Tổng bí thư: Làm rõ ai chạy chức chạy quyền, chạy ai?
“Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?” – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề.
Tổng bí thư: Làm rõ ai chạy chức chạy quyền, chạy ai?
”Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?” – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề.Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị về công tác xây dựng Đảng ngày 19-1 – Ảnh: VIỆT DŨNG
Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?…
Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng tổ chức sáng nay 19-1.
Nếu cán bộ sai, đường lối sẽ bị chệch
Mở đầu bài phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư nhận định đây là “một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, nhưng khó khăn vất vả”. Tổng bí thư đánh giá cao việc hội nghị chọn chuyên đề về phòng chống chạy chức, chạy quyền là một nội dung trọng tâm.
“Nói đến tổ chức là nguyên tắc, cơ cấu, biên chế, cơ chế vận hành của tổ chức… với chằng chịt rất nhiều mối quan hệ. Nói đến cán bộ là quy hoạch, đánh giá, sắp xếp, chính sách cán bộ. Đây là công việc con người với con người nên rất hệ trọng và nhạy cảm”, Tổng bí thư nói.
“Ta thường nói, khi có đường lối đúng thì cán bộ quyết định đến triển khai đường lối. Cán bộ nào thì đường lối ấy, cán bộ định ra đường lối, chủ trương, nhưng nếu xen vào đây lợi ích nhóm thì đường lối sẽ bị chệch”.
Tổng bí thư chia sẻ điều ông thấm thía: “Cán bộ là cái gốc, là then chốt của mọi vấn đề, công việc. Nếu xây dựng Đảng là then chốt, thì công việc của cán bộ tổ chức ở các cấp là cái chốt của then chốt. Nếu chốt mối mọt thì không hiểu cái then chốt đó sẽ như thế nào?”.
Trong bài phát biểu, Tổng bí thư ghi nhận công tác cán bộ thời gian qua đã tham mưu xây dựng nhiều quy định để hạn chế những khiếm khuyết, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, bước đầu kiểm soát, phòng chống chạy chức chạy quyền.
“Đây là một bước tiến trong công tác cán bộ. Năm 2017 ngành tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, cảm ơn và biểu dương”, Tổng bí thư nói.
Vẫn còn đảng viên vi phạm
Tuy nhiên, theo Tổng bí thư, hiện vẫn còn một số bộ phận cấp ủy chưa nhận thức được vai trò, vị trí, trách nhiệm của công tác cán bộ, xây dựng Đảng, vẫn còn những vi phạm của một số cán bộ, đảng viên ở mức đáng báo động.
Tổng bí thư thừa nhận công tác Đảng vừa khó vừa khổ, không có “màu mỡ” như bên chính quyền.
“Thực tế cơ chế kiểm soát quyền lực chưa cao, hiện tượng chạy chức chạy quyền còn tinh vi, phức tạp. Ban Tổ chức trung ương cần làm rõ để có đề xuất Bộ Chính trị ban hành quy chế. Có hay không chạy chức chạy quyền, ai chạy – chạy ai phải làm rõ, vì cái này vẫn nhức nhối lắm, có nhiều thứ chạy lắm”, Tổng bí thư nhắc nhở.
Tổng bí thư đặt ra yêu cầu đối với công tác Đảng: ”Phải nắm vững cơ chế chính sách, có bản lĩnh, dám hi sinh lợi ích cá nhân, nói đi đôi với làm, công tâm, khách quan, không chịu bất kỳ sự tác động nào, phải có dũng khí, chống cho được bè phái, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.
Tổng bí thư cũng nhấn mạnh vai trò của cấp ủy, của cán bộ xây dựng Đảng: ”Nhân dân đang hồ hởi thì cán bộ tổ chức cũng cần đẩy mạnh hơn, nỗ lực và quyết liệt hơn. Kiên quyết và kiên trì đưa các nghị quyết Đại hội Đảng 12 vào cuộc sống, phải có sản phẩm rõ ràng”.
Tổng bí thư đề nghị bắt tay chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng 13 với tinh thần đổi mới, phát triển. Các việc kiểm điểm, lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ phải công khai, minh bạch, chặt chẽ, coi như một cuộc tổng duyệt lại đội ngũ cán bộ.
“Tôi đề nghị các lãnh đạo đề cao trách nhiệm, đề cao tinh thần tiên phong gương mẫu. Trước mắt còn nhiều việc phải làm đầy khó khăn thách thức nên không được chủ quan, tự mãn”, Tổng bí thư kết luận trong tiếng vỗ tay của cả hội trường.
Đợi tiếng vỗ tay ngớt, Tổng bí thư nói: “Vỗ tay là đồng ý, đồng ý là phải làm”.
Chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở
Trình bày báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình – phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương – cho biết: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; chi ngân sách thường xuyên tăng và đang ở mức cao (65%), làm cho chi đầu tư phát triển giảm và nợ công tăng.
Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở, băn khoăn, lo lắng của các cấp uỷ Đảng, nhất là của Tổng bí thư…”.
Theo báo cáo, năm 2017 Ban Tổ chức trung ương đã tham mưu luân chuyển 471 cán bộ; điều động, biệt phái 1.467 cán bộ đối với cấp tỉnh, luân chuyển, điều động, biệt phái gần 6.000 cán bộ cấp huyện.
Riêng cấp trung ương, đã tiến hành quy trình bầu cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển 424 nhân sự, trong đó có 5 uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, 3 bộ trưởng và tương đương, 6 trưởng ban cơ quan Đảng, đoàn thể trung ương, 8 bí thư tỉnh, thành uỷ…
Tính đến nay, cả nước có hơn 4,9 triệu đảng viên; trên 56.000 tổ chức cơ sở đảng, trong đó gần 25.500 đảng bộ cơ sở và hơn 30.000 chi bộ cơ sở.