Chúa Nhật XII TN B 2024
Những cơn dông bão trên biển đời
Thánh Phaolô nhắc nhở ta hôm nay hãy để cho “tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5,14-17).
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Hình ảnh Chúa Giêsu bình thản nằm ngủ giữa cơn dông bão như mời gọi ta tin vào sự quan phòng của Chúa Cha.
1. Những cơn dông bão trên biển đời
Đứng trước những cơn dông bão của cuộc đời, nhiều người có những thái độ và phản ứng khác nhau, nhưng tất cả đều sợ hãi như các môn đệ của Chúa Giêsu (x. Mc 4,35-41). Dông bão này tượng trưng cho những đau khổ, căng thẳng, thất bại, bệnh tật, bách hại, chết chóc, thậm chí cả việc phải đối mặt với quyền lực của bóng tối mà con người gặp phải trong đời sống của phận người.
Để giải thích dông bão, một số người cho đó là hậu quả tất nhiên của thiên nhiên cũng như từ những hành động ác đức của con người theo luật nhân quả. Có những người theo thuyết định mệnh lại cho rằng Trời đã an bài, sắp đặt từ trước mọi biến cố xảy ra trong đời sống của cá nhân hay cộng đồng, nên con người phải cúi đầu chấp nhận số phận, có phản kháng cũng vô ích. Nhiều tín hữu Công giáo lại tin đó là sự quan phòng hay an bài của Thiên Chúa.
Tuy nhiên không ít người, nhất là những bạn tr, đã phản kháng thái độ chịu đựng bi quan, an phận này. Họ lập luận rằng: không lẽ Chúa ác độc đến độ tạo nên sự tàn phá, bệnh tật, chết chóc và lại là cái chết cho hàng triệu con người, trong đó có cả những người vô tội, sống đạo đức tốt lành như trong đại dịch Covid 19, trong cuộc chiến ở dải Gaza hay ở Ucraina? Rồi lời kinh cầu nguyện trong cả năm trời của hàng triệu tín hữu, lại không đánh động được lòng thương xót của Chúa hay sao? Nếu Chúa quyền năng vô cùng, sao Ngài lại bất lực trước thảm hoạ thiên nhiên hay tội ác của con người? Do đó, vì không tìm hiểu sâu xa và không giải đáp được những câu hỏi về các thảm hoạ trong đời sống, nên nhiều người đã bỏ cầu nguyện, dự lễ, thậm chí đánh mất cả lòng tin sau cơn những cơn dông bão. Vì thế ta cần tìm hiểu về Chúa quan phòng.
2. Chúa quan phòng là ai?
Từ quan phòng bắt nguồn từ nguyên ngữ Latinh “Providentia”, tiếng Anh, tiếng Pháp là “Providence”, gồm động từ “Videre” có nghĩa là nhìn xem, quan sát, và từ “Pro” có nghĩa là “hữu ích cho”. Từ điển tiếng Việt không biết đến từ này, nhưng có từ “an bài”. Từ điển tiếng Anh chuyển dịch thành “Ý Trời, ý Chúa, mệnh Trời, Thiên cơ”.
Từ điển Công giáo giải thích: “Quan phòng có nghĩa là chú ý nhìn xem và gìn giữ. Vì thế, tin vào sự quan phòng là tin vào việc Thiên Chúa lo liệu trong sự khôn ngoan và tình yêu của Ngài, để dẫn đưa mọi thụ tạo tới mục đích sau cùng là chính Ngài” (x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, 2019, mục từ Quan phòng; GLHTCG, số 321).
“Thiên Chúa không dựng nên mọi sự rồi bỏ mặc chúng, nhưng quan tâm, bảo tồn, chăm sóc và hướng dẫn chúng theo ý định muôn thuở của Ngài. Mọi thụ tạo được dựng nên đều tốt lành và hoàn hảo nhưng chưa tuyệt đối. Chúng đang tiến đến sự hoàn hảo tối hậu do Thiên Chúa định sẵn. Sự quan phòng chính là đường lối Ngài sắp đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo đó (x. GLHTCG, số 301-302). Thiên Chúa cũng ban cho con người khả năng tham dự vào sự quan phòng của Ngài qua việc làm chủ trái đất” (x. số 307).Vì thế, chúng ta tích cực hành động để cho vạn vật, con người và cộng đồng xã hội cảm nhận được hạnh phúc và bình an của Thiên Chúa.
Nhưng, Thiên Chúa cũng đặt con người sống giữa những đau khổ, buồn phiền, thất bại, bệnh tật, chết chóc, không phải như một định mệnh an bài tự nhiên của kiếp người. Chúng bắt nguồn từ việc con người tự do cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa. Thiên Chúa không dựng nên những thứ tiêu cực đó. Chúng xuất hiện là do tội lỗi của con người đã làm xáo trộn vạn vật cũng như gây nên nhiều tai hại cho cộng đồng. Trong sự khôn ngoan, Ngài thấy rõ tất cả, biết trước tất cả, nên khi con người phải chịu đựng chúng, Chúa vẫn ở bên và nâng đỡ họ với quyền năng quan phòng của Ngài như Đức Giêsu cùng thuyền với các môn đệ trong cơn bão tố.
Có những người giống như các bạn của ông Gióp: muốn kết tội những nạn nhân, buộc họ phải nhận rằng mình đã phạm tội, nên đáng phải chịu những dông bão đó. Tuy nhiên, có những tín hữu như ông Gióp xác định rằng mình đã ăn ở liêm chính, còn đau khổ hoạn nạn bắt nguồn từ những thử thách Chúa gửi đến, mà không rõ nguyên nhân. Bài đọc I hôm nay (x. G 38,1.8-11) muốn xác định điều đó: con người không có quyền đòi Thiên Chúa phải giải thích tại sao một người công chính như ông Gióp lại phải chịu bao tai ương, bệnh nạn, con cái chết hết, tài sản tiêu tan, người vợ khinh thường, bạn bè xa lánh.
Hành động của Thiên Chúa vượt quá khả năng hiểu biết và phán đoán của con người. Những đau khổ, mà con người trải qua như ông Gióp, có là gì so với những diễn biến trong trái đất và vũ trụ này do Thiên Chúa điếu khiển. Vì thế, con người bé nhỏ hãy tin vào sự quan phòng của Ngài như ông Gióp (G 40,4-5), họ sẽ được bình an và sẽ được phục hồi gấp đôi những gì họ phải chịu đựng và mất mát. Còn các người đã chết, không phải là họ biến mất vào cõi hư vô, nhưng là về với Chúa là người cha của mình.
3. Thái độ an bình của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu mời gọi tín hữu hãy phó thác đời mình cho sự quan phòng của Cha Trên Trời với tình con thảo. Hãy ngắm xem chim trời, hoa huệ ngoài đồng để học bài học này (x. Mt 6,31-33; 10,29-31).
Đứng trước thảm trạng về bệnh tật, tàn phá, giết hại vì con người đang lừa dối nhau, đang xung đột bởi những hệ tư tưởng khác biệt, đang bị tham vọng dục vọng che mờ lương tâm, Chúa Giêsu mời gọi con người hãy yêu thương nhau vì Thiên Chúa là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới giúp cho con người vượt qua những sự thật khắc nghiệt và lạnh lùng đó. ĐGH Bênêđictô XVI đã viết điều này trong Thông điệp Caritas in Veritate (Tình yêu trong Sự thật), công bố năm 2009.
Đối mặt với thực tế khắc nghiệt là những cơn dông bão, Đức Giêsu vẫn bình thản dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Không phải là Người “vô tư” không biết gì đến những sợ hãi, lo lắng của các môn đệ đang hoảng loạn. Người chỉ muốn chứng tỏ cho các môn đệ bài học tin vào tình yêu của Chúa Cha: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,32-34). Cha Trên Trời yêu chúng ta đến nỗi không tiếc ban Con Một Ngài, thì chắc chắn Ngài sẽ bảo vệ và gìn giữ chúng ta! Vì thế, Đức Giêsu trách chúng ta: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”.
Tuy nhiên, chúng ta không được tin cách mù quáng vào tình yêu Thiên Chúa, để nghĩ rằng Cha Trên Trời sẽ bảo vệ mình, rồi không làm gì hết: không chống đỡ với sóng to, gió lớn, không cẩn thận canh phòng trước sức tấn công, cám dỗ của quỷ ma. Trái lại, ta phải tích cực hành động vì yêu thương trọn vẹn như Chúa Giêsu, phải “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người trước đã” (Mt 6,33). (Chúng ta đã tìm hiểu Nước Thiên Chúa là gì trong tuần vừa qua). Do đó, thánh Phaolô nhắc nhở ta hôm nay hãy để cho “tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5,14-17).
Lời kết
Khi sống như thế ta mới thật sự là một thọ tạo mới (2Co 5,17), tràn đầy quyền năng của Đức Giêsu và ân sủng của Thánh Thần để có thể bình tâm và an lạc giữa mọi cơn dông bão của cuộc đời. Amen.