23/11/2024

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN – Năm A

Bài Tin Mừng này cho thấy các môn đệ đã trải qua nhiều kinh nghiệm khác thường với Đức Giêsu. Bạn đã trải qua những kinh nghiệm sóng gió nào trong cuộc đời bạn?

Lời Chúa (Mt 14,22-33)

22 Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau : “Ma đấy !”, và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người : “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” 29 Đức Giê-su bảo ông : “Cứ đến !” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên : “Thưa Ngài, xin cứu con với !” 31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói : “Hỡi kẻ kém lòng tin ! Sao lại hoài nghi ?” 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói : “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”

HỌC HỎI:

  1. Đọc Mt 14,22. Tại sao vào lúc xế chiều, sau khi làm phép lạ nuôi dân, Đức Giêsu lại bắt buộc các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước? Đọc Ga 6,14-15.
  2. Sau khi các môn đệ đã lên thuyền và đám đông đã bị giải tán, thì còn lại ai ở vùng đó? Bạn nghĩ gì về Đức Giêsu khi đọc Mt 14,23?
  3. Đọc Mt 14,24. Bạn hãy kể ra những nỗi khó khăn vất vả, thể xác cũng như tinh thần, của các môn đệ qua câu này.
  4. Đọc Mt 14,25-27. Bạn nghĩ gì về việc Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ vào lúc canh tư? Đọc Gióp 9,8; Tv 77,20. Phản ứng của các môn đệ ra sao? Đức Giêsu trấn an họ thế nào? Đọc Xuất hành 3,14; Isaia 41,4; 43,11; 51,12.
  5. Đọc Mt 14,28. Bạn nghĩ gì về đề nghị táo bạo của Phêrô?
  6. Đọc Mt 14,29. Hai câu 28 và 29 có điểm nào giống nhau. Bạn nghĩ gì về kinh nghiệm lạ lùng của Phêrô?
  7. Đọc Mt 14,30-31. Tại sao Phêrô đang đi được trên mặt nước lại bị chìm? Đâu là lý do chính khiến ông bị chìm? Phêrô có lòng tin không? Đọc Mt 6,30; 8,26; 16,8; 17,20.
  8. Đọc Mt 14,32. Gió lặng khi nào? Khi Đức Giêsu đang đưa Phêrô về thuyền thì gió đã lặng chưa? Bạn có hình dung được cảnh Đức Giêsu đưa Phêrô về thuyền không?  Đọc Mt 14,31.

GỢI Ý SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng này cho thấy các môn đệ đã trải qua nhiều kinh nghiệm khác thường với Đức Giêsu. Bạn đã trải qua những kinh nghiệm sóng gió nào trong cuộc đời bạn?

PHẦN TRẢ LỜI:

  1. Sau phép lạ bánh hóa nhiều, lập tức Đức Giêsu đã làm hai việc: bắt buộc các môn đệ qua bờ bên kia trước, trong khi Ngài giải tán đám đông (Mt 14,22). Khu hoang vắng lại trở nên hoang vắng như trước. Chúng ta không rõ tại sao Đức Giêsu lại bắt buộc các môn đệ chèo thuyền qua bờ bên kia ngay lập tức, lúc trời đã về chiều, và đồng thời giải tán đám đông như vậy. Tin Mừng Gioan có thể gợi cho ta câu trả lời. Theo Ga 6,14-15, sau phép lạ Đức Giêsu nuôi một số người đông đảo chỉ với mấy ổ bánh, dân chúng tin Ngài chính là Vị Ngôn sứ được hứa trong sách Đệ nhị luật 18,15-18, và là một vị Vua được Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân Israen khỏi đế quốc Rôma (2 Samuen 7,12-17). Vì tin như thế, họ trở nên cuồng nhiệt và muốn tôn Ngài lên làm vua. Một số môn đệ nhiều tham vọng chắc cũng muốn như vậy. Nhưng làm vua không phải là sứ mạng Cha trao cho Ngài, vì thế Đức Giêsu đã từ chối bằng cách bắt các môn đệ và dân chúng phải giải tán.
  2. Sau khi bắt môn đệ lên thuyền qua bờ bên kia và giải tán đám đông, nơi hoang vắng giờ đây chỉ còn một mình Đức Giêsu. Ngài lên núi cầu nguyện riêng. Và khi chiều tối Ngài vẫn ở lại đó một mình (Mt 14,23). Điều làm chúng ta thán phục là Đức Giêsu có thể dễ dàng đi từ ồn ào sang tĩnh lặng, từ thành công vang dội sang cầu nguyện trầm lắng, từ gặp gỡ và phục vụ đám đông sang một mình gặp gỡ và trò chuyện riêng tư với Thiên Chúa. Phép lạ Ngài mới thực hiện không làm Ngài tự hào hay bị lôi cuốn vào hư danh, nhưng lại đưa Ngài về gặp Cha. Ngài siêu thoát đi từ hoạt động sang chiêm niệm.
  3. Thuyền của các môn đệ gặp gió ngược, bị sóng đánh, nên cả đêm họ phải chèo chống rất vất vả. Họ không thể quay trở lại bờ, vì thuyền đã đi được nhiều dặm (Mt 14,24). Họ lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Họ đã vâng lời Thầy lên thuyền qua bờ bên kia trước, nào ngờ gặp sóng gió giữa đêm đen, mà Thầy lại không ở trong thuyền với họ. Họ có thể đặt câu hỏi: Tại sao Thầy bắt họ qua bờ bên kia ngay trong đêm, khi chẳng có việc gì gấp gáp cần giải quyết?
  4. Đến canh tư (khoảng 3-6 giờ sáng), Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ (Mt 14,25-26). Cách đến lạ lùng này của Thầy khiến họ hoảng hốt và la lên vì sợ hãi. Họ tưởng mình gặp ma (phantasma). Cựu Ước coi quyền đi trên mặt biển là quyền của Thiên Chúa. Ngài đạp trên ba đào biển cả (Gióp 9,8), và Ngài đi băng qua biển cả (Tv 77,20). Như vậy Đức Giêsu làm được điều Thiên Chúa làm, nhưng các môn đệ không nhận ra ngay vì quá khiếp sợ. Đức Giêsu trấn an, và cho họ biết “Đây chính là Thầy” (egô eimi). Lối nói này cũng được Thiên Chúa dùng để nói về mình ở Xuất hành 3,14; Isaia 41,4; 43,11; 51,12.
  5. Đề nghị của Phêrô ở Mt 14,28 là một đề nghị táo bạo, vì lúc ấy trời chưa sáng hẳn, chưa thấy rõ mặt người. Khi nói câu: “Nếu quả là Thầy…” Phêrô không chắc đây có thật là Thầy của mình không. Vậy mà ông dám xin đi trên mặt nước như “người ấy”. Ông tin rằng nếu đúng là Thầy, thì chỉ cần Thầy truyền lệnh, thế nào mình cũng làm được như Thầy, đó là đi trên nước mà không chìm. Thầy đi được thì trò cũng đi được. Thầy chẳng những có quyền đi trên nước, mà còn có thể cho môn đệ quyền đó nữa.
  6. Đọc Mt 14,28-29 ta thấy có những cụm từ giống nhau. Phêrô xin “đến với” người đang đi trên mặt nước. Khi người đó bảo ông “Hãy đến!”, ông đã “đến với” người ấy, bằng cách đi “trên mặt nước”. Trước đó, người ấy đã “đến với họ bằng cách đi trên mặt nước” (Mt 14,25). “Đi trên mặt nước” được nhắc lại 3 lần ở Mt 14,25.26.29. Như vậy Đức Giêsu đã đi trên mặt nước để đến với các môn đệ, và Phêrô đã đi trên mặt nước để đến với Đức Giêsu. Kinh nghiệm độc đáo của Phêrô vượt trên luật tự nhiên. Chỉ Tin Mừng Mát-thêu nói đến kinh nghiệm này. Phêrô được ơn chia sẻ quyền năng của Thiên Chúa, nhờ sự khích lệ của Thầy Giêsu.
  7. Chúng ta không rõ Phêrô đi trên mặt nước được bao xa và bao lâu. Chỉ biết khi thấy gió mạnh thì ông sợ, và khi bắt đầu chìm thì ông la lên: “Xin cứu con!”. Có thể nói gió là nguyên nhân bên ngoài khiến ông sợ và chìm. Khi đi được trên mặt nước, Phêrô tin chắc rằng người đang đi trên nước chính là Thầy Giêsu, chứ không phải là ma. Dầu vững tin như vậy, gió mạnh đã làm đức tin của ông lung lay, từ đó ông sợ và chìm. Như Phêrô, chúng ta cũng có đức tin, nhưng là đức tin yếu kém (Mt 14,31), dịch sát là “đức tin nhỏ” (oligopistis). “Đức tin nhỏ” là lối nói được Mátthêu dùng nhiều lần ở Mt 6,30; 8,26; 16,8; 17,20. Người có đức tin nhỏ thì dễ bị chao đảo khi gặp sóng gió. Thầy Giêsu đã dùng tay để cứu Phêrô khỏi chìm.
  8. Khi hai Thầy trò vào trong thuyền, gió mới lặng (Mt 14,32). Như vậy, hai Thầy trò đã đi với nhau trên mặt nước, tay trong tay, giữa cơn sóng gió. “Con Thiên Chúa” (Mt 14,33) vẫn cùng đi với chúng ta giữa những sóng gió của đời mình và của Giáo hội, miễn là ta kêu cứu Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện: