Những dòng ‘sông tuyết’ hôi thối tại Hà Nam
Thời gian gần đây, người dân H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tiếp tục phản ánh tình trạng nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề…
Những dòng ‘sông tuyết’ hôi thối tại Hà Nam
Thời gian gần đây, người dân H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tiếp tục phản ánh tình trạng nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề…Nước lấy từ sông Nhuệ vào trạm bơm chợ Lương nổi bọt, hôi thối ẢNH: VĂN ĐÔNG
Nồng độ amoni gấp 70 lần
Ông Nguyễn Văn Tuấn (62 tuổi), nhà gần trạm bơm xã Duy Hải, H.Duy Tiên, cho biết vài năm nay, mỗi lần bơm nước từ sông Đáy vào đồng, các kênh dẫn nước lúc nào cũng sủi bọt cao cả nửa mét, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tương tự, tại trạm bơm xã Duy Minh, H.Duy Tiên gần đó, mỗi đợt bơm nước cũng đều xuất hiện bọt trắng nổi lên mặt nước.
Tại khu vực các xã lấy nước từ sông Nhuệ, sông Châu Giang, tình trạng ô nhiễm xảy ra trầm trọng hơn. Từ khoảng 10 năm nay, mỗi lần lấy nước là các kênh dẫn đều có tình trạng nổi bọt trắng cao đến gần 1 m, bọt tràn ra cả bờ kênh dẫn nước, biến kênh thành một dòng “sông tuyết” trắng xóa, hôi thối. Ông Lê Văn Thủy (71 tuổi), nhà ở gần trạm bơm Hoàng Uyển (xã Yên Bắc, H.Duy Tiên), cho biết kênh dẫn nước từ trạm bơm này vào cánh đồng cũng có bọt bốc cao hàng mét, hôi thối đến mức người dân sống gần kênh phải đeo khẩu trang suốt ngày đêm.
Xác nhận tình trạng này, ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng phòng TN-MT H.Duy Tiên, cho rằng khi vào vụ đông xuân, hầu hết trạm bơm trên địa bàn huyện đều xuất hiện hình ảnh dòng “sông tuyết”. Ông nói: “Nguyên nhân do sông Nhuệ, sông Đáy là các nguồn lấy nước vào huyện đều đã bị ô nhiễm trầm trọng…”. Cũng theo ông Đạt, mức độ ô nhiễm tại các sông trên địa bàn đang ở mức báo động. Kết quả phân tích của Trung tâm quan trắc phân tích tài nguyên môi trường Hà Nam công bố ngày 10.1 cho biết, mẫu nước lấy tại chân cầu Hoà Mạc, nồng độ chất ô nhiễm amoni là 21,1 mg/l, vượt 70,3 lần cho phép, ô xy hoà tan là 2,0 mg/l… Tại trạm bơm Hoàng Uyển (xã Yên Bắc) có nồng độ amoni là 20,7 mg/l, vượt 69 lần, trong khi đó nồng độ ô xy hòa tan lại nhỏ hơn 3 lần mức cho phép. Hiện tại, nước sông đã bị ô nhiễm trên mức báo động 2 theo quy định bảo vệ môi trường. “Amoni nếu tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể chuyển hoá thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác”, ông Đạt thông tin.
Sẽ dừng bơm nước
Ông Nguyễn Việt Bình, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Duy Tiên, cho biết huyện có khoảng 7.000 ha đất nông nghiệp, trong đó gần 2/3 diện tích lấy nước từ sông Nhuệ, sông Đáy. Mặc dù hiện nay địa phương mới lấy được khoảng gần 20% lượng nước đổ ải, nhưng do nước sông ô nhiễm, nên UBND H.Duy Tiên, Phòng NN-PTNT huyện đã chỉ đạo một số trạm bơm tạm dừng bơm nước và khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt, cũng như tưới cho hoa màu.
Đáng chú ý là tình trạng ô nhiễm trên không chỉ xảy ra tại H.Duy Tiên mà còn ảnh hưởng đến nhiều địa phương của tỉnh Hà Nam. Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam, H.Duy Tiên chỉ là huyện đầu tiên hứng chịu tình trạng ô nhiễm này.
“Từ năm 2012, nhà nước đã có đề án xử lý ô nhiễm tại sông Nhuệ, sông Đáy, nhưng do chưa có kinh phí nên đề án vẫn chưa triển khai. Tỉnh Hà Nam cũng nhiều lần đề nghị TP.Hà Nội triển khai ngay cống và đập khu Liên Mạc để chặn nguồn nước ô nhiễm lại, xử lý trước khi đổ ra sông Nhuệ, nhưng đến nay cũng chưa thấy, nên ô nhiễm ngày càng trầm trọng”.
Về giải pháp, ông Đạt cho biết Sở đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tạm thời dừng bơm nước từ các sông bị ô nhiễm, đồng thời báo cáo T.Ư để hỗ trợ thiệt hại vụ đông xuân, cũng như có giải pháp khắc phục lâu dài với tình trạng ô nhiễm.