Chúa Nhật XI TN B – 2024
Xây dựng Nước Thiên Chúa cho con người
Hôm nay, tìm hiểu về Nước Thiên Chúa, chúng ta rất vui mừng và tự hào mình là công dân của Nước đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy ngay những yêu cầu cấp thiết và thực tế là phải xây dựng nước đó như thế nào khi đang sống giữa xã hội hiện nay.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh mời gọi chúng ta suy niệm về Nước Thiên Chúa. Bài đọc I (x. Ez 17,22-24) mô tả Nước đó như một chồi non được Thiên Chúa trồng trên đỉnh núi cao của Israel, trở thành một cây hương bá huy hoàng, muông chim đến nương mình dưới nó. Trong bài Tin Mừng (x. Mc 4,26-34), Đức Giêsu kể hai dụ ngôn để so sánh Nước Thiên Chúa: như các hạt lúa giống được gieo xuống ruộng, qua năm tháng mọc lên trở thành các bông lúa nặng trĩu hạt nuôi sống muôn loài; hay như hạt cải rất nhỏ bé, mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. 2 Cr 5,6-10) đã mời gọi chúng ta: “Dù còn trong thân xác hay lìa bỏ thân xác, chúng ta chỉ có một tham vọng duy nhất là làm đẹp lòng Chúa… để mỗi người lãnh nhận tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác”.
Vì thế, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về Nước Thiên Chúa để có thể xây dựng Nước đó cho muôn loài.
1. Nước Thiên Chúa là gì?
Từ “Nước” ở đây chỉ một vùng đất, trong đó có những con người thuộc về một hay nhiều dân tộc, cùng sống chung với nhau dưới một chế độ chính trị xã hội và cùng thuộc về một nhà nước nhất định như chúng ta thường nói: nước Việt Nam, nước Pháp, nước Anh, nước Hoa Kỳ… Chúng ta vẫn thường dùng những từ trong Thánh Kinh Tân Ước như Nước Thiên Chúa, hay Nước Trời. Tuy nhiên ta cũng nên phân biệt một chút. Vì người Do Thái không dám gọi trực tiếp tên Thiên Chúa là Giavê, nên khi viết Tin Mừng cho người Do Thái thánh Matthêu dùng từ Nước Trời. Còn các sách Tin Mừng khác theo thánh Marcô, Luca và Gioan, đều dùng từ “Nước Thiên Chúa”, vì các dân tộc khác không cần kiêng huý tên Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta còn gặp những từ như triều đại Thiên Chúa, vương quốc Thiên Chúa, vuơng quyền của Đấng Kitô cũng hàm ý tương tự như từ “nước”. Như thế, Nước Trời đồng nghĩa với Nước Thiên Chúa.
Nước Trời cũng không phải chỉ thứ “nước ở trên trời”, trong khi ta đang sống trong một nước ở dưới đất. Từ “Thiên Chúa” ở đây, như ta đã biết, mới chỉ được dùng từ năm 1924, đúng 100 năm nay, còn trước đấy, từ năm 1615, tổ tiên Công giáo chúng ta đã dùng từ Đức Chúa Trời. Từ này lại là tên ngắn của từ Thiên Địa Chân Chúa, nói gọn thành Thiên Chúa, nghĩa là chỉ vị thật sự có quyền lực cao nhất trên trời dưới đất hay “Chúa thật của trời đất”.
Khi nói đến nước nào đó, người ta luôn hàm chứa 3 yếu tố: lãnh thổ địa lý, người dân sống trên lãnh thổ đó và quyền bính chính trị thể hiện trên dân chúng. Trong Nước Thiên Chúa, lãnh thổ là toàn thể vũ trụ hữu hình cũng như vô hình; người dân là toàn thể các thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, gồm loài người, vạn vật và các thiên thần; quyền bính là quyền lực siêu việt và tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa thực thi trên mọi công dân.
Vậy Nước Thiên Chúa là thuật ngữ chỉ quyền bính của Thiên Chúa trong lịch sử thế giới. Nước Thiên Chúa hoàn tất khi ý định ngàn đời của Thiên Chúa được hoàn thành, đó là đưa mọi sự vào trong tình yêu vĩnh cửu của Ngài” (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Từ điển Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2019, tr.657). Thiên Chúa là tình yêu và kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa chính là thể hiện tình yêu đó cho muôn loài (x. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.15-32).
2. Đức Giêsu là hiện thân của Nước Thiên Chúa
Thiên Chúa Cha không muốn cho loài người không biết và hiểu sai về Nước Ngài nên đã sai Con Một Ngài là Chúa Giêsu Kitô đến trần gian để thiết lập và giảng dạy về Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu thiết lập Nước Thiên Chúa
Nước Thiên Chúa được hứa hẹn trong Thánh Kinh Cựu Ước từ muôn thuở (x. LG 5, 46, DV 15) đã được Đức Giêsu triển khai trên trái đất (x. LG 3, 5, 46; DV 17). Người là hiện thân của Nước đó vì Người là tất cả những gì tốt đẹp mà Chúa Cha muốn chia sẻ cho muôn loài. Chính Người mạc khải về Nước đó bằng những lời giảng dạy qua các dụ ngôn, bằng những dấu chỉ, phép lạ (x. Lc 4,16-22; LG 5, 35; AG 12; GLHTCG 547), bằng cái chết và sự sống lại của Người để chứng tỏ cho thấy Nước Thiên Chúa là Chúa Giêsu thật sự đang ở giữa chúng ta (x. Mt 12,28) và chúng ta cũng có nhiệm vụ xây dựng Nước ấy để muôn loài cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa đang ở giữa họ và đang yêu họ.
Nước Thiên Chúa được cảm nghiệm trong hiện tại (x. Mt 12,28) ở trần thế này như là sự công chính, bình an, niềm vui trong Thần Khí (x. Rm 14,17). Nhưng đồng thời Nước đó cũng siêu việt, vượt lên trên thời gian, mang tính thần thiêng và vĩnh hằng qua dụ ngôn Tiệc Cưới dành cho mọi người, dù họ nghèo đói, thấp hèn (x. Mt 8,11; 22,1-14).
Nước Chúa không phải là những lời nói suông, nhưng là tất cả các giá trị tích cực trong đời sống mà Thiên Chúa muốn chia sẻ cho các công dân của nước mình để họ thực hiện cho nhau. Công đồng Vaticanô II, trong 16 văn kiện, nhất là trong Hiến chế Tín lý Lumen Gentium (số 36); và Hiến chế Mục vụ Giáo Hội trong Thế giới Ngày nay (số 39), luôn nhắc nhở rằng: “Nước Chúa là sự thật và sự sống, là sự thánh thiện và ân sủng, là công lý, tình yêu và hoà bình”. Khi chúng ta gieo rắc sự thật, tôn trọng sự sống, thể hiện tình yêu, niềm vui và bình an cho mọi người… là chúng ta đang thật sự xây dựng Nước Thiên Chúa.
Hôm nay, Chúa Giêsu muốn diễn tả những điều đó qua hai dụ ngôn. Trước hết, Nước đó giống như hạt lúa giống gieo xuống đất, dù là đêm hay ngày, dù người gieo ngủ hay thức, hạt giống vẫn âm thầm mọc lên, sinh hoa kết quả đem lại sự sống, niềm vui và hạnh phúc cho muôn loài. Điều đó gợi ý rằng: chúng ta có nhiệm vụ xây dựng Nước Chúa bằng những hành động tích cực giống như một người nông dân cày bừa, gieo cấy, tưới nước, nhổ cỏ, bón phân… để Chúa làm cho cây lúa lớn lên như thánh Phaolô đã từng cảm nghiệm: “Tôi trồng, anh Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng, người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình.” (1Cr 3,6-8).
Hơn nữa, chính những giá trị tích cực ta gieo vãi trong lòng xã hội sẽ làm cho Nước Chúa lớn mạnh để những người dân trong xã hội trần thế được hưởng nhờ, giống như hạt cải mọc thành một cây to che chở chim trời đến trú ẩn dưới những tàn lá của nó. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở ta rằng: “Khi Đức Giêsu tuyên bố Nước Trời đã đến, Người không chỉ chữa lành và cứu mạng một số cá nhân, mà hơn thế, Người thiết lập một hình thức mới của cộng đồng, một vương quốc của hoà bình và công lý. Chắc chắn chỉ Thiên Chúa mới có thể hoàn thành vương quốc ấy cách trọn vẹn. Tuy nhiên, các tín hữu cũng cần phải góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Họ cần phải xây dựng thành đô con người ‘nhân đạo hơn, vì thành đô này tương hợp với Nước Thiên Chúa’ (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 63). Khi so sánh Nước Thiên Chúa với men dần dần làm dậy lên cả khối bột lớn, Người muốn chỉ bảo cách thức hành động mà các Kitô hữu nên làm trong xã hội” (x. Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, số 28, tr. 40).
Lời kết
Hôm nay, tìm hiểu về Nước Thiên Chúa, chúng ta rất vui mừng và tự hào mình là công dân của Nước đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy ngay những yêu cầu cấp thiết và thực tế là phải xây dựng nước đó như thế nào khi đang sống giữa xã hội hiện nay. Xin cho mỗi người chúng ta thật sự là chứng nhân của Nước này cho mọi người, mọi vật quanh ta.