Kỷ niệm 10 năm Tông huấn Evangelii Gaudium-Niềm vui Tin Mừng
Ngày 24/11/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông huấn Evangelii Gaudium-Niềm vui Tin Mừng, gửi đến toàn thể các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu giáo dân về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Trong tinh thần hướng tới kỷ niệm 10 năm văn kiện được công bố, chúng ta cùng nhìn lại một số điểm quan trọng của tông huấn.
Sau khi bắt gặp cái nhìn của Chúa Giêsu, các môn đệ đầu tiên ngay lập tức kể lại cho những người các ông gặp gỡ “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga 1,41). Trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng việc sẵn sàng vui mừng và ngạc nhiên của các môn đệ đầu tiên vẫn là mô hình về cách lời hứa cứu độ từ Chúa Giêsu ban cho thế giới (120).
Các điểm tham chiếu đến “lời rao giảng đầu tiên”, ngôn ngữ truyền thống của Giáo hội định nghĩa bằng cách diễn đạt tiếng Hy Lạp Kerygma, có nghĩa là lời loan báo đầu tiên, được cho là một nền tảng văn bản huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố khi bắt đầu triều Giáo hoàng của ngài nhằm đề xuất “những con đường cho Giáo hội trong những năm tới” (1). Trong những phần khác nhau của tông huấn, đặc biệt ở phần thứ tư của chương ba, với tựa đề “Loan báo Tin Mừng để đào sâu Kerygma”, Đức Thánh Cha cho thấy nguồn gốc, bản chất, những điểm đặc trưng cũng như những hoa trái của lời loan báo. Giám mục Roma đi theo bước chân của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Tông huấn Evangelii Nuntiandi: “Không có Phúc Âm hoá thực sự nếu danh tánh, lời giảng dạy, đời sống, những lời hứa, Vương quốc, mầu nhiệm Chúa Giêsu thành Nazareth, Con Thiên Chúa, không được công bố” (EN 22).
Lời rao giảng đầu tiên được Đức Thánh Cha Phanxicô tái đề xuất như một sự thật tất yếu trong tính năng động của lịch sử cứu độ. Vì thế, lời rao giảng không thể tự khẳng định, không tự tạo ra, nhưng phát sinh từ một cuộc gặp gỡ không thể tưởng tượng được, khơi dậy đức tin vào Chúa Kitô, thúc đẩy người sống kinh nghiệm này loan truyền cho người khác.
Việc loan báo Chúa Kitô luôn có một điều gì đó đến trước, phát sinh từ chứng từ mà Chúa Kitô tự hiến, trong sự biến đổi mà chính Chúa thực hiện nơi các chứng nhân của Người.
“Ở lại” trong lời rao giảng đầu tiên
Đức Thánh Cha nhiều lần giải thích: Kerygma không phải là một giai đoạn chuẩn bị để sau đó đi qua. Đây không phải là một bước giới thiệu rồi bỏ qua sau khi bắt đầu tiếp cập các cấp độ năng lực “cao hơn”. Đức Thánh Cha viết: “Khi chúng ta nói lời rao giảng được gọi là ‘đầu tiên’ không phải vì điều này xuất hiện lúc ban đầu và rồi có thể bị lãng quên hay thay thế bằng một điều gì đó quan trọng hơn. Được gọi là đầu tiên theo nghĩa phẩm tính vì đó là lời rao giảng chính, lời rao giảng mà chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng nhiều cách khác nhau, phải loan báo bằng cách này hay cách khác trong suốt tiến trình huấn giáo, ở mọi cấp độ và mọi thời điểm.” (164)
Người kế vị Thánh Phêrô khẳng định: trên hành trình đức tin Kitô, “chúng ta không được nghĩ rằng trong huấn giáo, lời rao giảng đầu tiên nhường chỗ cho một sự đào luyện được cho là “vững chắc” hơn. Không có gì vững chắc, sâu xa, bảo đảm và khôn ngoan hơn lời rao giảng cơ bản này. Mọi sự đào luyện Kitô giáo đều bao gồm việc ngày càng đi sâu hơn vào kerygma, được phản ánh trong huấn giáo và không ngừng soi sáng huấn giáo, nhờ đó nó giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn tầm quan trọng của mỗi đề tài mà huấn giáo đề cập đến” (165).
Đức Thánh Cha đề nghị trong mỗi hành vi tông đồ đích thực bao gồm các bài giảng Thánh lễ và các bài giáo lý phải vang vọng trọng tâm của sứ điệp Kitô. Về huấn giáo cũng vậy, việc loan báo đầu tiên hay kerygma có vai trò cơ bản phải là trọng tâm của mọi hoạt động loan báo Tin Mừng và mọi cố gắng canh tân của Hội Thánh. Lời loan báo đầu tiên luôn vang to trên môi miệng giáo lý viên: “Đức Giêsu Kitô yêu bạn; Người hiến mạng sống mình để cứu bạn; và bây giờ Người đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, ban sức mạnh và giải thoát bạn.” (164)
Những ai đã được rửa tội là đủ để thực hành lời rao giảng đầu tiên
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lời rao giảng đầu tiên (kerygma) không dành riêng cho “những chuyên gia kerygma”, những người sau khi đã theo học một số khoá “đào tạo”, được uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ này. Trái lại, tất cả những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội là đã đủ để thực hành lời rao giảng đầu tiên. Ngài viết: “Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo, và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một kế hoạch truyền giáo được thực hiện bởi những nhà truyền giáo chuyên nghiệp trong khi số các tín hữu khác chỉ là những người thụ hưởng thụ động.”
Đối với Đức Thánh Cha, bất cứ ai đã thực sự trải nghiệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay một sự đào tạo lâu để đi rao giảng tình thương ấy. Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô (120).
Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi “chín chắn trong công việc của người loan báo Tin Mừng” và “phải không ngừng để cho người khác loan báo Tin Mừng cho chúng ta. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải trì hoãn sứ mạng loan báo Tin Mừng; đúng hơn, mỗi người chúng ta phải tìm ra cách thức để thông truyền Đức Giêsu tại bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện” (121).
Trong khi nhìn nhận và tái khẳng định kerygma là một điều không thể chối bỏ và không thể che giấu tính năng động của ơn cứu độ, Tông huấn Evangelii Gaudium tránh gán cho tính năng động này theo cách “hành động máy móc”. Như vậy, lời rao giảng đầu tiên không “tạo ra” và không mang lại đức tin cũng như việc đi theo Chúa Kitô, nếu ân sủng không thu hút tâm hồn những người đã nghe những lời này.
Đức Thánh Cha đã giải thích rõ trong cuốn sách ghi lại cuộc phỏng vấn của ngài về việc truyền giáo: “Không có Người, chúng ta không thể làm được gì”, rằng việc lặp đi lặp lại theo từng chữ của lời rao giảng không đem lại hiệu quả, và có thể bị bỏ ngoài tai, nếu những người được nghe không có cơ hội gặp gỡ và cảm nhận một cách nào đó chính sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với họ và lòng thương xót chữa lành của Người.
Chúng ta yêu thích những gì thu hút chúng ta
Tông huấn Niềm vui Tin Mừng cũng nhắc lại một số đặc điểm luôn đi cùng với việc loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha lưu ý rằng, mọi bài giáo lý nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Tin Mừng đều được mời gọi đặc biệt chú ý đến con đường của cái đẹp, bởi vì “loan báo Chúa Kitô có nghĩa là cho thấy rằng tin và đi theo Người không chỉ là điều đúng và chính đáng nhưng còn là một cái gì xinh đẹp, có khả năng đổ đầy cuộc sống bằng sự rực rỡ mới mẻ và niềm vui sâu xa” (EG 167). Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Thánh Augustinô “chúng ta chỉ yêu cái gì đẹp” (EG 167). Bất cứ ai loan báo Tin Mừng đều được mời gọi chọn một cách tiến hành “trong đó nổi bật là sự khôn ngoan, khả năng hiểu biết, nghệ thuật chờ đợi, ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần”, sẵn sàng lắng nghe, bước đi từng bước và “dành thời gian, với sự kiên nhẫn”, bởi vì “như Chân phước Pietro Fabro đã nói, ‘thời gian là sứ giả của Thiên Chúa’” (EG 171).
Evangelii Gaudium nhắc lại: “Hơn nữa, Kerygma có một nội dung xã hội rõ rệt: ở tâm điểm của Tin Mừng là đời sống cộng đoàn và sự dấn thân đối với người khác. Nội dung của lời rao giảng ban đầu có tác động đạo đức trực tiếp được quy vào đức ái.” (EG 177). Một chú thích giúp giải thoát chúng ta khỏi những phép biện chứng sai mà ngay cả trong môi trường Giáo hội cũng tách biệt và cạnh tranh hoặc thậm chí chống lại hoạt động loan báo Tin Mừng và những can thiệp xã hội vào việc thăng tiến con người, tuyên xưng đức tin và các hoạt động thương xót và bác ái.
Kerygma và tiếp thị
Tông huấn Niềm vui Tin Mừng nhắc nhở nhiều lần rằng sứ vụ loan báo Tin Mừng có tầm nhìn là sự bình thường của cuộc sống hằng ngày, với những dấn thân và điều kiện của nó. Đó là việc “đem Tin Mừng đến với những người chúng ta gặp gỡ, dù họ là những người lân cận hay hoàn toàn xa lạ với chúng ta”. Và điều này có thể xảy ra “ở bất kỳ nơi nào, trên đường phố, tại các quảng trường, tại nơi làm việc, lúc đi đường” (EG 127). Cùng với những đặc điểm khác, chú thích này cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại, chứng thực rằng việc loan báo Tin Mừng về bản chất không thể so sánh được với các chiến lược bán sản phẩm hoặc phổ biến ý tưởng và các định dạng văn hoá được phát triển bởi các hệ thống kỹ thuật quản lý. Sự năng động được Evangelii Gaudium đề xuất đưa mọi sự trở lại với tính năng động cơ bản qua đó việc loan báo Tin Mừng lan truyền khắp thế giới, “từ người này sang người khác”. Không phải cách các ý tưởng được lan truyền, nhưng con đường Bí tích. Việc quay trở lại các nguồn mạch sống dường như khác xa với một số chiến lược “tiếp thị mục vụ” cố gắng bắt chước “các phương pháp hay” của các công ty và chiến dịch quảng cáo, luôn trong tình trạng trì hoãn tốn nhiều công sức và thảm hại hàng thập kỷ so với thời điểm của thế giới.