Đứng trước thách thức mới của trí tuệ nhân tạo, Đức TGM Paglia kêu gọi đánh thức chủ nghĩa nhân văn châu Âu
Đứng trước thách thức mới của trí tuệ nhân tạo, Đức TGM Paglia kêu gọi đánh thức chủ nghĩa nhân văn châu Âu
Bên cạnh những giáo huấn quan trọng của Đức Thánh Cha về trí tuệ nhân tạo, Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống đã dành nhiều năm nghiên cứu về cuộc cách mạng công nghệ này, được khơi dậy từ những mối quan tâm của các bên liên quan. Đức cha Paglia chia sẻ với Vatican News về cuộc gặp gỡ đầu tiên của ngài với Chủ tịch Microsoft, Brad Smith. Ông Smith thừa nhận rằng ranh giới giữa máy móc và con người đôi khi rất mờ nhạt, và ông đã đề nghị “sự hỗ trợ của Giáo hội” để giúp xác định rõ hơn những ranh giới này.
Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống đóng góp vào cuộc thảo luận này thông qua “Lời kêu gọi Roma vì đạo đức trí tuệ nhân tạo” được ký kết vào ngày 28/2/2020 dưới bảo trợ bởi chính Hàn lâm viện và sự tham gia của nhiều tổ chức công và tư, bao gồm Microsoft, IBM, Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) và Chính phủ Ý. Trong vòng năm năm, nhiều tổ chức khác đã tham gia ký kết, bao gồm 16 đại diện từ các tôn giáo khác nhau tại Hội nghị ở Hiroshima (Nhật Bản) vào ngày 10/7/2024, cũng như công ty Cisco ở California và Giáo hội Anh giáo vài tuần trước đó.
Các tôn giáo hình thành ý thức đạo đức cho AI
Mặc dù không thuộc về giáo huấn chính thức của Giáo hội như văn kiện Antiqua et Nova, “Lời kêu gọi Roma vì đạo đức trí tuệ nhân tạo” phản ánh ý chí của Tòa Thánh trong việc khẳng định vị trí trung tâm của con người trong lĩnh vực công nghệ mới này. Trong lĩnh vực này, các tôn giáo, cùng với các trường đại học và cộng đồng rộng lớn hơn, có thể góp phần phổ biến ý thức đạo đức về AI trong các doanh nghiệp lớn cũng như trong chính sách công.
Đức Tổng Giám mục Paglia kêu gọi thiết lập các quy tắc đạo đức và pháp lý thông qua các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là trong việc quản lý dữ liệu lớn. Ngài bày tỏ: “Tôi mơ ước một thỏa thuận tương tự như Hiệp định Paris năm 2015 về khí hậu, nhưng dành cho các công nghệ mới nổi và hội tụ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo”, đồng thời ngài thời kêu gọi khối G20 và Liên Hiệp Quốc “nhận thức trách nhiệm của mình”.
Bảo vệ tính nhân văn của nhân học Kitô giáo
Tại Hội nghị G7 dưới sự chủ trì của Ý ở vùng Puglia vào tháng 6 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô, ngồi giữa Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã kêu gọi “một không gian kiểm soát đáng kể của con người” đối với AI.
Đức cha Paglia nhấn mạnh: “Nguy cơ thực sự là chúng ta đang công nghệ hóa con người thay vì nhân văn hóa công nghệ.” Ngài kêu gọi một sự thức tỉnh của chủ nghĩa nhân văn: “Tất cả các ngành khoa học sẽ hội tụ cùng nhau như thời Phục hưng. Người tin và người không tin, nhà thơ và nhà vật lý, triết gia và thần học gia, tất cả chúng ta cần tạo ra một liên minh giúp cứu lấy con người.”
Trách nhiệm của châu Âu
Theo Đức cha Paglia, châu Âu, dù thiếu về tài nguyên, cần phải trở nên có trách nhiệm hơn trong việc phát triển công nghệ và nghiên cứu khoa học, để đưa chúng vào lĩnh vực nhân học. Ngài lo ngại: “Chúng ta đang đứng trước nguy cơ tốc độ của công nghệ sẽ vượt qua sự chậm chạp của chủ nghĩa nhân văn, sự chậm chạp của các quy tắc.”
Đức cha Paglia kỳ vọng nhiều vào châu Âu, kêu gọi lục địa này thức tỉnh trong cuộc đua công nghệ: “Châu Âu có một sự nhạy cảm đặc biệt nhờ truyền thống nhân văn hai hoặc ba ngàn năm của mình. Cần phải đưa tinh thần đó vào thế giới công nghệ đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc và Hoa Kỳ”.
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2025-02/dung-truoc-thach-thuc-moi-cua-tri-tue-nhan-tao-paglia.html