02/11/2024

Phó Tổng Thư ký Bộ Văn hoá và Giáo dục: Thông điệp Dilexit nos, nhịp đập thương xót giữa bạo lực và thuật toán

Phó Tổng Thư ký Bộ Văn hoá và Giáo dục: Thông điệp Dilexit nos, nhịp đập thương xót giữa bạo lực và thuật toán

Trong cuộc phỏng vấn của Vatican News, cha Antonio Spadaro, Phó Tổng Thư ký Bộ Văn hoá và Giáo dục, nhấn mạnh rằng với thông điệp Dilexit nos, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra các giá trị cơ bản đối với thế giới được đánh dấu bằng những xung đột và vô cảm: ngày nay thước đo sự tồn tại “thông minh” đang chiếm ưu thế, Đức Thánh Cha mời gọi tái khám phá “các trung tâm hợp nhất mang lại ý nghĩa cho những gì chúng ta trải nghiệm, trái tim” và cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương.

2024.10.28 padre Antonio Spadaro e Papa Francesco

Ngày 24/10/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp “Dilexit nos – Chúa đã yêu thương chúng ta”, về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhân dịp kỷ niệm 350 năm Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho thánh nữ Margarita Alacoque, năm 1673.

Nhân dịp này, Vatican News đã có cuộc phỏng vấn với cha Antonio Spadaro, Giám đốc tạp chí Civiltà Cattolica – Văn minh Công giáo, Phó Tổng Thư ký Bộ Văn hoá và Giáo dục, về Thông điệp thứ tư này của Đức Thánh Cha. 

Trong cuộc trò chuyện, cha Spadaro nhấn mạnh: “Đức Thánh Cha Phanxicô luôn cảm thấy mình như một ‘tội nhân được cứu bởi tình yêu của Chúa’” và trong Thông điệp Dilexit nos, ngài mời gọi chúng ta tái khám phá lòng thương xót, và hiểu cách Chúa nói với chúng ta qua cảm xúc nội tâm.

Theo Phó Tổng Thư ký Bộ Văn hoá và Giáo dục, Dilexit nos là một văn kiện “thể hiện linh đạo của Đức Thánh Cha” và là “chìa khoá để đọc toàn bộ triều Giáo hoàng của ngài”. Cha Spadaro cũng nhắc lại việc đã “chuyển” cho Đức Thánh Cha những bản văn về Thánh Tâm mà người bạn của ngài là cha Diego Fares, “người con tinh thần” của Đức Thánh Cha, đã viết trước khi qua đời, và điều này đã truyền cảm hứng cho chương đầu tiên. Và với Thông điệp này, Đức Thánh Cha mời gọi thế giới, vốn đang “mất đi trái tim” và sự nhạy cảm của con người, phục hồi các giá trị cơ bản.  

Dưới đây là cuộc trò chuyện chi tiết:

Thưa cha Spadaro, cha có nghĩ thông điệp Dilexit nos là văn kiện quan trọng của triều Giáo hoàng và là chìa khoá để đọc toàn bộ giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô không?

Thông điệp này tập trung vào linh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vì vậy, theo một cách nào đó, chắc chắn chúng ta có thể nói đó là chìa khóa để hiểu toàn bộ triều giáo hoàng, chìa khoá để hiểu được nhân cách linh đạo của Đức Thánh Cha. Nhưng chúng ta đừng quên rằng một giai đoạn rất quan trọng trong triều Giáo hoàng của ngài là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Vì vậy, chủ đề lòng thương xót, về trái tim trở nên gần gũi, thân cận, yêu thương sâu sắc, những tình cảm, “xúc cảm nội tâm”, như thánh I-nhã đã nói, cũng là trọng tâm việc cai quản của Đức Thánh Cha, hoạt động bằng sự phân định. Phân định là cố gắng hiểu cách Chúa nói qua những cảm xúc nội tâm được hướng thẳng vào trái tim. Tôi có thể nói rằng chắc chắn thông điệp này, cũng như Tông huấn Gaudete et exsultate, là sự diễn tả linh đạo của Đức Thánh Cha và soi sáng toàn bộ triều Giáo hoàng.

Kinh nghiệm thiêng liêng của Đức Thánh Cha và cuộc gặp gỡ cá nhân của ngài với Chúa Kitô cũng như tình yêu của ngài dành cho “tất cả mọi người” được tìm thấy ở đâu trong văn kiện này?

Đức Thánh Cha Phanxicô luôn cảm thấy mình là một tội nhân được cứu độ bởi tình yêu Chúa. Tôi nhớ, kể từ cuộc phỏng vấn đầu tiên với ngài vào năm 2013, không lâu sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng, ngài đã xác định bản thân theo cách này. Vì vậy, ưu tiên cho tình yêu Chúa. Sự hoán cải là hoa trái của tình yêu này. Nếu không có sự tiếp xúc trực tiếp, nhận thức về tình yêu, sự hiểu biết nội tâm về Chúa để yêu mến và bước theo Người tốt hơn, như thánh I-nhã nói, thì thậm chí không thể có sự hoán cải thực sự. Viết thông điệp về trái tim có nghĩa là đi vào trái tim Chúa Kitô, cho phép chúng ta cảm nhận được sự yêu thương bởi một trái tim con người đầy tình cảm, cảm xúc như chúng ta. Theo nghĩa này, linh đạo của Đức Thánh Cha khác xa với những hình thức tách rời và cứng nhắc. Ngài cho rằng linh đạo liên quan sâu sắc đến tâm hồn, cảm xúc và chiều kích thể lý của con người.

Vì vậy, thông điệp Dilexit nos là minh chứng cho thấy huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ tập trung vào xã hội, như một số người đã hiểu…

Nói chung huấn quyền của Đức Thánh Cha không tập trung vào bất cứ điều gì. Chắc chắn một đức tin không thể hiện qua việc làm là đức tin chết, chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, rõ ràng chiều kích xã hội, giáo huấn xã hội của Đức Thánh Cha là hoa trái trực tiếp của linh đạo của ngài cũng như linh đạo Trái Tim Chúa Kitô. Suy cho cùng, Đức Thánh Cha đã nói rõ điều đó trong thông điệp này: cần phải có lòng thương xót đối với thế giới bị tổn thương. Trong thông điệp này, ngài cho thấy Chúa Giêsu đưa tay ra và chữa lành. Và theo một cách nào đó, ngài liên kết huấn quyền trước đây với hình ảnh này, bởi vì Fratelli tutti, các mối dây huynh đệ đều có thể có được, bởi vì như Đức Thánh Cha nói chúng ta uống từ tình yêu Chúa. Chính nhờ tình yêu này mà chúng ta có thể thiết lập tình huynh đệ nhưng cũng có thể cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Vì vậy, tôi sẽ không phân biệt giữa huấn quyền xã hội và huấn quyền thiêng liêng. Chắc chắn trái tim là trung tâm của cả đời sống tâm linh và xã hội.

Điều quan trọng là, trong chương đầu tiên, Đức Thánh Cha viết rằng ngài được truyền cảm hứng từ những bài viết chưa được xuất bản của “người con tinh thần” của ngài, cha Diego Fares, đã qua đời năm 2022, là người viết cho báo Civiltà Cattolica – Văn minh Công giáo dưới sự hướng dẫn của cha. Cha có kỷ niệm nào về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa của cha Diego?

Cha Diego là một người bạn rất thân, một tác giả lớn của tờ báo Văn minh Công giáo. Cha đã sẵn sàng rời bỏ công việc đang làm để đến Roma ngay sau cuộc bầu chọn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Công việc của cha ở Argentina gồm có hai phần: dạy triết học ở đại học, và chăm sóc một số nơi tạm trú cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y và những người vô gia cư. Vì thế cuộc sống của ngài xoay quanh hai hoạt động này và đời sống thiêng liêng của ngài được đánh dấu sâu sắc bởi sự phân định các cảm xúc nội tâm, do đó bén rễ sâu trong trái tim Chúa Kitô. Trong những tháng cuối đời, cha đã viết một bài về trái tim của Chúa Kitô. Một văn bản rất hay sau đó tôi đã chuyển cho Đức Thánh Cha. Chính Đức Thánh Cha cũng biết cha Diego viết nội dung này vào cuối đời. Ngài muốn làm nổi bật bài viết này, bởi vì ngài cũng cảm nhận được điều mà chính cha Diego đã cảm nhận.

Theo cha, tại sao Đức Thánh Cha lại chọn đúng thời điểm này để công bố một thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu? Có lẽ bởi vì ngài lo ngại, như đã viết “một tôn giáo không liên quan đến mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa tình yêu” đang lan rộng và Kitô giáo đang quên “sự dịu dàng của đức tin, niềm vui của sự cống hiến phục vụ, lòng nhiệt thành của sứ vụ truyền giáo từ người nay sang người khác”?

Một mặt, tôi tin một lý do quan trọng là nhận thức về một xã hội đang mất đi trái tim. Trong thông điệp, Đức Thánh Cha đề cập đến chiến tranh, những người lính thiệt mạng, thực tế là thế giới hiện nay đang bị chia cắt và có một vết thương hở lớn. Và điều này là do sự vô cảm, thiếu ý muốn tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nảy sinh. Vì vậy, một xã hội đang mất đi trái tim cần được nhắc nhở về những giá trị cơ bản của mình.

Lý do thứ hai, đúng vậy, tôi nghĩ đó chính là điều bạn đang nói, nghĩa là chúng ta đang trở thành nô lệ cho các cổ máy của thị trường, các thuật toán, chiều kích hiện hữu “thông minh”, do đó, chú trọng đến hiệu quả, từ cả hai phía, thay vì quan tâm đến bản tính con người hơn, tự do hơn. Chúng ta đã đánh mất trung tâm thống nhất vốn mang lại ý nghĩa cho những gì chúng ta trải nghiệm, đó là trái tim. Vì vậy, lời kêu gọi này rất sâu sắc và đáp ứng nhu cầu của thời đại chúng ta.

Cuối cùng, trong văn kiện có yêu cầu không chế nhạo những biểu hiện sốt sắng của dân Chúa, những người với lòng đạo đức bình dân tìm cách an ủi Chúa Kitô. Lòng đạo đức bình dân có vị trí nào trong huấn quyền của Đức Thánh Cha?

Điều này rất quan trọng, vì đức tin của những người giản dị, bình dân được thể hiện qua lòng sùng kính và hình ảnh. Đó là một trong những lý do khiến Kitô giáo có thể gặp khủng hoảng và lý do tại sao không còn tìm được từ ngữ và hình ảnh để nói về chính mình, để diễn tả chính mình nữa. Vì vậy, chúng ta có thể nói lòng đạo đức bình dân là nguồn quý giá của hình ảnh, ngôn từ để diễn đạt, và cuối cùng lòng đạo đức này gắn liền sâu sắc với những tình cảm nhân văn nhất. Vì vậy, đó là một nền linh đạo, một nền linh đạo của con người, gắn liền sâu sắc với lịch sử, với cảm xúc của con người. Những cảm xúc quá trí tuệ và lý trí có nguy cơ tách con người ra khỏi thực tại của chính mình. Đức tin có nguy cơ trở thành sự ngộ đạo, trong số những thứ khác, đối với một số ít người thành thạo, đối với thành phần ưu tú. Trái lại, nơi con người, sẽ tìm thấy trái tim ấm áp của đức tin.

Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-10/pho-tong-thu-ky-bo-van-hoa-giao-duc-dilezit-nos-nhip-thuong-xot.html