Chúa Nhật VII TN C 2025 – Yêu thương kẻ thù
21/02/2025Yêu thương kẻ thù – Việc đầu tiên để hoá giải lòng thù hận là các bên liên quan phải đón nhận nhau, chấp nhận sự tồn tại của nhau, thay vì muốn loại bỏ hay tiêu diệt lẫn nhau.
Chúa Nhật VII Thường Niên Năm C (2025)
Yêu thương kẻ thù
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Để có thể cứu độ thế giới, chúng ta phải đối xử với mọi người như anh chị em, và nếu họ coi ta như kẻ thù, ta vẫn phải yêu thương và loan báo Tin Mừng cho họ. Chúa Giêsu nhắc nhở ta điều đó: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” (Lc 6,27-28). Nhưng đây là việc rất khó thực hiện theo lẽ tự nhiên. Vì thế, ta nên tìm hiểu lòng thù hận bắt nguồn từ đâu và làm thế nào để hoá giải nó?
1. Lòng thù hận bắt nguồn từ đâu?
Lòng thù hận bắt nguồn từ tâm trí con người khi họ cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa. Đó là lòng căm hận sâu sắc đối với kẻ đã từng gây hại lớn cho mình hay cho người thân yêu của mình và người bị hại luôn nung nấu ý muốn bắt kẻ gây hại phải chịu tai hoạ tương xứng.
Trong quan niệm thông thường, nhiều người nghĩ rằng: “Có oán phải trả, có thù phải báo”. Nếu người làm con, làm chồng, mà không trả được mối thù đối với kẻ giết cha mẹ, vợ con thì bị xã hội coi là kẻ hèn nhát, nhu nhược, bất hiếu, bất trung. Nhưng nếu tiếp tục báo oán, trả thù, thì việc giết hại cứ tiếp nối hết đời này sang đời khác. Cuối cùng, người ta cũng nhận ra rằng “oán thù nên cởi chứ không nên thắt”. Nếu người ta dám một lần tha thứ thì sẽ chấm dứt được chuỗi oan trái này.
Lòng thù hận thường bắt nguồn từ sự ghen tương hay tranh chấp quyền lợi ngay trong gia đình, giữa anh em như Cain và Abel (x. St 4,1-16), Giacob và Esau (x. St 27-29 ), giữa hai người phụ nữ như Agar và Sara (x. St 16,1-7), giữa vua Saulê và Đavid như bài đọc I kể lại (x.1Sam 26,2-23).
Lòng thù hận có thể vượt qua ranh giới cá nhân và tác động đến cả dân tộc nếu gây ra thiệt hại lớn lao, tác động đến nhiều người. Ví dụ như một ông vua hay người nắm giữ quyền lực đất nước xua quân đến chiếm giữ một miền đất nào đó, khiến dân tộc bị xâm lăng phải chống lại. Thế là chiến tranh xảy ra với nhiều người chết, nhà cửa bị đốt cháy, phụ nữ bị hãm hiếp, đồng ruộng bị bỏ hoang. Các dân tộc trở thành kẻ thù của nhau. Thời sơ khai, người ta xua quân để chiếm đoạt các tài nguyên thiên nhiên như ngà voi, sừng tê giác, quế trầm, ngọc trai; sau này là mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ dầu; bây giờ là mỏ uranium, đất hiếm…
Lòng thù hận sâu xa nhất có thể bắt nguồn từ lý do tôn giáo, pha trộn với các yếu tố khác như kinh tế, chính trị…Ví dụ dân tộc Israel loại trừ các dân tộc khác như Ai Cập (x. Xh 1,8-11), Eđôm (x. Ds 20,18), Canaan (x. Gs 11,1-5), Syria (x. Thp 3,8)… vì họ tôn thờ các ngẫu tượng. Các cuộc chiến tranh giữa người Hồi giáo và Công giáo trong nhiều thế kỷ từ XI đến XV, giữa người Công giáo và dân bản địa ở châu Mỹ, châu Phi, châu Á cũng nằm trong chiều hướng này. Người ta có thể tàn sát kẻ thù một cách dã man như ta vẫn còn thấy ở Philippines, Indonesia, Malaysia, ở vài nước Trung Đông giữa các tín đồ Hồi giáo với Công giáo.
Lòng thù hận gần đây còn bắt nguồn từ việc không nhận ra phẩm giá cao quý của con người. Người ta thù hận, loại trừ nhau chỉ vì màu da bên ngoài, vì giai cấp xã hội khác nhau như ở Ấn Độ hoặc vì không cùng một hệ tư tưởng như thời thế chiến II giữa người Cộng Sản và Tư Bản. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã giúp cho các dân tộc nhìn nhận lại phẩm giá và nhân quyền của mỗi người để xoá bỏ ách nô lệ và giải phóng các dân tộc yếu kém.
Cuối cùng, vì là con người có tinh thần, nên ta không thể chối bỏ ảnh hưởng của các loại tinh thần khác tác động đến lòng thù hận. Đó là quỷ dữ, tà ma. Sau khi cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa là tình yêu, chúng chỉ còn biết thù hận và thực hiện lòng hận thù bằng mọi hành động tiêu cực như dối trá, tán phá, huỷ diệt và chết chóc. Chúng cám dỗ tất cả những ai muốn chiếm hữu một cách bất công, bất chính hoặc chiều theo những tham vọng và dục vọng của mình để dẫn họ vào con đường thù hận.
2. Làm thế nào để hoá giải lòng thù hận?
Đây là một tiến trình gồm nhiều bước từ dễ đến khó, cho từng cá nhân hay tập thể, nếu ta thật sự muốn sống an vui, hạnh phúc. Khi nói đến “yêu thương kẻ thù”, ta cần phải phân biệt kẻ thù là một con người cần được đón nhận, tha thứ, giáo dục và yêu thương, nhưng đồng thời ta cũng phải loại trừ tội ác, ngăn cản hành động xấu xa và đề phòng những hậu quả tai hại mà họ có thể gây ra. Nguyên tắc cần nhớ: “Ta yêu tội nhân nhưng ghét tội lỗi” (x. GLCG, số 1825, 1933, 1968, 2262, 2647, 2844).
Việc đầu tiên để hoá giải lòng thù hận là các bên liên quan phải đón nhận nhau, chấp nhận sự tồn tại của nhau, thay vì muốn loại bỏ hay tiêu diệt lẫn nhau. Muốn đạt được điều này, con người cần phải được dạy dỗ, qua các trường lớp, qua các mạng truyền thông xã hội, để biết rõ mình thật sự là ai và phẩm giá vô cùng cao quý của mỗi người, bất kể những khác biệt về màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, hệ tư tưởng và giai cấp xã hội. Chỉ 20 năm gần đây, khoa học mới giúp ta giải đáp được vấn đề này, khi khám phá ra cấu trúc 3 tỉ base ADN trong 20 ngàn gen của 23 đôi nhiễm sắc thể trong từng tế bào con người. Nhờ đó ta hiểu rằng mọi người đều là anh chị em của nhau trong cùng một đại gia đình nhân loại.
Việc tiếp theo để hoá giải lòng thù hận là giúp con người nhận thức rằng chính tinh thần định hình cho vật chất. Tất cả những sở hữu vật chất, dù là đất đai hay vàng bạc, con người đều phải bỏ lại khi đối mặt với kẻ thù cuối cùng là sự chết (x. 1Cr 15,26; GLCG, số 1008) để đi vào cõi vĩnh hằng với tinh thần của mình. Nói cụ thể hơn thì tinh thần là tình yêu, là tư tưởng, là chân thiện mỹ. Khi ta sử dụng vật chất như ăn một bát cơm, mặc một chiếc áo, tiêu một đồng bạc, ta gắn tình yêu, tư tưởng, ý muốn chân thiện mỹ vào vật chất đó. Nếu tình yêu ta trong sáng, ta ghi một điểm sáng trong tinh thần. Nhưng nếu đó là một đồng bạc bất công, một bát cơm bất chính, ta sẽ ghi một điểm tối, một vết bẩn vào tinh thần của mình và ta sẽ phải đền trả, tẩy sạch vết bẩn đó thì mới có thể sống hạnh phúc trọn vẹn với ông bà, tổ tiên và với Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối.
Vì thế Đức Giêsu mới nói với ta: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác” (Lc 6,35) và vì “chúng ta mang hình ảnh của người thiên quốc là Đức Giêsu Kitô” (x. 1Cr 15,49).
Lòng thù hận bắt nguồn từ tôn giáo chỉ có thể hoá giải khi con người hiểu ra rằng tôn giáo mình đang theo không phải là duy nhất, nhưng chỉ là một trong các con đường dẫn tới Đấng là tinh thần tuyệt đối, là thần linh tối cao, là nguồn của mọi hiện hữu. Đấng đó có thể được gọi bằng bất kỳ danh hiệu nào: Đức Giêhôva hay Giavê, Đức Allah, Đức Chúa Trời… Đấng đó là Người Cha Chung muốn mọi người sống hoà thuận để có thể cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn khi sum họp với mình mãi mãi. Vì là tinh thần tuyệt đối nên chỉ Đấng đó mới có thể ban ơn lành và giúp sức cho ta chống lại những cơn cám dỗ của ma quỷ và hoá giải nó bằng việc yêu thương, tha thứ cho mọi người làm thiệt hại mình.
Lời kết
Lúc đó ta mới có thể cầu nguyện cho kẻ đóng đinh mình như Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Amen.