Chúa Nhật V PS C 2025: Hoà giải và hoà hợp
16/05/2025Thật ra, tất cả mọi người chúng ta, khi bước qua ngưỡng cửa của cái chết, không còn bị vật chất, không gian và thời gian ngăn cách, tất cả chúng ta đang cùng hiện diện bên nhau, cùng nhìn vào sự phát triển của dân tộc nhờ sự hoà giải và hoà hợp của Đấng Phục Sinh.
Chúa Nhật V PS C 2025
Hoà giải và hoà hợp
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Kinh Thánh tuần này đem lại cho ta niềm vui mừng và hy vọng vì Đấng Phục Sinh đã đổi mới mọi sự qua cuộc sống lại của Người. Đó là “trời mới, đất mới” với những con người mới, “không còn cái chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa vì những điều cũ đã biến mất” (x. Kh 21,1-5). Nhưng muốn đạt được hạnh phúc đó, Đức Giêsu Phục Sinh “ban cho những con người mới này một điều răn mới để họ biết yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ” (x. Ga 13,34). Vậy Đức Giêsu đã yêu thương ta và mời gọi ta yêu thương như thế nào để đổi mới mọi sự.
1. Tình yêu của Đức Giêsu
Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người nên trái tim yêu thương của Người có chung một nhịp đập với chúng ta, nghĩa là Người cũng có những cảm giác, cảm xúc, cảm tình với những suy tư, ước muốn và hành động như ta. Đồng thời vì là Thiên Chúa nên Người có quyền năng vô biên khiến cho hành động yêu thương của Người có giá trị vô cùng, tác động lên muôn loài, muôn vật trong bất cứ thời đại nào để giúp ta đổi mới chính mình.
Nhưng tại sao ta lại phải đổi mới tình yêu?
Thật ra, con người hiện đại chúng ta đã biết yêu ngay từ khi bắt đầu sống trên trái đất cách đây 195.000 năm: ta yêu mình yêu người; yêu cha mẹ gia đình; yêu dân tộc quê hương; yêu non sông, đất nước; yêu văn hoá, khoa học và yêu cả những gì tầm thường, nhỏ bé, ác đức theo tham vọng và dục vọng của mỗi người. Tuy nhiên tình yêu ấy vẫn bị giới hạn bởi vật chất, trong không gian và thời gian của một kiếp người và kết thúc bằng cái chết của con người. Chỉ khi con người gắn kết với Chúa Giêsu Phục Sinh, tình yêu con người mới có thể vượt qua mọi giới hạn để tồn tại mãi mãi và cảm nhận được niềm hạnh phúc vô biên.
Bắt đầu từ thế kỷ XXI này, nhờ suy tư của tâm trí và sự trợ giúp của khoa học, con người mới hiểu được tình yêu không nằm trong trái tim hay trong bộ não, mà bắt nguồn từ chính Thiên Chúa vì bản thể của Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16). Vì thế dù những con robot mang hình người có được tích hợp những dữ liệu lớn (big data) trong bộ nhớ, chúng cũng không bao giờ biết yêu và thể hiện được tình yêu của mình.
Trong thân phận con người, Chúa Giêsu đã cảm thấy tủi nhục, đau khổ tột cùng trong những giờ phút cuối cùng khi tự nguyện chết trên thập giá, trước những lời thách thức của các tư tế, đám đông dân chúng và của cả tên trộm cùng chịu đóng đinh: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá đi!”. Người đã mang lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại nên cảm nhận được sự ghét bỏ của Thiên Chúa vô cùng thánh thiện: “Lạy Chúa, sao Ngài bỏ con!?”. Tuy nhiên Người vẫn vâng phục Cha mình cho đến chết để đền bù tội lỗi bất tuân của loài người, tha thứ cho mọi kẻ đóng đinh mình trong mọi thời đại và đem lại ơn cứu độ cho muôn loài. Chính tình yêu vô cùng trong sáng và quảng đại của Chúa Giêsu đã hoà giải Chúa Cha với loài người và vũ trụ, và hoà hợp tất cả vào một trời mới, đất mới với những con người mới.
Trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, hàng triệu người đã náo nức, tự hào vì cuộc chiến thắng, nhưng cũng lại có hàng triệu người ở miền Nam và nhiều nơi trên thế giới đau buồn, tủi nhục vì phải nhớ lại nỗi thất bại và khóc thương những người đã khuất. Làm sao hoà giải và hoà hợp để cho mọi người dân Việt, dù còn sống hay đã chết, đều cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc của ngày thống nhất này? Điều này chỉ có thể làm được nếu người ta tin vào Chúa Giêsu và thể hiện tình yêu đối với nhau như Người đối với chúng ta.
2. Hoà giải và hoà hợp
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, ngày 30.4.2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến việc “cần phải triển khai mạnh mẽ chính sách hoà hợp và hoà giải dân tộc, với tinh thần: “chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng, đều là anh em ruột thịt, như cây một cội, như con một nhà”. “Tất cả người Việt Nam đều là con dân đất Việt, đều có quyền sống, làm việc, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc và yêu thương trên mảnh đất quê hương, đều có quyền và trách nhiệm góp sức xây dựng tổ quốc”. Ông cũng xác định: “nền kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, quan trọng nhất, của nền kinh tế quốc dân. Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển… Chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể làm được ngày hôm nay, với mong muốn để lại cho thế hệ mai sau không chỉ một thế giới tốt đẹp hơn, mà cả niềm tin và sự cảm phục về ý thức trách nhiệm và thông tuệ của thế hệ hôm nay” (x. Báo Thanh Niên, số 121 (10704), thứ Năm, 1.5.2025, tr. 3).
Nếu được nghe những lời tuyên bố như thế cách đây 50, 60, 80 năm trước, chắc hẳn sẽ không có biến cố gần triệu người miền Bắc bỏ mọi tài sản di cư vào Nam, mấy trăm ngàn người ở miền Bắc bị đem ra đấu tố vì chính sách cải cách ruộng đất, gần 3 triệu người của cả hai miền Nam Bắc giết hại lẫn nhau trong cuộc chiến tương tàn, hơn 800.000 người di dân ở miền Nam vượt biên sang các nước khác, trong đó có khoảng gần nửa triệu người chết vì đói khát, bão tố trên biển, bị cướp bóc, hãm hiếp, vì rừng thiêng nước độc (x. Wikipedia, Di dân Việt Nam sau 1975,)… do những đợt “đánh tư sản mại bản”, học tập cải tạo, ép buộc đi vùng kinh tế mới. Chúng ta không thể thay đổi lịch sử với muôn vàn đau thương và tổn thất vì chiến tranh xung đột của những hệ tư tưởng trong quá khứ, nhưng chúng ta có thể hoạch định tương lai huy hoàng nếu dân tộc ta biết đoàn kết, tích cực hành động để lập nên những kỳ tích trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc” (x. Bài đã dẫn ở trên).
Nếu trước đây những người lính Việt Nam Cộng Hoà được nghe những lời như thế và thấy được những thành tựu của dân tộc hôm nay, họ sẽ ngẩng cao đầu, buông bỏ vũ khí và bắt tay những người lính Cộng Sản thay vì sống tủi nhục như kẻ bại trận. Rồi nếu những người lính Cộng Sản thời đó nghe được và thấy được đất nước như hôm nay, họ cũng buông bỏ vũ khí để không còn muốn giết hại ai khi thấy “Việt Nam xây dựng các mối quan hệ hợp tác toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ” và “xác định nền kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”. Rồi những con cháu của cả hai miền Nam Bắc cũng không còn giữ mãi niềm thù hận sâu sắc để sống vô tư như nhiều người trẻ hôm nay.
Thật ra, tất cả mọi người chúng ta, khi bước qua ngưỡng cửa của cái chết, không còn bị vật chất, không gian và thời gian ngăn cách, tất cả chúng ta đang cùng hiện diện bên nhau, cùng nhìn vào sự phát triển của dân tộc nhờ sự hoà giải và hoà hợp của Đấng Phục Sinh.
Lời kết
Vì thế, Đức Giêsu là con người mới với tình yêu mới mà tất cả và từng người chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Người. Nhờ đó, tình yêu của ta được đổi mới, trong sáng, vĩnh hằng, mở ra với muôn loài muôn vật và giúp ta cảm nhận được hạnh phúc vô biên. Bạn có tin thế không?