Các Giám mục Ba Lan chống nguy cơ ly giáo tại Đức
Các Giám mục Ba Lan chống nguy cơ ly giáo tại Đức
Con đường Công nghị
Sau khi những phúc trình về nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên ở Đức trong 70 năm qua được công bố, nhiều người ở Đức nghĩ rằng cần phải cải tổ toàn diện Giáo Hội để tránh tái diễn tệ nạn đó.
Từ hơn 2 năm nay, một tiến trình do Hội đồng Giám mục và Uỷ ban Trung ương Giáo dân Công giáo Đức đề xướng, gọi là Con đường Công nghị (Synodal Weg), nhắm cải tổ Giáo Hội trong 4 lãnh vực: việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội, cụ thể là dân chủ hoá; vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức, cải tổ luân lý tính dục của Giáo Hội cho hợp thời và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành một tháng để viết một tâm thư dài 19 trang gửi toàn Giáo hội Công giáo tại Đức, nhắn nhủ hãy quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng và đừng chú trọng tới việc cải tổ cơ cấu, nhưng thư của ngài không được Giáo Hội tại đây để ý tới.
Hồi tháng 3 năm nay, Con đường Công nghị đã nhóm khóa họp cuối ở Frankfurt và thông qua một số nghị quyết theo chiều hướng trên đây.
Bây giờ, các lãnh đạo Giám mục và giáo dân tiến vào giai đoạn áp dụng những quyết định của Con đường Công nghị.
Trong hai ngày 10 và 11/11 vừa qua (2023), Uỷ ban Con đường Công nghị (Synodale Ausschuss) của Công giáo Đức đã nhóm lần đầu tiên tại thành phố Essen, bắc Đức. Trên nguyên tắc, cuộc họp gồm 27 giám mục giáo phận, cùng với 27 đại diện của Uỷ ban Trung ương Giáo dân Đức (ZdK) và 20 người khác do Đại hội của Con đường Công nghị bầu lên. Uỷ ban có nhiệm vụ chuẩn bị thành lập một Hội đồng Công nghị (Synodale Rat), trễ nhất là tháng 3/2026, qua đó các Giám mục cùng với giáo dân cùng quyết định về tài chánh cũng như việc cai quản Giáo hội Đức.
Tuy nhiên, trong cuộc họp ở Essen, có 8 Giám mục không đến dự. Người ta đặc biệt chú ý sự kiện: để vượt qua quyền phủ quyết của các Giám mục, Uỷ ban Con đường Công nghị đã đồng thanh quyết định quy luật chỉ cần 2/3 thành viên Hội đồng Công nghị chấp thuận, chứ không cần sự đồng thuận của tất cả các Giám mục giáo phận, để một nghị quyết được thông qua.
Bà Stetter-Karp, Chủ tịch Uỷ ban trung ương Giáo dân Công giáo Đức (ZdK) chào mừng quyết định này và gọi đây là “một tiến bộ lớn trong việc thăng tiến sự hiệp hành”.
Toà Thánh cảnh giác
Để thẩm định về những sự kiện trên đây, cần nhắc lại rằng hồi đầu năm nay, Toà Thánh đã lên tiếng cảnh giác các Giám mục Đức về chủ trương thành lập một cơ quan cai quản Giáo Hội, vượt lên trên các Giám mục giáo phận và Hội đồng Giám mục.
Lập trường này được Toà Thánh trình bày trong thư đề ngày 16/1/2023 gửi Đức cha Georg Baetzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, để yêu cầu chuyển tới các Giám mục Đức.
Thư được công bố tại Đức hôm 23/1 sau đó mang chữ ký của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, Đức Hồng y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và Đức Hồng y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục. Thư được Đức Thánh Cha phê chuẩn theo thể thức đặc biệt.
Thư nhắc lại câu trả lời của Toà Thánh trong tuyên ngôn ngày 21/7/2022, đó là Con đường Công nghị không có quyền đòi các Giám mục và các tín hữu chấp nhận những hình thức cai quản và những hướng đi mới về tín lý và luân lý, vì đó là một việc làm thương tổn cộng đoàn Giáo hội và sự hiệp nhất của Giáo hội”. Theo tuyên ngôn đó, các Giám mục không có nhiệm vụ tham gia công việc của Uỷ ban Công nghị.
Thư của 3 vị lãnh đạo tại Toà Thánh nhận xét rằng “Hội đồng Công nghị” tạo nên một cơ cấu lãnh đạo mới của Giáo hội tại Đức. Điều này trái ngược với đoạn số 21 của Hiến chế Tín lý “Ánh sáng Muôn dân” (Lumen Gentium) về chức năng của các Giám mục: “Khi được tấn phong, các Giám mục lãnh nhận sự trọn vẹn của bí tích truyền chức thánh mà tập tục phụng vụ Giáo Hội và các Thánh Giáo phụ gọi là chức Linh mục tối cao, và nhận lãnh thực tại trọn vẹn của thánh vụ. Việc tấn phong Giám mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai quản; tuy nhiên các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với thủ lãnh và các phần tử của Giám mục đoàn.”
Trong thư, 3 Hồng y nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn minh xác: Con đường công nghị, cũng như bất kỳ cơ quan nào do Con đường này lập nên, và không một Hội đồng Giám mục nào có thẩm quyền thiết lập Hội đồng Công nghị ở cấp độ quốc gia, giáo phận hoặc giáo xứ.”
Điều trên đây phản ánh giáo luật hiện hành số 386 triệt 2 về nghĩa vụ của Giám mục trong giáo phận thuộc quyền.
Bất chấp
Tuy có sự cảnh giác rõ ràng của Tòa Thánh, nhưng nhóm chủ trương Con đường Công nghị bất chấp và thậm chí gần đây còn lợi dụng và lèo lái tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 để hỗ trợ chủ trương của mình.
Tuyên bố trong buổi khai mạc cuộc họp hôm 10/11 vừa qua (2023) ở Essen, Bà Irme Stetter-Karp, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Giáo dân Công giáo Đức, tuyên bố rằng Con đường Công nghị của Công giáo Đức liên kết chặt chẽ với Giáo hội hoàn vũ: “Đức Giáo hoàng Phanxicô khích lệ chúng ta, và chúng ta theo lời ngài, chúng ta kiên trì tiến bước. Cuộc họp hôm nay đã được hoạch địch sau Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới”. Thượng Hội đồng vừa qua ở Roma cho thấy rõ trong Giáo hội cần có những thay đổi cụ thể, rõ ràng (die-tagespost.de 10/11/2023).
Đức Tổng Giám mục Gadecki
Trong số những người mạnh mẽ cảnh giác và chống lại nguy cơ ly giáo và lạc giáo ở Đức, phải kể đến Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan Stanislaw Gadecki, Tổng Giám mục Poznan.
Ngài nhiều lần lên tiếng. Gần đây nhất là trong cuộc họp báo hôm 8/11 (2023) tại Varsava, ngài kể rằng các Giám mục Ba Lan đã phản ứng về tài liệu dài 150 trang về Con đường Công nghị của Công giáo Đức được các Giám mục nước này phân phát cho tất cả các tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 trong tháng 10 vừa qua (2023) và nhấn mạnh rằng lập trường của Con đường này không thể dung hợp với giáo huấn Công Giáo. Vậy mà, sau Thượng Hội đồng Giám mục, Đức cha Chủ tịch Georg Baetzing đã lèo lái sự thật khi nói rằng “tất cả những yêu cầu của Công giáo Đức đã được các tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục chấp nhận”.
Thư Đức Tổng Giám mục Gadecki gửi Đức Thánh Cha
Mối quan tâm của Đức Tổng Giám mục Gadecki cũng được biểu lộ qua lá thư ngài gửi Đức Thánh Cha ngày 9/10/2023, trong đó bày tỏ lo âu vì Thượng Hội đồng Giám mục kỳ thứ 16 có nguy cơ bị một số người trong Công giáo Đức lèo lái và lợi dụng để biện minh cho những chủ trương công khai đi ngược lại giáo huấn của Công giáo.
Thư của Đức Tổng Giám mục Gadecki chỉ được phổ biến trên trang mạng của hãng tin Công giáo Ba Lan Ekai hôm 15/11 vừa qua (2023) sau những tin tức về cuộc họp của Uỷ ban Con đường Công nghị ở Essen.
Trong thư, Đức Tổng Giám mục Gadecki nhắc đến những lập luận của nhóm Con đường Công nghị ở Đức để biện minh cho chủ trương cải tổ bất chấp đạo lý, truyền thống và kỷ luật của Giáo hội.
Ví dụ, lá thư có đoạn viết: “Các tác giả của văn kiện (của nhóm chủ trương Con đường Công nghị) chờ đợi rằng ngoài Bí tích Hôn Phối, Giáo hội còn nhìn nhận như là tốt đẹp và dẫn tới sự thánh hoá, cả những loại “kết hợp tự do”, các cuộc kết hôn dân sự, kết bạn dân sự, các cặp đồng phái,… Theo ý họ, việc xã hội chấp nhận sự kết hiệp đó phải được biểu lộ trong phụng vụ của Giáo hội. Khi nghe điều đó, điều quan trọng là nhớ rằng, xét vì năng động của tiến trình này được nhìn trong thế giới đời, luật pháp về sự kết hiệp dân sự chỉ là bước thứ nhất tiến đến “hôn nhân cho tất cả mọi người” (marriage for all). Tình trạng trống luật (vacatio legis) nghĩa là một quyết định hôm nay và chỉ được áp dụng vào tháng 3/2026 nhắm làm suy yếu sự chống đối từ phía các tín hữu.”
“Theo Con đường Công nghị Đức, toàn thể giáo huấn của Giáo hội về giống (Gender) phải hoàn toàn thay đổi, vì nó không tương ứng với sự tự hiểu biết của những người chuyển giới. Họ nói giáo huấn đó của Giáo Hội chỉ chứa đựng những “ngụ ý”, ám chỉ (insinuations) bóng gió. Họ cũng yêu cầu giải thích lại Kinh Thánh, kể cả Sách Sáng thế đoạn 1,27.
Và Đức Tổng Giám mục kết luận trong thư gửi Đức Thánh Cha:
“Trong tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, với lòng con thảo và tôn trọng sứ vụ tông đồ của đấng kế vị Thánh Phêrô và đồng thời với mối quan tâm và đau buồn về những quyết định của Con đường Công nghị Đức, con muốn xin Đức Thánh Cha để ý đến những luận đề cực đoan không thể chấp nhận được và phản Công Giáo của Con đường Công nghị, tin tưởng rằng kho tàng tông đồ mà Đức Thánh Cha là người được uỷ thác gìn giữ sẽ nguyên vẹn.”
Giuse Trần Đức Anh, OP
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-11/giam-muc-ba-lan-chong-nguy-co-ly-giao-tai-duc.html