận Chúa là Vua Cứu Thế. Chịu đóng đinh xác thân vào Thập Giá, giang tay ôm hy sinh cùng với Chúa Kitô.

SUY NIỆM II:

Ý NGHĨA CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC KITÔ

Cái chết chôn vùi con người. Vậy mà chiều nay, chúng ta lại tôn vinh cái chết của một người bị treo trên Giá gỗ cách đây 2000 năm. Đó là vì cái chết Thập Giá của Đức Kitô là cuộc chiến thắng trên tội lỗi, sự ác và cái chết, để mở ra cho nhân loại cuộc sống mới, tròn đầy và bất diệt.

Cử hành Phụng vụ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh đưa chúng ta vào trung tâm mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa khi chiêm ngắm cuộc thương khó đớn đau và cái chết tủi nhục của Đức Kitô, Đấng dù phận là Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu chúng ta khỏi chết.[40] Thập giá là chuyện tình vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, là định nghĩa trọn vẹn nhất: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).

Chiều nay, chúng ta hãy để cho tình yêu Thập giá thách thức lý trí, chạm đến trái tim, kéo chúng ta ra khỏi sự dửng dưng, để mở lòng đón nhận tình yêu khôn vời của “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi đến hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

– Đón nhận chân lý Thập giá là TIN vào TÌNH YÊU Thiên Chúa Đấng luôn ngỏ với chúng ta: “Ta yêu con bằng mối tình muôn thuở”[41]; Đấng tự nguyện cam kết với chúng ta một Giao Ước nghiêm chỉnh mà “quyết không hề bội tín, thất trung”[42]. Thập giá chính là “bảo đảm về tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho chúng ta”, [43] một tình yêu cá vị, vô biên, chỉ muốn sự lành cho ta.

– Đón nhận chân lý Thập giá là TIN vào sự KHÔN NGOAN của Chúa, Đấng mở ra con đường Thập giá để dẫn chúng ta đến tự do, sự sống và hy vọng. Từ đây, chúng ta quyết bước trọn hơn trên đường Thập giá, đường thương xót và thứ tha, khiêm hạ và hủy mình để phục vụ tha nhân với một tình yêu thắm thiết, bền bỉ và trung thành, biết “lấy thiện mà thắng ác”[44], hầu có được kinh nghiệm xác thực về chân lý Chúa dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25).

 - Đón nhận chân lý Thập giá là TIN vào QUYỀN NĂNG của Chúa/ để đặt trọn niềm hy vọng nơi Chúa, lòng luôn hướng về Nước Trời. Đó là luôn kín múc sức mạnh từ Thập giá để vượt thắng sự dữ, can đảm chấp nhận khổ đau để tiến tới sự thánh thiện. Chắc chắn “Thập giá Đức Kitô được đón nhận với tình yêu không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui của người được cứu độ”[45].

  • Thinh lặng 10 giây.
  • HÁT: CHỈ VÌ TÌNH YÊU – Duy Thông

1.      Bởi vì sao mà Chúa xuống đời, mang kiếp con người, chịu thân phận dầm mưa dãi nắng. Bởi vì sao Chúa đành hy sinh chịu chết Thập hình, và hiến mình nên Bánh Trường Sinh?

2.      Này người ơi hãy mến yêu nhiều, hãy thứ tha nhiều, vì đó là điều răn bác ái. Một tình yêu hiến mình hy sinh như Chúa Giêsu, thật chính là gương mẫu đời ta.

ĐK.Chỉ vì tình yêu của Chúa với thế nhân, chỉ vì Tình Yêu nên Chúa đã hiến thân, làm lễ dâng chuộc tội muôn dân. Tuyệt vời tình yêu Thiên Chúa đã hiến trao, mầu nhiệm Tình Yêu ôi rất đỗi lớn lao. Một Tình Yêu luôn mãi tuôn trào.

SUY NIỆM III:

ĐỨC KITÔ CÒN ĐAU KHỔ CHO ĐẾN TẬN THẾ!

Trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn, thánh Luca viết: “Chúa quay lại nhìn Phêrô, ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”[46]. Cái nhìn của Chúa Giêsu đâm thấu lòng Phêrô. Còn chúng ta, có bao giờ chúng ta rơi lệ khi nghe thuật lại cuộc Khổ Nạn, hoặc chiêm ngắm Thập Giá không?

Sở dĩ có tình trạng dửng dưng vì một cách vô thức, chúng ta coi cuộc Khổ Nạn như một biến cố xảy ra đã 2000 năm rồi. Với một biến cố đã 2000 năm, làm sao người ta có thể khóc được? Chúng ta chỉ có thể đau khổ, khi sự kiện làm ta đau khổ đang xảy ra, chứ không phải khi hoài niệm về nó. Chúng ta khóc cho người thân ngày họ qua đời, khó có thể khóc trong ngày giỗ. Cho nên, cuộc Khổ Nạn của Chúa, chúng ta phải chiếm ngắm, tham dự với ta cách là người đồng thời. Nhưng được không? Được lắm, vì như thánh Lêô Cả nói: “Cuộc Khổ Nạn của Chúa còn kéo dài cho tới tận thế”. “Đức Kitô còn hấp hối cho đến tận thế” (Pascal). Chính Kinh Thánh cho ta biết ai phạm tội là “tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa một lần nữa và đã công khai sỉ nhục Người” (Dt 6,6).

Chúng ta tưởng nghĩ về một người con, sau nhiều năm, được gặp lại cha mình. Người cha này, do lỗi của con mà bị kết án biệt xứ, chịu bao đau khổ, giờ đây yên lặng đứng trước mặt con, trên thân xác còn hằn dấu thương tích. Đã hẳn giờ đây mọi sự đã kết thúc. Người cha đã về nhà. Đau khổ đã qua đi. Nhưng người con có thể vô tâm trước cảnh tượng này được sao? Anh không xúc động khi nhận ra hậu quả mà tội của mình đã gây ra cho người cha sao?

Tất cả những điều trên đây là sự thật, chứ không phải là một cách nói. Nhờ Thần Khí được ban cho chúng ta, chúng ta trở thành đồng thời với Đức Kitô.[47] Chúng ta đang sống thực cuộc Khổ Nạn của Ngài.

·         Thinh lặng 10 giây.

·         HÁT: TÂM TÌNH SÁM HỐI

1.        Trong tâm tình sám hối, con đớn đau vì tội đã phạm. Trong tâm tình ăn năn, con khóc than biết bao lầm lỗi. Chúa ơi con đã biết tội mình! Chúa ơi con đã biết tội mình. Tội làm con xa lìa nhan Chúa, tội làm con xa lìa tình thương.

2.        Mang thân phận yếu đuối, con bước đi nhờ Ngài dắt dìu. Nhưng bao lần vô tâm, con lãng quên ân tình trợ giúp. Chúa ơi nay con cách xa Ngài, ví như chiên con sống lạc bầy, mà tình Cha không bờ không bến, Ngài tìm con đưa về nguồn vui.

ĐK: Con xin trở về với Ngài, con xin chuộc lại lỗi lầm, làm lại cuộc đời mới trong mến yêu muôn phần. Con xin trở về cùng Chúa, con xin làm hòa cùng anh em. Để lại được sống trong ân tình của những người con.

 SUY NIỆM IV:

TÔI KHÁT[48]

Một trong những lời cuối cùng đầy ý nghĩa mà Chúa Giêsu thốt lên khi Ngài chịu treo trên Thập Giá đó là “Tôi khát”. Chủ đề về cơn khát đã xuyên suốt Tin Mừng Thánh Gioan từ cuộc gặp gỡ người phụ nữ Samaria, đến đại sấm ngôn vào dịp lễ Lều[49].

Cơn khát của một tử tội vì máu và nước đã chảy ra quá nhiều từ cuộc khổ hình. Nhưng đó còn là một cơn khát thần linh đầy vẻ đẹp cao cả của một Thiên Chúa yêu thương con người đến tột cùng, khi hiến mình đến chết để kẻ mình yêu được hạnh phúc. Thập Giá vừa tỏ bày tình yêu lớn lao mà Thiên Chúa dành cho con người, vừa diễn tả nỗi khao khát sâu thẳm của Thiên Chúa muốn được đón nhận tình yêu của họ. Ngài muốn chúng ta yêu Ngài, yêu trọn vẹn, để khi càng được kết hợp mật thiết với Ngài trong tình yêu, chúng ta càng được thông dự dồi dào vào sự thiện hảo, vào sự sống, vào hạnh phúc đời đời của Ngài.

Vì vậy, “cơn khát của Đức Kitô là một cánh cửa dẫn ta vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Đấng đã muốn cảm nghiệm cơn khát, để làm cho chúng ta không còn khát nữa, cũng như Ngài đã trở nên nghèo nàn, để chúng ta được trở nên giàu sang phú túc[50]. Thiên Chúa khát đức tin và tình yêu của chúng ta. Như người cha tốt lành và nhân hậu, ước muốn tất cả những điều thiện hảo có thể có được cho chúng ta/ và điều thiện hảo này chính là Người.”[51]

Tiến lên hôn kính vết thương nơi thân xác bầm dập của Chúa Giêsu, ước gì lòng chúng ta chân thành thưa lên: “Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa, cảm tạ tình yêu vô biên Chúa dành cho con!” Amen.

·         Thinh lặng 10 giây.

·         HÁT: TÌNH YÊU CHÚA VÚT CAO

1.         Tình yêu Chúa đóng đinh trên muôn cây thập tự. Tình yêu Chúa sáng soi trên muôn ngàn vì sao. Ôi yêu thương như nắng dạt dào, ôi yêu thương như suối dâng trào! Ân tình ngàn năm ghi dấu trên đỉnh tình yêu vút cao.

2.         Tình yêu Chúa chứa chan đi qua muôn thời gian. Và muôn lớp tháng năm vẫn xanh tình yêu Chúa. Ôi mênh mông trong trái tim Ngài, ôi bao la trong tấm lòng Ngài! Xin Thập tự lên tiếng nói, xin một niềm tin sáng soi.

ĐK: Ôi yêu thương là tiếng hát cho đời những giai điệu. Tình yêu như muôn ngàn con sóng cho trùng dương thắm xanh. Ôi yêu thương là Thiên Chúa treo mình trên Thánh Giá, hiến thân vì nhân trần, mong trái tim người thắm hồng.

 SUY NIỆM V:

HÃY VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO THẦY!

Để thực hiện trọn vẹn công trình cứu độ, Đấng Cứu Chuộc vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta liên kết với Ngài và với sứ mạng của Ngài, bằng cách sẵn sàng vác lấy thập giá của mình mà theo Ngài.

Vác lấy thập giá của mình không phải là việc tùy nhiệm, nhưng là một sứ mạng mà chúng ta phải đón nhận với tình yêu. Trong thế giới mà dường như sức mạnh chia rẽ và hủy diệt đang thống trị, trong chính gia đình chúng ta cũng còn quá nhiều những ích kỷ, khác biệt và chia rẽ, nơi bản thân mỗi người chúng ta cũng nhiều mâu thuẫn và sự dữ, thì Đức Kitô không ngừng mời gọi chúng ta cách rõ ràng: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo[52]. Chúa mời gọi chúng ta bỏ mình, bỏ tính ích kỷ của mình mà theo Chúa. Đó là cách chúng ta khôi phục lại vị trí ưu việt của Thiên Chúa nơi lòng ta. Đó là lúc chúng ta làm cho Tình Yêu thấm nhập cuộc đời ta, để rồi trở nên chứng nhân của Tình Yêu ấy giữa gia đình và mọi người, góp phần xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Đó cũng là lúc chúng ta đang làm cho ơn cứu độ của Thiên Chúa lan rộng và sinh hoa trái.   

Xin Đức Trinh nữ Maria, Đấng đầu tiên đã đi theo Chúa Giêsu đến tận cùng trên đường thập giá, giúp đỡ chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta bước theo Chúa với một trái tim say sưa và trung thành, để ngay từ bây giờ, chúng ta có thể cảm nghiệm được vinh quang phục sinh dù giữa bao gian nan thử thách.

·         Thinh lặng 10 giây.

·         HÁT: SỨC MẠNH TỪ THẬP GIÁ – Thiên Linh

1.      Nguyện một đời bước theo Thập giá. Nguyện một đời sát tế hy sinh. Nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, chết treo Thập hình. Nhìn lên Đấng chịu đóng đinh gánh muôn tội tình.

ĐK: Con xin theo dấu bước chân khổ hình. Yêu hy sinh đời thánh hiến trung trinh. Cho con say, say tình yêu Thập giá. Nên sức mạnh nâng đỡ con ngày đêm.

2.      Dù một đời đắng cay ngập lối, dù đường đời sóng gió hôm mai. Nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, chết treo Thập hình. Đời con hiến trọn Chúa thôi, đáp ơn cao vời.

 SUY NIỆM VI:

THÁNH GIÁ ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá và từ trong mồ trỗi dậy vào ngày thứ ba. Đức Kitô sống lại cùng với toàn bộ nhân tính của Ngài, và như thế, đưa chúng ta vào trong biến cố Vượt Qua đi từ cái chết đến sự sống lại của Ngài.[53]

Thánh Phaolô dạy chúng ta: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người; nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng hiển trị với Người; nếu chúng ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta[54]. Toàn bộ chương trình sống của người Kitô hữu phải rập theo khuôn mẫu của Đức Kitô, toàn bộ cuộc sống của chúng ta là cùng sống với Ngài, cho Ngài và trong Ngài, để làm vinh danh Thiên Chúa Cha.[55]

Tình yêu đối với Đức Kitô là nền tảng đời sống của người Kitô hữu; một tình yêu không sợ dấn thân, không sợ những khó khăn. Chúng ta hãy mang tình yêu này đến cho gia đình chúng ta, cho những người trong thời đại chúng ta, những người lắm khi tự nhốt mình trong cá nhân chủ nghĩa. Chúng ta hãy trở nên dấu chỉ lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa. Đời sống đức tin đòi chúng ta phải chia sẻ đời sống mình với những ai chúng ta gặp gỡ: chia sẻ đau khổ, quan tâm đến những vấn nạn của họ, đồng hành với họ trên con đường đức tin.[56]

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mầu nhiệm Thập Giá Chúa hôm nay chạm đến lòng con, chinh phục trái tim con và biến đổi cuộc đời con, để khi trung thành bước theo Chúa trên đường Thập giá, chúng con được dẫn đến với Chúa, đến nguồn hạnh phúc và vinh quang đời đời. Amen.

·         Thinh lặng 10 giây.

·         HÁT: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI

1.             Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn sâu trên trán. Lạy Chúa, Thánh Giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư. Đường tình đó Ngài dành cho con.

2.             Lạy Chúa, mũi đòng nào đâm thấu con tim. Đinh nhọn nào còn loang máu đào, sỉ nhục nào còn vương trên mắt. Lạy Chúa, những bước nào gục ngã đau thương, bao roi đòn hằn vết thê lương, đường tình đó Ngài dành cho con.

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

 

 SUY NIỆM VII

ĐỨC KITÔ TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH

ĐẤNG HẰNG HIỆN DIỆN VÀ NÂNG ĐỠ CHÚNG TA

Chúa Giêsu đã chịu nhiều khổ đau và cuối cùng đã chết trên Thập Giá. Ngài tham dự vào cái chết của nhân loại tội lỗi hầu đánh bại thần chết. Chúa đã đi tới tột cùng của khổ đau, cũng là đi tới chóp đỉnh của tình yêu để máu Ngài thanh tẩy tội lỗi chúng ta, “biến đổi tận căn những ai tin vào Ngài, cho họ được bước vào cuộc sống không thể hư hoại và bất tử.”[57]

Nhưng cái chết chỉ là bước vượt qua để đưa Đức Kitô đến sự phục sinh. Niềm hy vọng phục sinh của mỗi người chúng ta được đặt trên nền tảng chắc chắn là cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Chúa nói với chúng ta: “Ta đã sống lại, và nay Ta mãi mãi ở bên con”. Bàn tay Ta nâng đỡ con. Con có ngã xuống nơi đâu, thì cũng sẽ ngã vào trong lòng bàn tay của Ta mà thôi. Ta hiện diện đến tận ngưỡng cửa của cái chết. Nơi mà không còn ai có thể đồng hành với con, và nơi mà con không thể mang theo được gì, thì chính nơi đó, Ta đang đợi chờ con, và Ta sẽ biến bóng tối thành ánh sáng cho con.[58]

Xin cho chúng ta không chỉ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa, nhưng còn can đảm bước vào mầu nhiệm, biết nhận lấy các tâm tình và thái độ của Chúa như thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy có chính các tâm tình của Chúa Kitô Giêsu[59]. Và khi đó, Tam Nhật Thánh sẽ là lễ Vượt Qua tốt lành cho mỗi người chúng ta.[60]

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc lữ hành trần thế, dù chúng con còn phải đối diện với biết bao sự dữ, khổ đau, vấp ngã, nhưng chúng con xác tín rằng Chúa luôn ở bên chúng con và nâng đỡ chúng con bằng sức mạnh tình yêu của Chúa. Chúng con đang phải đối diện với bao đổ vỡ và sự chết mỗi ngày, xin cho chúng con xác tín rằng, chúng con luôn rơi vào bàn tay yêu thương của Chúa vì xác tín vào chính lời Chúa đang ngỏ với chúng con: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!”[61]

·         Thinh lặng 10 giây.

·         HÁT: LỜI VỌNG TÌNH YÊU

1.        Trên đồi cao trong gió lao xao gọi mời tình yêu. Giêsu gục ngã treo trên Thập Giá giang cánh tay ôm tội đọa đày. Thân tàn hơi Con Chúa Trời nghe hồn chợt đơn côi. Ôi nhân loại hỡi sao chưa hoài tới mà nỡ quên ân tình biển khơi.

2.        Trên đồi cao trong tiếng ngân chuông chiều vọng tình yêu. Giêsu lặng lẽ môi khô bờ hé, tim nát tan gai nhọn bạo tàn. Ân tình sâu ai có mau quay về nguồn yêu thương. Ôi Cha Người hỡi, xin tha lầm lỗi những tháng năm dù đời biệt tăm.

ĐK: Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian. Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu, chết cho tình yêu, để cứu muôn người lỗi tội, đưa về trời đẹp tiươi.

SUY NIỆM VIII:

ĐÓN NHẬN VÀ TRAO BAN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Mọi cử hành phụng vụ và khung cảnh ngày thứ Sáu Tuần Thánh đều đưa chúng ta lên núi Sọ, đến chân Thập Giá, nơi vị Thượng Tế, Chúa chúng ta đã tự hiến làm Lễ Vật duy nhất dâng lên Chúa Cha. Chính trong tột cùng khổ đau và cái chết của Chúa Giêsu, mà Thánh Giá đã trở nên “chóp đỉnh của tình yêu, một tình yêu mang lại cho chúng ta ơn cứu độ”.[62]

Vì vậy, khi nhìn lên khuôn mặt bầm dập, đầy máu và dơ bẩn bụi đất của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhận ra vẻ đẹp tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa đang được giấu ẩn. “Chúa mang lấy trên mình sự nhơ bẩn, tội lỗi của chúng ta, để thanh tẩy chúng ta trong máu Ngài với tình yêu lớn lao của Thiên Chúa.”[63] Xin cho chúng ta biết mở rộng cõi lòng, để tình thương của Thiên Chúa có thể chạm đến chúng ta, “biến đổi tận căn con người ta, cho ta bước vào cuộc sống mới không thể hư hoại và bất tử[64]. Đồng thời, khi đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cũng được biến đổi thành dòng chảy của tình thương Chúa cho người thân và tha nhân, nhất là những ai khổ đau.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho Hội Thánh, cho toàn thể nhân loại, cho tất cả những ai đang bị đè nặng bởi khổ đau tinh thần hoặc thể xác, nhất là những người đang mang gánh nặng của tội lỗi, được hưởng nhờ tình thương cứu độ tuôn trào từ Thập Giá.

Ước gì khi cầu nguyện và chiêm ngắm cuộc thương khó đau thương và cái chết tủi nhục của Chúa Giêsu vì yêu thương chúng ta, giúp chúng ta biết đón nhận lòng thương xót Chúa dành cho chúng ta, để rồi mỗi người chúng ta tiếp tục trở thành dòng chảy của lòng thương xót Chúa cho gia đình và mọi người, làm cuộc sống gia đình từ nay dễ thương, dễ sống và an bình hơn.

·         Thinh lặng 10 giây.

  • HÁT: THẬP GIÁ TÌNH YÊU

ĐK: Thập giá minh chứng tình yêu, ôi Thập giá là tiếng nói yêu thương vô cùng, là người bạn tín trung, là lương tâm nhân loại, là niềm tin lửa mến, là đỉnh cao dâng hiến vinh quang.

1.   Xin mỗi ngày đón nhận Thập giá Giêsu, để làm bằng chứng tình yêu, tình yêu bất diệt, tình yêu duy nhất.

2.   Xin mỗi ngày đón nhân Thập giá Giêsu, để lòng cảm thấu niềm vui, niềm vui đón nhận, niềm vui dâng hiến.

 

 

SUY NIỆM IX:

TÌNH YÊU THẬP GIÁ:

CHUẨN MỰC SỐNG CỦA ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Chúng ta cùng tự hỏi lòng mình: Giữa thế giới đầy sự dữ này, nếu chúng ta không tin Chúa, không hy vọng Nước Trời, liệu chúng ta có đủ sức vượt thắng tội lỗi, lòng ham muốn tiền bạc, lạc thú, để sống tốt, sống thật, sống công chính không? Liệu chúng ta có đủ sức ra khỏi chính mình để sống cho tha nhân không? Một cuộc sống không có đức tin, rất dễ làm mồi cho bao cám dỗ và dục vọng thấp hèn. Và như vậy, một cuộc sống không có cái “thật, cái “thiện”, chỉ dối trá, tội lỗi thì làm sao có được niềm vui và hạnh phúc?

Qua Thập giá, Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, đã mở ra con đường dẫn chúng ta đến sự sống đời đời. Để đạt tới sự sống đời đời mà Đức Kitô mang đến:

– Trước hết, chúng ta hãy tin vào Thập giá Đức Kitô. Đó là tin vào tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nơi Thập giá, chúng ta chạm đến bằng chứng tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, bởi lẽ: “Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết[65]. Khi “chúng ta chiêm ngắm cuộc chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và cái chết, cùng với sự sống lại của Người, như một biến cố biến đổi tận căn những ai tin vào Người, và cho họ được bước vào một cuộc sống không thể hư hoại và bất tử.[66]

Đồng thời, nơi Thập giá, chúng ta cũng chạm đến những chuẩn mực cơ bản tạo nên cuộc sống chúng ta.[67] Toàn bộ chương trình sống của cuộc đời Kitô hữu là rập theo khuôn mẫu của tình yêu Thập giá Đức Kitô. Nhờ hai tiếng “xin vâng” với Thánh giá, nhờ hành trình tiến bước trong sự hiệp thông với Đức Kitô, mà cuộc đời chúng ta tiến tới sự sống đích thực, tiến tới bình an và hạnh phúc đời đời. Cuộc đời của các vị Thánh, của nhiều người đạo đức, có khi của chính cha mẹ chúng ta tỏa rạng vẻ đẹp này. Không có Thánh Giá, cuộc đời chúng ta đi trong vô định, tội lỗi dẫn đến cái chết và án phạt muôn đời.

– Thứ đến, chúng ta hãy yêu mến Thập giá Đức Kitô. Đó là để tình yêu Thập giá thấm nhập và trở thành sự sống đời ta, thành đường dẫn dắt cuộc sống ta.

Bước theo tình yêu Thập giá, là chúng ta từ bỏ bản thân, để can đảm vâng phục lề luật và thánh ý Chúa. Đặc biệt, vượt qua lôi cuốn của tiền bạc, lạc thú để dám sống sự thật và công bằng, trong sạch và tiết độ giữa một xã hội đầy cạm bẫy này. Nhờ đó, chúng ta được hưởng một lời hứa tuyệt vời: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

Bước theo tình yêu Thập giá, là chúng ta từ bỏ bản thân, hiến mình phục vụ tha nhân với một tình yêu thắm thiết, bền bỉ và trung thành. Đó là lúc chúng ta sống chân lý Chúa dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25).

– Cuối cùng, hãy giữ vững niềm hy vọng nơi Thập giá Đức Kitô. Đó là luôn kín múc sức mạnh từ Thập giá để vượt thắng sự dữ, thử thách, can đảm chấp nhận khổ đau để tiến tới sự thánh thiện, tiến về Nước Trời. Chắc chắn “Thập giá Đức Kitô được đón nhận với tình yêu không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn chúng ta đến niềm vui cứu độ”.[68]

Giờ đây, trước mặt mỗi người chúng ta là hai con đường, đường tình yêu Thập giá Đức Kitô dẫn tới sự sống, đường lạc thú thế gian dẫn tới sự chết, chúng ta sẽ chọn con đường nào?

·         Thinh lặng 10 giây.

·         HÁT: TÌNH YÊU THÁNH GIÁ

1.         Còn tình yêu nào như tình Chúa Giêsu đã một lần vai mang thập tự nhận lấy đắng cay khổ đau. Còn tình yêu nào như tình Chúa thương con đã một lần liều thân chịu chết. Giêsu con đã biết rồi. Tình Ngài như biển khơi, như sông dài như núi, như mưa nguồn chan tưới, Chúa ơi, yêu thương bao la. Tình Ngài đi chịu chết để con được vui sống, để con được hạnh phúc, Chúa ơi, yêu thương vô bờ.

2.         Đường tình yêu nào xưa Ngài đã đi qua trong cuộc đời lê chân miệt mài từ sáng đến khi chiều rơi. Đường tình yêu nào đưa Ngài đến Canvê trên vai gầy nặng mang Thập giá. Giêsu con đã biết rồi. Tình Ngài chỉ vì con, xuống gian trần đêm giá, sống đơn nghèo cho đến chết trong đau thương đau thương. Một đời con nguyện ước sống như Ngài đã sống, đem thân mình hy sinh, hiến trao cho bao con người.

ĐK: Con xin dâng lên Ngài trọn niềm cảm mến, yêu thương đi tìm một dấu tin yêu cho vơi nỗi niềm tình con quên lãng. Vâng, con xin theo Ngài, Thánh Giá trên vai, yêu thương nhân loại, nguyện ước khôn nguôi, xin vâng theo Ngài chỉ thế mà thôi.

  • Sau khi kết thúc việc kính thờ Thánh Giá, linh mục chủ sự đặt Thánh Giá vào chân đế đặt gần Bàn thờ. Đặt các nến cháy dưới chân Thánh Giá.

 IV. NGHI THỨC HIỆP LỄ

·         Trong lúc hôn kính Thánh Giá, giúp lễ trải khăn bàn thờ, khăn thánh và đặt sách lễ lên bàn thờ.

·         Chuẩn bị khăn choàng vai và đèn hầu, đoạn một linh mục hay phó tế (nếu có) đi rước Mình Thánh Chúa từ bàn thờ phụ về bàn thờ chính, trong lúc đó, mọi người đứng thinh lặng.

·         Khi đã đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ và mở bình đựng Mình Thánh rồi, thì linh mục chủ sự cúi mình, chắp tay bắt đầu phần hiệp lễ (nên truyền phép một bánh lớn cho ngày hôm nay).

·         Khi linh mục sắp cung nghinh Thánh Thể vào cung thánh thì đọc:

 Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn đứng để cung nghinh Thánh Thể.

Chúng ta vừa cùng nhau tham dự Nghi thức Tôn thờ Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, giờ đây Giáo Hội mời gọi chúng ta sốt sắng đón nhận Ngài trong Bí tích Thánh Thể, nhờ đó, chúng ta được tham dự trọn vẹn vào Hy Tế Cứu Độ của Ngài.

·         Linh mục chủ sự đọc các kinh nguyện chuẩn bị cho cộng đoàn hiệp lễ.

·         Sau khi cộng đoàn hiệp lễ xong, một phó tế hoặc linh mục kiệu Thánh Thể về nhà tạm phụ.

·         Linh mục chủ sự đọc Lời Nguyện Hiệp Lễ rồi giải tán dân chúng bằng một Lời Nguyện Chúc Lành.

 Lời dẫn: Từ giờ phút này đến vọng Phục sinh vào tối ngày thứ bảy, Giáo Hội không cử hành thánh lễ nào. Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta thinh lặng bên mồ Chúa, suy niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Người là nguồn ơn cứu độ. Khung cảnh tĩnh mịch và vắng vẻ của bầu khí phụng vụ giúp ta khám phá ra tính cách nặng nề, hậu quả tai hại của tội lỗi đã là nguyên cớ của cuộc khổ nạn và cái chết tủi nhục của Chúa. Tuy nhiên, bầu khí trầm lặng sám hối lại đang tiềm ẩn một niềm hy vọng lớn lao: Chúa sẽ sống lại để trao ban cho chúng ta một cuộc sống mới. Ánh sáng bình minh của ngày mới đã loé rạng ở chân trời u tối của tội lỗi và sự chết.

·         Mọi người thinh lặng ra về.

·         Vào lúc thuận tiện lột khăn bàn thờ.


THỨ BẢY TUẦN THÁNH

CANH THỨC VƯỢT QUA

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC

I. Ý nghĩa Thứ Bảy Tuần Thánh

“Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội ở lại bên mồ Chúa mà suy ngắm cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài, cũng như việc Chúa xuống ngục tổ tông, và Giáo Hội chờ đợi sự Phục Sinh của Ngài trong cầu nguyện và chay tịnh.” [69]

Trong ngày này, Giáo Hội sống lại thái độ của những phụ nữ đạo đức, những người vào buổi chiều thứ sáu, sau khi Chúa Giêsu được an táng, đã “ở đó, ngồi quay mặt vào mồ” (Mt 27,61). Thực hành chay tịnh và đến gần ngôi mộ trong tâm tình chờ đợi sự phục sinh của Chúa như Điệp ca II của giờ Kinh Sách, khi đặt lên môi miệng Đức Kitô những lời này: “Thân xác con nghỉ ngơi trong niềm hy vọng”[70].

Việc Đức Kitô xuống ngục tổ tông diễn tả Ngài đã ôm trọn số mạng bi thảm của con người trong sự chết. Nhưng sự liên đới của Đức Kitô với con người không chỉ trong sự chết mà còn vượt trên sự chết: Ngài đã chiến thắng sự chết và đã mở ra cho con người mọi thời, từ Ađam trở về sau, con đường của niềm hy vọng và ơn cứu độ.

Chân lý này không chỉ nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ mà còn mang chiều kích Giáo Hội – Bí Tích. Lời cầu của ngày này nói lên điều đó. Sau khi nhắc lại rằng Con Thiên Chúa “đã xuống tận âm phủ”, lời nguyện tiếp tục: “Xin ban cho các tín hữu Chúa, đã được cùng mai táng với Người trong Bí tích Rửa Tội, nhờ chính Đấng Phục Sinh, có thể đạt được sự sống muôn đời”. Trong Bí tích Rửa Tội, con người thực sự đi vào mối liên đới và vượt lên trên sự chết cùng với Đức Kitô, trở thành một thành viên của cộng đoàn các tín hữu (x. Rm 6,4-5)[71].

II. Ý nghĩa Chúa Nhật Phục Sinh: Canh Thức Vượt Qua

Đêm Canh Thức được liên kết với Chúa Nhật Phục Sinh. “Trong lễ này, Hội Thánh canh thức để mong đợi Chúa Kitô sống lại và cử hành sự phục sinh của Chúa trong các bí tích” (QLTQNPV, số 21).

Tính biểu tượng nền tảng của Đêm Vọng là đêm được chiếu sáng, là “đêm bị đánh bật bởi ngày mới”, được biểu lộ qua dấu chỉ phụng vụ rằng: cuộc sống của ân sủng được tuôn trào từ sự chết của Đức Kitô. Vì vậy, Đêm Canh Thức diễn tả sự Vượt Qua của Đức Kitô và của các tín hữu Kitô, đồng thời hướng chúng ta về sự trông đợi cuộc trở lại của Đức Kitô trong ngày sau hết. 

Cử hành Canh Thức dẫn chúng ta vào việc suy niệm Mầu nhiệm Vượt Qua trong tất cả chiều kích của nó:

– Phụng vụ Ánh Sáng: cử hành Vượt Qua Vũ Trụ, là ghi dấu sự vượt qua từ bóng tối đến ánh sáng;

– Phụng vụ Lời Chúa: cử hành Vượt Qua Lịch Sử, khi khơi lên những thời điểm chính yếu của lịch sử cứu độ;

– Phụng vụ Phép Rửa: cử hành Vượt Qua của Giáo Hội, dân mới được sinh ra từ giếng Rửa Tội;

– Phụng vụ Thánh Thể: cử hành Vượt Qua muôn đời và cánh chung với sự tham dự bữa tiệc Thánh Thể, hình ảnh của cuộc sống mới và của Vương Quốc được hứa ban.

Chúa Nhật Phục Sinh được coi là “ngày của Chúa Kitô”. Các bài Kinh Thánh chứa đựng Kerygma Vượt Qua và lời nhắc nhở đối với những lời hứa về cuộc sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh. Từ những gì đã nói, lễ Vượt Qua, một mặt vừa quy chiếu chúng ta về một sự kiện lịch sử, đã xảy ra một lần cho tất cả, thì mặt khác, nhờ sự hiện tại hóa mang tính cử hành, nó ảnh hưởng đến kinh nghiệm sống của Giáo Hội trong hiện tại[72]. Nói cách khác, mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành phải trở thành một định hướng sống, thành ánh sáng và sức sống mới của từng cuộc đời Kitô hữu chúng ta. Có như vậy, thì việc cử hành Tam Nhật Vượt Qua mới thực sự có ý nghĩa.

Ai tham dự vào cử hành Đêm Vọng Phục Sinh này thì được lãnh nhận một ơn Toàn Xá với những điều kiện thông thường đã được Giáo Hội quy định.[73]

III. Những điều cần chuẩn bị

 1. Bàn thờ chính:

– Trải khăn bàn thờ.

– Sách lễ Rôma.

– Nhà tạm để trống và mở ra.

2. Tại tiền đường nhà thờ hoặc tại nhà thờ phụ:

– Giá sách trải khăn trắng và Sách Lễ Rôma.

– Nến Phục Sinh.

– Dĩa đựng 5 hạt hương.

– Bình hương lửa và tàu hương.

– Một cây nến nhỏ để châm Nến Phục Sinh.

– Cây mũi nhọn (bút bi) để vẽ trên Nến Phục Sinh.

– Một hỏa lò đầy than hồng.

– Đèn pin (để soi sáng Sách Lễ Nghi cho chủ tế)

– Nến dành cho giúp lễ và cộng đoàn (phát trước).

3. Nơi mặc phẩm phục: Dọn lễ phục trắng.

4. Cung thánh:

– Giảng đài: Sách Bài Đọc; Sách Công bố Tin Mừng Phục Sinh (Exsultet).

– Chân Nến Phục Sinh (đặt giữa cung thánh hay gần giảng đài hoặc một chỗ thích hợp)

– Chum nước đựng nước để được làm phép (tùy nghi).

– Một bình nước thánh nhỏ với dùi rảy, lấy nước từ chum sau khi đã được làm phép, để rảy trên cộng đoàn.

– Nếu có người Rửa Tội: cần Sách Lễ Nghi Rửa Tội, Dầu Thánh, khăn trắng, nến cho mỗi người và khăn lau.

5. Bàn nhỏ cạnh bàn thờ chính:

– Các đồ dùng cho thánh lễ.

– Chuông (rung lúc xướng Kinh Vinh Danh).

6. Phòng thánh:

– Các bình hoa sẽ được đem ra chưng trước bàn thờ sau khi xướng Kinh Vinh Danh.

CANH THỨC VƯỢT QUA

·         Hát Kinh Chúa Thánh Thần (quỳ)

·         Tùy nghi đọc các kinh theo thói quen của giáo xứ.

LỜI DẪN

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Việc tưởng niệm Đức Kitô Chịu Chết và Sống Lại đạt tới đỉnh cao trong Đêm Vượt Qua là đêm thánh của người Kitô hữu. Đây là đêm Chúa Kitô đập tan xiềng xích tử thần và từ âm phủ khải hoàn đi lên. Đây là đêm Giáo Hội từ buổi đầu vẫn chờ mong Chúa Kitô trở lại. Phụng Vụ đêm nay gồm bốn phần:

Phần Một – Phụng Vụ làm phép Lửa mới và Rước Nến Phục Sinh: Giáo Hội hân hoan ca ngợi Đức Kitô Phục Sinh là Ánh Sáng Chân Lý, Tình Yêu và Hy Vọng chiếu soi nhân loại đang tuyệt vọng lê bước trong bóng đêm tội lỗi. Đêm nay, ánh mắt của mỗi người chúng ta cũng đăm đăm nhìn lên Chúa Kitô mà khẩn xin Ngài ban ơn giải thoát.

Phần Hai – Phụng Vụ Lời Chúa: Các bài đọc Lời Chúa nhắc lại những biến cố chính của lịch sử cứu độ và dẫn đến Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, nhằm mô tả tình yêu trung tín của Thiên Chúa muốn cứu độ nhân loại. Lời Chúa đêm nay tháp nhập chúng ta vào lịch sử tình yêu, nuôi dưỡng niềm hy vọng và hồi sinh niềm vui trong chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần lắng nghe những bài sách thánh với tâm tình đức tin, nghe lịch sử dân Israel nhưng lòng nhớ lại những điều kỳ diệu mà Chúa Kitô đang thực hiện nơi Giáo Hội để giải thoát chúng ta.

Phần Ba – Phụng Vụ Thánh Tẩy: Bí tích Rửa Tội và Thánh Thể phát nguồn từ Trái Tim Đức Kitô bị đâm thâu trên Thập Giá. Đây là các Bí tích Vượt Qua. Vì vậy trong đêm nay, Giáo Hội cử hành Bí tích Rửa Tội cho dự tòng và mời gọi các tín hữu nhắc lại lời hứa khi lãnh Bí tích Rửa Tội, bí tích dìm chúng ta trong sự chết với Đức Kitô để được sống lại với Ngài trong đời sống mới[74].

Sau cùng là Phụng Vụ Thánh Thể, là tiệc thánh của dân mới, nơi mà các môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh khi Ngài bẻ bánh trao cho họ[75]. Đêm nay, chính Đấng Phục Sinh đến hiện diện giữa chúng ta, cho ta nếm trước niềm vui của thành Giêrusalem mới, dạy chúng ta Bẻ Bánh để loan truyền việc Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa đã sống lại và vững niềm hy vọng đợi chờ Chúa lại đến.

Nào, chúng ta hãy trỗi dậy đến gặp Đấng Phục Sinh của chúng ta để reo lên như Mađalêna: “Chúa đã sống lại! Tôi đã gặp Ngài!”[76] và lên đường đem Tin Mừng Phục Sinh, đem Lòng Thương Xót, đem Hy Vọng đến cho những tâm hồn đang sầu muộn hay đang tuyệt vọng về ý nghĩa cuộc đời.

Mời cộng đoàn đứng hướng về tiền đường Nhà Thờ.

I. NGHI THỨC THẮP NẾN PHỤC SINH

1. LÀM PHÉP LỬA VÀ CHUẨN BỊ NẾN

·         Từ phòng thánh hoặc ngay tại cuối Nhà Thờ, linh mục và đoàn lễ sinh – mang theo nến – tiến ra Tiền đường Nhà Thờ.

·         Tắt hết đèn trong Nhà Thờ và dùng đèn pin để soi sáng cho linh mục chủ sự.

·         Trong lúc linh mục đang tiến ra thì đọc lời dẫn.

 Lời dẫn: Khởi đầu Đêm Canh Thức, Giáo Hội ca tụng Chúa là ánh sáng. Qua việc Làm Phép Lửa Mới và Kiệu Nến Phục Sinh, Giáo Hội tuyên xưng Đức Kitô chính là Ánh Sáng muôn dân, Đấng phá tan bóng đêm tội lỗi, Đấng duy nhất có thể giải thoát chúng ta khỏi tội và đưa ta đến nguồn sáng vĩnh cửu.

·                  Giúp lễ thắp lửa mới (nên tẩm dầu vào củi và than nhỏ để dễ cháy và có than để đặt vào bình hương – hoặc để than phụng vụ gần bếp).

·         Sau khi thắp lửa, linh mục chủ sự làm dấu và chào dân chúng như thường lệ, nói vắn tắt ý nghĩa đêm canh thức hoặc dùng những lời sau:

LM: Anh chị em thân mến, trong đêm rất thánh này, đêm Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, tức là từ cõi chết sống lại, Hội thánh kêu mời con cái ở khắp trên hoàn cầu, cùng họp nhau lại mà canh thức cầu nguyện.

Vậy chúng ta sẽ cùng nhau chăm chú nghe lời Chúa, và sốt sắng cử hành những bí tích tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, với niềm hy vọng sẽ được cùng Người chiến thắng sự chết, và cùng Người luôn sống kết hợp với Chúa Cha.

  • Linh mục làm phép lửa:

LM: Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một đến giãi ánh vinh quang rực rỡ của Chúa vào lòng tín hữu. Xin thánh X hoá ngọn lửa mới này, và trong suốt thời gian mừng lễ Vượt Qua, xin cho niềm khao khát Nước Trời cũng bừng lên thiêu đốt lòng chúng con và thanh tẩy muôn vàn tội lỗi, để mai sau chúng con xứng đáng vào thiên quốc tham dự lễ ánh sáng muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

CĐ: Amen.

·         Giúp lễ cầm Nến Phục Sinh hơi nghiêng để thuận tiện cho linh mục cử hành Nghi thức.

·         Làm phép lửa xong, người giúp lễ hoặc một phụ tế cầm nến phục sinh dựng trước chủ tế. Chủ tế dùng mũi nhọn vẽ hình thánh giá trên nến, rồi viết chữ An-pha phía trên, và chữ Ô-mê-ga ở phía dưới hình thánh giá, đoạn viết 4 con số chỉ năm đó ở 4 góc thánh giá, vừa viết vừa đọc những lới sau đây:


 

 

 

 

1.        Ðức Kitô vẫn là một,

(vẽ đường dọc)

2.        Hôm qua cũng như hôm nay,

(vẽ đường ngang)

3.        Là An-pha và Ô-mê-ga,

(viết chữ An-pha phía trên thánh giá)

4.        Nghĩa là khởi nguyên và tận cùng.

(viết chữ Ô-mê-ga phía dưới thánh giá)

5.        Người làm chủ thời gian,

(viết số đầu của năm đó nơi góc trái                                       phía trên thánh giá)

6.        Và muôn thế hệ,

(viết số thứ hai của năm đó nơi góc phải phía trên thánh giá)

7.        Vạn tuế Ðức Kitô, Ðấng vinh hiển quyền năng,

(viết số thứ ba của năm đó nơi góc trái phía dưới thánh giá)

8.        Vạn vạn tuế. Amen,

(viết số thứ tư của năm đó nơi góc phải phía dưới thánh giá).

·         Vẽ thánh giá và ghi số năm xong, chủ tế có thể cắm năm hạt hương theo hình thánh giá trên nến phục sinh, vừa gắn vừa đọc như sau:

 

1. Vì năm vết thương

2. chí thánh và vinh hiển,

3. xin Chúa Kitô

4. gìn giữ

5. và bảo vệ chúng ta. Amen.

·         Linh mục lấy lửa mới thắp Nến Phục Sinh và nói (chuẩn bị cây nến nhỏ hoặc que mồi):

LM: Xin Đức Kitô, Đấng Phục Sinh vinh hiển, chiếu giãi ánh sáng của Người, để phá tan bóng tối đang bao phủ lòng trí chúng ta.

·         Linh mục bỏ hương.

·         Tại nơi làm phép lửa, linh mục chủ sự hoặc phó tế cầm Nến Phục Sinh đưa lên cao và hát:

LM: ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ

CĐ: TẠ ƠN CHÚA.

2. KIỆU NẾN PHỤC SINH

 Đoàn Kiệu Nến tiến bước theo thứ tự:

1. Hương lửa.

2. Linh mục hay Phó tế kiệu Nến Phục Sinh.

3. Các linh mục đồng tế.

4. Giúp lễ.

5. Đại diện Cộng Đoàn.

·         Tại giữa Nhà Thờ, đoàn kiệu dừng lại, linh mục kiệu nến đưa cao Nến Phục Sinh, quay về phía giáo dân và hát “Ánh sáng Chúa Kitô”. Sau đó thắp nến cho cộng đoàn.

·         Trước Bàn Thờ, linh mục chủ sự đưa cao Nến Phục Sinh và hát lần thứ ba. Rồi đưa Nến Phục Sinh cho một thừa tác viên đặt vào giá đã dọn sẵn giữa cung thánh, hoặc gần giảng đài, hoặc chỗ thuận tiện trong cung thánh.

·         Linh mục về ghế chủ sự và bỏ hương như khi đọc Tin Mừng. Nếu là Phó tế thì xin linh mục chủ sự ban phép lành. Nếu người công bố Tin Mừng Phục Sinh là giáo dân thì không xin phép lành. (Nếu ĐGM chủ sự thì linh mục cũng đến xin phép lành).

·         Phó tế hoặc linh mục xông hương Sách và nến Phục Sinh, rồi công bố Tin Mừng Phục Sinh tại giảng đài hay giá sách.

·         Mọi người đứng và cầm nến sáng trong tay.

 

3. CÔNG BỐ TIN MỪNG PHỤC SINH

 Lời dẫn: (khi linh mục hoặc phó tế tiến ra công bố thì đọc) Giờ đây, chúng ta hướng về Nến Phục Sinh, hiệp lòng chúc vinh Thiên Chúa, ca tụng Đức Kitô là Ánh Sáng vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã trao tặng nhân loại, để đưa chúng ta từ tăm tối tội lỗi đến ánh sáng sự sống.

  • Sau công bố Tin Mừng Phục Sinh là Phụng vụ Lời Chúa.

II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 Lời dẫn: Phụng Vụ Lời Chúa được cử hành long trọng trong đêm nay, thuật lại những biến cố chính yếu mà Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại. Nhờ Đức Kitô, lịch sử nhân loại tội lỗi, hư hoại đã trở thành lịch sử cứu độ, đầy tràn tình yêu tín trung và bất diệt của Thiên Chúa.

·         Tất cả các bài đọc đều được hướng ý, tuy nhiên, cộng đoàn phụng vụ tùy nghi bớt một ít bài, nhưng không được bỏ bài Xuất hành (Xh 14,15-15,1a).

·         Linh mục chủ sự mời gọi:

LM: Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã long trọng khai mạc đêm Canh Thức Vượt Qua, giờ đây chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta hãy ngẫm xem trong thời Cựu Ước, Chúa đã cứu chuộc dân Người làm sao, và trong thời đại cuối cùng này, Người lại sai Con Một đến cứu chuộc chúng ta thế nào. Chúng ta hãy xin Chúa hoàn tất công trình cứu chuộc mà Người đã khởi sự trong Mầu Nhiệm Vượt Qua.

 Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn ngồi.

1. Bài đọc I: St 1,1-2,2

Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm thật là tốt đẹp

 Lời dẫn: Bài trích sách Sáng Thế thuật lại công cuộc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ. Đây cũng là hình ảnh báo trước cuộc tái tạo một nhân loại mới trong Đức Giêsu Kitô.

·         Đọc xong bài đọc thì hát đáp ca.

·         Hát đáp ca xong thì mời cộng đoàn đứng.

·         Linh mục đọc Lời Nguyện – SLRM tr. 290.

·         Sau Lời Nguyện, cộng đoàn tự động ngồi xuống.

 2. Bài đọc II: St 22,1-2,9a.10-13.15-18

Của hiến tế của Abraham, tổ phụ chúng ta

 Lời dẫn: Sự đau đớn tột cùng biểu lộ niềm tin lớn lao của Abraham nơi Thiên Chúa khi vâng phục hiến tế Isaác. Vâng phục chấp nhận sự chết lại mở ra con đường sự sống. Thiên Chúa cũng trao nộp chính Con Một Ngài để chúng ta được sống. Điều này biểu tỏ tình yêu Ngài dành cho chúng ta thật lớn lao.

·         Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

 3. Bài đọc III: Xh 14,15-15,1a (bài bắt buộc)

Con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn

 Lời dẫn: Sách Xuất Hành kể lại cuộc vượt qua Biển Đỏ của Israel. Như chiến xa và kỵ binh Ai Cập bị Thiên Chúa xô xuống đại dương, thì tội lỗi chúng ta được Chúa chôn vùi dưới lòng biển.[77] Vì vậy, bài ca của dân xưa nay thành bài ca của dân mới là chúng ta.

·         Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

4. Bài đọc IV: Is 54,5-14

Trong tình yêu vĩnh cửu, Chúa Cứu Chuộc đã xót thương ngươi

 Lời dẫn: Tiên tri Isaia cho thấy, dù dân Chúa bội nghĩa, bất trung, nhưng tình yêu Chúa dành cho họ vẫn kiên định, bất biến. Giao ước mà Ngài ký với họ không hề đổi thay. Ngài sẽ thực hiện lời hứa khi thiết lập thành thánh Giêrusalem mới.    

·         Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

 5. Bài đọc V:  Is 55,1-11

Hãy đến cùng Ta và các người sẽ được sống. Ta sẽ ký kết với các ngươi giao ước vĩnh cửu

 Lời dẫn: Tiên tri Isaia loan báo thời kỳ thịnh đạt mà dân Israel sẽ được vui hưởng, thời kỳ mà Chúa sẽ ký kết một giao ước vĩnh cửu với những hồng ân mà Chúa đã hứa với Đavid.

·         Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

6. Bài đọc VI: Br 3,9-15.32; 4,4

Ngươi hãy đi trong đường ánh sáng của Chúa

 Lời dẫn: Tiên tri Barúc mời gọi dân riêng tuân giữ giới răn của Chúa. Đó là con đường khôn ngoan đích thực dẫn họ đến sự sống, vì mình Chúa là Chủ, là Đấng thấu suốt mọi sự và dẫn dắt mọi loài.

·         Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

7. Bài đọc VII: Ed 36,16-17a.18-28

Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các ngươi quả tim mới

 Lời dẫn: Vì tội bất trung, dân Chúa bị lưu đầy, nhưng ngôn sứ Êdêkien thắp lên niềm hy vọng: Thiên Chúa sẽ đưa họ về, ban cho họ trái tim và thần trí mới, để họ tuân giữ huấn lệnh Chúa. Lời hứa này chỉ được thực hiện hoàn hảo nơi Dân Mới là chúng ta.

·         Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

·         Sau Lời Nguyện thì đàn bắt kinh Vinh Danh và sau khi linh mục xướng thì đổ chuông. Đây là giao điểm của lịch sử cứu độ từ các bài đọc CƯ sang các bài đọc TƯ.

·         Chưng hoa Bàn thờ.

8.  Kinh Vinh Danh

9. Lời Nguyện Nhập Lễ

10. Thánh Thư: Rm 6,3-11

Chúa Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa

 Lời dẫn: Thánh Phaolô trong thư Rôma nhắc lại Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Trong Bí tích này, chúng ta đã cùng chết cho tội lỗi với Chúa Kitô và cùng sống lại với Ngài trong ân sủng.

·         Sau bài Thánh Thư, mời cộng đoàn đứng, chủ tế long trọng xướng ba lần “ALLÊLUIA” và mọi người lặp lại sau mỗi lần.

ALLÊLUIA

·         ĐÁP CA: Tv 117,1-2, 16ab-17, 22-23

·         Hát Đáp Ca xong, linh mục hoặc phó tế công bố Tin Mừng ngay, không có câu xướng, không mang đèn hầu, chỉ mang hương lửa.

 11. Tin Mừng: Lc 24,1-12 (Năm C)

Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết

 12. Giảng.

III. PHỤNG VỤ PHÉP RỬA

·         Nếu giáo xứ nào cử hành Nghi thức Khai Tâm đêm nay, xin chuẩn bị riêng.

·         Ở đây, chỉ chuẩn bị cho Nghi thức lặp lại Lời Tuyên Hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy mà phần đông các giáo xứ thực hiện.

·         Cử hành theo Sách Lễ Rôma trang 298, từ số 45-47.

·         Nên Làm Phép một chum nước lớn để sử dụng trong năm. Sau khi Làm Phép, lấy nước thánh vào bình nhỏ để rảy trên dân Chúa.

·         Đang khi dẫn, một số giúp lễ châm lửa từ Nến Phục Sinh và thắp cho cộng đoàn.

1. LÀM PHÉP NƯỚC

 Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn đứng.

Vì giáo xứ không cử hành Bí tích Rửa Tội đêm nay, nên giờ đây, linh mục chủ tế làm phép Nước và rảy trên Dân Chúa để nhắc nhớ mọi người về giao ước Rửa Tội đã lãnh nhận.

LM: Anh chị em thân mến,

Giờ đây chúng ta cầu xin Chúa thánh hóa nước này, để chúng ta rẩy trên mình mà nhớ lại Bí tích Rửa Tội chúng ta đã lãnh nhận. Cúi xin Chúa đổi mới chúng ta, giúp chúng ta luôn trung thành sống theo ơn Thánh Người đã ban.

·        Thinh lặng giây lát, rồi linh mục dang tay đọc:

LM: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong đêm cực thánh này, chúng con là dân Chúa, đang họp nhau canh thức cầu nguyện, để tưởng nhớ công ơn Chúa đã sáng tạo chúng con cách lạ lùng, và cứu chuộc còn lạ lùng hơn nữa. Xin Chúa thương nhận lời chúng con và thánh hóa nước này do chính Chúa đã dựng nên, để làm cho ruộng đất phì nhiêu màu mỡ, cho thân xác con người được sạch sẽ và thoải mái. Và trải qua lịch sử cứu độ, nước thiên nhiên đã trở nên khí cụ của tình thương hải hà: quả vậy, Chúa dùng nước Biển Đỏ cứu dân riêng khỏi vòng nô lệ, và làm vọt lên giữa sa mạc khô cằn một nguồn nước cho dân giải khát. Các ngôn sứ cũng dùng hình ảnh nước mạch tuôn trào để tiên báo Chúa sẽ lập giao ước mới với loài người chúng con. Và sau hết, khi Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa đã thánh hóa nước trong lành, để thanh tẩy con người tội lỗi chúng con, và cho chúng con được tái sinh nên con người mới. Vậy giờ đây, khi chúng con rảy nước thánh trên mình, để nhớ lại Bí tích Rửa Tội chúng con đã lãnh nhận, xin Chúa cho tất cả chúng con được chia sẻ niềm vui với anh chị em chịu phép thánh tẩy trong mùa Vượt Qua này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

CĐ: Amen.

2. LẶP LẠI LỜI TUYÊN HỨA KHI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÁNH TẨY

 Lời dẫn: Với nến sáng trong tay, chúng ta ý thức lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Xin cho lời tuyên hứa đêm nay thúc đẩy chúng ta can đảm sống trọn hơn giao ước đã cam kết với Đức Kitô ngày lãnh Bí tích này.  

·         Mọi người đứng, cầm nến cháy trong tay, lặp lại lời tuyên xưng khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.

LM: Anh chị em thân mến, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta cùng được mai táng với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Tẩy, để được cùng Người sống đời sống mới. Bởi thế, giờ đây, thời gian thanh luyện của Mùa Chay đã kết thúc, chúng ta cùng nhau lập lại những điều đã tuyên hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy: là từ bỏ Satan với tất cả những gì thuộc về nó, và trung thành phụng sự Chúa trong Hội Thánh Công Giáo.

LM: Vậy, Anh chị em có từ bỏ ma quỷ không?

CĐ: Thưa con từ bỏ.

LM: Anh chị em có từ bỏ mọi hành vi do ma quỷ xúi giục không?

CĐ: Thưa con từ bỏ.

LM: Anh chị em có từ bỏ những quyến rũ của ma quỷ không?

CĐ: Thưa con từ bỏ.

LM: Anh chị em có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?

CĐ: Thưa con tin.

LM: Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một của Chúa Cha, và là Chúa chúng ta, đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra, đã chịu khổ hình và mai táng, đã từ cõi chết sống lại và đang ngự bên hữu Chúa Cha không?

CĐ: Thưa con tin.

LM: Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh công giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không?

CĐ: Thưa con tin.

LM: Xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã giải thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi và cho chúng ta được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần. Nguyện xin Người ban ơn gìn giữ chúng ta luôn kết hiệp với Đức Kitô, để được sống muôn đời.

CĐ: Amen.

·         Đàn bắt: “Tôi đã thấy nước…” và linh mục xướng, rồi cộng đoàn hát tiếp theo.

·         Linh mục đi rảy Nước Thánh trên cộng đoàn.

·         Sau khi rảy Nước Thánh xong, linh mục trở về ghế, không đọc kinh Tin Kính nhưng đọc Lời Nguyện Chung.

 LỜI NGUYỆN CHUNG

LM: Anh chị em thân mến,

Với tâm trí chan hòa ánh sáng và trái tim bừng cháy tình yêu, chúng ta hợp với toàn thể Hội Thánh tuyên xưng Đức Kitô phục sinh. Người mở đường cho nhân loại tiến vào Thiên Quốc. Lòng chan chứa niềm vui, chúng ta dâng lời chúc tụng và cầu xin:

1.      Vua Vĩnh Cửu nay rạng ngời chiếu sáng, đẩy lùi xa bóng tối trần gian”. Xin cho các mục tử trong Hội Thánh luôn được tràn đầy ánh sáng chân lý và niềm vui của Đấng Phục Sinh, để hân hoan phục vụ dân thánh và nhiệt thành dẫn họ tiến về Quê Trời. 

2.      Mừng vui lên hỡi khắp miền dương thế, bốn bề đang rực rỡ ánh hào quang”. Xin cho toàn thể dân Thánh được tràn đầy sự sống mới của Đấng Phục Sinh và hân hoan hiến mình trong yêu thương, để thắp sáng niềm vui cứu độ cho gia đình nhân loại.

3.             Đêm nay cột lửa sáng rực cả bầu trời, đẩy lui bóng tối tội lỗi”. Xin cho những ai đã bỏ đường tội lỗi mà bước đi trong ánh sáng phục sinh cảm nếm được niềm vui của đời sống ân sủng, và trở nên chứng nhân sống động của Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người.

4.             Lửa này tuy thắp ra thành nhiều ngọn, nhưng ánh sáng vẫn không hề suy giảm”. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng Đức Kitô, để trở nên con yêu dấu của Thiên Chúa và làm cho niềm vui phục sinh lan tỏa đến nhiều người.

LM: Lạy Chúa, Chúa đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Xin cho chúng con được đổi mới trong mầu nhiệm Vượt Qua, mà trở nên chứng nhân niềm vui và hy vọng của Đấng Phục Sinh cho nhân loại. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

CĐ: Amen.

 IV. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

 Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn ngồi.

Cử hành tiệc Thánh Thể đêm nay chính là ăn Chiên Vượt Qua đã chịu hiến tế để cứu nhân loại khỏi tội. Trong cử hành này, Giáo Hội cũng muốn xác nhận và tuyên xưng rằng, mình đang thuộc về một giao ước mới, để từ nay, chúng ta không còn lạc lõng trong thế gian nữa, nhưng đã được kết hiệp mật thiết với triều đình thiên quốc nhờ bửu huyết Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.

·         Nếu có tân tòng, nên để họ dâng lễ vật.

 Nên đọc KINH NGUYỆN THÁNH THỂ I đêm nay.

V. NGHI THỨC HIỆP LỄ

VI. NGHI THỨC KẾT LỄ

·                  Công thức Ban Phép Lành cuối lễ (Sách Nghi Thức Thánh Lễ tr. 111).

·         Sau khi ban phép lành, linh mục hoặc phó tế chắp tay và quay về phía cộng đoàn tuyên bố:

PT: Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an. Allêluia. Allêluia.

CĐ: Tạ ơn Chúa. Allêluia. Allêluia.

·         Ca kết lễ.


CHÚA NHẬT PHỤC SINH

LỜI DẪN NHẬP LỄ

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Sau khi nghe những phụ nữ kể lại cuộc viếng thăm mộ và không tin lời họ: “Phêrô đã chạy ra mồ”. Ông không muốn sự ngờ vực giam hãm mình. Ông thích chọn con đường gặp gỡ và tín thác, nên đã trỗi dậy, chạy ra mồ và khi trở về ông đã “kinh ngạc”[78]. Điều này đánh dấu bước khởi đầu sự Phục sinh của Phêrô. Ông không để con tim mình ngụp lặn trong bóng đêm u sầu, mà dành chỗ cho niềm hy vọng khi để ánh sáng của Thiên Chúa đi vào tâm hồn mình và sẽ không để ngọn lửa đó lụi tàn trong đời mình[79].

Hành động của Phêrô cũng phải là chọn lựa của chúng ta hôm nay. Tuy tin Chúa đã sống lại, nhưng chúng ta lại chưa thể hiện được niềm tin bằng cuộc sống và tình yêu. Đời sống vẫn u sầu và thất vọng. Theo gương Phêrô, chúng ta hãy đứng dậy đi tìm Chúa và biết rộng mở tâm hồn đón lấy niềm hy vọng, sự kinh ngạc mà Chúa Phục Sinh ban tặng. Hãy đứng dậy bắt đầu một đời sống mới, sống là “con cái ánh sáng”[80]. Hãy làm cho những hạt giống chân lý, lòng xót thương và hy vọng được Đấng Phục Sinh gieo vào lòng chúng ta bật dậy và trổ sinh hoa trái. Đừng để tội lỗi, dục vọng thấp hèn giới hạn quyền năng vô biên của Chúa Phục Sinh nơi chúng ta. Đừng đánh đổi Chúa với những giá trị chóng qua, nhưng mạnh dạn quy phục Chúa, quy phục tình yêu của Ngài!

Chúa Phục Sinh là niềm hoan lạc lớn nhất của chúng ta. Ngài luôn song hành cùng ta và không bao giờ để chúng ta phải gục ngã. Hãy mở rộng tâm hồn đón Chúa, Đấng đã vì ta mà chiến thắng tội lỗi, cái chết và sự sợ hãi! Hãy để Chúa yêu thương, tha thứ và cứu độ ta, để rồi chúng ta biết lên đường khơi dậy niềm hy vọng mà thế giới đang trông chờ.

Kính mời cộng đoàn đứng.


LỜI NGUYỆN CHUNG

Anh chị em thân mến,

Đức Kitô sống lại vừa là một biến cố lịch sử vừa là một mầu nhiệm. Đây là mầu nhiệm nền tảng của đức tin Kitô giáo, dẫn đưa những người tin Đức Kitô vào cuộc sống thần linh và bất diệt. Chúng ta hân hoan chúc tụng Chúa và dâng lời nguyện xin:

1.      “Người truyền cho chúng tôi rao giảng và làm chứng”. Xin cho các linh mục tìm gặp và sống tình yêu sâu đậm với Đức Kitô Phục Sinh, để lời rao giảng của các ngài đầy tràn kinh nghiệm sống động với Chúa, có sức thắp sáng niềm tin nơi trái tim con người.            

2.      “Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm”. Xin cho anh chị em di dân trên khắp thế giới luôn được mọi người quan tâm giúp đỡ, để cảm nhận được Chúa luôn ở với họ, giúp họ vượt qua những khó khăn mà sớm ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình.

3.      “Anh em hãy tìm những sự trên trời”. Xin cho các sinh viên học sinh Công giáo biết trau dồi kiến thức, chăm học giáo lý và sống đời cầu nguyện, để khôn ngoan định hướng đời mình theo chuẩn mực đức tin mà tìm được hạnh phúc đích thực.

4.      “Người phải sống lại từ cõi chết”. Xin cho cộng đoàn chúng ta gặp được Đức Kitô phục sinh trong thánh lễ này, để khi được Chúa thắp sáng niềm tin và hy vọng, chúng ta trở về gia đình với trái tim đầy ắp yêu thương và niềm vui phục vụ.  

Lạy Chúa, chúng con đang hân hoan cử hành mầu nhiệm phục sinh của Con Chúa, xin đổ tràn đầy tâm hồn chúng con tình yêu, niềm vui và bình an của Thánh Thần, để chúng con ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. 

 

 



[1] Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng dẫn lòng đạo đức bình dân và phụng vụ: nguyên tắc và định hướng, ngày 17/12/2001, số 139.

[2] Dcr 9,9; x. Mt 21,5; Ga12,15.

[3] x. 2V 9,13.

[4] Tv 118,25-26; Mc 11,9-10.

[5] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu thành Nagiaret. Phần II. NXB Tôn Giáo 2011, tr. 14.

[6] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá, 05/4/2009.

[7] Is 53,5.

[8] x. Ga 13,1; 19,30.

[9] ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, 8/12/2007, số 2.

[10] GLHTCG 1843.

[11] GLHTCG 1818.

[12] x. Gl 2,20.

[13] x. Ga 19,28.

[14] Ga 19,28.

[15] Hình thức thứ nhất: Rước Kiệu, chỉ được thực hiện một lần vào Thánh lễ đông đảo giáo dân tham dự nhất (x. Paschale Solemnitatis, số 29).

[16] x. Bộ Phụng Tự, Thư luân lưu Paschale Solemnitatis, ngày 16/01/1988, số 29.

[17] Trong Sắc Lệnh ký ngày 20/12/2015, ĐGH Phanxicô đã cho phép tuyển chọn mọi thành phần dân Chúa (nghĩa là cả nam lẫn nữ) cho Nghi Thức Rửa Chân.

[18] x. Matias Augé, Năm Phụng Vụ: Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài. Tập I, NXB Tôn Giáo 2015, tr. 224-227.

[19] x. Manuel des Indulgences, Normes et concessions, Troisième édition francaise, 2000, Éditions Lethielleux, Paris, n. 72#2, p. 57.

[20] x. ĐGH Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ Truyền Dầu, Thứ Năm ngày 24/3/2016.

[21] x. Mt 28,20.

[22] x. Ga 6,57; 6,51.

[23] x. Gl 2,20.

[24] ĐGH Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ Tiệc Ly, Thứ Năm ngày 24/3/2016.

[25] Sách Lễ Rôma, Thánh Lễ Tiệc Ly, luật chữ đỏ: “Bài giảng sẽ đề cập đến các mầu nhiệm được tưởng niệm trong thánh lễ này, tức là việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn của Chúa về tình bác ái huynh đệ” (số 5).

[26] Ga 13,15.

[27] x. ĐGH Phanxicô, Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 20/3/2016.

[28] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng dẫn lòng đạo đức bình dân và phụng vụ: nguyên tắc và định hướng, ngày 17/12/2001, số 141.

[29] x. Matias Augé, Năm Phụng Vụ: Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài. Tập I. NXB Tôn Giáo 2015, tr. 227-232.

[30] J. Castellano Cervera, L’anno liturgico, Memoriale di Cristo e mistagogia della Chiesa con Maria Madre di Gesù. Corso di spiritualità liturgica, Centro di cultura mariana “Mater Ecclesiae”, Rôma 1987, 91.

[31] x. SC 5: St. Augustino, Ennaratio in Psalmum 138,2: CCL,40, Tuinholti 1956, p. 1991.

[32] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng dẫn lòng đạo đức bình dân và phụng vụ: nguyên tắc và định hướng, ngày 17/12/2001, số 142.

[33] x. Manuel des Indulgences, Normes et concessions, Troisième édition francaise, 2000, Éditions Lethielleux, Paris, n. 13#1, p. 63.

[34] Cantalamessa, Bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2017,Stat crux dum volvitur orbislà câu viết ở huy hiệu của Hội Dòng Cathusia.

[35] ĐGH Phanxicô, Huấn dụ buổi đi Đàng Thánh Giá tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, tại Brazil, 26/7/2013.

[36] x. ĐGH Phanxicô, Danh Ngài là Thương Xót, NXB. Hồng Đức 2016, tr. 101.

[37] x. ĐGH Phanxicô, Danh Ngài là Thương Xót, NXB Hồng Đức 2016, tr. 51-52.

[38] x. Peter J. Elliott, Ceremonies of the Liturgical Year, n. 229, p. 114.

[39] x. Thánh bộ Phụng Tự, Hướng dẫn Paschale Solemnitatis, 16/1/1988, số 69.

[40] x. ĐGH Phanxicô, Giảng thánh lễ tại Nguyện Đường Thánh Marta, 15/3/2016.

[41] Gr 31,3.

[42] Tv 89,34.

[43] ĐGH Phanxicô, Diễn từ Chặng Đàng Thánh Giá, Đại Hội Giới Trẻ, Brazil, ngày 26/7/2013.

[44] Rm 12,21.

[45] ĐGH Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật Thương Khó, 24/3/2013.

[46] x. Lc 22,61-62.

[47] x. R. Cantalamessa, Đời sống mới trong Chúa Kitô, NXB Tôn Giáo 2012, tr. 66-67.

[48] Ga 19,28.

[49] x. Ga 7,37-38.

[50] x. 2Cr 8,9.

[51] ĐGH Bênêđictô XVI, Huấn dụ Kinh Truyền Tin, Chúa Nhật III Mùa Chay, 24/2/2008.

[52] Lc 9,23.

[53] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ phong chức Linh mục, Chúa Nhật IV Phục Sinh, 29/4/2012.

[54] 2Tm 2,11-12.

[55] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ An Táng Hồng Y Alfons Maria Stickler, Thứ Sáu ngày 14/12/2007.

[56] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ tại Đền Thánh La Verna, Chúa Nhật VI Phục Sinh, 13/5/2012.

[57] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Huấn dụ Kinh Truyền Tin, Chúa Nhật III Thường Niên, 22/1/2012.

[58] x. ĐGH Phanxicô, Huấn dụ Kinh Truyền Tin, Thứ Tư 01/4/2015.

[59] Pl 2,5.

[60] x. ĐGH Phanxicô, Huấn dụ Kinh Truyền Tin, Thứ Tư 01/4/2015.

[61] Ga 16,33.

[62] ĐGH Bênêđictô XVI, Huấn dụ Kinh Truyền Tin, Chúa Nhật IV Mùa Chay, 18/3/2012.

[63] ĐGH Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật Thương Khó, 24/3/2013.

[64] ĐGH Bênêđictô XVI, Huấn dụ Kinh Truyền Tin, Chúa Nhật III Thường Niên, 22/1/2012.

[65] ĐGH Phanxicô, Bài Giảng Thánh Lễ tại Nguyện Đường Thánh Marta, 15/3/2016.

[66] ĐGH Bênêđictô XVI, Huấn dụ Kinh Truyền Tin, CN III TN, 22/1/2012.

[67] x. ĐGH Bênêdictô XVI, Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá, 05/4/2009.

[68] ĐGH Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật Thương Khó, 24/3/2013.

[69] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng dẫn lòng đạo đức bình dân và phụng vụ: nguyên tắc và định hướng, ngày 17/12/2001, số 146.

[70] Bản văn dịch Việt ngữ dịch là: “Thân xác con nghỉ ngơi an toàn”, trong bản La Tinh đọc thấy: “Caro mea requiescet in spe: thân xác con nghỉ ngơi trong niềm hy vọng”.

[71] x. Matias Augé, Năm Phụng Vụ: Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài. Tập I. NXB Tôn Giáo 2015, tr. 234-236.

[72] x. Matias Augé, Năm Phụng Vụ: Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài. Tập I. Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 237-242.

[73] x. Manuel des Indulgences, Normes et concessions, Troisième édition francaise, 2000, Éditions Lethielleux, Paris, n. 28#1, p. 89.

[74] x. Rm 6,8.

[75] x. Lc 24,35.

[76] x. Ga 20,18.

[77] x. Mk 7,9.

[78] Lc 24,12.

[79] x. ĐGH Phanxicô, Bài giảng Đêm Canh Thức Phục Sinh 2016.

[80] x. Ep 5,8; 1Tx 5,5.