Thứ Sáu 25.08.2023
Điều Răn Quan Trọng Nhất
Đạo Công giáo được gọi là đạo yêu thương. Khi cần thâu tóm cách súc tích nhất về giáo lý của đạo Công giáo…
Thứ Sáu Tuần XX – Mùa Thường Niên
R 1,1.3-6.14b-16.22 • Tv 145,5-6a.6b-7a.7b-8.9-10 (Đ. c.1b) • Mt 22,34-40
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu
34 Khi ấy, nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” 37 Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Điều Răn Quan Trọng Nhất
Đạo Công giáo được gọi là đạo yêu thương. Khi cần thâu tóm cách súc tích nhất về giáo lý của đạo Công giáo, chúng ta ghi nhớ câu này: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà nhớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”. Yêu mến Thiên Chúa là điều trước hết và quan trọng nhất; điều “giống” và quan trọng tiếp theo là yêu mến tha nhân. Hai mặt của cùng một tình yêu tạo nên sự thực tại tròn đầy. Không thể thiếu một trong hai, không thể tách tình yêu Thiên Chúa ra khỏi tình yêu đồng loại và ngược lại. Chúa Giêsu còn dẫn chúng ta đến tận gốc rễ của giáo lý Công giáo: “Tất cả Luật Môisen và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”. Một điều răn đưa con người hướng về Chúa – về Trời; điều răn còn lại hướng con người ta chiều ngang – hướng về anh chị em xung quanh. Tư thế này giúp con người bước đi cân bằng giữa dòng đời, đồng thời loại bỏ được những bụi bặm, hốc đá dưới chân là những thứ cản trở tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.
Maria Thiên Hương
Sống Lời Chúa: Xin cho con là cánh tay nối dài của Chúa đến với tha nhân.
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam