Hà Lan coi rác là tài nguyên
Không gọi rác là rác, không gọi nước thải là nước thải; ở Hà Lan, rác và chất thải được gọi là những nguồn vật chất chưa được khai thác.
Hà Lan coi rác là tài nguyên
Không gọi rác là rác, không gọi nước thải là nước thải; ở Hà Lan, rác và chất thải được gọi là những nguồn vật chất chưa được khai thác.Tuy nhiên, là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và là nước xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất sang châu Âu, có nhiều quy định liên quan đến vệ sinh an toàn EU đặt ra mà Hà Lan phải tuân thủ.
Hiện nay, công nghệ hiện đại có thể xử lý đến tận cùng chất thải nhưng Hà Lan phải vận động sửa đổi các khung pháp lý ở EU để chất thải đã qua xử lý được phép dùng trong nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
Danh sách các sản phẩm tái chế từ rác ở Hà Lan là vô tận và ứng dụng của nó có thể nhìn thấy trên đường phố. Thành phố Zwolle và làng Giethoorn, tỉnh Overijssel đã thí điểm làm đường dành cho xe đạp từ nhiều loại nhựa tái chế. Lượng nhựa cho mỗi 30m đường tương đương 218.000 chiếc ly nhựa. Các loại nhựa kém chất lượng hơn được nghiên cứu để làm đồ nội thất, vườn hoa nổi trên sông ở thành phố cảng Rotterdam.
Nền kinh tế tuần hoàn
Trong một thời gian dài, nền kinh tế trên thế giới là nền “kinh tế thẳng”. Quá trình chế biến hoặc sử dụng một sản phẩm để lại sản phẩm thừa. Ví dụ, ngành nuôi bò sữa tạo ra phân bò, thức ăn đóng gói tạo ra bao bì thải loại.
Khi chuyển sang kinh tế tuần hoàn, chất thải, rác của ngành này sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào của ngành khác trong một vòng khép kín. Mục đích cuối cùng là có rất ít rác được thải ra môi trường. Các nghiên cứu cho thấy định hướng kinh tế tuần hoàn tạo ra cơ hội biến rác thành tiền nhờ nghiên cứu khoa học, giúp giảm khí thải CO2 và tạo ra môi trường sống tốt cho sức khỏe, an toàn hơn cho chúng ta.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu khoa học ứng dụng Hà Lan, mỗi năm đối với các lĩnh vực ứng dụng kinh tế tuần hoàn ở Hà Lan, doanh thu sẽ tăng thêm 7,3 tỉ euro, 54.000 việc làm mới được tạo ra, giảm 10% chất thải, tiết kiệm 20% nước sử dụng trong công nghiệp. Nhu cầu về nguyên liệu thô giảm xấp xỉ 100 triệu tấn, tương đương 1/4 tổng lượng nguyên liệu thô Hà Lan phải nhập khẩu hằng năm.
Trong một nghiên cứu thăm dò khác, ngân hàng Rabobank của Hà Lan dự đoán nền kinh tế tuần hoàn sẽ làm tăng GDP từ 1,5 tỉ euro (trong tình huống bình thường) lên 8,4 tỉ euro (giả định phần lớn các ngành kinh tế chuyển sang kinh tế tuần hoàn). Chính sách kinh tế tuần hoàn được giao cho Quốc hội Hà Lan và nhiều bộ hiện thực hóa theo lộ trình cụ thể.
Theo đó, đến năm 2030, giảm 50% nhu cầu đối với nguyên liệu thô cơ bản (khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch và kim loại). Đến năm 2050, tất cả nguyên liệu thô phải được sử dụng và tái sử dụng hiệu quả mà không tạo ra phát thải có hại cho môi trường.
80% rác được tái chế
Trong giai đoạn 2010-2014, theo Cơ quan thống kê Hà Lan, tổng lượng rác được tái chế là 80%. Lượng rác còn lại sau xử lý được đốt để tạo ra điện. Chỉ một tỉ lệ nhỏ rác thải không xử lý được nữa thực sự xuất hiện ở bãi rác.
Khuyến khích kiếm tiền từ rác
Xem rác là tài nguyên và kiếm tiền từ nó là quan điểm của Hà Lan trong việc đảm bảo các công ty tuân thủ trách nhiệm xã hội, khuyến khích đầu tư vào xử lý chất thải.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Hans de Boer, chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hà Lan, cho biết: “Kiếm tiền từ rác là cách thực tiễn nhất tạo ra động lực thực sự để các công ty tái chế rác và chất thải, giúp giảm bớt gánh nặng cho môi trường”.
Cách tiếp cận của người Hà Lan rất đơn giản: hạn chế tối đa tạo ra chất thải, thu hồi tối đa nguyên liệu thô có giá trị, chỉ đốt các chất thải còn lại để tái tạo năng lượng. Những gì ít ỏi còn sót lại được xử lý theo hướng thân thiện với môi trường.