23/11/2024

Chúa Nhật XX TN A 2023: Ơn cứu độ dành cho mọi dân tộc

Chúa Nhật XX TN A 2023

Ơn cứu độ dành cho mọi dân tộc

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về ơn cứu độ của Chúa dành cho muôn dân. Bài đọc I (x. Is 56,1.6-7) gợi ý rằng: Chúa yêu thương muôn dân tộc vànhững ai gắn bó với Chúa để phụng sự Người đều được Người dẫn lên núi thánh và cho hoan hỉ nơi nhà cầu nguyện của muôn dân”. Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. Rm 11,13-15.29-32) cũng nhắc nhở mình là “tông đồ các dân ngoại”, ngài muốn cho lương dân cũng như đồng bào Do Thái của ngài được hưởng ơn cứu độ. Chính Chúa Giêsu, qua bài Tin Mừng (x. Mt 15,21-28), khi cứu đứa con gái của người đàn bà Canaan khỏi quỷ ám, đã biểu lộ tình thương của Chúa dành cho mọi dân tộc.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cộng đồng xã hội Việt Nam cũng như gia đình nhân loại, ta thử hỏi xem, qua 2000 năm loan báo Tin Mừng, ta đã mang ơn cứu độ đến cho bao nhiêu người trong thế giới.

1. Rất nhiều người chưa biết ơn cứu độ

Hiện nay thế giới có hơn 8 tỉ người, trong đó có khoảng 2 tỉ 600 triệu người tin theo Đức Kitô. Riêng Công giáo có khoảng 1 tỉ 400 triệu người, chiếm 17,7% dân số thế giới (x. Vatican News, ngày 31/12/2020). Dân số Việt Nam hiện nay có khoảng 99 triệu người, trong đó có 7,29 triệu người Công giáo, chiếm 7,21% tổng dân số (x. Báo Công giáo và Dân tộc, số 2402, ngày 27/7/2023, tr.8).

Nếu đi vào các miền quê, vùng sâu, vùng xa và ngay tại thành phố này, ta thấy rất nhiều người không biết gì về ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Ở khắp nơi, người ta vẫn tôn thờ các vị thần tài, thổ công, thổ địa. Ba vị thần này được đặt trong một trang thờ quay ra đường để cầu được tài lộc, hạnh phúc, bình an.

Nhìn vào cộng đồng nhân loại, mỗi dân tộc tôn thờ đủ loại thần linh. Đó thường là những sản phẩm do trí tưởng tượng của con người thêu dệt nên để giải thích các hiện tượng trong trời đất hay để thúc giục người dân theo một tín ngưỡng nào đó, cho hợp với ý muốn của các người cầm quyền trị nước.

Thí dụ các vị thần của người Hy Lạp, nhất là 12 vị trên đỉnh núi Olympus ở Athena, đều bắt nguồn từ sáng tác của văn sĩ Homer vào thế kỷ VI trước Công Nguyên. Rồi sau khi chiến thắng đế quốc Hy Lạp, người Roma thay thế các vị thần đó bằng tên của dân tộc mình như thần tối cao Jupiter thay cho Zeus, vợ thần tối cao là Juno thay cho Hera, thần chiến tranh Mars thay cho Ares, thần sắc đẹp Venus thay cho Aphrodite, thần thi ca Minerva thay cho Athena… Các vị thần của Ấn Độ giáo cũng là do các văn sĩ sáng tác trong bộ kinh thư Vệ Đà hay Upanishads. Những vị thần của dân Việt như Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, Lạc Long Quân, Âu Cơ, bà chúa Liễu Hạnh… đều bắt nguồn từ cuốn Lĩnh Nam Chích Quái được cho là của tác giả Trần Thế Pháp, viết vào cuối đời nhà Trần, thế kỷ XIV, dựa trên những thay đổi của thời tiết hay những câu chuyện truyền kỳ của dân chúng.

Nhiều chùa chiền ở Việt Nam vẫn còn bày bán những cuốn sách như Hành trình về phương Đông của Spalding, Đường Mây qua Xứ Tuyết của Lạt ma Govinda, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn,… vì chúng kể nhiều câu chuyện hấp dẫn về Phật pháp, về những vị thiền sư, đạo sĩ có pháp thuật phi thường. Nhưng tất cả đều là truyện phóng tác theo trí tưởng tượng của tác giả Vũ Văn Du, bút hiệu là Nguyên Phong. Khi ông nói lên sự thật về chúng trong lời giới thiệu ở cuốn Muôn kiếp Nhân Sinh, do Nhà xuất bản First News-Trí Việt xuất bản năm 2020, thì nhiều người mới bừng tỉnh vì họ đã tưởng lầm trong mấy chục năm qua. Họ đã từng mơ ước đi vào rặng núi Himalaya để tìm được ơn cứu độ qua các nhân vật thần thoại đó.

F:\BAI GIANG 2023 A\Bia sach Hanh trinh ve phuong Dong.jpg F:\BAI GIANG 2023 A\Muon kiep nhan sinh.jpg

2. Nhiệm vụ cứu độ

Vì thế, chúng ta có nhiệm vụ phải giúp cho con người thời nay, nhất là đồng bào Việt Nam, nhận ra rằng chỉ có một Đấng Tối Cao, mà các tôn giáo hay các dân tộc gọi bằng những tên khác nhau, mới là nguồn mọi hiện hữu, còn tất cả thần tượng khác đều là hư ảo.

Hơn nữa, nhiều người thời nay chối bỏ tôn giáo vì họ xem tôn giáo giống như một thứ ma tuý mê hoặc quần chúng. Họ thấy nhiều tín đồ mê tín đã dồn tất cả quyền lực và vinh quang cho thần linh mà đúng ra phải dành cho con người. Nhiều người trẻ, chỉ tin vào khoa học vì nghĩ rằng khoa học kỹ thuật có thể giải đáp được mọi vấn đề. Vì thế, muốn giúp họ nhận biết và yêu mến Thiên Chúa để được cứu độ, chúng ta cần phải nghiên cứu những khám phá mới nhất của khoa học để chứng minh sự hiện hữu và tình yêu của Ngài.

Chỉ từ năm 2005, người ta mới biết con người tinh khôn (homo sapiens) xuất hiện vào khoảng 195.000 năm ở Ethiopia thay vì 40.000 năm ở hang Cromagnon bên Pháp nhờ phương pháp so sánh protein và ADN của các loài (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2014, tr.12-15). Người ta mới biết cấu trúc ADN gồm 3 tỉ base của giống người đồng nhất với nhau, dù chúng ta khác nhau về màu da, màu tóc và hình thể bên ngoài.

Mỗi loài mỗi vật theo cấu trúc riêng đó đều phải do Đấng Tạo Hoá dựng nên, chứ không bao giờ do vật chất tiến hoá ngẫu nhiên mà thành, như người ta đã lầm tưởng theo giả thuyết tiến hoá của Darwin (1809-1882) trong hơn 150 năm qua. Một cây viết chỉ có 5,6 yếu tố không thể tự sắp xếp, tiến hoá để thành một cây bút viết được. Loài tinh tinh giống con người đến 95% cấu trúc ADN (x. tr. 18), nhưng từ mấy chục triệu năm qua, không một con nào tự nhiên tiến hoá thành người. Ba tỉ yếu tố đó lại được sắp xếp thu gọn vào 23 đôi nhiễm sắc thể chứa trong từng nhân của tế bào (x. tr.16-17). Mà một thân thể trung bình con người có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào (x. tr.24)! Ôi, Thiên Chúa Tạo Hoá dựng nên chúng ta cách lạ lùng và còn cứu chuộc ta lạ lùng hơn nữa!

F:\BAI GIANG 2023 A\Bìa Atlas.jpg F:\BAI GIANG 2023 A\Cong thuc di truyen - Atlas tr 016.jpg

Nếu ta phân tích theo nguyên tố hoá học, ta lại thấy rằng các tế bào này có cấu trúc gồm những chất vô cơ như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm, mà 4 chất đầu đã chiếm đến 96% khối lượng cơ thể (x. tr.24). Chúng thay đổi không ngừng từng giây phút trong thân xác ta. Từng giây phút ta hít khí Oxy vào và thở khí Carbonic ra. Từng ngày ta đưa chúng vào qua đồ ăn, thức uống rồi lại bài tiết chúng. Các tế bào đó thay đổi hầu như toàn bộ trong vòng 6 tháng, trừ tế bào thần kinh. Nhưng thử hỏi cái gì khiến ta vẫn luôn là một con người trong khi vật chất đổi thay? Đó chính là tinh thần của ta và cũng là hình ảnh của tinh thần tuyệt đối là Thiên Chúa.

Nếu phân tích thấp hơn xuống tới mức độ phân tử, nguyên tử, điện tử của Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, ta lại thấy thân xác mình hầu như trống rỗng vì từ một nhân proton phóng to lên bằng một hạt cát, thì các âm điện tử nhỏ bé hơn cả ngàn lần xoay quanh nó theo những vòng tròn cách nhau từ 100 mét đến 195 mét. Hằng ngày nhiều tia quark từ mặt trời vẫn xuyên thấu qua thân xác ta trong khi ta tưởng mình là một khối vật chất đặc và kín.

Đặc biệt hơn cả là ta đang sống, đang biết, đang yêu. Tìm tòi trong khắp cơ thể chẳng có nơi nào chứa sự sống, tình yêu, tư tưởng, ước mơ, hạnh phúc. Chúng là những giá trị tinh thần làm thành phần hồn của ta. Vậy thì chúng bắt nguồn từ đâu? Chỉ có Thiên Chúa Tạo Hoá là nguồn mọi hiện hữu, là tinh thần tuyệt đối, mới có thể ban tặng chúng cho ta. Như thế, chính tinh thần mới định hình cho vật chất. Chính linh hồn mới cần được cứu độ để ta sống mãi mãi với Thiên Chúa trước khi vật chất ngừng biến đổi để làm nên xác thân vĩnh hằng của mỗi người, nhờ sự sống lại của Đức Giêsu Kitô.

Lời kết

Tất cả những khám phá mới của khoa học này giúp ta xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ con người. Càng thông thạo khoa học, ta càng cảm phục Chúa và càng muốn giúp mọi người tìm về nguồn ơn cứu độ là Chúa Giêsu Kitô. Amen.