15/10/2024

Chúa Nhật XXVII TN C 2024: Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi – Lời cầu nguyện của Mẹ và với Mẹ Mân Côi

Chúa Nhật XXVII TN C 2024 – Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi

Lời cầu nguyện của Mẹ và với Mẹ Mân Côi

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay Giáo hội Việt Nam kính trọng thể Đức Maria dưới tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi. Lễ này bắt nguồn từ việc Đức Giáo Hoàng Piô V kêu gọi các tín hữu lần chuỗi Mân Côi để xin Đức Mẹ chuyển cầu cho thế giới được bình an. Ngày 7/10/1571, chiến thắng của đoàn quân Công giáo ở vịnh Lepanto trước quân đội hùng mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ đã đem lại bình an.

450 năm sau, thế giới đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh hạt nhân, mà sức tàn phá khủng khiếp có thể huỷ diệt toàn thể nhân loại, bắt nguồn từ cuộc xung đột đang xảy ra ở Ucraina, ở vùng Trung Đông giữa Israel và các tổ chức khác. Tất cả chúng ta được mời gọi dùng kinh Mân Côi để cầu nguyện trong Mẹ và với Mẹ như một phương tiện hữu hiệu để tìm lại sự ổn định và hoà bình cho thế giới.

1. Lời cầu nguyện của Mẹ Maria (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2617-2619)

Lời cầu nguyện của Mẹ Maria được mạc khải cho chúng ta vào lúc khởi đầu của thời Tân Ước, vào buổi bình minh của “thời viên mãn” (x. Gl 4,4). Lời cầu nguyện này cộng tác cách độc đáo vào kế hoạch cứu độ bằng tình yêu của Chúa Cha, khi Mẹ nói lời “Xin vâng”, lúc sứ thần truyền tin, để Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, cũng như vào ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống dịp lễ Ngũ Tuần, khi Mẹ cùng Giáo Hội cầu nguyện để thành hình nên Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô (x. Cv 1,12-14).

Lời yêu cầu của Người Mẹ Thánh với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rối” diễn tả mối quan tâm của Mẹ lo cho nhu cầu của con người trong tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-12). Bữa tiệc này là dấu chỉ cho tiệc Thánh Thể mà ta đang tham dự khi Đức Giêsu ban tặng Mình và Máu Người cho Giáo Hội là Hiền Thê của Người. Lời cầu nguyện của Mẹ đạt tới tột đỉnh khi Mẹ kết hợp trọn vẹn với Con mình, bên bàn thờ thập giá, để đón nhận tất cả nhân loại là con của mình như là một Eva mới (x. Ga 19,25-27).

Lời cầu nguyện đó diễn thành lời ca tụng Thiên Chúa qua bài Magnificat “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (x. Lc 1,46-55), vì Chúa đã hoàn thành lời hứa cứu độ của Ngài qua muôn thế hệ. Vì thế lời cầu nguyện của Mẹ chính là sự quảng đại hiến dâng trọn vẹn bản thân Mẹ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đây cũng là gương mẫu để ta noi theo khi cầu nguyện, vì lời cầu nguyện của ta chỉ có ý nghĩa và hiệu quả nếu ta hiến thân trọn vẹn cho Chúa để cứu độ muôn loài.

2. Lời cầu nguyện với Mẹ Maria (x. GLHTCG, số 2675-2682)

Chính Chúa Thánh Thần liên kết mọi người chúng ta làm nên thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô là Giáo Hội, nên Chúa Thánh Thần cũng nối kết chúng ta với Mẹ Maria trong lời cầu nguyện của Mẹ. Đó là vì Mẹ sinh ra Đức Giêsu là Đầu của Giáo Hội và cũng sinh ra chúng ta cách mầu nhiệm khi đón nhận ta dưới chân thập giá.

Như thế, Mẹ Maria vừa trở thành gương mẫu cầu nguyện của ta, vừa dạy ta cầu nguyện với Mẹ để lời cầu nguyện của ta đáng được Chúa lắng nghe và mang lại những hiệu quả thiết thực. Việc Ngôi Lời Thiên Chúa thành thai trong lòng Mẹ để Mẹ sinh Người ra cho thế giới và việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ của Chúa Giêsu nói lên hiệu quả kỳ diệu của lời cầu nguyện cùng với Mẹ Maria.

Kết hợp với Mẹ, lời cầu nguyện của chúng ta mang hai động thái: vừa ngợi khen Chúa vì “những điều cao cả” Chúa làm cho Mẹ cũng như cho chúng ta, vừa dâng lên Mẹ những lời cầu khẩn và ca ngợi của con cái Thiên Chúa vì Mẹ biết rõ từng người chúng ta và cả nhân loại đang cần những nhu cầu gì. Hai động thái này được diễn tả cách độc đáo trong kinh Kính Mừng và tạo nên tràng Chuỗi Mân Côi.

Suy niệm lễ Đức Mẹ Mân Côi | Tổng Giáo Phận Hà Nội

“Kính Mừng Maria”, vừa là lời chào của thiên sứ, nhưng cũng là lời chào của chính Thiên Chúa nói với Mẹ. Khi ta lặp lại lời chào này, ta muốn mang lại những tâm tình vui mừng, yêu thương của Thiên Chúa đối với người nữ tỳ hèn mọn của Ngài, nhưng cũng là người Mẹ rất cao quý của Con Một Chúa và của chúng ta.

“Bà đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”. Đức Maria đầy ân sủng vì Chúa ở cùng Mẹ. Chúa là nguồn mọi hiện hữu nên khi Chúa ở cùng Mẹ một cách trọn vẹn do Mẹ dâng hiến tất cả cho Ngài, thì Mẹ cũng nhận được tất cả ân huệ của Chúa. Đây là lời mời gọi ta hãy phó thác trọn vẹn cho Chúa như Mẹ trong đời sống hằng ngày.

“Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Đây là lời chào của bà Elisabeth diễn tả hạnh phúc trọn vẹn của Mẹ Maria: Mẹ có phúc lạ vì Mẹ đã tin (x. Lc 1,45). Nhờ Mẹ mà mọi dân tộc trên mặt đất đã đón nhận được phúc lành của Thiên Chúa, đó là Đức Giêsu. Nếu ta muốn hạnh phúc trọn vẹn, hãy tin tưởng gắn bó với Chúa Giêsu như Mẹ để Người chuyển thông cho ta sự sống phi thường, quyền năng vô biên và tình yêu vô tận của chính Thiên Chúa.

“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con”. Vì Mẹ là thân mẫu Chúa Giêsu và cũng là Mẹ chúng ta, nên ta phó thác cho Mẹ mọi nỗi âu lo, đau khổ và thử thách trong đời sống, để cho thánh ý Chúa được thể hiện nơi ta cũng như nơi Mẹ.

“là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Khi nhận mình là những tội nhân cùng khốn, và Mẹ là đấng hoàn toàn thánh thiện, chúng ta giao phó bản thân mình với ngày hôm nay và cả giờ ta từ giã cõi đời, để đứng vững như Mẹ đứng dưới chân thập giá, trong từng giây phút sống.

Như thế, lời kinh Mân Côi là lời kinh đặc biệt giúp ta sống những mầu nhiệm của đời Chúa Giêsu và của Mẹ Maria, để cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Chúa Cha và đón nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần.

3. Hiệu quả của lời kinh Mân Côi

Lịch sử đã ghi lại biết bao hiệu quả kỳ diệu của kinh Mân Côi trong đời sống của Giáo Hội cũng như của từng người con Mẹ. Vì thế, chúng ta được mời gọi dùng phương tiện này để làm thăng hoa đời mình và đem lại ơn cứu độ cho muôn loài.

Chắc hẳn mỗi người trong anh chị em đều có thể kể lại nhiều ơn lành của Mẹ Mân Côi. Tôi xin chia sẻ với anh chị em một hạnh phúc mà Mẹ mới ban cho chúng tôi để làm sáng danh Chúa. Chủ Nhật tuần trước, ngày 22 tháng 9, tôi không dâng lễ với anh chị em vì phải dẫn đoàn y tế xuống Toà Giám mục Xuân Lộc, Long Khánh, để khám chữa bệnh cho khoảng 2.800 trẻ mồ côi, người khuyết tật và người nghèo ở vùng đó.

Đoàn có 300 người, gồm các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên để khám chữa bệnh tổng quát, khám chữa răng, khám chữa mắt, chữa cơ xương khớp, siêu âm, điện tim, chụp X-quang, tặng kính, phát thuốc, phát quà. Ngoài các cha, còn có 50 chủng sinh của chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, 15 dòng tu nam nữ và 200 tình nguyện viên của Caritas Xuân Lộc, 20 nhân viên Toà Giám mục giữ nhiệm vụ tổ chức, đón rước, phục vụ ẩm thực, vệ sinh, trật tự cho ngày khám. Tổng cộng khoảng gần 3.500 người tham gia sinh hoạt lần này. Tất cả đều được ăn uống, được chữa bệnh mà chẳng tốn đồng bạc nào vì Chúa thôi thúc các ân nhân giúp chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận được Chúa Giêsu và Người Mẹ Thánh đang làm những việc kỳ diệu trong đời mình. Trong suốt 4 giờ di chuyển, chúng tôi đã dâng rất nhiều chuỗi Mân Côi để cảm tạ Chúa và Mẹ Maria.

Lời kết

Vì thế, xin anh chị em hãy cầu nguyện cùng với Mẹ Maria bằng tràng chuỗi Mân Côi để cảm nghiệm được những điều kỳ diệu trong đời sống. Amen.