Chúa Nhật XXXIII TN B 2024: Về với cội nguồn
Chúa Nhật XXXIII TN B 2024
Về với cội nguồn
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Vào vài tuần cuối năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở ta về “Tứ chung” hay 4 điểm cuối đời cần lưu ý, đó là cái chết-cuộc phán xét-thiên đàng-hoả ngục. Các bài Thánh Kinh hôm nay như gợi ý cho ta điều đó. “Thời đó, những kẻ an nghỉ trong bụi đất sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (x. Đn 12,2). “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây trời mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về” (x. Mc 13,26-27). Tuy nhiên, trong thời đại sùng bái khoa học và vật chất hiện nay, chúng ta phải nói về Tứ chung như thế nào?
1. Những sự thật khó chấp nhận
Sự thật về Tứ chung ít được người thời nay chấp nhận và ngay cả người Công giáo cũng hiểu chúng khác nhau. Hơn nữa, Chúa Nhật 33 Mùa Thường Niên bàn về Tứ chung lại thường dành để cử hành trọng thể lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nên giáo dân ít có dịp suy niệm về các vấn đề này.
Trước hết, nói đến cái chết thì hầu như mọi người đều sợ hãi bởi vì chết là một hiện tượng xảy ra hằng ngày ở quanh ta, nó đưa con người như đi vào cõi huỷ diệt, bị quên lãng, mất mát, loại trừ. Nhiều người tin là có vị thần cai quản cõi chết gọi là Tử Thần, Diêm Vương. Nhiều người Công giáo thì lại nghĩ “Chúa làm cho sống và cũng làm cho chết”. Người không tin thần linh thì cho đó là hiện tượng tự nhiên của kiếp người, nên cứ sống theo ý mình, theo những tham vọng và dục vọng, vì chết là hết. Rất ít người tìm hiểu xem cái chết thật sự là gì, nó có thật không, tại sao có cái chết?
Nói đến cuộc phán xét chung cả nhân loại thì người ta càng khó tin hơn nữa. Người ta không thể tưởng tượng cuộc phán xét này sẽ diễn ra theo bức tranh nổi tiếng “Sự phán xét cuối cùng” của hoạ sĩ Michelangelo vẽ trên tường của nhà nguyện Sixtina ở Thành Vatican từ năm 1537-1541. Không lẽ Chúa sai các thiên thần ghi chép từng hành vi của mỗi người trong cuốn sổ để tra cứu và kết án, rồi cân họ trên loại cân nào để đo lường tội phúc của họ? Số người hiện đại từ thuở sơ khai cho đến nay khoảng 100 tỉ, tính cho đến tận thế có thể lên đến vài trăm tỉ. Vậy lấy chỗ đâu để quy tụ mọi người? Chỗ đâu để họ có thể nhìn thấy và nghe được lời phán xét của Chúa?
Ngay sau cuộc phán xét là con người đón nhận tình trạng sống vĩnh hằng của mình tuỳ theo tội phúc của mỗi người: thiên đường hay hoả ngục. Nhiều tín hữu Công giáo đã nhầm lẫn chúng với Niết Bàn và địa ngục của Phật giáo, với thiên giới và địa ngục của Ấn Độ giáo, Hồi giáo và nhiều tôn giáo khác (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Hội Nhập Văn hoá Công giáo ở Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2023, tr.429-433). Muốn xem thiên đàng, địa ngục như thế nào, người ta có thể đến Công viên Đầm Sen hay Suối Tiên của TP. HCM để thăm 18 tầng địa ngục hay vào mạng xã hội trên Internet gõ chữ “Thiên đàng/hoả ngục” sẽ tìm thấy nhiều video loại này. Nhiều tín hữu vẫn còn mường tượng hoả ngục với tường cao chót vót hay vực thẳm để Chúa giam người tội lỗi trong biển lửa, ở chung với quỷ dữ, tà ma, bị quỷ dữ hành hạ muôn đời. Làm sao Người Cha trên trời đầy lòng thương xót lại có thể hành hạ các con mình như thế!
Do đó, chúng ta cần tìm hiểu sự thật về Tứ chung để có thể sống trong niềm vui và bình an với Đức Giêsu Kitô, vì “sau khi Người dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời” (Dt 10,12).
2. Những sự thật về Tứ chung
Sự thật về cái chết chỉ mới phát hiện trong vài chục năm gần đây nhờ những khám phá mới của y học về con người. Xét về mặt vật chất, thân xác con người gồm những tế bào thay đổi không ngừng vì mỗi ngày có hàng triệu tế bào cũ chết đi và hàng triệu tế bào mới sinh ra. Xuống thấp hơn tới tầng vô cơ, các tế bào này lại gồm những điện tử, nguyên tử, phân tử của Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ… thay đổi từng giây phút, chuyển hoá từ thân xác ra môi trường bên ngoài và ngược lại. Chúng có vẻ như biến mất khỏi thân xác con người, nhưng lại chuyển hoá vào sự sống của người khác, vật khác. Trong khi đó tinh thần của con người lại tồn tại lâu dài với tình yêu, tư tưởng, ước mơ… vì chính tinh thần định hình cho thể xác.
Như thế, cái chết không phải là thực tại vì chỉ là mặt trái của sự sống. Chết là hết sống. Sự sống mới là thực tại, mới là thật để ta quan tâm và thể hiện trong cuộc đời. Vậy nếu chết không có thật thì ta sợ nó làm gì!
Các tôn giáo khác không giải thích được tại sao có cái chết vì không hiểu chết thật sự là gì. Kitô giáo dạy ta hiểu rằng tinh thần con người được Thiên Chúa hằng sống tạo dựng theo hình ảnh Ngài nên tồn tại mãi mãi. Vì thế mọi người đã khuất đều đang sống dù thân xác vật chất của họ đã tiêu tan. Thân xác này sẽ sống lại vào ngày tận thế khi không còn sự chuyển hoá của vật chất, nhưng sẽ thăng hoa nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13). “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống” (Lc 20,28).
Con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu nhưng họ đã chối từ tình yêu Thiên Chúa, cắt đứt với Ngài là nguồn tình yêu và sự sống, nên con người đau khổ khôn cùng. Đó là cái chết cả xác lẫn hồn. Vì thế, Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết (x. Kn 2,23-24), chính con người tự do đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật (x. Rm 8,20-23).
Hiểu được cái chết là gì, ta thấy nó chẳng đáng sợ vì đó chỉ là việc thay đổi tình trạng sống của con người. Chết như một ngưỡng cửa để ta bước vào đời sống vĩnh hằng. Nó không đưa ta vào cõi tiêu diệt, cũng không làm ta mất mát thứ gì hay xa cách một ai. Trái lại, chết làm ta gần gũi hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn vì không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian. Từng công việc ta làm, từng vật dụng ta có, từng con người ta gặp trong bất cứ thời điểm nào hay bất cứ ở đâu, đều tồn tại với ta vì đã được định hình bởi tinh thần của ta.
Chính tinh thần định hình với tình yêu, tư tưởng, tình cảm này sẽ là giá trị tốt xấu trong cuộc phán xét và từ đó xác định tình trạng thiên đường hay hoả ngục khi ta gặp mặt Chúa vào lúc bước vào cõi vĩnh hằng. Khi đó, dưới ánh sáng phản chiếu của Chúa Giêsu đầy tình yêu và lòng thương xót, ta thấy ngay những điểm tối sáng trong toàn bộ đời mình qua từng tư tưởng, lời nói, hành động như soi mình trong một tấm gương mầu nhiệm. Đó là cuộc phán xét do chính ta thực hiện theo bộ luật tình yêu của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Lúc đó thiên đường, luyện ngục, hoả ngục chỉ là những tình trạng sống của con người sau khi chết, chứ không phải là những nơi chốn cố định như ta vẫn quan niệm trong không gian ba chiều hiện nay (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1023-1037). Tất cả những người đã khuất, các thiên thần, ma quỷ đều nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi tốt lành y như nhau. Chúa sẵn sàng ban cho họ sự sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận và nguồn chân thiện mỹ vô cùng tuỳ theo họ mở lòng ra cho Ngài.
Lời kết
Như vậy, suy nghĩ về Tứ chung chính là dịp mỗi người chúng ta tìm về cội nguồn hiện hữu của mình để mỗi ngày làm cho tình yêu được trong sáng hơn và sự sống được dồi dào hơn. Amen.