Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp Tổ chức “Centesimus Annus pro Pontifice”
Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp Tổ chức “Centesimus Annus pro Pontifice”
Tổ chức Centesimus Annus pro Pontifice – Bách Chu Niên vì Giáo hoàng, một thực thể của Vatican, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập vào ngày 13/6/1993. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận do giáo dân điều hành nhằm mục đích cổ vũ Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo.
Trong buổi tiếp các thành viên của Tổ chức, đi từ chủ đề của Hội nghị, Đức Thánh Cha cho rằng chủ đề này đi thẳng vào trọng tâm ý nghĩa và vai trò của Học thuyết Xã hội của Giáo hội, một công cụ của hòa bình và đối thoại để xây dựng những nhịp cầu huynh đệ phổ quát. Đặc biệt trong mùa Phục Sinh này, chúng ta nhận ra rằng Đấng Phục Sinh đi trước chúng ta ngay cả ở những nơi tưởng chừng bất công và cái chết đã chiến thắng.
Ngài nói: “Hãy giúp đỡ lẫn nhau, như tôi đã khích lệ vào buổi tối sau khi được bầu chọn: ‘xây dựng những cây cầu bằng đối thoại, gặp gỡ, hiệp nhất mọi người để trở thành một dân tộc duy nhất luôn sống trong hoà bình’. Điều này không thể làm một cách tuỳ hứng: đó là một sự kết hợp năng động và liên tục giữa ân sủng và tự do mà ngay lúc này, trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta đang củng cố.”
Ngài nhận xét từ thời Đức Giáo hoàng Lêô XIII đến nay, Học thuyết Xã hội của Giáo hội được kêu gọi cung cấp những chìa khoá giải thích nhằm đặt khoa học và lương tâm vào đối thoại, từ đó đóng góp thiết yếu vào tri thức, hy vọng và hoà bình.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng số đang diễn ra, nhiệm vụ giáo dục ý thức phê bình cần được tái khám phá, làm rõ và trau dồi, đồng thời phải chống lại những cám dỗ đối lại, vốn có thể len lỏi cả vào thân thể Giáo hội. Thực tế trong xã hội hiện nay, có rất ít đối thoại, trong khi là đầy rẫy những tiếng la hét, tin giả (fake news), và các luận thuyết phi lý do một số người áp đặt. Vì thế, việc đào sâu và học hỏi là điều thiết yếu, cùng với đó là gặp gỡ và lắng nghe người nghèo – kho báu của Giáo hội và nhân loại – vì họ mang đến những góc nhìn bị loại trừ nhưng lại cần thiết để nhìn thế giới bằng con mắt của Thiên Chúa. Những người sinh ra và lớn lên bên ngoài trung tâm quyền lực không chỉ cần được giáo dục về Học thuyết Xã hội của Giáo hội, nhưng còn phải được công nhận là những người tiếp nối và hiện thực học thuyết đó. Các chứng nhân của sự dấn thân xã hội, các phong trào quần chúng và tổ chức Công giáo của người lao động là biểu hiện từ các vùng ngoại vi hiện sinh, nơi hy vọng luôn được gìn giữ và nảy mầm.
Ngài nhắc lại giáo huấn của Công đồng Vatican II: “Giáo hội phải luôn tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng; như vậy Giáo hội mới có thể đưa ra câu giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai sau, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy” (Hiến chế Gaudium et Spes, số 4).
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của Tổ chức Centesimus Annus pro tham gia cách tích cực và sáng tạo vào sứ vụ phân định này, cùng với Dân Chúa phát triển Học thuyết Xã hội trong bối cảnh lịch sử đầy biến động xã hội hiện nay, bằng cách lắng nghe và đối thoại với mọi người.
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-05/dtc-centesimus-annus-pro-pontifice.html