26/11/2024

Bài 11 của Uỷ ban Giáo dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

Chúng tôi giới thiệu bài 11 của Ban Nghiên huấn thuộc Uỷ ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Mỗi bài có 4 phần để tuỳ mỗi giáo xứ chọn và phổ biến cho giáo dân trong các giáo xứ.

 

UBGD-HĐGM. VN
Ban Nghiên Huấn

PHẦN TU ĐỨC (BÀI 11)

TẦM NHÌN CỦA LÃNH ĐẠO MỤC VỤ: LÊN NÚI VỚI CHÚA (Mt 17,1-8)

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín SJ

Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta, những thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ bước theo Người trên hành trình Vượt Qua: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” (Mc 4,35). Ước chi mỗi người chúng ta được chia sẻ Tầm Nhìn của Đức Giêsu, để “đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10,52b) và tiếp tục dấn thân phục vụ sứ mạng của Người. 

Trong tiến trình huấn luyện nhóm Mười Hai, Đức Giêsu tách riêng ba môn đệ thân tín trong nhóm Mười Hai và đưa riêng các ông lên núi với Người (Mt 17,1). Người tách riêng những môn đệ thân tín ra khỏi cộng đồng để “đi riêng” với Người lên núi cao. Đây là dấu chỉ của một tình yêu cá vị, tình yêu Đức Giêsu dành riêng cho từng môn đệ của Người. Vì lý do gì Đức Giêsu chọn tôi, kéo riêng tôi ra khỏi cộng đồng, liên kết tôi trong Hội đồng mục vụ giáo xứ? Chẳng có lý do gì để tôi đáng được chọn gọi hơn người khác. Lý do căn bản là vì Đức Giêsu muốn. Người tin-yêu tôi. Người muốn chọn gọi tôi. Trong hành trình mùa Chay thánh này, ước chi tôi có thể quảng đại với Đức Giêsu, ưu tiên chọn Người, tách mình ra khỏi những bộn bề thường ngày để được Người đưa đi “riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).

Núi là nơi cử hành cuộc gặp gỡ: Thiên Chúa gặp gỡ con người và con người gặp gỡ Thiên Chúa. Được đưa lên núi cao nghĩa là được đưa lên khỏi cõi đời ngổn ngang bề bộn, khỏi những lo toan tính toán để sống với Chúa, sống sự hiện diện thần linh. Trên núi cao, Đức Giêsu tỏ căn tính đích thực của mình cho ba người môn đệ thân tín, cho các ông thấy trước vinh quang rạng rỡ của Người, vinh quang Người muốn chia sẻ cho các môn đệ ở “bờ bên kia” (Mc 4,35). Trên núi cao, ba môn đệ nghe được tiếng phán từ trời, lời xác chuẩn của Chúa Cha về Đức Giêsu: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người (Mt 17, 5). Trên núi cao, ba môn đệ được trao ban tầm nhìn của của Đấng “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6). Vâng nghe lời Đức Giêsu, nghĩa là đặt trọn vẹn lòng tin nơi Người, đặt Người làm trung tâm đời sống mình. Hôm nay, Đức Giêsu cũng đưa chúng ta, những thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, lên núi cao với Người, để chia sẻ tầm nhìn với Người và cùng Người thực hiện hành trình “sang bờ bên kia” (Mc 4,35).

Lên núi với Chúa, bỏ lại những vướng víu cồng kềnh, những gì cản bước tôi trên đường phục vụ. Lên núi với Chúa, tôi được chữa lành khỏi những nỗi buồn và tổn thương khi chung tay phục vụ. Lên núi với Chúa, tôi được dưỡng nuôi và củng cố tầm nhìn của lãnh đạo mục vụ, để tiếp tục dấn thân trên đường lãnh đạo mục vụ.

Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin giúp con khởi đầu hành trình của mùa Chay thánh năm nay bằng việc đến thật gần với trái tim Cha, lắng nghe tiếng Cha và mở rộng vòng tay với những ai đang cần đến con.” (Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng, Lời Cầu Nguyện Buổi Sáng, thứ Tư lễ Tro 2019)[1].

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

ĐẾN GẶP ĐỨC KI-TÔ GIÊ-SU

Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng

“Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều”. (Mt 20,20)

Dẫn vào

Sống ở đời, người ta thường nói về những cám dỗ chết người như sau: “Ruồi chết vì mật ngọt, đàn bà chết vì đàn ông khéo, đàn ông chết vì đàn bà đẹp…”. Đến khi bị sa chước cám dỗ, người ta lại biện bạch: “Hãy để lửa thử vàng, vàng thử đàn bà, đàn bà thử đàn ông…”.[2] Nói khác đi, trong nhân gian luôn có một thứ chuẩn mực nào đó để lý luận, khuyên dạy phải trái, đo lường những giá trị.

Tuy nhiên, đâu mới là chuẩn mực tốt nhất để ta lấy đó làm lẽ sống trong đời; thế nào mới là khôn ngoan chính trực; ứng xử làm sao cho đúng với những thăng trầm tất yếu của cuộc đời. Bởi chưng, người tốt thường chẳng cần phải luôn khéo miệng, kẻ xấu mới có xu hướng che đậy, nên cố nói sao cho hay, có khi thành “đại ngôn ngoa ngữ”.

Thật ra, nhân đức hệ tại trung dung (virtus in medio stat) mà.[3] Chuẩn mực tuyệt đối chỉ có nơi Thiên Chúa. Vâng, “Bỏ hết mọi sự mà theo giai, theo gái chắc chắn là dại; theo các bậc thầy thế sự thì chưa chắc đã là khôn; nhưng theo Chúa Giê-su thì… vừa dại vừa khôn: dại vì sẽ trở nên nghèo khó, khôn vì “biết mua sắm Nước Trời”.[4]

Vậy, nếu được đến gặp Đức Ki-tô Giê-su, bạn sẽ xin Người điều gì; nếu được vào vai “bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê”, chúng ta sẽ xin Chúa điều gì cho công việc tông đồ của chúng ta trong giáo xứ, giáo phận của mình?

Đến gặp Đức Ki-tô Giê-su

Khi chặt chẽ tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức ở đời, người chính trực ở đời được coi là người có đức tính công chính, trung thực.[5] Tuy nhiên, chính trực trong đức tin Ki-tô giáo lại phải là sự hòa quyện của công chính và trung thực theo chuẩn mực đạo đức của Tin Mừng Đức Ki-tô Giê-su. Đó mới là đẳng cấp cao nhất của chính trực. Vì thế, nếu muốn biết thế nào là chính trực đích thực, thì việc cần làm là hãy đến gặp Thầy Giê-su, “rất mực hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Và vì thế, đừng như “bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê”, đừng đến gặp Đức Ki-tô Giê-su chỉ vì chức tước, bổng lộc trần thế, đừng chỉ đến vì mong cho hai con mình, một đứa được ngồi bên hữu, một đứa được ngồi bên tả của Thầy Giê-su “trong vinh quang nước Người”. Thật vậy, đừng bắt Chúa phải làm việc gì đó không thực sự ích lợi cho phần linh hồn chúng ta. Muốn thay đổi, hãy cầu xin ơn Chúa cho chúng ta biết cộng tác với ân sủng Chúa ban để chính mình được thay đổi trước, cải quá tự tân, dốc lòng dốc sức thực hiện công cuộc canh tân.

Có một câu chuyện kia kể rằng: Khi thượng đế muốn thay đổi vận mệnh của một kẻ ăn xin nọ, ngài bèn hóa thân thành một lão già để đến gặp anh ta. Thượng đế hỏi: “Nếu có người cho anh một triệu đồng, anh sẽ dùng món tiền này như thế nào?” Kẻ ăn xin đáp: “Được vậy thì tốt quá, tôi sẽ mua một chiếc điện thoại rẻ tiền nào đó để xài tạm”. Thượng đế hỏi tại sao lại muốn mua điện thoại, kẻ ăn xin đáp: “Tôi dùng điện thoại để liên lạc với các khu vực trong thành phố, nơi nào đông người, tôi sẽ tới đó ăn xin”. Thượng đế lại hỏi: “Thế nếu ta cho anh một trăm triệu đồng thì sao?”. Tôi sẽ mua một chiếc xe, để bất cứ nơi đâu, dù xa mấy tôi cũng sẽ tìm đến cho bằng được để xin ăn”. “Nhưng nếu ta cho cả ngàn ngàn tỷ đồng thì sao?”, Thượng đế kiên nhẫn hỏi. Nghe được câu nói đó, kẻ ăn xin chợt mơ màng một hồi lâu, rồi đôi mắt rực sáng bất ngờ: “Tuyệt quá, ngài ạ, tôi sẽ mua cả khu phố này”. Thượng đế chưa kịp hài lòng… thì kẻ ăn xin bèn nói tiếp: “Ngài biết không, lúc đó, tôi sẽ đuổi hết những tên ăn mày khác ra khỏi lãnh địa của mình, không để bọn chúng cướp đi miếng cơm độ nhật của tôi nữa”. Nghe xong, thượng đế bèn bó tay, bịt miệng, lắc đầu… và lẳng lặng bỏ đi.

Thế đấy, đến gặp Đức Ki-tô Giê-su để làm gì nếu việc ấy không làm thay đổi cuộc đời mình, không làm thay đổi tận căn. Đến gặp Đức Ki-tô Giê-su để xin Người điều này điều nọ để làm gì, nếu việc ấy không làm cho mình nên người chính trực, có ích cho đạo, cho đời, cho những người xung quanh, và cho chính mình. Đến gặp Đức Ki-tô Giê-su, chúng ta hãy xin Người một điều. Điều ấy hãy là hạnh phúc vĩnh cửu.

Xin Người một điều

Muốn sở đắc hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, chúng ta hãy bắt đầu từ đời này. Thật vậy, đừng để vụng múa rồi chê “đất lệch”.[6] Đời không thiếu những cơ hội, thay đổi cuộc đời bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy. Thay đổi tư duy “đúng việc, đúng cách” là khi biết chạy đến với Chúa Giê-su và “xin Người một điều”: xin ơn được nếm thử ngay tại thế hồng ân Nước Trời. Tuy nhiên, “Không vào được Nước Trời / Nếu không nên nhỏ bé / Nếu không nên bé nhỏ / Dù Nước Trời rất to / Dù Nước Trời có đó / Không được vào ai ơi / Ai đã được lời mời / Đừng nên dại từ chối / Mà thành kẻ nói dối / Mà thành người nói điêu / Vì dối lòng khao khát… / Và sẽ bị chối từ”.[7] Kiểu từ chối như thế cũng là thiếu chính trực với chính bản thân, rơi vào cái bẫy mà sách Khôn Ngoan đã cảnh báo: “Ta hãy…

… gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.[8]

Nghĩa là, không như “bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su…” để xin công danh trần thế “bên hữu bên tả”:[9] “Không màng công danh người trực tính / Biết sứ vụ mình là tiền hô / Hoang mạc cằn khô người tu luyện / Dọn đường Chúa đến mình rút lui / Giữa những buồn vui đời giăng mắc / Chọn đúng thời khắc chọn đúng nơi / Chọn để nói lời thẳng “Hai Lúa” / Đây Chiên Thiên Chúa gánh tội đời”.[10]

Thế cũng có nghĩa là chính trực, được hiểu là thẳng thắn.[11] Trong cách hiểu này, lòng chính trực là một trạng thái nội tâm “hoàn hảo” bắt nguồn từ sự quy chiếu về Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất Hoàn Hảo.

Để kết

Chuẩn mực tốt nhất để sống trong đời là chuẩn mực nơi Thiên Chúa. Vì thế, nếu được đến gặp Đức Ki-tô Giê-su, và xin Người một điều… thì điều ấy hãy là khôn ngoan, công bằng, đại đảm, tiết độ; nghĩa là xin ơn hạnh phúc vĩnh cửu. Vâng, khôn ngoan để phân định các nhu cầu và thách đố; can đảm nhận vào mình công việc phục vụ “vất vả vẫn vui vẻ”; tiết độ trong mọi tình huống buồn vui cuộc đời; đó là công bằng công lý: “Bao nhiêu phần trăm là công lý / Bao nhiêu phần trăm là công bằng / Bao nhiêu phần trăm là bác ái / Bao nhiêu phần trăm là yêu thương / Để ta có kết quả là hòa bình / Để ta có hoa trái là bình an. / Để góp phần xây dựng hòa bình cho thế giới / Để góp phần kiến tạo bình an cho nhân gian / Ta hãy giữ công lý và bác ái / Ta hãy sống công bằng và yêu thương”.[12]

Đối với công việc tông đồ của giáo xứ, giáo phận chúng ta thì cũng vậy, nhất là những khi gặp khó khăn, thách đố: hãy đến gặp Đức Ki-tô Giê-su, và xin Người “một điều”. Đừng để “Vụng chèo khéo chống, nói hay hơn làm”; cũng “Đừng chê đất lệch làm gì, múa hát cho giỏi sánh bì diva”.

Câu hỏi giúp thảo luận

1.  Khi gặp thách đố về hiệp nhất: hay ganh tị, nói hành nói xấu, mất đoàn kết…, quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ cần phải làm gì, cách riêng trong tinh thần Mùa Chay?

2.  Bạn có hay “đến gặp Đức Ki-tô Giê-su” không? Siêng năng cầu nguyện chứ? Nếu có một điều ước tất sẽ được, bạn sẽ ước nguyện thế nào?

 

PHẦN HUẤN GIÁO

Phần IV: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI

Lm.Gioan Nguyễn Văn Ty SBD

Bài 11 : GIÁO DÂN LÀ CHỦ THỂ TRONG VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người” (Mc 16:15)

Trong dụ ngôn các thợ làm vườn nho (xem Mt 20:1-15) Đức Giê-su mời gọi mọi tín hữu, bất luận là ai, vào làm việc trong vườn nho của Ngài. Và với lệnh truyền gởi tới mọi phần tử của Hội Thánh trước khi về trời, Ngài còn khẳng định vườn nho đó chính là toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt đất này, với tất cả sự đa diện muôn mầu muôn vẻ của nó.

1/ Mọi Ki-tô hữu đều là những người rao giảng Tin Mừng

Thực vậy, Tông Huấn Christi Fideles Laici đã khẳng định cách rõ ràng rằng: “Giáo dân, vì là thành phần của Hội Thánh, nên mang ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Các bí tích khai tâm Ki-tô giáo và các ân huệ Chúa Thánh Thần đã trang bị khả năng cho họ thi hành sứ mạng này” (CFL số 33). Xác quyết này rõ ràng là một giải thích cho đòi hỏi phải thay đổi não trạng, khi cho rằng việc loan báo Tin Mừng được dành riêng cho hàng giáo phẩm, tu sĩ, hay một thiểu số nào đó, điều mà Cộng Đồng Va-ti-can II trong Hiến Chế Lumen Gentium số 30 đã công khai tuyên bố; “Các chủ chăn nhận thấy rõ sự đóng góp lớn lao của giáo dân cho lợi ích của Hội Thánh. Các ngài biết rằng Đức Ki-tô đã không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Hội Thánh đối với thế giới. Nhưng nhiệm vụ của các ngài là chăn dắt các tín hữu, và nhận biết các phận sự cũng như đoàn sủng nơi họ; đề mọi người đều góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách của mình”.

Thật vậy, nếu loan báo Tin Mừng là làm cho Tin Mừng, với các giá trị của nó, thấm nhập vào từng tâm hồn, từng môi trường, bằng chứng tá đời sống và bằng tất cả mọi cách thế tốt và hữu hiệu, thì các Ki-tô hữu Giáo dân – những người được thông hiêp với Đức Ki-tô – nhất thiêt phải nhận thức được hộng ân vô giá họ đã lãnh nhận, và rồi sẵn sàng chia sẻ với cho những ai sống quanh mình, đúng như lời xác tín của Tông đồ Gio-an: “Điều chúng tôi đã được nhìn thấy, được nghe, chúng tôi xin loan báo cho cả anh em nữa…” (1 Ga 1:3). Nhờ ba bí tích căn bản là Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể, mọi giáo dân trở nên phần tử đích thực của Hội Thánh, cho nên họ cũng mang ơn gọi thực thi sứ mạng chung của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Do đó, Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân của Công Đồng Va-ti-can II đã mạnh dạn khẳng định rằng: “Giáo dân gop phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Hội Thánh, nhờ được tham dự vào chức vụ của Chúa Ki-tô là tư tế, tiên tri và vua… Vì được nuôi dưỡng nhờ tham dự cách tích cực vào đời sống phụng vụ của Cộng Đoàn, chính họ nhiệt thành góp phần vào những công việc tông đồ của chính cộng đoàn đó; họ đem những người có lẽ đang xa lạc trở về với Hội Thánh…” (AA số 10). Do đó, loan báo Tin Mừng là sứ mạng không thể thiếu trong ơn gọi và đời sống của người Ki-tô hữu Giáo dân, như Thánh Tông Đồ Phao-lô đã từng thâm tín cách xác quyết rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9:16).

2/ Thực tế Giáo dân là những chủ thể chính

Tuy nhiêm, cái ‘tứ phương thiên hạ’ đây không phải là một thực thể tĩnh và đồng nhất, nhưng là rất đa dạng và chuyển biến không ngừng. Thế giới ngày nay, với tất cả thực tại vô cùng phong phú và hỗn tạp của nó, về sắc tộc, nhân văn, khoa học kỹ thuật, văn nghệ, tôn giáo, chính trị và thương mại v.v…, cho ta thấy rõ điều đó. Hội Thánh, nhất là từ thời Công Đồng Va-ti-can II, đã nhận thức rõ điều này. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà Hội Thánh vẫn muốn mình luôn trở thành Ánh sáng Muôn dân (Lumen Gentium) cho cái thực thể, tuy vô cùng biến hóa nhưng lại rất bi tráng đó (xem LG số 1). Điều này đúng vì chung qui, con người của cái thế giới gọi là văn minh và tiến bộ hôm nay vẫn còn ngồi trong bóng tối, và nó cần được Tin Mừng sáng soi vào trong mọi lãnh vực. Trong triền tư tưởng đó, Tông huấn đã có những nhận định thật sâu sắc sau đây: “Mở toang cánh cửa đón Đức Ki-tô vào! Việc đón nhận Ngài vào khoảng trống của cuộc sống con người không mang chút đe dọa nào cho con người; trái lại, đó là lối đi duy nhất thôi, nếu người ta muốn nhận ra con người trong sự thật trọn vẹn của nó, và độ cao con người trong giá trị của nó) (CFL số 34).  

Nhưng Hội Thánh sẽ thực hiện điều đó bằng cách nào?

Trong nhiệm thể Đức Ki-tô, chính người Ki-tô hữu Giáo dân mới là những phần tử có khả năng len lỏi để hiện diện cách chan hòa và tích cực trong mọi ngõ ngách của cái thực tại bi tráng và biến hóa này. Còn hơn cả giáo sĩ lẫn tu sĩ, giáo dân mới là những chủ thê chính yếu và nòng cốt nhất của việc loan báo Tin Mừng, nhất là trong thế giới và xã hội đa diện hôm nay. Sự hiện diện của họ là rộng khắp, về không gian lẫn thời gian, trong các lãnh vực đa diện lẫn khả năng chuyên môn…, sẽ làm cho Tin Mừng được loan báo, và đem ánh sáng của nó chiếu tỏa tới khắp hang cùng ngõ hẻm của thực tại con người.

3/ Sống Ki-tô hữu là loan báo Tin Mừng

Để thực hiện được điều trên, nhất thiết người giáo dân phải xóa bỏ phân cách giữa Tin Mừng với cuộc sống hàng ngày, “bằng cách sáng tạo được một thế thống nhất của cuộc sống, trong sinh hoạt thường nhật, trong gia đình, trong công việc chu toàn trong xã hội, nhờ được Tin Mừng gợi hứng và giúp sức thể hiện đầy đủ… Vì chỉ có Phúc Âm hóa mới có thể làm phát triển đức tin trong sáng và sâu xa, đủ sức biến đổi các thực tại kia thành sức mạnh của tự do thực sự.” (CFL số 34). Trong nội dung này, loan báo Tin Mừng cũng là một phương tiện thánh hóa và xây dựng hữu hiệu người Ki-tô hữu giáo dân chân chính.

Câu hỏi gợi ý

1.    Sống đạo đích thực của các Ki-tô hữu giáo dân được thực hiện cách hữu hiệu và chân chính nhất ở đâu, giữa trần đời hay trong nhà thờ? Có sự liên hệ mật thiết nào giữa hai yếu tố này?

2.    Bạn có nhận ra địa vị bất khả thế của mình qua việc loan báo Tin Mừng cho những người cùng chung sống và làm việc với mình không? Phải chăng đó là yếu tố chính trong ơn gọi giáo dân của bạn?   

 

PHẦN MỤC VỤ

ĐI TÌM NGUỒN ĐẸP

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Trong bài “Sống đẹp từng giây phút trong đời” (Bài 10), nhiều người chúng ta muốn sống tốt đẹp mãi như Đức Giêsu Kitô. Muốn thế chúng ta phải xác định được nguồn chân thiện mỹ là gì, phải tìm nguồn ấy ở đâu và làm thế nào biến đổi mình thành đẹp trong đời sống.

1. Xác dịnh nguồn chân thiện mỹ

Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, con người đi tìm cái đẹp, cảm nhận được cái đẹp trong từng cánh hoa, ngọn cỏ; từng ánh mắt, nụ cười; từng ý nghĩ, lời nói; từng cử chỉ, hành động của mọi người và vạn vật quanh mình. Ai ai cũng có thể thấy cái đẹp, muốn cái đẹp, nhưng lại rất khó để có một khái niệm rõ ràng và định nghĩa chính xác về cái đẹp. Vậy đẹp là gì?

Cái đẹp là “cái có hình thức hoặc phẩm chất đặc biệt làm cho người ta thích nhìn ngắm hoặc kính nể, là cái có sự hài hoà, tương xứng”[13]. Như thế, “cái đẹp tồn tại trong thiên nhiên như trời, biển, núi sông, chim muông, hoa lá hay trong xã hội, được thể hiện qua những quan hệ giữa người với người, những hành vi đạo đức, những thái độ ứng xử. Cái đẹp còn tồn tại qua các hình tượng thẩm mỹ trong các tác phẩm nghệ thuật”[14].

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Cái đẹp là chìa khoá mở cửa mầu nhiệm và là tiếng gọi mời ta vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai. Chính vì thế, cái đẹp của thụ tạo không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thoả mãn hoàn toàn. Nó khơi dậy nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người mê say cái đẹp như thánh Augustinô mới diễn tả một cách tuyệt vời như sau: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới! Con yêu Chúa quá muộn màng[15] .

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng: cái đẹp là một trong 3 thuộc tính cơ bản của hữu thể: đúng-tốt-đẹp, mà ta vẫn gọi là chân-thiện-mỹ, vì bất cứ một hữu thể nào có thật thì đều tốt đẹp. Dù người ta còn tranh luận nhiều về mối quan hệ hỗ tương của chân thiện mỹ trong hữu thể, nhưng ta có thể nói rằng: “Đẹp là hình thức bên ngoài của cái tốt, cũng như tốt là điều kiện siêu hình của cái đẹp và cả hai cái tốt và đẹp đều phải nằm trong cái thật của hữu thể”[16] .

Thiếu một trong 3 yếu tố này thì bất cứ một hữu thể nào cũng không được coi là đẹp và nếu có ai cho đó là đẹp thì cái đẹp ấy sẽ gây nguy hại cho người đón nhận nó cũng như cho các hữu thể khác. Điều này có thể cho ta hiểu tại sao trong việc thẩm định giá trị đẹp của một hoa hậu, người ta không chấp nhận những cái giả (từ bằng cấp, trình độ học vấn giả cho đến lông mày, lông mi giả, tóc ngực giả…) hoặc những cái không tốt như như nghiện rượu, nghiện ma tuý, có con ngoại hôn…

2. Tìm nguồn chân thiện mỹ ở đâu?

2.1. Cái đẹp qua góc nhìn của một vài tôn giáo

Trong hàng chục thế kỷ bị người Trung Quốc đô hộ, sống nghèo khổ, người Việt chỉ mong sao ăn no, mặc ấm chứ chưa nghĩ đến ăn ngon mặc đẹp. Từ thể kỷ X, sau khi giành được độc lập, người Việt mới có cơ hội mở ra với văn hoá Trung Quốc và từ thế kỷ XVI với văn hoá phương Tây để đón nhận cái đẹp trong nghệ thuật và mỹ thuật nước ngoài. Trong dòng lịch sử dân tộc, người Việt chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các ý thức hệ hay các tôn giáo đã được du nhập vào Việt Nam nên ít người quan tâm đến cái đẹp.

Theo quan điểm Phật giáo, vẻ đẹp của con người và của thiên nhiên vạn vật thì vô thường, tạm bợ vì chúng luôn thay đổi như thời tiết sáng nắng, chiều mưa. Bám vào những vẻ đẹp vô thường đó sẽ làm cho con người bị trầm luân khổ ải. Con người chỉ nên đi tìm cái tốt trong đạo chứ không nên đi tìm cái đẹp ở bất cứ nơi đâu. Lão giáo chú ý nhiều đến cái đẹp của vạn vật nên gắn bó nhiều với thiên nhiên. Người ta học được bài học sống an nhiên tự tại như trời đất, bất kể những thăng trầm của cuộc đời, của vạn vật. Khổng giáo quan tâm đến đời sống xã hội với các mối tương quan của con người, nhưng theo ý nghĩa của cái tốt, cái đúng, chứ không theo cái đẹp, vì chỉ muốn tổ chức xã hội được quy củ theo đúng tam cương, ngũ luân, ngũ thường.

Do Thái giáo, với những cuốn kinh trong bộ Thánh Kinh Cựu Ước, đã nhận ra cái đẹp bắt nguồn từ Đức Chúa Giavê. Ngài là nguồn của chân thiện mỹ (x. Kn 13,5). Ngài dựng nên toàn thể vũ trụ rất tốt đẹp và tạo thành con người tốt đẹp hơn cả theo hình ảnh của Ngài (x. St 1-2). “Chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp… Vì các thụ tạo càng lớn lao, đẹp đẽ càng giúp nhận ra Đấng tạo thành” (Kn 13,3-5). Nhưng tội lỗi con người đã huỷ hoại tất cả và làm cho con người phải tàn tạ, xấu xí, chết chóc, cũng như vũ trụ phải lâm vào cảnh hư ảo, tan nát, khổ nhục (x. Rm 8,20-23). Tất cả đều mong đợi ngày được giải thoát, được sống mãi như Thiên Chúa. Vì thế, toàn thể lịch sử Do Thái giáo hướng về Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng Cứu thế.

2.2. Cái đẹp qua góc nhìn thần học Công giáo

Nền mỹ học thật sự nói lên mối quan hệ thẩm mỹ giữa con người và hiện thực và rút ra được những quy luật chi phối những mối quan hệ đó chỉ xuất hiện với Công giáo cách đây khoảng 2.000 năm.

Kitô giáo đã chỉ rõ Đấng Kitô ấy là Đức Giêsu Nazareth. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành con người để đưa thần tính vĩnh hằng, đưa chân thiện mỹ của Thiên Chúa vào trong vũ trụ vật chất, nên từ nay vạn vật cũng như từng con người đều phản ánh cái đẹp vĩnh hằng của Thiên Chúa và có giá trị vô biên. Con người không phải chỉ khám phá ra Đấng Toàn Mỹ tạo nên vẻ đẹp của vạn vật [17], từ đó suy ra Thiên Chúa là cái đẹp tuyệt đối [18], nhưng còn nhận ra “cái đẹp là thuộc tính phổ quát của mọi hữu thể” (omne ens est pulchrum). Đó là luận đề căn bản của triết học Công giáo.

“Người tín hữu Công giáo không phải chỉ khám phá vẻ đẹp của vũ trụ, của con người, nhưng họ cần khám phá ra vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô” [19]. Chính trong cuộc gặp gỡ này, đôi mắt tinh thần của họ sẽ được Người chữa lành để nhận ra chính Người đã làm cho mọi người, mọi vật trở nên tốt đẹp vô cùng nhờ cuộc phục sinh của Người.

Từ khởi điểm “Thiên Chúa trở thành người để đưa chân thiện mỹ vào trong con người và vũ trụ vật chất” đó, Công giáo đã “rửa tội”, nghĩa là “công nhận” các nền nghệ thuật và mỹ thuật của mọi dân tộc, khởi đầu là nghệ thuật, mỹ thuật của Hy Lạp và Rôma. Nghệ thuật từ đó mang tính chất thánh thiêng: “Khi nhờ hình thức thích hợp, đáp ứng với ơn gọi riêng của nó, trong đức tin và sự tôn thờ, nghệ thuật thánh gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, vẻ đẹp siêu phàm vô hình của chân lý và của tình yêu, đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô[20].

3. Diễn tả cái đẹp trong đời sống

Sau khi biết Thiên Chúa là nguồn của chân thiện mỹ và Đức Giêsu Kitô là phản ánh rõ ràng chân thiện mỹ này thì người Công giáo chúng ta có sứ mạng và trách nhiệm diễn tả “cái đúng, cái tốt, cái đẹp” đó trong đời sống hằng ngày “để mọi người trông thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha anh em ở trên trời” (Mt, 5,16).

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thư gửi các nghệ sĩ, cũng đã nhắc đến câu nói của nhà văn Dostoevsky (1821-1881): “Cái đẹp sẽ cứu độ thế giới[21]. Cái đẹp đó được hiểu là chính Thiên Chúa, như nguồn chân thiện mỹ, và là chính Đức Giêsu đầy quyền năng để đưa toàn thể nhân loại và vũ trụ đi vào con đường tình yêu và giải thoát thật sự.

Đứng trước sự suy đồi của nền luân lý vì con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, người Công giáo có sứ mạng phải diễn tả cái đẹp để cứu độ thế giới và dân tộc mình. “Đạo đức, lối sống, nhân cách, văn hoá của người Việt Nam chúng ta nhiều nơi, nhiều lúc đang làm xấu hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam” [22]. Cái dối trá, gian ác, xấu xí, rõ ràng cứ diễn ra trước mắt mọi người trong mọi lĩnh vực xã hội, trên các phương tiện truyền thông, trong chính quyền, thậm chí trong cả các lĩnh vực tôn giáo tâm linh, chứng tỏ nhiều người Việt Nam đang vô cảm, hờ hững, lạnh nhạt với chân thiện mỹ. Nếu không có những hành động kịp thời để diệt trừ cái sai, cái ác, cái xấu, và thúc đẩy cái đúng, cái tốt, cái đẹp phát triển, thì sợ rằng một ngày nào đó dân tộc thân yêu và hào hùng này sẽ không tồn tại.

Để hoàn thành sứ mạng này, chúng ta không phải chỉ cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái. Ta cần phải học hỏi chân thiện mỹ thật sự là gì, rồi diễn tả ra như thế nào thành ý tưởng, lời nói, cử chỉ, hành động trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội. Việc này cần phải nhờ đến các uỷ ban của Hội đồng Giám mục Việt Nam về nghệ thuật thánh, giáo lý đức tin, phụng vụ, gia đình, giới trẻ, giáo dân…. nghiên cứu các bài học và giảng dạy, rồi phổ biến cho các tầng lớp giáo dân và hội đoàn Công giáo.

Khi hiện ra với ông Môsê trên núi Khoreb (x. Xh 3,1-8. 13-15), Thiên Chúa đã tự giới thiệu mình là Đấng Hiện Hữu, để nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những gì “đang có” đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài đã chia sẻ những gì mình có cho mọi loài nên cái đẹp của Ngài chan hoà trong vạn vật. Nhưng trong thời đại gần đây, người ta muốn chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một trong những giả thuyết gây nên sự chối bỏ ấy, đó là Thuyết Tiến hoá của Darwin (1809-1882). Rất nhiều ý thức hệ và chủ nghĩa đã dựa vào giả thuyết này như một tiền đề để xác định rằng: vạn vật, và ngay cả những gì thuộc về tinh thần, đều bắt nguồn từ sự tiến hoá ngẫu nhiên của vật chất chứ không phải do tác động của một ai khác sáng tạo nên.

Ý thức hệ Hiện sinh vô thần và Cộng sản duy vật đã dùng ngay giả thuyết khoa học đó để chối bỏ nguồn của hiện hữu là Thiên Chúa. Nhiều người hiện nay, nhất là các em học sinh, sinh viên trong đất nước chúng ta, tin thuyết tiến hoá như là một chủ thuyết của khoa học, một sự thật trong đời sống mà không ngờ đó chỉ là một giả thuyết và giả thuyết này đang bị các nhà khoa học chống đối kịch liệt vì nó phản khoa học, tự mâu thuẫn và gây tác hại nặng nề trong đời sống con người [23]. Chúng ta không thể sống đẹp nếu chối bỏ nguồn đẹp là Thiên Chúa!

Lời kết  

Vì vậy, người tín hữu Công giáo Việt Nam chúng ta quyết tâm từ nay sống đẹp và diễn tả cái đẹp của Chúa trong cách ăn nói, trang điểm, học hành, làm việc, vui chơi của mình. Chúng ta sẽ tích cực dấn thân trong mọi môi trường xã hội, kết kợp với nhau để làm chứng cho chân thiện mỹ, cộng tác với mọi người để phục vụ lợi ích chung, sẵn sàng chịu những thua thiệt, mất mát để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, nguồn đẹp cụ thể của Chúa Cha.

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn có nghĩ rằng mình nên ăn mặc và trang điểm thật đẹp khi đi dự thánh lễ không? Tại sao?

2. “Sống đẹp như Giêsu” bao gồm những điểm cụ thể nào?

3. Bạn nghĩ gì về thuyết tiến hoá của Darwin?

 

 

 

 

 



[1] Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Thánh Cha-the Pope’s Worldwide Prayer Network, tiền thân là Hội Tông Đồ Cầu Nguyện-Apostleship of Prayer, khai sinh ngày 3/12/1844, từ một nhóm tu sĩ trẻ Dòng Tên, do cha linh hướng Px. Gautrelet, SJ. hướng dẫn. Toà thánh chuẩn nhận Hội Tông Đồ Cầu Nguyện và uỷ thác cho Dòng Tên phụ trách. Từ năm 1865, trẻ em gia nhập Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, có đến hàng trăm ngàn thành viên, trong số đó có thánh Têrêsa hài đồng Giêsu, tham gia năm 12 tuổi; hình thành “Nghĩa Binh Thánh Thể”, hiện nay là “Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể”, ở Việt Nam là “Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam”. Ngày 27/3/2018, Đức thánh cha Phanxicô thiết lập “Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Thánh Cha-the Pope’s Worldwide Prayer Network” và chuẩn nhận Qui Chế ngày 10/4/2018.

 

[2] Lửa thử vàng gian nan thử đức.

[3] Nhân loại vẫn thường nói thế về sự chính trực: Virtue stands in the middle, La vertu se tient au milieu (x. Charles Péguy, “La Ballade du cœur qui a tant battu” trong Œuvres poétiques complètes [Bibliothèque de la Pléiade, 1975], 1361.

[4] Bạn Hữu MTCD.

[5] Trong bốn đức tính trụ cột (quatre vertus cardinales): khôn ngoan, công bằng, đại đảm, tiết độ, thì nhân đức chính trực chủ yếu thuộc về phạm trù tiết độ.

[6] “Đừng vì vụng múa mà chê đất lệch / Đừng vì hát trệch rồi nói nhịp sai / Đừng quá nói dai nói dài nói dở / Đừng quá tưởng bở mình tài mình hay” (Ta, Sỏi đá vẫn cần có nhau, tập 1, 136).

[7] Ta, Sỏi đá vẫn cần có nhau, tập 1, 251.

[8] Kn 2,12.

[9] X. Mt 20.

[10] Ta, Sỏi đá vẫn cần có nhau, tập 1, 313-4.

[11]  X. Muel Kaptein, Johan Wempe, The Balanced Company: A Theory of Corporate Integrity (Oxford University Press, 2002).

[12] Tống Hạo Nhiên trình bày (Album Lạy trời mưa xuống 1 / Làng ta).

[13] X. Vietlex, Từ điển Tiếng Việt, 2013, NXB Đà Nẵng, Mục từ Đẹp, tr.408.

[14] X. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn, Từ Điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ Điển Bách khoa Việt Nam, 2005, tập I, tr.431.

[15] X. Thánh Augustinô, Confession 10,27:CCL 27,25; Thư gửi các nghệ sĩ, ngày 4/4/1999, số 16.

[16] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thư gửi Văn nghệ sĩ, số 3.

[17] X. Bài giảng của thánh Augustinô số 241,2, PL 38, 1134; GLHTCG, số 32; Docat 2016, tr.240

[18] X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2500.

[19] X. Giáo hoàng Phanxicô, bài giảng ngày 24/1/2014; Docat, số 57.

[20] X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2502.

[21] X. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thư gửi các nghệ sĩ, số 16; x. F. Dostoevsky, L’Idiot, phần III, chương V, Milan 1998, tr. 645.

[22] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam Niên giám 2016, NXB Tôn Giáo, tr. 215.

[23] (X. “Thuyết tiến hoá của Darwin: Đã đến lúc phải chấm dứt sự lừa dối vĩ đại”, bài trên You Tube, ngày 1/1/2018; bài “9 lý do chứng minh thuyết tiến hoá của Darwin sai”, You Tube, ngày 14/10/2018…).