10/01/2025

Đền thờ Đức Bà Cả – Bêlem của Roma

Đền thờ Đức Bà Cả – Bêlem của Roma

Vào ngày 1/1/2025, vào dịp khai mạc Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mở Cửa Thánh Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma. Đây là một trong bốn đền thờ chính ở Roma, được gọi là các đền thờ Giáo hoàng. Đền thờ được xây dựng theo lệnh của Giáo hoàng Liberio tại địa điểm xảy ra trận tuyết rơi kỳ lạ vào tháng 8/359. Trong đền thờ có thánh tích Nôi Thánh và vì điều này đền thờ còn được gọi là Đền thờ Đức Maria Hang đá Giáng sinh.

Đền thờ Đức Bà Cả được xây dựng theo lệnh của Đức Giáo hoàng Liberio tại địa điểm xảy ra trận tuyết rơi kỳ diệu vào tháng 8 năm 359. Bên trong nhà thờ có lưu giữ thánh tích Nôi Thánh và vì lý do này, Đền thờ còn được gọi Đền thờ Đức Maria Hang đá Giáng sinh. Trong Đền thờ cũng lưu giữ một kiệt tác nghệ thuật thời Trung cổ, là cảnh Chúa giáng sinh do Arnolfo di Cambio thực hiện, một trong những tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất về cảnh Chúa Giáng Sinh.

Kính mời quý vị cùng Vatican News tìm hiểu thêm về Đền thờ Đức Bà Cả khi chúng ta đang trên hành trình chuẩn bị khai mạc Năm Thánh 2025.

Bức ảnh Đức Giáo hoàng Liberio vạch ra chu vi của Đền thờ Đức Bà Cả trên tuyết
Bức ảnh Đức Giáo hoàng Liberio vạch ra chu vi của Đền thờ Đức Bà Cả trên tuyết

Chu vi Đền thờ được đánh dấu bằng tuyết

Một sự kiện lạ thường: tuyết rơi vào giữa mùa hè ở Roma. Đúng như Đức Mẹ đã mặc khải trong giấc mơ cho Đức Giáo hoàng Liberio, người kế vị thứ 36 của Thánh Phêrô.

Vào ngày 5 tháng 8 năm 359. Đồi Esquilino phủ một màu trắng. Những mảnh tuyết rơi xuống đất đánh dấu chu vi để xây dựng một đền thờ dâng kính Đức Trinh Nữ. Đó là Đền thờ Đức Bà Cả. Đức ông Ivan Ricupero, trưởng ban cử hành phụng vụ của đền thờ giải thích với Vatican News: “Đền thờ nguyên thủy chắc chắn là không như hiện nay. Đó là một ngôi nhà thờ nhỏ bé hơn nhiều, chỉ có một gian giữa duy nhất”. “Qua nhiều thế kỷ, các phần khác đã được thêm vào. Trên thực tế, đền thờ đã được xây dựng lại vào năm 432 dưới thời Đức Giáo hoàng Sixto III. Những bức tranh khảm của khải hoàn môn gợi lại khoảnh khắc lịch sử đó.”

Bên trong Đền thờ Đức Bà Cả
Bên trong Đền thờ Đức Bà Cả

Bêlem thứ hai

Với Đức Giáo hoàng Sixto III, đền thờ ngay lập tức mang đặc tính biểu tượng của một “Bêlem thứ hai”. Thực tế là một Nhà nguyện Hang đá Giáng sinh đã được xây dựng bên trong đền thờ. Đó là một bản tái tạo trung thực của hang đá nơi Chúa Giêsu giáng sinh, được làm bằng đá từ Thánh địa. Hơn nữa, vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7, chính xác là vào năm 644, Thượng phụ Giêrusalem lúc bấy giờ là Thánh Sophronio đã tặng cho Đức Giáo hoàng Teodo I, một người gốc Giêrusalem, một món quà quý giá: thánh tích Nôi Thánh.

Thánh tích Nôi Thánh
Thánh tích Nôi Thánh

Thánh tích quý giá

Vào thời điểm đó, nhiều cuộc xâm lược của người Ba Tư đã tàn phá nhiều nơi gắn liền với ký ức về cuộc đời của Chúa Kitô. Vị thánh, tu sĩ và nhà thần học tương lai, người bảo vệ nhiệt thành tính chính thống, đã tặng cho Đức Giáo hoàng năm thanh gỗ cây sung của máng cỏ Bêlem, cùng với các tấm khăn mà theo truyền thống, đã được dùng để bọc Hài Nhi Giêsu mới chào đời. Các tấm khăn này ngày nay được lưu giữ bên trong hộp đựng thánh tích bằng pha lê quý giá, được trang trí bằng các bức phù điêu bằng bạc, do nghệ sĩ Giuseppe Valadier thực hiện vào đầu thế kỷ 19. Hòm đựng thánh tích được đặt trong nhà nguyện Giải tội (Confessio).

TượngTượng Đức Piô IX được đặt trước Nôi Thánh ở Đền thờ Đức Bà Cả
Tượng Đức Piô IX được đặt trước Nôi Thánh ở Đền thờ Đức Bà Cả

Thánh lễ đêm Giáng sinh đầu tiên

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều thế kỷ, Đền thờ Đức Bà Cả, còn được gọi là Đền thờ Đức Maria Hang đá Giáng sinh, đã trở thành điểm đến của các tín hữu Roma hành hương trong những ngày lễ Giáng sinh, đồng thời là nơi được các Đức Giáo hoàng và các vua rất sùng kính và chăm sóc quan tâm. Đức ông Ricupero chia sẻ tiếp: “Kể từ đó, Thánh lễ đêm Giáng sinh đã được cử hành tại đền thờ này. Ít người biết rằng đêm canh thức Giáng sinh đầu tiên đã được cử hành tại đây. Sau đó phong tục này được truyền lại và trở thành truyền thống phụng vụ của Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới… Trong nhiều thế kỷ, vào đêm ngày 24 tháng 12, Đức Giáo hoàng đã đến đây để chủ tế Thánh lễ và cho đến trước khi xảy ra trường hợp khẩn cấp về đại dịch, thánh tích đã được rước trong đền thờ khi hát kinh Vinh Danh.”

Đức ông Ricupero cũng cho biết thêm: “Kể từ năm ngoái, chúng tôi đã quyết định trưng bày thánh tích một lần nữa, được nâng cao để có thể được tôn kính vào đêm Giáng sinh và cho đến ngày lễ Hiển Linh”.

Thánh tích Nôi Thánh được trưng bày trong mùa Giáng Sinh
Thánh tích Nôi Thánh được trưng bày trong mùa Giáng Sinh

Di chuyển Nhà nguyện Hang đá Giáng sinh

Nhà nguyện Hang đá Giáng sinh cổ xưa ban đầu được đặt ở gian giữa bên phải của Đền thờ Đức Bà Cả. Nhờ hệ thống ròng rọc và tời phức tạp do kiến ​​trúc sư Domenico Fontana thiết kế, Nhà nguyện Hang đá đã được chuyển xuống bên dưới Nhà Tạm Thánh Thể bằng đồng mạ vàng của Nhà nguyện Thánh Thể. Nhà nguyện này được xây dựng vào năm 1590 bởi Đức Giáo hoàng Sixto V theo quy định của Công đồng Trento.

Thánh lễ đầu tiên của Thánh Inhaxiô và thị kiến ​​của Thánh Giêtanô thành Thiene

Được bao quanh bởi những bức bích họa về các tổ phụ của Chúa Giêsu Kitô và những câu chuyện về Đức Trinh Nữ, Đức Giáo hoàng Sixto V, vị Giáo hoàng thời Phục hưng được vẽ trên bức tường bên trái của nhà nguyện tang lễ dâng kính ngài. Đức Giáo hoàng trong tư thế cầu nguyện, đôi mắt hướng về bàn thờ thời Trung cổ của Nhà nguyện Hang đá Giáng Sinh. Trong nhà nguyện này, vào các đêm Giáng sinh năm 1517 và 1538, Thánh Giêtanô thành Thiene đã được thị kiến ​​thần bí về Hài Nhi Giêsu và Thánh Inhaxiô thành Loyola đã cử hành Thánh lễ đầu tiên. Đức ông Ivan Ricupero giải thích: “Vị thánh sáng lập Dòng Tên đã muốn cử hành lễ này ở Bêlem, nhưng do một loạt những tình huống bất ngờ xảy ra nên ngài không thể thực hiện được mong muốn đó. Ngài đã thực hiện ước nguyện này tại Đền thờ Đức Bà Cả, nơi được coi là Bêlem của Roma”.

Hang đá Giáng sinh của Arnolfo

Chưa đầy 70 năm sau cảnh Chúa Giáng Sinh bằng người thật được Thánh Phanxicô thực hiện ở thị trấn Greccio của Ý, vào năm 1289, theo yêu cầu của Đức Giáo hoàng Nicola IV, Giáo hoàng đầu tiên thuộc dòng Phanxicô, nghệ sĩ Arnolfo Di Cambio đã sáng tác tác phẩm điêu khắc được xem là cảnh Chúa Giáng Sinh có lâu đời nhất trong lịch sử.

Trong số kiệt tác nghệ thuật tạo hình thời trung cổ độc đáo này, cũng được Vasari đề cập, có ít nhất 5 tượng nguyên bản bằng đá cẩm thạch còn sót lại, trong đó có tượng Thánh Giuse, hai Đạo sĩ đứng, một Đạo sĩ quỳ gối cầu nguyện, đầu của các con bò và lừa. Bên cạnh đó cũng có một tượng Đức Mẹ với Hài Nhi, ngồi trên một tảng đá và có kích thước lớn hơn: cao khoảng một mét. Ý kiến cho rằng tượng Đức Mẹ với Hài Nhi là tác phẩm của nghệ sĩ Arnolfo đang gây tranh cãi, bởi vì theo một số học giả, tượng đã được sửa lại rất nhiều vào thế kỷ XVI. Dấu vết của sắc tố hiện diện trên đá chứng tỏ cảnh Chúa giáng sinh bằng đá ban đầu, trong đó không biết chính xác số lượng tác phẩm điêu khắc, chắc chắn đã được tô màu như thế nào.

Ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của Dân thành Roma
Cảnh Giáng Sinh của nghệ sĩ Arnolfo

Đền thờ Đức Bà Cả hướng tới Năm Thánh

Giống như các mục đồng được thiên thần loan báo về Đấng Cứu Thế giáng sinh, trong Năm Thánh 2025, nhiều tín hữu hành hương sẽ đến Đền thờ Đức Bà Cả, Bêlem của phương Tây. Bước qua không gian cử hành phụng vụ rộng lớn, ánh nhìn của họ sẽ bị thu hút bởi vô số bức tranh khảm, các bức tranh và tác phẩm điêu khắc rất có giá trị; từ những thánh tích quý giá là áo choàng của Đức Trinh Nữ, rơm và khăn choàng, những tấm khăn quấn Hài Nhi Giêsu.

Ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của Dân thành Roma và nhà truyền giáo Matteo Ricci

Cuối cùng, chúng ta không thể bỏ lỡ việc dừng chân trước Ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của Dân thành Roma, bức icon mà theo truyền thống, được vẽ bởi chính Thánh Luca, vị thánh bảo trợ của các họa sĩ. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy bức họa được thực hiện vào khoảng thời gian giữa thế kỷ 9 và 11. Đức ông Ricupero nhận xét: “Đó là một hình ảnh rất thân thương đối với lòng sùng kính của các Giáo hoàng và đặc biệt là của Đức Phanxicô, người đến đây trước và sau mỗi chuyến tông du nước ngoài. Lòng sùng kính này rất phổ biến trong số các tu sĩ Dòng Tên: ít người biết rằng Cha Matteo Ricci, khi bắt đầu đi truyền giáo ở Trung Quốc, đã được Đức Giáo hoàng trao một bản copy của bức ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của Dân thành Roma và cha đã mang theo đi truyền giáo.”

Ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của Dân thành Roma
Ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của Dân thành Roma

Các lần kiểm nghiệm về di tích

Trọng tâm của chuyến viếng thăm Năm Thánh tới Đền thờ Đức Bà Cả sẽ là việc dừng lại cầu nguyện dưới bàn thờ chính, trước thánh tích Nôi Thánh, một thánh tích có giá trị lịch sử và sùng kính đã được các nghiên cứu khoa học gần đây đánh giá. Phấn hoa được thu thập bên trong những cây vả có nguồn gốc từ khu vực địa lý của Bêlem vào thời Chúa Giêsu. Một sự xác nhận về những gì đã được chứng thực trong nhiều thế kỷ, trong số những xác nhận khác, còn có xác nhận của Thánh Giêrônimô. Đức ông Ricupero nhắc rằng “Các cuộc khảo sát đã được thực hiện vào năm 2018 khi Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định tặng một mảnh gỗ của Nôi Thánh cho Dòng Phanxicô tại Thánh Địa vào tháng 11 năm 2019.”

Các thanh gỗ từ Nôi Thánh
Các thanh gỗ từ Nôi Thánh

Cánh cửa dẫn đến mầu nhiệm Nhập Thể

Đức Thánh Cha sẽ mở Cửa Thánh Đền thờ Đức Bà Cả vào ngày 1 tháng 1 năm 2025, lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Đức ông Ivan Ricupero kết luận: “Ngay từ năm 1390 đã có những chứng thực rằng ở đây đã có một Cửa Thánh. Các tín hữu có thể đi qua Cửa Thánh để nhận được ân xá. Việc kính viếng Đền thờ Đức Bà Cả gắn liền với sự kiện Giáng sinh này là cơ hội để những người hành hương và khách du lịch đến gần hơn với mầu nhiệm Nhập thể vĩ đại”.

Cửa Thánh Đền thờ Đức Bà Cả
Cửa Thánh Đền thờ Đức Bà Cả
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-07/den-tho-duc-ba-ca-belem-cua-roma.html