23/12/2024

Vatican tổ chức hội nghị về tiến bộ công nghệ và căn tính con người

Vatican tổ chức hội nghị về tiến bộ công nghệ và căn tính con người

Hơn 20 học giả từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau đến Roma để thảo luận về phản ứng của nhân loại đối với tiến bộ khoa học và công nghệ. Chủ đề của hội nghị là “Con người: Ý nghĩa và Thách thức”, hiện đang diễn ra tại Roma trong hai ngày 12-13/2, do Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống tổ chức.

Các nhà khoa học, triết gia, thần học và kinh tế học đã tập trung tại Vatican để thảo luận về tiến bộ khoa học và công nghệ cũng như những cách thức sử dụng nó để phục vụ con người.

Hành động tập thể về các vấn đề của con người

Giáo sư Mariana Mazzucato của Đại học College London cho biết bà hy vọng chứng minh được rằng những vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt ngày nay đòi hỏi phải có hành động tập thể, nhằm vào lợi ích chung.

Bà nói, hiện tại không có mô hình kinh tế nào hỗ trợ cho cách tiếp cận này: “không có nền kinh tế vì lợi ích chung”. Theo các lý thuyết kinh tế đang thống trị, Giáo sư Mazzucato giải thích, các chính phủ nên để phần lớn công việc cho thị trường giải quyết, chỉ can thiệp trong trường hợp thị trường thất bại.

Bà lập luận: “Không thể đạt được các mục tiêu của chúng ta về cuộc khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng đa dạng sinh học, khủng hoảng nước và các đại dịch tương lai nếu chúng ta tiếp tục nghĩ theo kiểu chỉ sửa vá các thứ.”

Như một lối tiếp cận khác, Giáo sư Mazzucato đã đưa ra các Thông điệp Laudato Si’ và Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô, mà bà cho là thể hiện lời kêu gọi “hồi sinh trí tuệ tập thể và sự hợp tác tập thể”.

Trí tuệ nhân tạo và căn tính con người

Phát biểu trong hội nghị, Giáo sư Jim Al-Khalili, nhà vật lý nghiên cứu, của Đại học Surrey nói rằng ông muốn thảo luận về trí tuệ nhân tạo và cách nó có thể thay đổi cuộc sống hằng ngày cũng như nhận thức của chúng ta về ý nghĩa của con người.

Ông nói, trí tuệ nhân tạo đã “làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn”, thậm chí đến mức “chúng ta nhanh chóng quên đi rằng mọi chuyện sẽ như thế nào nếu không có nó”. Tuy nhiên, ông cho rằng, nó không làm chúng ta bớt là người hơn chút nào.

Giáo sư Al-Khalili nhấn mạnh, trở thành con người “không chỉ là trí thông minh, trực giác hay khả năng sáng tạo của chúng ta, tất cả những điều đó một ngày nào đó có thể sẽ được nhân lên trong trí tuệ nhân tạo”. Ông nói, trở thành con người cũng là một câu hỏi về “hành vi và sự tương tác của chúng ta với môi trường vật chất xung quanh, các mối quan hệ của chúng ta với nhau trong các cấu trúc và xã hội tập thể phức tạp; đó là nền văn hoá và niềm tin chung của chúng ta, lịch sử, ký ức của chúng ta”.

Hàn lâm viện Giáo hoàng

Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, lưu ý rằng, trong vài năm nay, Hàn lâm viện đã dành một số sự chú ý của mình đến các vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống về phá thai và an tử. Ngài lưu ý rằng bài sai mới này xuất phát trực tiếp từ bức thư Humana Communitas năm 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Tổng Giám mục Paglia nói: Trọng tâm mới này có nghĩa là phải đối diện với “sự thay đổi mang tính thời đại” mà chúng ta hiện đang trải qua. Ngài nhấn mạnh, nhân loại hiện có thể tự huỷ diệt theo ít nhất ba cách riêng biệt – qua biến đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân và các công nghệ mới nổi – và những mối đe doạ này đòi hỏi phải có những phản ứng mạnh mẽ.

Để ví dụ về kiểu phản ứng hy vọng được đưa ra, Đức Tổng Giám mục Paglia đã chỉ ra Lời kêu gọi Roma năm 2020 về Đạo đức trí tuệ nhân tạo do Hàn lâm viện điều phối và được ký bởi nhiều người, trong đó có Chủ tịch Microsoft, Phó Chủ tịch IBM, Tổng Thư ký Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc và chính phủ Ý.

Vatican News