23/12/2024

Chúa Nhật XXXII TN A 2023: Sống sao cho đáng

Chúa Nhật XXXII TN A 2023

Sống sao cho đáng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong những tuần cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về những điểm chung kết trong đời sống con người. Chúng ta đã suy niệm tuần trước về con người là ai với thể xác kỳ diệu và tinh thần mở ra đến vô biên để luôn gặp được Cha Trên Trời và hoà nhập với muôn loài. Ngày lễ các linh hồn, ta tìm hiểu chết là gì để có thể vượt qua nó và sống hào hùng.

Tuần này, qua dụ ngôn các trinh nữ cầm đèn đón chàng rể trong tiệc cưới, chúng ta cũng chuẩn bị gặp Đức Giêsu, khi bước qua ngưỡng cửa của cái chết, để hy vọng sống mãi với Người trong hạnh phúc và niềm vui (x. Mt 25,1-13). Muốn được như vậy, thánh Phaolô nhắc nhở phải đặt trọn “niềm tin vào Đức Giêsu đã chết và sống lại” vì chúng ta (x. 1Ths 4,13-14) và “sống khôn ngoan để đạt được sự minh mẫn toàn hảo và vượt qua mọi lo âu” (x. Kn 6,12-16) như Bài đọc I nhắc nhở. Tuy nhiên, sống ở trên đời ta sẽ gặp thấy:

1. Những thái độ sống khác nhau

Các bài Thánh Kinh giới thiệu cho ta những loại người có các thái độ sống khác nhau: người khôn, kẻ dại; người vui, kẻ buồn; người hy vọng, kẻ thất vọng… Vì họ có những nhận thức khác nhau về cuộc sống nên cuối cùng họ cũng nhận được những kết quả và giá trị khác nhau.

Trước hết, có những người không tin có sự sống vĩnh hằng sau khi chết. Họ chỉ nhận thức được giá trị của vật chất, nên họ chỉ muốn học hành, làm việc, kiếm thật nhiều tiền để hưởng thụ, ăn chơi. Đó là vì họ thấy mọi người khi chết đều phải bỏ lại tất cả những gì mình kiếm được trong cuộc đời trần thế. Do đó họ không có niềm hy vọng. Họ tự cho mình là những người sống theo chủ nghĩa hiện sinh, vô thần, duy vật.

Nhiều người lên án kiểu sống này, cho đó là sống tủi nhục, ngu si, nô lệ cho những bản năng thấp hèn. Nhà ái quốc Phan Bội Châu đã gửi lời tâm huyết cho họ rằng:

Sống tủi làm chi đứng chật trời,
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai,
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười,
Sống tưởng công danh không tưởng nước,
Sống lo phú quý chẳng lo đời,
Sống mà như thế đừng nên sống,
Sống tủi làmchi đứng chật trời!

Tuy nhiên, chúng ta không có quyền phán xét người khác vì họ được quyền tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm về hành động của mình (x. Ga 4,12). Chỉ có Thiên Chúa mới là thẩm phán tối cao, vì Ngài đã tạo dựng nên họ và thấy rõ mọi bí ẩn trong lòng con người, cũng như thấy rõ mọi hoàn cảnh khiến họ đã chọn lựa kiểu sống đó. Ngài sẽ ban đủ ân huệ cần thiết để giúp họ nhận ra những sai lầm và khờ dại của mình.

Tiếp theo, có những người chỉ tập trung vào đời sống hiện tại, cho rằng sống là phải học hành để có kiến thức, có bằng cấp, có việc làm ổn định để có địa vị cao trong xã hội. Nhờ đó mới có đủ điều kiện để ăn ngon, mặc đẹp, có nhà cao cửa rộng, lập được gia đình với chồng giỏi, vợ đẹp, con khôn. Đời thành công như thế mới là đáng sống. Sống như thế mới là khôn.

Trong thực tế của đời sống, do sự phân công của xã hội cũng như do sự bất bình đẳng sẵn có của mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, không phải ai cũng đều khôn ngoan, thông minh như nhau, ai cũng đều làm giám đốc điều hành như nhau. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa mới biết những giá trị của mỗi con người và công nhận trong sự phán xét cuối cùng của Ngài.

Có những người dù sống bình dị, tầm thường, thấp kém như những bà nội trợ trong gia đình, những công nhân quét dọn vệ sinh, những người khuyết tật bán vé số, hay người ăn xin trong các khu chợ lại rất đáng cho ta cảm phục, tôn kính vì sự liêm chính, tốt lành, trong sáng của họ.

Cuối cùng, có những người sống hào hùng, cao thượng, tốt đẹp vì nghĩ tới tương lai của mình, của cộng đồng nhân loại để biết hy sinh vì đại nghĩa. Họ hiểu rằng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất,Phải có danh gì với núi sông”. (x. Nguyễn Công Trứ [1778-1859]). Họ sống hào hùng như những vị tướng cầm quân đánh Đông dẹp Bắc, đem lại bình an cho đất nước như lý tưởng của người xưa: “Làm trai cho đáng nên trai, Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên”.

Nhưng chúng ta thử hỏi có mấy ai nghĩ được như thế và sống được như vậy. Nhiều người sống tủi nhục, nghèo khổ, bệnh tật, day dứt mãi với quá khứ tội lỗi của mình, luôn bất mãn với hiện tại đau thương, và luôn sợ hãi với tương lai bất định của mình cũng như của thế giới, nhất là trong tình trạng hiện nay với cuộc chiến tranh hạt nhân treo lơ lửng trên đầu, có thể huỷ diệt tất cả nhân loại. Họ sống như thể trong bóng tối của tuyệt vọng mà không tìm ra con đường sáng thật sự cho đời mình.

2. Con đường sáng

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hôm nay rằng: “Chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về những ai đã an giấc ngàn thu, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đang an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1Ths 4,13-14).

Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ cho người chết sống lại để chứng tỏ rằng: Người là sự sống lại và là sự sống (x. Ga 14,6). Người ban sự sống toàn diện, hoàn hảo, siêu việt cho tất cả những ai tin vào Người (x. Ga 11,25-26).

Dụ ngôn Tin Mừng còn đưa chúng ta đi xa hơn để hiểu rằng: cả cuộc đời ta sống ở trần thế giống như các trinh nữ đón chờ chàng rể là Đức Giêsu, để Người đưa chúng ta vào tham dự tiệc cưới muôn đời trong niềm vui và hạnh phúc. Ngày Người đến với ta có thể bất ngờ vì chúng ta “không biết giờ nào, ngày nào” nên chúng ta luôn phải canh thức giống như các trinh nữ khôn ngoan dự phòng dầu cho ngọn đèn của mình. Ngọn đèn đó chính là những hành động tốt đẹp do tình yêu chúng ta dành cho Người và cho nhau.

Sẵn sàng và tỉnh thức – Giáo xứ Tân Định

Giáo Hội dạy chúng ta rằng: “Đức Giêsu Kitô đã giải đáp cho con người những vấn đề mà các nền văn hoá văn minh đã phải đối mặt về nguồn gốc của con người và vũ trụ, về mầu nhiệm hiện hữu, về đau khổ, sự dữ và cái chết, về tương lai của con người. Đồng thời Người cũng giới thiệu cho con người con đường hướng tới sự sống sung mãn mà con người đang mơ ước để mời gọi họ dấn thân” (x. TLHTXHCG, số 15).

Lời kết

Như vậy, con đường sự thật và sự sống của Đức Giêsu mở ra đến vô tận. Nó giúp ta từ nay nhìn ra muôn loài ẩn chứa sự sống lạ lùng của Thiên Chúa, để ta tôn trọng và yêu quý tất cả. Nó cũng giúp ta luôn sống trong niềm vui, hy vọng và trân trọng từng giây phút sống để mang lại ơn cứu độ cho chính mình và cho muôn loài. Amen. (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Hội nhập Văn hoá Công giáo ở Việt Nam, bài “Sống sao cho đáng”, NXB Tôn Giáo, 2023, tr.260-279).

HKK