Thứ Sáu 23.05.2025
Tình bạn hữu mang lại sự khích lệ và niềm vui
Tình bạn hữu sâu xa thì mang lại niềm vui, sự khích lệ cho nhau, bởi vì mỗi người đều sống cho người khác. Đó cũng chính là cách sống của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa.
Thứ Sáu Tuần V – Mùa Phục Sinh
Cv 15,22-31 • Tv 56,8-9.10-12 (Đ. c.10a) • Ga 15,12-17
Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
✠ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
12Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Suy niệm: Tình bạn hữu mang lại sự khích lệ và niềm vui
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về tình bạn hữu với các môn đệ (x. Ga 15,13-15). Với người Việt Nam, từ ngữ “bạn hữu” đôi khi không gợi lên hết được ý nghĩa của từ ngữ mà Đức Giêsu muốn gửi gắm. Từ ngữ “bạn hữu” (/philoi/ φίλοι) chỉ người bạn, tình bạn, chỉ sự thân thiết, người thân thương, người gần gũi. Đức Giêsu diễn tả tình bạn của Ngài dành cho các môn đệ qua việc chia sẻ hết những gì đã nghe biết nơi Chúa Cha (x. Ga 15,15), sẵn sàng hy sinh tính mạng cho các môn đệ (x. Ga 15,13)! Sự hiệp thông của các môn đệ trong tình bạn hữu với Đức Giêsu khiến cho chính họ cũng có thể đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, đến độ xin gì cùng Chúa Cha cũng được (x. Ga 15,16)! Dĩ nhiên, khi ở trong tình thân với Thiên Chúa thì người ta biết cần xin điều gì.
Tuy nhiên, tình bằng hữu này cũng có những yêu cầu của nó, đó là họ cũng phải yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu thương họ, vì họ cũng trở thành bạn hữu của nhau. Điều này được hiểu là họ cũng phải sẵn sàng chia sẻ với nhau và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì nhau nữa: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Tình bằng hữu này là ân ban của Chúa Giêsu: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16). Trong tình bằng hữu với Chúa Giêsu, con người được đưa vào tương quan sâu xa với Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi được yêu cầu phải có tình yêu cao độ dành cho người khác như thế, có thể người ta cảm thấy đó là một đòi hỏi quá mức chăng? Nhưng điều rất phi lý là: trong khi Thiên Chúa ở một tầm mức khác lại hạ mình xuống yêu thương, sống với con người như bạn hữu, cả hy sinh tính mạng vì họ nữa, mà không kêu ca gì; còn con người khi phải hy sinh vì người khác thì lại kêu đó là đòi hỏi quá đáng!!!
Còn một điều phi lý khác nữa là: người ta cứ ở lại trong sự ghen ghét, thù hằn, trong khi thái độ ấy lại làm thiệt hại cho chính họ! Những kitô hữu gốc Do Thái ở lại trong cách suy nghĩ hẹp hòi của đạo cũ nên khó chịu, ghen ghét, phê phán gây bất ổn trong Hội Thánh. Lá thư kết luận của công đồng Giêrusalem nói rằng họ không được uỷ nhiệm, đã gây xáo trộn, hoang mang (x. Cv 15,24). Họ ở trong tình trạng bất ổn cả với đạo cũ lẫn với đạo mới! Còn các thành viên của công đồng, sau khi phân định của Thánh Thần, thì đưa ra quyết định mang lại sự khích lệ và niềm hân hoan cho mọi người!
Tình bạn hữu sâu xa thì mang lại niềm vui, sự khích lệ cho nhau, bởi vì mỗi người đều sống cho người khác. Đó cũng chính là cách sống của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa.
✍️Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn