HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Bạn có phải là người nghiện việc không? Khi mệt mỏi vì gánh nặng công việc, bạn nghỉ ngơi giải trí bằng cách nào? Đâu là nơi hoang vắng bạn hay đến mỗi khi mệt mỏi?
PHÚC ÂM: Mc 6,30-34
30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.
31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.
32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.
34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 6,30-34) tiếp theo đoạn Tin Mừng nào trước đó? Nơi thanh vắng nằm ở bên này hay bên kia hồ Galilê?
2. Khi các tông đồ tụ họp lai quanh Đức Giêsu, bầu khí đó có vui không? có cởi mở không? Đọc Mc 3,14-15; 6,7.12-13.
3. Các ông đã giảng gì và đã làm gì? Đọc Mc 1,15; 6,12-13.
4. Tại sao Đức Giêsu muốn các ông đến một nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi? Đọc Mc 6,31.
5. Kế hoạch đi nghỉ của Thầy trò Đức Giêsu có thành công không? Tại sao? Đâu là tâm tình của Đức Giêsu khi thấy đám đông chạy bộ đến trước mình? Tại sao Đức Giêsu lại ví họ như bầy chiên không người chăn dắt? Vào thời Đức Giêsu, ai là người có nhiệm vụ chăn dắt dân Ít-ra-en?
6. Tìm một câu Tin Mừng trong đó Đức Giêsu nhận mình là một mục tử (người chăn chiên)? Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu chăn dắt dân chúng bằng cách nào?
7. Đọc Mc 1,21-22. 27; 2,13; 4,1-2; 6,2.6.34; 8,31; 10,1; 12,35.38; 14,49. Qua những câu trên, ta thấy Đức Giêsu làm chức năng quan trọng nào của người Thầy?
8. Hãy tìm trong bài Tin Mừng này những nét đẹp của con người Đức Giêsu?
CÂU HỎI SUY NIỆM
Bạn có phải là người nghiện việc không? Khi mệt mỏi vì gánh nặng công việc, bạn nghỉ ngơi giải trí bằng cách nào? Đâu là nơi hoang vắng bạn hay đến mỗi khi mệt mỏi?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Đoạn Tin Mừng hôm nay kể chuyện các môn đệ trở về sau hành trình rao giảng. Vậy đoạn này tiếp nối với câu chuyện Đức Giêsu sai họ đi ở Mc 6,6b-13, dù nó bị ngắt quãng bởi câu chuyện về cái chết của Gioan Tẩy giả (Mc 6,14-29). Thầy trò đi thuyền đến một nơi hoang vắng (Mc 6,32). Nơi hoang vắng này có vẻ nằm ở bên kia của Hồ Galilê (bờ đông). Sau khi làm phép lạ nuôi dân, Đức Giêsu bắt các môn đệ lên thuyền trở lại bờ bên kia, tức bờ tây (Mc 6,45). Thầy trò đã xuống thuyền và cập bến ở Ghen-nê-xa-rét, một làng nằm ở bờ tây Hồ Galilê, gần Caphácnaum (Mc 6,53-54). Nhưng câu Mc 6,45 thật sự làm các nhà chú giải bối rối, vì Bết-xai-đa là một làng nằm ở bờ đông chứ không phải bờ tây của Hồ Galilê!
2. Bầu khí hẳn rất vui, vì Thầy gặp lại trò, anh em gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Các môn đệ đã được Thầy Giêsu sai đi rao giảng và cho quyền trừ quỷ (Mc 3,14-15; 6,7). Các ông đã làm đúng như Thầy truyền. Họ đã đi rao giảng, mời gọi hoán cải, trừ quỷ và chữa bệnh (Mc 6,12-13) và đã thành công mỹ mãn (Mc 6,31). Chính vì thế khi trở về, ai cũng muốn chia sẻ những kinh nghiệm mình đã trải qua. Ai cũng muốn kể lại cho Thầy mọi việc mình đã làm, mọi điều mình đã dạy. Đây là bầu khí cởi mở, vì chẳng ai muốn giấu điều gì với Thầy hay với nhau.
3. Các ông đã giảng điều Thầy Giêsu đã rao giảng, đó là hãy hối cải vì Nước Trời đã đến gần (Mc 1,15; 6,12). Các ông đã làm điều Thầy Giêsu bảo làm, đó là trừ quỷ và chữa bệnh (Mc 3,15; 6,7.13). Nói chung, họ làm được tất cả những gì Thầy đã làm, vì Thầy cho họ quyền làm mọi điều ấy. Thầy Giêsu không giữ độc quyền cho mình một việc nào. Ngài muốn chia sẻ tất cả gánh nặng sứ vụ cho các môn đệ.
4. Thầy Giêsu muốn các môn đệ đến một nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi vì Thầy biết họ đang rất mệt sau khi phục vụ cho nhu cầu của đông đảo dân chúng: rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ. Chúng ta không quên rằng họ đã lên đường trong sự thiếu thốn (không bánh, không bao bị, không tiền), và họ phải ăn ở tại nhà của một người chịu tiếp đón họ. Có nhiều bệnh nhân cần đến họ, khiến họ phải làm việc liên tục, thời giờ để ăn họ cũng không có (Mc 6,31; 3,20). Nói chung họ bị quá tải.
5. Kế hoạch đi nghỉ của Thầy Giêsu và các môn đệ bất thành, vì khi Thầy trò đi thuyền đến nơi hoang vắng thì thấy đám đông dân chúng đã chạy bộ đến nơi ấy trước rồi (Mc 6,32-33). Thấy đám
đông háo hức chạy đến với mình, Đức Giêsu chạnh lòng thương họ, vì Ngài biết họ thật sự cần mình nên mới chạy nhanh như vậy. Ngài thương họ vì thấy họ giống một đàn chiên không người chăn dắt, nghĩa là bị tản mác, lạc hướng, không được chăm sóc và bảo vệ. Vào thời Đức Giêsu, người chăn dắt đoàn chiên là các vị lãnh đạo Do-thái giáo. Họ là các vị thượng tế và các vị khác trong Thượng Hội đồng.
6. “Tôi là mục tử tốt lành” (Ga 10,11). Trước đám đông bơ vơ vất vưởng, như đàn chiên không người chăn, Đức Giêsu đã “bắt đầu dạy họ nhiều điều” (Mc 6,34). Như vậy, Đức Giêsu đã quy tụ đám đông, chăn dắt và nuôi dưỡng họ trước tiên bằng lời dạy của Ngài. Đó là của ăn thiêng liêng. Nhưng sau đó Ngài cũng không quên nuôi họ bằng của ăn vật chất qua phép lạ bánh hóa nhiều (Mc 6,35-44).
7. Qua những câu trên, ta thấy trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu đã làm một chức năng quan trọng của Người Thầy, đó là dạy (didaskô). Động từ dạy được dùng nhiều lần trong Tin Mừng (Mc 1,21-22. 27; 2,13; 4,1-2; 6,2.6.34; 8,31; 10,1; 12,35.38; 14,49). Ngoài ra Ngài cũng giảng nữa (kêrussô). Động từ giảng ít được dùng cho Đức Giêsu (Mc 1,14.38.39), nhưng lại được dùng nhiều cho các môn đệ (Mc 3,14; 6,12; 13,10; 14,9; 16,15). Nói chung, Thầy Giêsu tập trung vào việc dạy, tuy Tin Mừng Mác-cô không cho ta biết nhiều về nội dung của những điều Ngài dạy.
8. Bài Tin Mừng cho thấy những nét đẹp của con người Đức Giêsu. Ngài đón các tông đồ trở về sau hành trình loan báo Tin Mừng lần đầu của họ. Ngài được các ông tin tưởng, nên các ông đã kể cho Ngài nghe tất cả những gì họ đã làm và đã dạy (câu 30). Hẳn Ngài đã lắng nghe các ông chia sẻ những vui buồn, thành công và thất bại, nhưng Ngài cũng nhận thấy các ông cần nghỉ ngơi sau những vất vả vì nhu cầu của dân chúng, nhiều đến nỗi các ông không có giờ để ăn. Chính Ngài bảo họ đi nghỉ (câu 31). Khi kế hoạch đi nghỉ không thành, vì chỗ vắng vẻ lại trở thành chỗ đông người tụ tập, Ngài không khó chịu bực bội, nhưng chạnh lòng thương khi nhìn đám đông bơ vơ. Cuối cùng, Đức Giêsu lại tiếp tục phục vụ họ bằng lời dạy dỗ (câu 34).
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ