24/11/2024

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 7 PS NĂM B – CHÚA THĂNG THIÊN

Bạn nghĩ gì về ngắm thứ hai Mùa Mừng: Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được yêu mến những sự trên trời. Theo bạn, đâu là những sự trên trời, đâu là những sự dưới đất? Yêu những sự trên trời có khó không? Bạn có cảm thấy sức kéo xuống của những sự dưới đất không?

Lời Chúa: Mc 16,15-20

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

HỌC HỎI:

  1. Đọc các đoạn văn sau: Mc 16,19; Lc 24,51; Ga 20,17; Cv 1,2.9.11.22. Các đoạn này có nói về việc Đức Giêsu được đưa lên trời không? Đức Giêsu được đưa lên trời nghĩa là gì?
  2. Theo Mc 16,9-20, trước khi lên trời, Đức Giêsu phục sinh hiện ra mấy lần? Ngài khiển trách các môn đệ về chuyện gì? Trong Tin Mừng Mác-cô, các môn đệ có thường bị Ngài khiển trách như vậy không?
  3. Đọc Mc 16,16. Để được cứu độ cần có điều kiện nào? Người chưa tin Chúa có được cứu độ không?
  4. Tìm một câu trong bài Tin Mừng này cho thấy Đức Giêsu phục sinh trao cho chúng ta sứ mạng đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người trên thế giới.
  5. Đọc Mc 16,17-18. Các môn đệ có làm được mọi điều đó không? Đọc thêm Cv 2,4; 3,6; 9,12; 10,46; 16,18; 28,3-6.8. Nhờ đâu họ làm được những điều đó?
  6. Đọc Mc 16,19-20. Trong Tin Mừng Mác-cô, có chỗ nào khác Đức Giêsu được gọi là Chúa Giêsu không? “Ngự bên hữu Thiên Chúa” nghĩa là gì? Đọc thêm Mc 12,36; 14,62 và Thánh vịnh 110,1.
  7. Đọc Mc 16,19-20. Chúa Giêsu được rước lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa. Ngài có còn ở lại với các môn đệ không? Ngài có làm gì cho họ không?

Gợi ý suy niệm:

Bạn nghĩ gì về ngắm thứ hai Mùa Mừng: Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được yêu mến những sự trên trời. Theo bạn, đâu là những sự trên trời, đâu là những sự dưới đất? Yêu những sự trên trời có khó không? Bạn có cảm thấy sức kéo xuống của những sự dưới đất không?

PHẦN TRẢ LỜI:

  1. Các tác giả của các sách Tin Mừng Nhất Lãm dùng những động từ khác nhau để diễn tả việc Đức Giêsu về trời. Mc 16,19 và Cv 1,2.11.22 nói Đức Giêsu đã được rước lên trời (anelêmphthê); Lc 24,51 nói Ngài đã được đem lên trời (anephereto); Còn Cv 1,9 nói Ngài đã được cất lên (epêrthê). Tất cả những động từ trên đây đều ở dạng thụ động. Điều đó cho thấy, Đức Giêsu không tự mình lên trời, nhưng đã được Chúa Cha đưa về trời. Tin Mừng thứ Tư không nói về chuyện Đức Giêsu được đưa lên trời, nhưng lại nói đến việc Đức Giêsu “lên cùng Cha của Thầy… lên cùng Thiên Chúa của Thầy” (Ga 20,17). Đức Giêsu là Đấng từ Thiên Chúa mà đến (Ga 7,28), và sau khi hoàn tất mọi việc Cha giao thì Ngài “về với Cha” (Ga 13,1.3) hay “đến với Cha” (Ga 17,13). Nói cách khác, Ngài “lên cùng Cha” hay “lên cùng Thiên Chúa”.
    Đối với người Do-thái, trời được coi là nơi Thiên Chúa ngự. Thế nên sau khi chịu chết và được phục sinh, Đức Giêsu được Chúa Cha đưa về trời, để ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang. Mầu nhiệm Thăng Thiên cho thấy Đức Giêsu thật là Đấng bởi trời mà đến, vì “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13).
  1. Theo Mc 16,9-20 Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ ba lần trước khi về trời. Trước tiên Ngài hiện ra cho bà Maria Mácđala để bà đi báo cho các môn đệ, nhưng họ không tin. Sau đó Ngài hiện ra cho hai môn đệ trên đường về quê để hai ông đi báo tin cho các ông khác, nhưng họ vẫn không tin. Cuối cùng, chính Đức Giêsu tỏ mình cho Nhóm Mười Một khi họ đang dùng bữa. Trong lần cuối này, Ngài khiển trách họ vì họ không tin những kẻ đã được thấy Ngài phục sinh. Trong Tin Mừng Mác-cô, các môn đệ nhiều lần bị Thầy khiển trách vì không tin và cứng lòng (xem Mc 4,40; 7,18; 8,16-21.32-33).
  2. Theo Mc 16,16 ai tin và chịu phép Rửa thì sẽ được cứu độ. Còn ai cố tình không tin do cứng lòng và khép kín thì sẽ bị kết án, luận phạt, nghĩa là không được cứu độ. Theo Công Đồng Vaticanô II, “những ai không vì lỗi của mình mà chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Giáo Hội Người, nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu” (Hiến chế về Giáo Hội, 16). Như vậy, không phải bất cứ ai không tin và không chịu phép Rửa, đều mất ơn cứu độ.
  3. Chúa Giêsu phục sinh trao cho các môn đệ một sứ mạng phổ quát trong Mc 16,15: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Như thế các môn đệ được lệnh lên đường, đến với mọi nơi trên toàn thế giới, và đến với mọi người, mọi loài thụ tạo. Các môn đệ đã vâng lời Ngài, ra đi rao giảng khắp nơi (Mc 16,19). Đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng là mệnh lệnh của Chúa phục sinh. Trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu cũng nói: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (Mt 28,19). Dù theo Công Đồng Vaticanô II, một người thiện chí sống theo tiếng lương tâm, tuy không biết Chúa và Giáo Hội, nhưng không do lỗi của mình, người ấy có thể được Chúa ban ơn cứu độ. Nhưng chúng ta vẫn có bổn phận loan báo Tin Mừng cho mọi người, để không ai có thể nói mình chưa hề nghe biết Tin Mừng Đức Kitô. Chúng ta phải loan báo Tin Mừng vì Chúa Giêsu đã truyền lệnh như thế. Chúng ta phải làm sao để mọi người nghe biết Chúa, còn chuyện họ có tin hay không thì thuộc trách nhiệm của họ.
  4. Sau này các môn đệ làm được hầu hết những gì Chúa nói ở Mc 16,17-18. Theo sách Công vụ Tông đồ, họ đã nói được những thứ tiếng mới lạ (Cv 2,4; 10,46), trừ quỷ (Cv 16,18), cầm rắn trong tay mà không bị hại (Cv 28,3-6), và chữa bệnh bằng cách đặt tay (Cv 3,6; 9,12; 28,8). Đây là những dấu lạ đi theo những ai có lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Các môn đệ đã tin và đã cầu nguyện và nhân danh Chúa Giêsu phục sinh để làm những dấu lạ đó (Cv 3,6; 9,17; 16,18; 28,8). Trừ quỷ và chữa bệnh là hai việc mà Thầy Giêsu đã cho các môn đệ có quyền làm (Mc 3,15; 6,13).
  5. Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu chỉ được gọi là Chúa hai lần trong Mc 16,19-20 thôi. Ở những chỗ khác Ngài được gọi là Đấng Kitô (Mc 1,1; 8,29), hay là Con Thiên Chúa (Mc 1,1; 3,11; 5,7; 15,39). Chúa là danh hiệu mới của Đức Giêsu phục sinh vinh quang. Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Chỗ ngồi bên hữu là vị thế có tầm quan trọng hơn cả ở bên cạnh nhà vua (x. Tv 110,1; Mc 12,36). Sau phục sinh, Đức Giêsu được hưởng vinh quang cao nhất bên Thiên Chúa Cha. Chúa Cha tôn vinh Đức Giêsu lên làm Chúa sau cuộc khổ nạn và cái chết (Pl 2,9-11). Như thế lời tiên tri của Đức Giêsu trước mặt vị thượng tế đã được ứng nghiệm (Mc 14,62).
  6. Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu của Thiên Chúa. Nhưng Ngài không bỏ các môn đệ ở lại trần thế một mình. Chính vì Ngài là Chúa ngự trên trời mà tầm hoạt động của Ngài rộng hơn khi Ngài còn sống ở trần gian. Khi Ngài ở trong thân xác bình thường ở đời này như chúng ta, thân xác ấy vừa giúp đỡ, vừa hạn chế việc Ngài tiếp cận với mọi người ở mọi nơi. Ngài không thể vừa ở Galilê, vừa ở Giuđê; không thể đồng thời vừa chữa cho bà bị băng huyết, vừa làm cho con gái ông Gia-ia hồi sinh (Mc 5,21-43). Nhưng với thân xác được biến đổi và tôn vinh trên trời, và với uy quyền của Đức Chúa, giờ đây Chúa Giêsu dễ dàng ở lại với từng người và với mọi người chúng ta. Ngài cùng làm việc với chúng ta (Mc 16,20). Ngài cùng chúng ta đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, làm phép Rửa cho họ, chữa lành và trừ quỷ. Ngài bảo vệ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy (Mc 16,18). Như thế Chúa Giêsu phục sinh không chỉ giao sứ mạng cho môn đệ, cũng không chỉ “ở cùng họ cho đến tận thế” (Mt 28,20), Ngài còn “cùng làm việc với họ” trong mọi hoạt động được giao, và xác chuẩn lời rao giảng của họ bằng các dấu lạ đi kèm (Mc 16,20).

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện: