23/11/2024

Chúa Nhật XXII TN A 2023: Hiểu trọn vẹn về Chúa Giêsu Kitô

Chúa Nhật XXII TN A 2023

Hiểu trọn vẹn về Chúa Giêsu Kitô

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Dù được Đức Chúa Cha mạc khải và Chúa Giêsu đã giải thích rõ ràng nội dung lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nhưng Phêrô cũng như rất nhiều người tín hữu chúng ta vẫn chưa hiểu trọn vẹn về Đức Giêsu để có thể bước theo Người. Tại sao lại như thế và muốn hiểu trọn vẹn về Người, chúng ta phải làm gì?

1. Chúng ta chưa hiểu trọn vẹn về Đức Giêsu Kitô

Thật vậy, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, nghĩa là Người được xức dầu để làm vua, làm tư tế, làm tiên tri, nhiều người chúng ta hầu như chỉ biết một nửa nội dung các yêu cầu đó.

Chúng ta muốn được chia sẻ vinh quang, uy quyền và chiến thắng của vua Giêsu, nhưng lại không muốn chiến đấu cách dũng cảm và ác liệt với đầy những thương tích trên mình như Người. Hiểu Đức Giêsu là tư tế, chúng ta muốn dâng một hiến lễ quý giá như tư tế cấp cao trong ngôi thánh đường đẹp đẽ, nhưng lại quên mình là một lễ vật toàn thiêu, giống như Đức Giêsu dâng trên bàn thờ thập giá, tủi nhục, trần trụi, cô đơn mà thánh Phaolô nhắc nhở trong Bài đọc II hôm nay (x. Rm 12,1-2). Chúng ta muốn làm tiên tri để loan báo những lời uy quyền như Đức Giêsu cho gió yên biển lặng, bánh cá hoá nhiều, cho người bệnh được lành, người chết sống lại, nhưng ta lại không thở được Thần Khí của Người. Vì thế lời ta nói chỉ làm vui tai con người, chứ không đẹp lòng Thiên Chúa và không có hiệu quả thiêng liêng, không chỉ cho họ con đường sự thật và sự sống. Chúng ta muốn loan báo Đức Giêsu là Con một Thiên Chúa, đến đem sự sống kỳ diệu và ơn cứu độ phi thường cho muôn loài, nhưng ta lại không gắn bó với Người, để Người chuyển thông cho ta sự sống, tình yêu và quyền năng vô tận của Thiên Chúa.

Vì thế, để giúp ta loan báo Người cách trọn vẹn, Đức Giêsu đã tỏ cho các môn đệ biết một Đức Kitô toàn diện “sẽ phải chịu nhiều đau khổ, do những kẻ cầm quyền cả đạo lẫn đời là các kỳ mục, tư tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết nhục nhã trên thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Người mời gọi những ai muốn theo Người để tiếp tục công trình cứu độ, muốn trở thành nhà cách mạng thay đổi thế giới “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Khi chúng ta không dám từ bỏ cuộc sống tạm bợ mà ta đang bám víu vào để tìm đạt lợi danh, quyền lực, chúng ta sẽ mất nó và chẳng cứu được mình. Còn ai dám hy sinh sự sống ở trần thế vì Chúa Giêsu và vì công trình cứu độ của Người, thì sẽ nhận được sự sống tuyệt vời, vĩnh hằng và kỳ diệu của Thiên Chúa.

Đó là Đức Kitô, Con Thiên Chúa trọn vẹn, mà mỗi người chúng ta, giống như tiên tri Giêrêmia, đã bị quyến rũ (x. Gr 20,7-9). Chúng ta để cho Người quyến rũ vì Người là người yêu tuyệt vời của chúng ta. Khi ta bị khuất phục bởi quyền năng và tình yêu bao la của Người để trở thành người tình của Thiên Chúa, ta mới dám đón nhận tất cả những sỉ nhục, nhạo cười, phỉ báng trong sứ mệnh cũng như trong ơn gọi của mình giống như Giêrêmia.

2. Nhưng tại sao ta lại hiểu Đức Kitô nửa vời như vậy?

Thế giới hiện nay có 2,6 tỉ người theo Kitô giáo, trong số 8 tỉ người sống trên trái đất, nghĩa là họ có biết Đức Giêsu. Nhưng nếu có ai hỏi các Kitô hữu đó rằng “Đức Giêsu là ai”, thì ta sẽ nghe rất nhiều câu trả lời khác nhau, tuỳ theo trình độ hiểu biết về giáo lý và kinh nghiệm đời sống của từng người. Việt Nam có khoảng hơn 7 triệu người Công giáo. Họ có thể nói “Đức Giêsu là ai” theo lời Kinh Tin Kính thường đọc mỗi ngày Chúa Nhật. Còn đối với 92 triệu người khác ở Việt Nam, hầu như ít người biết Đức Giêsu là ai.

Nguyên nhân là vì tên Giêsu và những gì liên quan tới Đức Giêsu rất ít được các hệ thống truyền thông xã hội như báo chí, truyền thanh, truyền hình trong nước nhắc đến. Một thí dụ cụ thể là bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam giá trị nhất hiện nay, với hơn 4000 trang sách khổ lớn, do 300 nhà khoa học văn hoá hàng đầu của đất nước biên soạn, trong đó có tiểu sử cả ngàn nhà khoa học, văn hoá, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, nhưng không nói một chút nào về Đức Giêsu. Việc im lặng này quả thật là bất công đối với người đóng góp nhiều giá trị cho nhân loại và thế giới.

Điều nên làm là chúng ta hãy đối xử công bằng với Đức Giêsu, hãy giúp cho người Việt Nam và các bạn trẻ Việt Nam biết đến Đức Giêsu, vì càng biết về Người, ta càng sống đúng giá trị làm người và làm con cái Thiên Chúa, vì Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa làm người. Càng biết Đức Giêsu, người ta càng muốn sống hào hùng, tươi đẹp, phi thường để giúp cho mình và dân tộc Việt Nam tốt đẹp, vững bền mãi mãi, nhất là trong ước muốn hoà nhập với cộng đồng thế giới như hiện nay qua các hiệp định thương mại mới ký kết gần đây. Trong tinh thần đó chúng tôi đã viết tóm tắt ít điều về Đức Giêsu và trình bày về Người trong cuốn Hội nhập Văn hoá Công giáo ở Việt Nam mới được xuất bản trong tháng 8 vừa qua.

C:\Users\DELL i7\Downloads\2023\Bìa cuốn HNVHOVN.JPG

3. Muốn hiểu trọn vẹn về Đức Giêsu Kitô ta phải làm gì?

– Để hiểu Đức Giêsu thật sự là ai, người ta có thể đọc trong hàng ngàn cuốn sách viết về Người, trong đó Thánh Kinh là cuốn sách vẫn được in và đọc nhiều nhất trên thế giới. Ta cũng có thể vào mạng internet, gõ từ “Giêsu Nazareth” hay “Giêsu Kitô” sẽ thấy các bài viết, bài ca, phim ảnh, tranh vẽ, tượng đà, về Người.

– Tuy nhiên, nếu thật sự muốn biết Đức Giêsu để trở thành một tín hữu, ta phải gặp được chính Người. Những cuốn sách, phim ảnh kể về một nhân vật lịch sử nổi tiếng nào đó có thể làm ta say mê, ngưỡng mộ, nhưng hầu như họ đều đã chết và ít ai có thể gặp họ. Còn Đức Giêsu vẫn đang sống và ta có thể gặp được Người. Ta chỉ biết rõ về một người nếu gặp gỡ được người đó, tiếp xúc lâu dài và sống thân mật với người đó, như cha ông ta vẫn thường khuyên: “Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân”.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI xác định: “Làm một Kitô hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay một lý tưởng cao cả, mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, mà người này mang đến cho cuộc sống của ta một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát” (x. ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est-Thiên Chúa là Tình yêu, ngày 25/12/2005, số 1).

Đức Giêsu không chỉ là một nhân vật lịch sử đã đi vào dĩ vãng. Người đang sống và muôn đời hằng sống (x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit-Đức Giêsu hằng sống, ngày 25/3/2019, số 1; số 124-129). Sau khi tự nguyện chết trên thập giá để cứu độ muôn loài, Người đã sống lại, không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian, nên Người đang sống để cho bất cứ ai tin vào Người đều có thể cảm nhận được Người, cảm nhận được ân huệ, tình yêu, sức sống thần linh, quyền năng siêu phàm của Người. Đó mới là những giá trị ta cần trong thời đại hôm nay. Chính Người đã nói với những môn đệ tin Người rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20). Rất nhiều người trong suốt dòng lịch sử đã tìm Đức Giêsu và quả thật họ đã gặp được Người.

– Cuối cùng, nếu muốn hiểu sâu xa về Đức Giêsu như người Con của Thiên Chúa, ta cần cầu nguyện, hay đúng hơn, ngỏ lời với Đấng Linh Thiêng rằng mình muốn biết, muốn gặp Đức Giêsu. Chắc chắn Đấng đó sẽ mạc khải rõ ràng cho ta về Con của mình vì Ngài yêu thương ta và rất vui vì điều đó. Đức Giêsu cũng đã nói: “Không ai biết Con, trừ ra Cha, và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và những người mà Con muốn mạc khải cho” (x. Mt 11,27; Lc 10,22).

Lời kết

Để kết thúc, ta có thể nhắc lại lời của mẹ thánh Têrêsa Calcutta, người được cả thế giới tôn vinh với giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 1979: “Đối với tôi, Đức Giêsu là Thiên Chúa của tôi, là người chồng của tôi, là sự sống của tôi, là tình yêu duy nhất của tôi, là tất cả cho những gì tôi có và là tất cả cho tôi. Amen”.