03/01/2025

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Bạn nghĩ gì về việc Đức Giêsu dậy thật sớm để cầu nguyện ở một nơi hoang vắng, sau một ngày sa-bát làm việc vất vả? Gặp gỡ Chúa Cha có phải là một nhu cầu sinh tử đối với Đức Giêsu không? Cầu nguyện có quan trọng đối với bạn không?

Lời Chúa (Mc 1,29-39):

29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

HỌC HỎI:

  1. Đọc Mc 1,21-39. Đoạn Tin Mừng này diễn ra ở đâu? vào những ngày nào trong tuần, vào những lúc nào?
  2. Đức Giêsu chữa lành bà mẹ vợ của ông Simon bằng cách nào? Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu có thường chữa bệnh theo kiểu ấy không? Đọc Mc 1,31.41; 5,41; 6,5; 7,32-33; 8,23-25; 9,27. Chữa bệnh như thế làm nổi bật điều gì nơi Đức Giêsu?
  3. “Bà phục vụ các ngài” (c. 31). Phục vụ ở đây nghĩa là gì? Phục vụ có phải là chuyện của phụ nữ không? Đọc Mc 1,13; 9,35; 10,43.45.
  4. Đọc Mc 1,32. Tại sao khi mặt trời lặn người ta mới đem bệnh nhân đến cho Đức Giêsu?
  5. Thần ô uế có biết Đức Giêsu là ai không? Đọc Mc 1,24; 3,11; 5,7. Đâu là thái độ của nó khi gặp Ngài?
  6. Đọc Mc 1,35. Sau một ngày làm việc vất vả, tại sao Đức Giêsu đã thức dậy sớm để đi cầu nguyện?
  7. Đọc Mc 1,36-38. Tại sao Simôn và các ông khác đi tìm Ngài? Tại sao Đức Giêsu không muốn trở lại nhà của ông Simon ở Caphácnaum?
  8. Đọc cả bài Tin Mừng này, bạn có thấy Đức Giêsu có đời sống quân bình không?

GỢI Ý SUY NIỆM:

Bạn nghĩ gì về việc Đức Giêsu dậy thật sớm để cầu nguyện ở một nơi hoang vắng, sau một ngày sa-bát làm việc vất vả? Gặp gỡ Chúa Cha có phải là một nhu cầu sinh tử đối với Đức Giêsu không? Cầu nguyện có quan trọng đối với bạn không?

PHẦN TRẢ LỜI:

  1. Có thể vào buổi sáng ngày sabát, Đức Giêsu đã giảng dạy và trừ quỷ ở hội đường Caphácnaum (Mc 1,21). Rất có thể vào buổi trưa, Ngài rời hội đường và về nhà ông Si-môn ở gần đó; tại đó Ngài chữa bệnh cho bà mẹ vợ của ông Simôn, và sau đó được bà dọn bữa (Mc 1,29-31). Vào buổi chiều, lúc mặt trời lặn, khi ngày sabát chấm dứt, người ta mới được phép di chuyển và đem các bệnh nhân đến với Đức Giêsu (Mc 1,32). Ngài đã chữa bệnh và trừ quỷ cho nhiều người. Không rõ Ngài đã làm việc đến mấy giờ tối. Chỉ biết là sáng sớm hôm sau, tức ngày thứ nhất trong tuần (đối với chúng ta, đó là ngày Chúa nhật), Ngài đã thức dậy sớm để đi cầu nguyện ở nơi hoang vắng (Mc 1,35). Toàn bộ đoạn Tin Mừng Mc 1,21-39 thường được gọi là Một Ngày làm việc của Đức Giêsu ở Caphácnaum.
  2. Đức Giêsu chữa bà mẹ vợ của Simôn bằng cách lại gần giường bà nằm, cầm lấy tay bà mà nâng dậy. Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu thường chữa bệnh bằng bàn tay của mình. Ba lần Ngài cầm bàn tay và nâng dậy một người đang nằm, đó là mẹ vợ của Simôn (1,31), con gái ông trưởng hội đường (5,41), và đứa con trai của một người cha (9,27). Ngài chữa bệnh bằng cách đụng tay vào người phong (1,41); hay đặt tay trên bệnh nhân (6,5; 7,32-33; 8,23.25). Cách chữa bệnh như thế cho thấy sự gần gũi thân thương, đồng thời cũng cho thấy quyền năng của Thiên Chúa thi thố qua bàn tay Đức Giêsu.
  3. Sau khi được chữa lành, bà mẹ vợ của Simôn đã phục vụ các ngài (câu 31cd). Phục vụ ở đây (diakonéô) có thể hiểu là chuẩn bị bữa ăn trưa đãi khách. Tương tự như thế, trong Tin Mừng Máccô, ta thấy các thiên thần đến phục vụ Đức Giêsu nơi hoang địa sau khi Ngài ăn chay trong một thời gian dài và cảm thấy đói (Mc 1,13). Tuy nhiên, phục vụ không phải chỉ là việc bếp núc và dọn bữa ăn. Từ này có nghĩa rộng hơn nhiều. Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ phải là người phục vụ cho mọi người, chứ không phải là người thống trị với quyền uy (Mc 9,35; 10,43). Và chính Ngài cũng nói rõ mục đích của đời mình là phục vụ đến hiến mạng sống cho muôn người (Mc 10,45).
  4. Đối với người Do-thái, một ngày mới bắt đầu lúc mặt trời lặn. Vào ngày sabát, khi mặt trời lặn, coi như ngày sa-bát đã kết thúc và ngày thứ nhất trong tuần bắt đầu. Người Do-thái không phải giữ ngày sabát nữa, nên họ được phép đem bệnh nhân đến để Đức Giêsu chữa lành. Trong ngày sabát, người ta không được phép đi xa quá khoảng một cây số, không được làm việc, nên khi hết ngày sa bát, những người ở xa có thể khiêng bệnh nhân đến mà không sợ lỗi luật. Cũng nên nhớ ngày sa-bát không phải là ngày được phép chữa bệnh. Chỉ được chữa những bệnh nguy tử thôi.
  5. Trong Tin Mừng Máccô, thần ô uế (= quỷ) biết Đức Giêsu là Nó biết Ngài là người ở vùng Nadarét (Mc 1,24), là Đấng Thánh của Thiên Chúa (1,24), là Con Thiên Chúa (3,11), và là Con Thiên Chúa Tối Cao (5,7). Như thế nó biết rõ và biết đúng về căn tính của Đức Giêsu. Nhưng không phải vì biết như thế mà nó ở thế thượng phong. Trái lại, nó tỏ ra sợ hãi khi thấy sự hiện diện của Đức Giêsu. Ngài làm nó khiếp sợ và thấy mình bị đe dọa. Nó thường phủ phục trước mặt Ngài (Mc 3,11), ngay cả khi Ngài chưa làm gì nó. Bằng một lời nói, như ra lệnh, Đức Giêsu có quyền đuổi nó ra khỏi người nó ám (Mc 1,25; 5,8), khiến nó cảm thấy bị Ngài hành hạ và tiêu diệt (Mc 1,24; 5,7).
  6. Sau một ngày vất vả với việc giảng dạy, chữa bệnh và trừ quỷ, vào sáng sớm tinh sương, Đức Giêsu đã thức dậy, đi ra một nơi vắng và cầu nguyện ở đó (Mc 1,35). Ngài coi trọng việc cầu nguyện. Ngài có nhu cầu gặp gỡ Cha, Đấng đã sai Ngài. Ngài cần được Cha ban ánh sáng và sức mạnh để phục vụ con người. Ngài đến nơi vắng người để dễ gặp Cha hơn. Ngài gặp Cha ngay từ sáng sớm để có sức sống cho cả ngày. Tin Mừng Máccô còn nói Đức Giêsu cầu nguyện ở hai chỗ khác (Mc 6,46; 14,32-39).
  7. Simôn và các bạn đổ xô đi tìm Thầy (Mc 1,36-37), lý do là vì vẫn còn nhiều người đang chờ được Đức Giêsu chữa lành và trừ quỷ. Chắc họ phải mất một thời gian mới biết Thầy của mình đang cầu nguyện ở đâu. Nhưng Đức Giêsu từ chối không muốn trở lại nhà của ông Simon ở Caphácnaum. Ngài không tìm sự nổi tiếng. Sứ mạng chính của Ngài là rao giảng và khai mở Nước Thiên Chúa cho mọi nơi. Bởi đó Ngài còn phải dành thời gian cho những làng mạc và tỉnh thành khác nữa ở vùng Galilê.
  8. Đọc Mc 1,21-39, ta thấy đây là một ngày sa-bát tiêu biểu của Đức Giêsu. Buổi sáng Ngài đi đến hội đường, giảng dạy, rồi trừ quỷ ở đó. Sau đó, Ngài về nhà ông Simôn, chữa bệnh cho bà nhạc mẫu của ông, rồi nghỉ ngơi ăn uống. Vào lúc mặt trời lặn, hết ngày sa-bát, thì Ngài bắt đầu chữa bệnh và trừ quỷ. Sáng sớm hôm sau, Ngài đi cầu nguyện ở nơi hoang vắng một mình, rồi tiếp tục hành trình rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa ở những nơi khác. Đức Giêsu biết kết hợp hài hòa việc phục vụ dân chúng với việc gặp gỡ Thiên Chúa Cha. Ngài không ngại đến với đám đông ồn ào, nhưng Ngài cũng Ngài quý sự tĩnh lặng trầm tư. Ngài thích cầu nguyện với Cha ở chỗ vắng, chứ không chỉ mải mê làm việc của Cha. Ngài có cái nhìn bao quát về cánh đồng sứ vụ mênh mông, nên cũng không muốn đóng đô ở một nơi nào, dù đang gặp thành công ở đó. Ngài sẵn sàng ra đi mà không vương vấn. Ngài là mẫu về sự quân bình về nhiều mặt cho các môn đệ sau này.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện: