23/12/2024

Các Giáo hội Kitô kêu gọi các quốc gia phát triển có nghĩa vụ đạo đức đối với những người bị tổn thương

Các Giáo hội Kitô kêu gọi các quốc gia phát triển có nghĩa vụ đạo đức đối với những người bị tổn thương

Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC) kêu gọi các quốc gia phát triển, trước hiện tượng khủng hoảng khí hậu ngày càng tăng, phải có nghĩa vụ đạo đức đối với những người dễ bị tổn thương nhất.

Preparation for COP29 climate summit in Baku

Lời kêu gọi này được các Giáo hội Kitô gửi đến các lãnh đạo thế giới đang tham dự Hội nghị COP29 của Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu, diễn ra ở Baku, Azerbaijan, từ ngày 11 đến 22/11/2024.

Các lãnh đạo Giáo hội Kitô viết: “Là những người có đức tin, chúng tôi tin rằng giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu không chỉ là một nhu cầu cần thiết về mặt khoa học mà còn là một nghĩa vụ đạo đức sâu sắc bắt nguồn từ các giá trị Kitô giáo về công lý và lòng trắc ẩn. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia phát triển làm gương, nhìn nhận trách nhiệm lịch sử của mình và ủng hộ phản ứng toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất, tôn vinh sự sáng tạo của Chúa và duy trì cam kết chăm sóc lẫn nhau.”

Phái đoàn của Hội đồng các Giáo hội Thế giới, gồm các đại diện từ các khu vực khác nhau trên thế giới, sẽ có mặt tại Baku. Ở COP29, thông điệp chính của Hội đồng các Giáo hội Thế giới kêu gọi các quốc gia phát triển “giảm mạnh lượng khí thải từ nhiên liệu hoá thạch”. Cơ quan đại kết cũng nhấn mạnh “sự cấp bách của việc tăng cường tài chính khí hậu để hỗ trợ các cộng đồng đang phải đối diện với gánh nặng của tác động khí hậu, đặc biệt những cộng đồng có ít nguồn lực hơn để thích ứng”.

Hội đồng cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu “giải quyết các tác động phi kinh tế sâu sắc của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như mất mát và chấn thương văn hóa, ảnh hưởng không tương xứng đến người dân bản địa và các cộng đồng dễ bị tổn thương khác”.

Giám đốc Uỷ ban về Công lý Khí hậu và Phát triển Bền vững của Hội đồng các Giáo hội Thế giới, Athena Peralta, cho biết: “Tác động của biến đổi khí hậu vượt xa thiệt hại vật chất; chúng chạm đến trái tim của cộng đồng, làm xói mòn di sản văn hoá và căn tính tinh thần, đặc biệt là đối với người dân bản địa. Các khuôn khổ tài chính khí hậu phải coi những tổn thất vô hình này, tôn trọng và bảo vệ kiến thức bản địa là điều quan trọng đối với các giải pháp chống chịu về khí hậu.”

Tại buổi Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật vừa qua, Đức Thánh Cha cũng đã đề cập đến Hội nghị về Biến đổi Khí hậu COP29. Ngài nhắc đến Phong trào Laudato si’ tròn 3 năm hoạt động, cảm ơn những người đang dấn thân để hỗ trợ sáng kiến này, đồng thời hy vọng COP29 sẽ đóng góp hiệu quả vào việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-11/giao-hoi-kito-quoc-gia-phat-trien-nghia-vu-dao-duc-ngheo.html