Chúa Nhật IV PS C 2025: Nghe để sống
Chúa Nhật IV PS C 2025
Nghe để sống
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Hôm nay là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Giáo Hội mong ước chúng ta nghe được tiếng Chúa để phát huy sự sống phi thường mà Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho ta. Đức Giêsu nói với người Do Thái qua bài Tin Mừng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời” (Ga 10,27). Vì thế, chúng ta cùng suy niệm về khả năng nghe để sống đang rất cần trong thời đại này.
1. Khả năng nghe của con người
Rất nhiều người chúng ta ít quan tâm đến khả năng nghe của mình nên chưa làm cho đời sống mình thêm dồi dào và hạnh phúc. Trái lại, người ta còn lạm dụng khả năng đó, làm tổn thương sự sống của mình và của người khác.
Những khám phá của y học gần đây cho ta biết rằng ngay từ tháng thứ 7, thai nhi trong bụng mẹ đã biết nhận ra những âm thanh quen thuộc, cảm nhận được những tiếng động quanh nó cũng như tình trạng vui buồn, căng thẳng hay thư giãn của người mẹ. Nếu người mẹ an lạc thì bào thai cũng an hoà. Nếu người mẹ lo lắng, căng thẳng thì bào thai cũng đáp ứng theo (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫn Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr. 402).
Con người biết nghe sớm hơn biết nói: trẻ sơ sinh bắt đầu hiểu các từ ngắn gọn và các mệnh lệnh căn bản như “bú”, “ngủ”, “ngoan”, “nằm” từ vài tháng tuổi. Từ một tuổi rưỡi trở đi, trẻ mới bắt đầu nói những từ đầu tiên. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ càng nói chuyện với trẻ, đứa bé càng phát triển về âm thanh và ngôn ngữ. Sự phát triển này là yếu tố sống còn cho khả năng tương tác với những người mà trẻ sống chung, cũng như giúp đứa trẻ hiểu biết về thế giới, phát triển các kỹ năng suy nghĩ, lý luận và giải quyết vấn đề sau này.
Tuy nhiên, do không biết nên nhiều người đã gây hại cho khả năng nghe của trẻ. Trung bình trẻ sơ sinh khóc từ 1-3 tiếng mỗi ngày. Khóc giúp chúng làm nở phổi và thúc đẩy các hoạt động của cơ thể còn non yếu. Nhưng người lớn lại sợ chúng khóc và không muốn chúng khóc. Người ta ngắt tiếng khóc bằng cách đung đưa một vật cử động trước mắt chúng hay mở nhạc, bóp kèn, bật tivi, mở iphone, ipad cho chúng nghe và xem. Đây là việc làm rất tai hại, vì tai và mắt của trẻ phải thu nhận hàng tỉ dữ liệu của các âm thanh vô nghĩa và hình ảnh không hợp với tuổi của chúng rồi chứa trong bộ nhớ non nớt của trẻ. Vì chúng chỉ nghe mà không thấy nên không biết phải mở miệng phát âm như thế nào, do đó dần dần chúng mất khả năng nói và hiểu biết, dù chúng không phải là trẻ có hội chứng tự kỷ. Chúng ta biết rằng Việt Nam hiện có khoảng nửa triệu trẻ tự kỷ, chậm nói và trên thế giới cứ 47 trẻ sinh ra có 1 trẻ tự kỷ, chậm nói.
Chúng ta biết hai tai của ta bổ sung rất nhiều cho hai mắt bằng cách cung cấp một lượng thông tin rất lớn về thế giới quanh ta. Thật vậy, ta có thể nghe những gì mà ta không thể nhìn thấy (Sđd, tr. 316). Cơ quan thính giác là một cấu trúc phức tạp, dùng để chuyển đổi các sóng âm thanh mà ta nghe thấy với biên độ dài ngắn và tần số cao thấp khác nhau, thành các xung động thần kinh, để được dẫn truyền đến vùng vỏ não thính giác. Vùng này ở quanh tai ta lại chuyển một số những xung động thần kinh lên vùng vỏ não ngôn ngữ thành các từ ngữ với những ý nghĩa của mỗi từ và chứa vào trong bộ nhớ của ta.
Lúc 1,2 tháng tuổi, bộ nhớ của trẻ chỉ chứa vài từ mà mẹ vẫn dùng và trẻ hiểu được nghĩa của chúng, nhưng đến một năm tuổi trẻ đã có cả vài chục từ cần phải hiểu và nối kết cho đúng ngữ nghĩa. Khi đến hai, ba tuổi, trẻ có cả trăm từ cần nhớ và phát âm cho đúng. Nhưng vì chúng thu nhận quá nhiều dữ liệu âm thanh qua tivi, điện thoại từ lúc vài tháng tuổi và không nhìn mặt mẹ mở miệng, uốn lưỡi để phát âm từng từ như thế nào nên dần dần trẻ không còn khả năng nói nữa… Từ đó chúng trở nên lầm lì, ít nói và phá phách vì không biết diễn tả sao cho người khác hiểu được mình.
Người lớn chúng ta ngày nay còn lạm dụng khả năng nghe này hơn nữa. Nhiều người không để yên cho não nghỉ ngơi mà nghe đủ thứ âm nhạc, những lời hội thoại trong các chương trình truyền hình, phim ảnh, những lời tục tĩu, chửi rủa, những câu nói hài hước nhảm nhí rẻ tiền… Tất cả những âm thanh đó đều được ghi nhận và chứa vào bộ nhớ trong não của con người, khiến cho bộ nhớ của họ đầy những lời nói tiêu cực, trong khi những lời thanh cao, tích cực chứa đựng sự thật và những giá trị tinh thần cao quý lại rất ít và bị vùi lấp trong mớ âm thanh hỗn độn kia. Do đó chất lượng sống của trẻ và của người lớn chúng ta không phát triển tốt đẹp. Vì thế chúng ta cần phải đào luyện khả năng nghe của mình để sống dồi dào.
2. Nghe để sống dồi dào và sống phi thường
Cho đến hôm nay, dù với biết bao tiến bộ của khoa học hiện đại, thiết bị tiên tiến, các nhà bác học vẫn chưa tìm ra tiến trình làm sao những xung động điện trong các tế bào thần kinh ở bộ não, lại chuyển hoá thành những tư tưởng cao đẹp hay xấu xa trong tinh thần của con người? Đây là một mầu nhiệm chỉ dành riêng cho Thiên Chúa là chủ tinh thần của con người. Chỉ có Chúa là tinh thần tuyệt đối, mới giải thích được mầu nhiệm này vì Ngài đã dựng nên con người theo hình ảnh mình và ban cho họ tinh thần.
Chỉ có Ngài mới nói cho con người và ban ơn cho họ nhận ra được tiếng nói của Ngài trong vạn vật, trong các biến cố của đời sống và lịch sử, trong lương tâm ngay chính của con người cũng như trong Thánh Kinh là phương tiện Chúa dùng để nói với họ. Nếu họ chiều theo những cảm xúc tiêu cực, tâm tình bất chính, tham vọng bất lương, dục vọng thấp hèn thì họ không thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa và không thể phát huy được sự sống phi thường của Ngài (x. Bài đọc I. Cv 13,46-47)
Vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã nói với con người chúng ta qua chính Người Con một của Ngài là Đức Giêsu Kitô, khi cho Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Vì thế, Đức Giêsu là lời cụ thể của Thiên Chúa: lời sự thật và sự sống, để tất cả những ai nghe được tiếng của Người đều có thể đón nhận được sự thật và sự sống của chính Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chứng minh mình là Lời đó qua toàn thể đời sống, qua lời giảng dạy đầy uy quyền, qua những phép lạ và nhất là qua cái chết và cuộc sống lại của Người, để những ai tin vào Người sẽ nghe được tiếng của Thiên Chúa và được sống đời đời.
Đức Giêsu nói với ta hôm nay: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,27-30).
Quả thật, chúng ta là chiên của Đức Giêsu vì chúng ta tin vào Người. Chiên của Người thì nghe được tiếng Người vì Người ban cho ta khả năng nghe và nhận ra Người. Người ban cho ta những ân huệ của Chúa Thánh Thần để giúp ta nghe được tiếng Chúa và bước theo con đường sự thật và sự sống.
Lời kết
Hôm nay, nhân dịp tìm hiểu về khả năng nghe của con người, chúng ta nên dành ít phút mỗi ngày để cầu nguyện và thinh lặng hầu có thể nghe được tiếng nói chân thành của lòng người, cũng như nghe được tiếng nói sống động của Thiên Chúa. Amen.
HKK