Các Giám mục Pháp phát động chiến dịch phản đối dự luật “trợ tử”
Các Giám mục Pháp phát động chiến dịch phản đối dự luật “trợ tử”
Người Pháp phản đối dự luật trợ tử (AFP or licensors)
Vào tháng 6/2024, dự luật ủng hộ “tử” gần được thông qua tại Paris, nhưng sau khi tổng thống Macron giải tán Quốc hội, tiến trình thông qua dự luật bị dừng lại.
Vào tháng 1 năm nay, thủ tướng mới François Bayrou đã yêu cầu Quốc hội xem xét các vấn đề về chăm sóc giảm nhẹ và trợ tử, vốn trước đây đã được hợp nhất trong cùng một dự luật “cuối đời”, trong hai văn bản riêng biệt. Do đó, kể từ ngày 9/4/2025, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đã xem xét hai dự luật riêng biệt.
Trong khi dự luật ủng hộ chăm sóc giảm nhẹ – đảm bảo mọi bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc như vậy khi cuối đời – nhận được sự đồng thuận rộng rãi, thì dự luật ủng hộ việc hợp pháp hóa hỗ trợ y tế để chết, hay là “trợ tử” – đang gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong các đảng phái chính trị của Pháp.
Trong một năm qua, các Giám mục Pháp đã vận động mạnh mẽ để phản đối vấn đề “trợ tử”. Trong những tuần gần đây, các ngài đã gia tăng nỗ lực kêu gọi các nghị sĩ phản đối việc đưa ra dự luật “quyền được chết”.
“Giết người không thể là lựa chọn của tình huynh đệ hay phẩm giá”
Vào ngày 6/5/2025, đáp lại bình luận của tổng thống Macron về dự luật “trợ tử”, điều mà ông gọi là “cái ác nhỏ hơn”, Đức Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort của Reims viết trên mạng xã hội X rằng “lựa chọn giết người và giúp giết người không phải là cái ác nhỏ hơn”. Ngài nói rằng nó rõ ràng là cái chết và phải được nói ra mà không nói dối và không che dấu. Ngài nói: “Giết người không thể là lựa chọn của tình huynh đệ hay phẩm giá. Đó là lựa chọn của sự bỏ rơi và từ chối giúp đỡ cho đến cùng. Sự vi phạm này sẽ đè nặng lên những thành viên dễ bị tổn thương và cô đơn nhất trong xã hội của chúng ta”.
Cần những chính trị gia can đảm
Về phần mình, trong tuyên bố ngày 12/5/2025, Tổng giám mục Olivier de Germay của Lyon đã kêu gọi các thành viên của Quốc hội: “Chúng ta cần những chính trị gia có đủ can đảm đi ngược lại xu hướng” và “có đủ can đảm để nói không với sự liên đới giả tạo khi nói với những người già rằng chúng ta có thể giúp họ biến mất”.
Tuyên bố chung của các tôn giáo
Vào ngày 15/5/2025, các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Pháp, bao gồm Công giáo, Do Thái, Hồi giáo, Tin lành, Chính thống giáo và Phật giáo, đã đưa ra tuyên bố phản đối chung đầu tiên của họ đối với đề xuất này. Tuyên bố chung lên án “những hành vi lạm dụng nghiêm trọng” và “sự thay đổi triệt để” mà việc đưa ra dự luật “trợ tử” sẽ kéo theo.
Đồng hành cùng người bệnh đến cuối đời
Ngày 16/5/2025, trên tờ báo Công giáo hàng ngày La Croix, Tổng giám mục Vincent Jordy của Tours, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã giải thích lý do khiến Giáo hội phản đối dự luật “trợ tử”: “Chúng ta thực sự giúp mọi người đối diện với cái chết khi chúng ta đồng hành cùng họ đến cuối đời. Có sự thiếu hụt rõ rệt về người chăm sóc, và cứ hai người Pháp thì một người có thể khiếu nại vẫn không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc giảm đau, điều mà chúng tôi biết là làm giảm các yêu cầu được chết trong phần lớn các trường hợp”.
Vào ngày 17/5/2025, các nhà lập pháp đã thông qua một sửa đổi cho dự luật sẽ được bỏ phiếu vào ngày 27/5/2025, khi tạo ra một quyền mới, “quyền được chết với sự hỗ trợ”. Họ từ chối sử dụng các thuật ngữ “an tử” – bởi vì “nó đã được Hitler và Đức Quốc xã sử dụng từ tháng 10/1939 trở đi” – và “tự tử”, để tránh nhầm lẫn với việc ngăn ngừa tự tử như vẫn thường được hiểu cho đến nay.
Nói không với việc hợp pháp hoá an tử và trợ tử
Vào ngày 18/5/2025, các giáo xứ trên khắp nước Pháp đã phân phát áp phích và tờ rơi trong các Thánh lễ Chúa Nhật, cũng được đăng trên các tài khoản mạng xã hội của các giáo phận và giáo xứ, củng cố chiến dịch của các Giám mục phản đối dự luật.
Các Giám mục đã yêu cầu các tín hữu Công giáo liên hệ trực tiếp với đại diện của họ. Các ngài nhấn mạnh: “Chúng ta đừng im lặng. Chúng ta hãy nói không với việc hợp pháp hóa an tử và trợ tử. … Nếu được thông qua vào ngày 27/5, dự luật này, một trong những dự luật dễ dãi nhất trên thế giới, sẽ đe dọa những người dễ bị tổn thương nhất và đặt ra câu hỏi về sự tôn trọng đối với mọi sự sống con người”.
Tuy nhiên, ba ngày sau, vào ngày 21/5/2025, các đại biểu Quốc hội đã thông qua điều khoản xác định các điểm về thủ tục yêu cầu trợ tử, và yêu cầu này sẽ được chấp nhận ngay cả cho những người chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ.
Tối cùng ngày 21/5/2025, 12 giám mục của khu vực Paris đã tham gia một buổi cầu nguyện và lắng nghe những chứng tá về sự sống tại Nhà thờ Đức Bà Paris.
Tại Quốc hội, cuộc tranh luận sẽ tiếp tục cho đến ngày 25/5/2025, trước khi bỏ phiếu chính thức vào ngày 27/5/2025.
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2025-05/giam-muc-phap-chien-dich-phan-doi-du-luat-tro-tu.html