23/12/2024

Chúa Nhật III TN B 2024 – Chúa Nhật Lời Chúa: Loan báo và sống Lời Chúa

Chúa Nhật III TN B 2024 – Chúa Nhật Lời Chúa

Loan báo và sống Lời Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật III Thường Niên đã được ĐTC Phanxicô đặt là Chúa Nhật Lời Chúa qua Tông thư dưới dạng Tự sắc “Aperuit illis” (Người mở trí cho các ông), công bố ngày 30/9/2019, để kỷ niệm 1600 năm ngày qua đời của thánh Hierônimô. Mục đích là nhằm giúp toàn thể Giáo Hội tái khám phá tầm quan trọng của Lời Chúa trong phụng vụ cũng như trong đời sống người Kitô hữu. Giáo Hội cũng đang cử hành tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất, từ ngày 18-25 tháng Giêng. Các giáo hội Công giáo, Chính thống giáo, Tin Lành hay Kháng cách giáo và Anh giáo đều tập trung vào việc loan báo và sống Lời Chúa.

Vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu thái độ của người tín hữu Công giáo hiện nay đối với Lời Chúa và cần làm thế nào để sống và loan báo Lời Chúa trong đời mình.

1. Thái độ đối với Lời Chúa hiện nay

Hiện nay các giáo hội Kitô đều có chung nhận định rằng các tín hữu đang sa sút lòng đạo đối với Lời Chúa trong phụng vụ cũng như trong đời sống hằng ngày. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân: bắt nguồn từ nội tâm người tín hữu cũng như do các hoàn cảnh xã hội và môi trường bên ngoài.

Thứ bảy tuần XXX thường niên

Thật vậy, tín hữu ngày nay không còn phải là những nông dân hay thợ thủ công như cách đây vài thế kỷ. Thời đó, họ có đời sống rất ổn định, lao động theo mùa, nên dễ tập trung cho việc sáng lễ chiều kinh và Lời Chúa cũng dễ đi vào lòng người để suy niệm và sống mỗi ngày.

Trái lại, ngày nay đa số tín hữu sống trong các đô thị hay thành phố lớn, tâm trí lúc nào cũng căng thẳng với việc học hành và lao động cho đến tận đêm khuya. Sau giờ làm việc, ai cũng muốn theo dõi thời sự, nghỉ ngơi, giải trí bằng những phương tiện truyền thông hiện đại như báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện thoại, mạng internet. Nhiều người thậm chí chẳng còn giờ nghĩ đến Chúa vài ba phút trong ngày sống hoặc đọc vài ba kinh trước khi ngủ đêm.

Vào dịp nghỉ cuối tuần như thứ Bảy, Chủ Nhật, người ta thường có chương trình đi mua sắm thực phẩm, đồ dùng cho suốt tuần, hoặc đi xa để du lịch, gặp gỡ người thân, bạn bè. Nếu có phải đi dự lễ theo đúng luật thì người ta chỉ mong sao cho Thánh lễ gọn gàng, nhanh chóng, đúng giờ để kịp làm các việc khác. Bài giảng lễ nào kéo dài trên 15 phút là người ta cảm thấy khó chịu ra mặt. Ca đoàn nào hát lâu hơn ít phút là họ bực bội, khiến nhiều khi linh mục chủ tế còn phải xin lỗi tín hữu, vì làm mất thời giờ quý báu của họ.

Trong khi Chúa là chủ của thời gian và sự sống, nhưng người ta lại keo kiệt, tiếc rẻ với Ngài từng phút dự lễ, nguyện cầu. Nhiều tín hữu thích dự lễ với các cha nào giảng ngắn, làm lễ nhanh, ca đoàn hát hay nhưng gọn gàng. Thậm chí có người còn bỏ ra về sớm khi đến phần rước lễ, vì họ chẳng cần đến Chúa như lương thực thiêng liêng, chẳng cần Chúa chúc lành vào cuối lễ vì nghĩ rằng toàn thể những gì họ có đều do họ làm ra!

Trước những thái độ xem thường Lời Chúa như vậy, nhiều linh mục chiều theo giáo dân, chẳng còn động lực để dọn bài giảng cho phù hợp với đời sống đức tin và hoàn cảnh xã hội, mà chỉ lấy những bài giảng dọn sẵn trên mạng truyền thông. Ca đoàn cũng chẳng còn hứng thú để hát hay và hát đúng theo Lời Chúa của từng ngày lễ. Nhiều tín hữu hình như cảm thấy buổi lễ Chúa Nhật như một gánh nặng bất đắc dĩ phải mang, để không phạm tội mất lòng Chúa. Người ta không còn cảm thấy vui vẻ, hãnh diện, thích thú dự lễ để được gặp Chúa và gặp nhau như thời xa xưa. Nhiều người trẻ không chấp nhận như vậy nên đã bỏ lễ ngày Chủ Nhật.

Nhiều tín hữu không còn nhận ra bàn tiệc Lời Chúa trong Thánh lễ với những bài Thánh Kinh, với phần đáp ca và Allêluia, với bài giảng và lời cầu nguyện chung là một toàn thể tổng hợp. Nhờ đó ta nghe được tiếng Chúa và đáp lại lời Ngài, để ta được dạy dỗ, trở thành những người con khôn ngoan, quyền năng và thánh thiện của Chúa.

Đấy là một vài nhận định để ta tìm lại ý nghĩa cho Chúa Nhật Lời Chúa.

2. Chúng ta sẽ sống và loan báo Lời Chúa như thế nào?

Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích gửi đến chúng ta một bản thông tư về Chúa Nhật Lời Chúa, ngày 17/12/2020, gồm 10 điều nhắc nhở, giúp ta ý thức về tầm quan trọng để sống và loan báo Lời Chúa.

– Trước hết, ĐTC Phanxicô nhắc nhở rằng: “Chúng ta là một dân duy nhất bước đi trong lịch sử, ghi dấu bằng sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Đấng nói với chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Ngày dành riêng cho sách Thánh không muốn chỉ là “mỗi năm một lần”, nhưng là một biến cố cho suốt cả năm. Vì chúng ta cần phải trở nên quen thuộc và thân mật với Thánh Kinh và với Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng không ngừng chia sẻ Lời mình và bẻ Bánh trong cộng đồng tín hữu. Vì thế, chúng ta phải luôn tin tưởng vào Thánh Kinh, nếu không thì trái tim ta vẫn còn giá lạnh và đôi mắt vẫn còn đóng kín, như dấu hiệu của nhiều dạng thức mù loà”.

– Các bài đọc Thánh Kinh, nhất là bài Tin Mừng, là phần Chúa ngỏ lời với chúng ta, mời gọi ta chăm chú lắng nghe. Nhiều người đi dự lễ trễ, bỏ mất 1, 2 bài Thánh Kinh làm cho tổng hợp ngày lễ bị đứt đoạn. Tốt hơn ta nên đến sớm trước Thánh lễ vài phút để chuẩn bị tâm hồn hay đọc các bản văn đó trước ở nhà để được Chúa soi sáng, dạy bảo thêm.

– Các phần đáp ca, alleluia, lời nguyện tín hữu và cả bài giảng là phần đáp lời của con người với Chúa. Ta đừng nên thụ động, ngồi yên nghe ca đoàn hát mà tích cực tham dự. Ca đoàn cũng nên sửa đổi cách chọn bài hát của mình để tất cả cộng đồng có thể hát chung, thay vì tìm bài hát mới lạ để biểu diễn.

– Bài giảng là phần đặc biệt để ta hiểu Lời Chúa và áp dụng vào đời sống thực tế trong tuần. Nhưng ta đừng quên rằng chỉ có Chúa Thánh thần, Đấng mạc khải cho các tác giả viết nên Thánh Kinh, mới ban ơn cho ta hiểu được và sống Lời Chúa cho đúng đắn. Vì thế ta cần cầu nguyện với Ngài.

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A

– Điểm quan trọng nhất được các Đức Giáo hoàng Bênêđiíctô XVI và Phanxicô nhắc đến nhiều lần là “Lời Chúa không phải là những chữ viết trong cuốn Thánh Kinh, những câu nói thuộc lòng trong sách Tin Mừng, nhưng là một con người sống động. Đó là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người” (x. Bản Đề cương Thượng Hội đồng Giám mục 2012 “Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin”, số 11). Đây chính là điểm mà các Giáo hội Chúa Kitô cần phải suy nghĩ để đạt được sự hợp nhất với nhau.

Người đang ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta. Người mới là Đấng ta cần tìm hiểu, gặp gỡ, yêu thương và kết hợp thành một thì bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể trong mỗi thánh lễ mới phát huy hết hiệu quả. Qua đó, Người mới chuyển thông cho ta tình yêu, niềm vui, sự khôn ngoan, quyền năng và sự sống diệu kỳ của chính Thiên Chúa, để ta cũng trở thành Lời sống động của Chúa cho mọi người.

Hôn nay, qua bài Tin Mừng (x. Mc 1,14-20), Chúa Giêsu cũng đã đến rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, và kêu gọi mỗi người chúng ta trở thành môn đệ của Người, như đã kêu gọi các tông đồ đầu tiên để chinh phục nhân loại: “Các bạn hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho anh chị em trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”.

Lời kết

Vậy ta có dám bước theo Chúa Giêsu trên con đường sự thật và sự sống, như bao Kitô hữu trên toàn thế giới, để đem lại hoà bình và hạnh phúc cho nhân loại đang xung đột hiện nay không?

HKK